Tôi tình cờ gặp chị vào một ngày mưa bão. Chẳng hiểu vì duyên cớ gì mà trong chuyến đi Nghệ An lần này, tôi có thời gian ngồi lâu với chị, được nghe chị kể chuyện về cuộc đời mình. Chúng tôi ngồi bên nhau, bên ấm chè xanh, tâm sự say sưa, câu chuyện dài từ sáng qua trưa rồi đến chập choạng hoàng hôn mới hết. Chị nói bằng giọng xứ Nghệ nhẹ nhàng, từ tốn và nụ cười thường trực trên môi. Còn tôi thì ngồi lặng lẽ nghe chị kể, đôi lúc cũng mắt tròn, mắt dẹt, nhưng không dám ngắt lời chị, bởi câu chuyện chị kể có lúc như thật như giả, tới mức khó tin. Tôi đã xin phép chị lược ghi câu chuyện về hành trình đi tìm Đạo của chị để giới thiệu với các bạn.
Hành trình đi tìm Đạo khởi đầu từ việc lễ chùa
Tôi là Võ Thị Thảo, sinh năm 1962, ở Nghệ An, là người có niềm tin vào Thần linh. Không biết từ đâu và từ khi nào, trong sâu thẳm tôi đã có điều đó. Lúc đầu, tôi cúng tế thần linh là để mong cầu xin tài lộc và sức khoẻ. Do vậy, từ năm 1989 (tức là năm tôi 27 tuổi), tôi bắt đầu đi đến đền chùa lễ bái thần linh trong khi tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình vốn vô thần.
Tôi đã đi rất nhiều chùa để lễ Phật và cúng dường chư tăng. Ở nhà tôi cũng có bàn thờ uy nghi để đọc kinh cầu an, sám hối hàng ngày với lòng thành kính vô hạn. Các chùa từ Đèo Ngang trở ra đều có bước chân tôi viếng thăm. Hàng tháng, tôi đi lễ chùa địa phương như Chùa Đại Tuệ, chùa Diệc, Đà Liễu... Ra Tết hàng năm thì lễ các chùa từ Quảng Bình đến Yên Tử...
Không thể kể hết niềm vui trong những ngày đi chùa. Vì là Phật tử phát tâm cúng dường nên tôi được các thầy quý trọng. Mỗi lần tôi nhờ làm lễ tại gia các thầy đều nhận lời ngay. Nên tôi lại càng vui.
Hơn nữa, những năm tháng đó, tôi sống trong niềm hạnh phúc và may mắn, thuận lợi. Gia đình bình an, kinh tế khá giả, 2 đứa con trai ngoan, chồng tốt. Riêng tôi, dẫu đôi lần bị bệnh (tôi bị bướu cổ đa nhân từ lúc 15 tuổi, đau thắt tim và bệnh dị ứng da mặt quanh năm) nhưng sức khoẻ cũng gọi là tạm ổn. Tôi cho rằng, nhờ mình chăm lễ bái, chăm cầu xin nên mới được như vậy.
Đi lễ chùa nhiều nhưng đến năm 2010 thì tôi cảm thấy mình chưa gặp được ai là minh sư trong các chùa tôi đã đến. Tôi luôn mong mỏi tìm được minh sư để dẫn dắt tôi đến với Thần Phật cho đúng đường. Nhất là đã có một vài chuyện xảy ra khiến tôi phải suy nghĩ và ái ngại.
Chuyện thứ nhất, khi tôi đi lễ một chùa ở Hà Nội cùng chồng con vào đầu năm 2013. Tôi gặp Sư ông, nghe sư bày tỏ sự sân hận khi nói về việc, ban đầu, lãnh đạo tỉnh muốn Sư về trùng tổ lại một ngôi chùa ở quê tôi. Nhưng rồi khi Ban trị sự Phật giáo của tỉnh thực hiện thì họ lại thỉnh một hòa thượng khác đảm nhận việc đó. Sư nói với tôi: “trong Phật giáo giờ cũng như ngoài đời thôi cô ạ… muốn lên hoà thượng thì … thế này là xong”. (Sư dùng tay làm cử chỉ đếm tiền). Tôi ái ngại: “thầy đừng nói vậy”. Bởi tôi không muốn sư nói điều này trước mặt chồng và con tôi. Họ chưa có tín tâm vào Phật trong khi tôi thì mong muốn họ chăm đi lễ chùa như mình. Tôi rất tin Phật. Ngay cả lần thăm chùa này là trên đường ra sân bay tiễn con tiếp tục đi du học tại Anh sau kỳ cháu hoàn thành khóa thực tập ở Singapore, tôi vẫn đưa chồng, con tranh thủ vô chùa làm lễ. Bây giờ, sư nói thế này, tôi thật hoang mang.
Chưa hết buồn vì chuyện ở chùa ngoài Hà Nội thì tôi lại chứng kiến câu chuyện tại một chùa ở Hà Tĩnh năm 2013. Như thường lệ, mùa Phật Đản năm đó, tôi đi lễ chùa. Sau khi làm lễ, sư thầy mời toàn thể Phật tử ở lại thọ cơm chay. Tôi đi về chỗ bàn tiếp khách của sư thầy, thầy ra hiệu mời tôi ngồi xuống rồi bảo tôi “chị chờ thầy một lát”. Lát sau, thầy bước ra, trên tay cầm một xấp phong bì đã chuẩn bị sẵn. Thấy thầy đưa phong bì đến dãy bàn quan khách đang thọ cơm chay và trao cho từng người, tôi ngạc nhiên vô cùng. Vì tôi nghĩ, ai đến chùa cũng cúng dường lễ Phật sao lại có những người nhận tiền từ nhà chùa?
Tôi luôn mong mỏi tìm được minh sư để dẫn dắt tôi đến với Thần Phật cho đúng đường.
Tôi thấy thương sư thầy quá, sự việc đó cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi nghĩ: “Hoá ra, thầy đi tu mà chẳng được tu. Thầy cứ phải bận tâm lo nghĩ để đối nhân xử thế như người trần tục thế kia thì tâm làm sao tĩnh để mà tu”.
Khi cánh cửa khác mở ra...
Sau mấy chuyện xảy ra ở các ngôi chùa mà tôi hay đi lễ, tôi hoang mang lắm. Tôi thấy con đường mà tôi đang kiếm tìm lâu nay cho niềm tin của mình có gì đó chưa được ổn.
Giữa lúc bối rối, tôi chợt nhớ lại một chuyện xảy ra đã lâu tại cơ quan tôi - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông Cienco4. Hôm đó, khi tôi đang nghe hòa thượng Thích Chân Quang hoằng Pháp qua youtube thì Sếp của tôi vô tình đi qua. Sếp đưa cho tôi địa chỉ trang mạng kèm một lời khuyên: “cô muốn tu Phật thì vào xem trang này, hay hơn nhiều”. Tò mò, tôi có mở trang phapluan.org xem qua một lượt, nhưng rồi nhanh chóng quên luôn. Tôi chẳng quan tâm đến lời Sếp nói vì lúc đó còn đang say mê với việc đi lễ chùa.
Trong tâm trạng không vui vì chuyện xảy ra ở mấy chùa nói trên, tôi đã tìm lại trang mạng phapluan.org mà Sếp tôi từng giới thiệu. Sau một hồi tìm tòi, đọc mấy trang đầu của cuốn sách Chuyển Pháp Luân, tôi suy ngẫm thấy Sếp tôi đã nói đúng. Đây mới là con đường Tu Phật mà tôi tìm kiếm lâu nay. Tôi vội lên nhờ Sếp bày thêm cho. Và rồi, tôi theo các anh ấy đi đọc sách Chuyển Pháp Luân và luyện công chung.
Đó là một ngày không thể quên, ngày 30/6/2013. Từ ngày đó đến nay, trải qua 5 năm, tôi duy trì luyện công và đọc sách Chuyển Pháp Luân mỗi ngày.
Chị Thảo đang thực hành thiền định bài công pháp số 5 của Pháp Luân Công.
Khi đọc quyển sách Chuyển Pháp Luân, tôi bị chấn động rất mạnh. Có nhiều điều trước đây tôi từng thắc mắc nay dần dần được giải đáp sau mỗi lần tôi đọc sách. Đặc biệt trong quyển sách có nhắc đến lời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về các sư sãi vào thời mạt pháp, Tôi hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến tâm thái của mình, của những người xung quanh mình.
Rồi tôi nhận thấy thân thể mình dần dần thay đổi. Trước hết là căn bệnh dị ứng da mặt 4 mùa, một căn bệnh không giết chết tôi nhưng luôn làm tôi rất mất tự tin. Mặt tôi thường đỏ ửng và nổi hạt. Hàng chục năm trời, tôi đã được nhiều bác sĩ giỏi điều trị và chi phí tốn kém nhưng không khỏi. Thế mà căn bệnh đã biến mất sau một thời gian tôi đọc sách, luyện công.
Thứ hai là bệnh bướu cổ đa nhân mà tôi mắc lúc 15 tuổi. Năm 46 tuổi, tôi phải cắt toàn bộ tuyến giáp hai bên vì nó đã bị vôi hóa và việc này khiến tôi phải “uống thuốc hàng ngày, nếu không thì sẽ bị suy tim”. Giáo sư bác sĩ Lương (Bệnh viện nội tiết Hà Nội) đã chỉ định như vậy. Quả đúng như vị giáo sư bác sĩ nói, nếu tôi không kịp uống thuốc 2 ngày thì chân tay run, bủn rủn, suy kiệt.. Một lần, tôi không kịp ra Hà Nội khám lấy thuốc nên tôi đã trải nghiệm việc này.
Thế mà, 2 tháng sau ngày đọc sách và luyện công, tôi không cần uống thuốc nữa. Thân thể nhẹ nhàng. Da mặt láng mịn. Những cơn co thắt tim đột ngột mà trước đây tôi từng bị, giờ đây cũng ra đi lúc nào không biết.
Chị Thảo đang đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân của Pháp Luân Công.
Sóng lớn cuốn cát đi, còn lại là vàng ròng
Tôi rất hạnh phúc nhận ra rằng, đến với Pháp Luân Đại Pháp là đến với Đại Đạo. Nhờ đọc sách, làm theo sách, sống theo thước đo “Chân Thiện Nhẫn”, tôi đã có nhận thức mới mẻ về cuộc sống, đã phân biệt rành rõ đâu là tốt, đâu là xấu.
Nhưng anh trai thứ 4 của tôi thì lại bảo đó là tà đạo không được tuyên truyền ở gia đình này. Vợ chồng anh chị tôi đã gọi chồng tôi đến nhà, yêu cầu chúng tôi ngừng tu luyện và không được đi ‘’tuyên truyền’’. Khi đó, tôi mới đọc sách được hơn 3 tháng. Anh trai thứ 4 của tôi là người có uy tín nhất trong gia đình, dòng họ, cũng nhiều người mang ơn anh ấy, vì anh tôi từng giữ vị trí cấp cao trong ngành công an nay đã nghỉ hưu.
Chị Thảo và chồng.
Tôi đã hiểu được do đâu mà con người nóng giận, ích kỷ và hay tự thấy bất công… Nhờ các tiêu chuẩn này, mà trong từ điển cuộc đời tôi nay không có từ “buồn”, “khổ”, “chán”, “ghét”... nữa.
Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ dám làm trái lại ý của anh, nhưng lần này tôi không thể nghe anh được. Bởi tôi đã đọc sách và không thấy bất cứ chỗ nào là tà. Quyển sách chỉ dạy người ta làm người tốt và khỏe mạnh. Tôi cũng đã nhận được bao điều tốt đẹp trong một thời gian ngắn… sao lại bảo là tà. Tôi bảo với anh rằng: “Anh thấy trong sách ấy có chỗ nào sai thì anh chỉ cho em với” thì anh không nói gì, bởi anh chưa từng đọc cuốn sách này, mới chỉ nghe người ta nói thế thôi.
Nhưng không hiểu sao, kể từ khi chúng tôi không nghe theo lời anh trai, bà con họ hàng lại có vẻ e dè với chúng tôi. Nhiều lời thị phi bôi nhọ gia đình tôi cũng xuất hiện.
Tôi không bao giờ giận anh chị tôi. Vì tôi biết anh chị chưa biết sự thật về Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu Phật giữa đời thường. Có lẽ, anh cũng vì không hiểu nên chỉ thương yêu lo lắng cho tôi mà ngăn cản tôi thôi. Mỗi khi gặp anh, tình máu mủ ruột rà trong tôi trỗi dậy. Tôi chỉ muốn chạy lại mà ôm anh, mà nói: “em không sai anh ạ”. Tôi vẫn nhớ, năm 1994, khi vợ chồng tôi bị tai nạn, anh tôi và những người thân trong gia đình đã đi suốt đêm gần 500 km vào Huế để lo toan cho vợ chồng tôi. Thấy chúng tôi còn sống anh đã vui mừng vô kể. Và còn bao nhiêu kỉ niệm nữa.
5 năm đã trôi qua, trong khi nhà tôi đã nhiều người trở thành người tu sửa tâm tính theo môn tu Phật Pháp Luân Đại Pháp, mà anh tôi vẫn chưa thay đổi quan niệm. Nhưng tôi vẫn tin, rằng một ngày người anh đáng kính của tôi sẽ thay đổi. Bởi vì, từ khi đắc Pháp, tôi đã trở thành người sống chân thành và tha thứ hơn xưa. Tâm đắc nhất của tôi là: trước đây, tôi có thể nhường nhịn ai đó, nhưng trong tâm oán giận, về nhà rơi nước mắt. Có thể nói lời ngọt ngào cho người khác vừa lòng nhưng trong tâm thì thấy mình đang bị thiệt thòi, đêm về còn tấm tức không ngủ được. Nay đọc sách và làm theo sách, tôi có chuẩn mực Chân Thiện Nhẫn để hành xử nên đối đãi thành thực hơn, bao dung hơn. Tôi đã hiểu được do đâu mà con người nóng giận, ích kỷ và hay tự thấy bất công… Nhờ các tiêu chuẩn này, mà trong từ điển cuộc đời tôi nay không có từ “buồn”, “khổ”, “chán”, “ghét”... nữa.
Cha tôi là đảng viên lão thành cách mạng, ông nguyên là Phó chủ tịch tỉnh, về hưu khi tôi mới lên 2 tuổi. Ông luôn dạy chúng tôi, “cần kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư” ... Ông cũng dạy chúng tôi phải tự lao động cần cù để nên người. Mẹ tôi là mẫu người mẫu mực, suốt đời tảo tần, giỏi thu vén nên cuộc sống anh em tôi không khó khăn nhiều. Tự cung tự cấp để trang trải học hành. Vì thế, gia đình chúng tôi luôn yêu thương hoà thuận. Tôi là em út nên được anh chị yêu thương. Không có lý gì giờ đây chỉ vì tôi muốn trở thành người tốt hơn nữa mà anh em tôi chia lìa xa cách? Tôi không thể nói khác đi về một phương pháp tu Phật mà nhờ đó, tôi đã có một cuộc sống với thân thể nhẹ nhàng, nội tâm an hòa trong mọi hoàn cảnh.
Chị Thảo và gia đình.
Tôi đã chia sẻ với nhiều bạn bè tôi về vẻ đẹp của môn tu Phật này; có nhiều người đã thực hành và nhận được nhiều lợi ích rất tốt, vậy mà anh chị tôi vẫn chưa minh bạch thì thực sự đó là điều nuối tiếc nhất cuộc đời tôi.
Nay tôi đã đi trên con đường tu Phật, tu Đạo chân chính. Kể cho các bạn câu chuyện của mình, tôi muốn nói lên lời tạ ơn đối với người Thầy lớn nhất cuộc đời tôi, Sư Phụ Lý, tác giả của cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi cũng xin cảm ơn các sư và các chùa của Phật giáo, nơi đã cho tôi biết niềm tin vào sự hiện diện của Thần Phật, tin vào nhân quả, để khi đọc quyển sách Chuyển Pháp Luân, tôi ngộ nhanh hơn.
Cảm ơn các độc giả đã dành thời gian đọc câu chuyện của tôi.
Thành phố Vinh, Nghệ An, năm 2018
Tuệ Minh lược ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét