Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

Thẻ tre tiết lộ bí ẩn nguyên nhân cái chết của Quan Vân Trường

Thẻ tre tiết lộ bí ẩn nguyên nhân cái chết của Quan Vân Trường https://ift.tt/3hYszKv

Cái chết của Quan Vũ trong trận chiến Kinh Châu với Đông Ngô đến nay vẫn khiến nhiều người băn khoăn, nuối tiếc. Nếu ông không tử nạn, có lẽ vận số nhà Thục Hán đã khác...

Quan Vũ, tự là Vân Trường, người Giải Lương, Hà Đông, là danh tướng nước Thục thời kỳ cuối Đông Hán. Là một người có tình có nghĩa, thần dũng vô song, ông đã lập biết bao công lao cho nước Thục và được gọi là "Chiến Thần". Rất nhiều câu chuyện về Quan Vũ được hậu thế lưu truyền và bàn luận đến ngày nay như “ôn tửu trảm Hoa Hùng” (rượu ấm chém Hoa Hùng), “quá ngũ quan trảm lục tướng” (qua 5 ải chém 6 tướng), “đơn đao phó hội” (một đao đến hội), “thủy yêm thất quân” (nước dìm 7 đạo quân), “quát cốt liệu thương” (cạo xương trị thương)… Những câu chuyện đi vào lịch sử ấy phần nào giúp chúng ta hiểu được Quan Vũ là người anh dũng nhường nào, xứng đáng là mãnh tướng thời Tam Quốc.

Tuy nhiên thất bại trong cuộc chiến Tương Dương - Phàn Thành năm 219 và cái chết của Quan Vũ khiến người đời sau dấy lên tranh luận không ngớt. Khi Quan Vũ dồn toàn lực lên mặt trận phía bắc đánh Tào Nguỵ, Mi Phương và Phó Sỹ Nhân ở nhà lại đầu hàng Đông Ngô, hai tay dâng Kinh Châu cho Lã Mông (đại đô đốc quân Ngô). Nhưng cuộc làm phản của hai tì tướng nhỏ ấy liệu có thể giáng đòn chí mạng cho Quan Vũ chăng? Binh lực trong tay họ không nhiều, toàn bộ văn võ Kinh Châu đã đi đâu hết? Bách tính Kinh Châu vốn chịu ơn sâu của Quan Vũ đã làm gì? Vì sao chỉ hai thành Công An và Giang Lăng hàng Ngô mà kéo theo cả 7 quận khác của Kinh Châu cũng giơ cờ trắng?

Những vấn đề này luôn khiến người ta băn khoăn không thôi. Thế nhưng các nhà viết sử, thậm chí chính La Quán Trung viết nên Tam Quốc diễn nghĩa cũng chẳng cho chúng ta bất cứ lời giải đáp nào. Thế là hậu nhân sống cách thời Quan Vũ hàng nghìn năm cứ mãi hồ nghi, mỗi người nói một kiểu, mà chẳng ai chịu phục lý lẽ của ai. Cho đến hôm nay, tức là 1800 năm sau cái chết của Quan Vũ, nhờ vào một cuốn trúc giản (sách bằng thẻ tre) được khai quật từ một "tẩu mã lâu" (một kiểu nhà gác có đường thông từ gác này ra gác ngoài) ở Trường Sa, Hồ Nam chúng ta mới biết được đầu đuôi sự việc năm đó và một phần sự thật bi thương.

Tháng 6 năm 1996, khi một đội xây dựng tiến hành thi công tại trung tâm mua sắm dưới lòng đất thuộc thành phố Trường Sa, công nhân đã đào được một cuốn trúc giản, trên đó có rất nhiều chữ. Tuy nhiên người công nhân không biết kiểu chữ này nên không hiểu trên trúc giản viết gì. Dù thế, anh vẫn nhận ra mức độ quý giá của cuốn sách, vì vậy đã lập tức giao nó cho đội trưởng đội thi công khi đó. Người đội trưởng lại giao nộp cho lãnh đạo cấp trên. Sau một vòng luân chuyển, cuốn thẻ tre được đưa đến cục di tích văn hóa thành phố Trường Sa.

Sau phán đoán sơ bộ, Cục di tích văn hóa đã điều một đội khảo cổ đến hiện trường, tiến hành khai quật sâu hơn. Họ đã phát hiện ra một loạt các thẻ tre thời nhà Hán quy mô lớn có giá trị lịch sử và văn vật vô cùng quan trọng. Sau đó, các chuyên gia đặt tên cho nhóm thẻ tre này là "Trường Sa tẩu mã lâu Ngô giản". Những thẻ tre này ghi chép lại một cách chi tiết các tình huống khác nhau ở Kinh Châu và nước Đông Ngô dưới thời Tam Quốc từ năm Gia Hòa thứ nhất đến năm Gia Hòa thứ 6 (khoảng năm 232 - 237).

Đặc biệt, cuốn thẻ tre đầu tiên được công nhân nọ phát hiện cũng được các chuyên gia giải nghĩa. Nội dung trên đó nói về thời kỳ Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu vào năm 211 và trước đó. Theo đó, Kinh Châu thời này không còn là miền đất hứa như dưới thời Lưu Biểu trị vì trước đó nữa. Sau những cuộc chiến liên miên, từ khi Tào Tháo nam hạ cho đến Xích Bích, rồi những tranh chấp quân sự giữa Ngô - Thục, Kinh Châu đã bị giày xéo quá nhiều. Nội bộ Kinh Châu bề ngoài có vẻ yên ổn nhưng bên trong đầy mâu thuẫn giữa các giai tầng: quý tộc với thường dân, quý tộc với quý tộc, nội bộ quan lại cũng không đồng lòng.

Kết hợp với những mô tả về trận đánh úp của Lã Mông vào Kinh Châu được ghi chép trong "Tam quốc chí", các chuyên gia đã đưa ra kết luận: Mi Phương và Phó Sỹ Nhân bị Lã Mông mua chuộc, dẫn đến cuộc nội chiến nghiêm trọng trong nội bộ Kinh Châu. Sau khi Quan Vũ nhận được tin, liền phái người nhanh chóng điều tra tình hình. Sau khi biết tin Kinh Châu có loạn, Lã Mông thừa cơ nước đục thả câu nhưng người nhà ở Kinh Châu của họ đều bình an vô sự, các tướng lĩnh dưới trướng Quan Vũ chẳng còn ý chí chiến đấu, tự động tan rã. Mọi chuyện về sau mọi người đều đã biết: Quan Vũ thua chạy ra Mạch Thành, viện binh của Lưu Phong, Mạnh Đạt từ chối ứng cứu, cuối cùng ông bị quân Ngô bắt và hành quyết.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại của Quan Vũ không phải do Mi Phương và Phó Sỹ Nhân đầu hàng nước Ngô, mà chính là vì những xung đột nội bộ của Kinh Châu. Mâu thuẫn này đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở Kinh Châu, khiến quân lính không còn tinh thần chiến đấu, cuối cùng bị Lã Mông của Đông Ngô tập kích.

Mặt khác cũng có thể thấy sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn, số lượng người nghèo tầng lớp thấp quá nhiều đã dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ. Mà loại mâu thuẫn này lại không cách nào giải quyết, một khi đã xuất hiện ngòi nổ, sẽ tạo thành cục diện không thể kiểm soát. Đây cũng chính là nguyên nhân thực sự cho thất bại của Quan Vũ. Trung Quốc ngày nay xã hội phân hoá giàu nghèo ngày càng trầm trọng đã đào thêm hố sâu phân cách và mâu thuẫn giữa các giai tầng. Liệu có một cuộc biến loạn như ở Kinh Châu 1800 năm trước?

Theo Sound Of Hope
Quỳnh Chi biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét