“Đánh đổi cả tuổi trẻ, sức lực, thậm chí có thể là mạng sống chỉ vì miếng cơm manh áo, vì nghĩ rằng như vậy sẽ có hạnh phúc. Nhưng cuối cùng, chính điều đó lại cướp đi hạnh phúc của tôi, khiến tôi quay cuồng trong những cơn đau, mệt mỏi và muộn phiền. Tôi tự hỏi, rốt cuộc thì mình đang cố gắng vì điều gì? Tưởng rằng gồng mình kiếm tiền thì cuộc sống sẽ tốt hơn nhưng thực tế là đang chuốc thêm cho mình những bất hạnh.”
“NGƯỜI TA CHỌN NGHỀ, CÒN TÔI THÌ ĐƯỢC NGHỀ CHỌN”
Tôi đến với nghề bóng chuyền bởi sự ám ảnh khi thấy gánh nặng mưu sinh trĩu nặng trên đôi vai gầy guộc của mẹ, sự khắc khổ nhọc nhằn hằn sâu trên gương mặt của cha. Nhà tôi có 6 anh chị em, tôi lại là con gái thứ 2, ngay từ bé, tôi đã ý thức được mình phải có trách nhiệm đưa gia đình thoát cái nghèo. Nên khi Sở Thể dục Thể thao tỉnh Hà Nam quê tôi về trường tuyển sinh, tôi đăng ký ngay. Tôi trúng tuyển nhờ có chiều cao vượt chuẩn. Năm đó tôi vừa lên lớp 10, tròn 16 tuổi.
Ngày nay, nhờ tác động của truyền thông, thể thao được gắn thêm một sứ mệnh lớn lao: gắn kết các quốc gia, dung hòa các xung đột sắc tộc, tôn giáo… Các ngôi sao thể thao trở thành tâm điểm. Nhiều bạn trẻ chọn nghề vì muốn được nổi tiếng. Còn tôi thì được nghề chọn.
Tính đến nay tôi đã theo nghề được 10 năm. Mười năm ấy tôi luôn nỗ lực không ngừng nghỉ. Nhờ đó con đường sự nghiệp của tôi cứ đều đều thăng tiến, tôi được tăng lương, tăng hạng, từ đội hình phụ rồi lên đội hình chính. Đội tuyển đã ghi nhận khả năng và những đóng góp của tôi trong các trận đấu. Điều đó đã tiếp thêm động lực để tôi cống hiến hết mình với nghề.
Để đạt được thành tích, có được những pha bóng đẹp, kịch tính trong các trận đấu thì những vận động viên như tôi phải thường xuyên luyện tập, nỗ lực hết mình, vinh quang thậm chí phải đổi bằng cả xương máu. Thể thao là đối kháng, là cạnh tranh, là luôn phải nỗ lực vượt lên chính mình. Mỗi vận động viên cần phải chứng thực khả năng ngay trên sàn đấu, trước sự chứng kiến của khán giả - những trọng tài công minh nhất.
“Nếu không thể tự khẳng định bản thân thì không ai có thể bảo trợ cho bạn tiếp tục vào sân ở những giải cao hơn. Không đánh được thì ra thôi. Đào thải trong thể thao là cực kì khắc nghiệt.”
THÀNH CÔNG NÀO CŨNG CÓ CÁI GIÁ CỦA NÓ
Dĩ nhiên, sự nghiệp bóng chuyền không suôn sẻ như tôi vẫn mơ ước… Vào một trận thi đấu giải hội làng ở Bắc Ninh đầu xuân 2016, khi tôi cố với theo quả bóng ở tư thế không thuận, tôi bỗng nghe đau nhói ở đầu gối chân phải, cảm giác như phần sụn bị lệch hẳn ra. Khi vào viện chụp chiếu, bác sỹ cho biết tôi bị giãn dây chằng, mẻ sụn chân phải. Lúc ấy, tôi vừa mới ký hợp đồng chơi 2 năm cho đội tuyển Tiến Nông, Thanh Hoá.
Mặc dù chấn thương là việc xảy ra như cơm bữa đối với các vận động viên, chỉ cần có thời gian để tập luyện và điều trị sẽ phục hồi trở lại. Tuy nhiên, vấn đề của tôi lúc này lại không đơn giản như vậy. Càng tập tôi càng đau, đi bộ cũng đau, thậm chí ngồi không cũng còn đau. Tôi rất hoang mang và lo lắng.
Không thể phá vỡ hợp đồng với đội Thanh Hoá, tôi đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc. Nghe các chị em trong đội nói ở đâu có bác sỹ giỏi là tôi tìm đến. Trong suốt thời gian hơn một năm, tôi đi từ Bắc vào Nam để chữa trị, có những lúc phải chi 5-6 triệu cho một mũi tiêm. Tốn kém không ít tiền của nhưng chấn thương không khỏi mà chỉ trì hoãn được các cơn đau. Một bác sỹ người Đức mở phòng khám ở Việt Nam khuyên tôi nên nghỉ hẳn thi đấu, tìm một công việc nhẹ nhàng hơn mà làm. Bởi nếu tiếp tục tập luyện, tôi sẽ bị hỏng khớp gối vĩnh viễn, và trở thành tàn phế.
Tôi phải chịu bao đau đớn như vậy nhưng lại không thể cầu cứu ai, dù bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô đều rất cảm thương cho tôi. Tôi đành tự giải quyết vấn đề của mình bằng cách ăn sáng xong là uống thuốc giảm đau và chườm cả một túi đá to. Chân tôi tê dại, có những lúc tôi không còn cảm giác gì nữa. Các cơn đau tạm thời qua đi và tôi có thể tập luyện suốt cả một ngày, nhưng đến cuối ngày tôi lại đau khủng khiếp vì hết tác dụng của thuốc.
Tình trạng cứ lặp lại như thế suốt hơn một năm trời. Tôi vừa tập luyện vừa chịu đựng đau đớn. Tôi vô cùng khổ sở vì bệnh tình ngày càng trầm trọng. Tôi đau đến nỗi muốn làm những việc vệ sinh cá nhân cũng rất khó khăn, phải lê từng bước vì chân tôi gần như không cử động được. Dần dần do tôi sợ vận động chân phải nên dây chằng co lại, chân tôi không duỗi thẳng được.
“Thời gian đó tôi rất chán nản và có ý định bỏ nghề. Nhưng nghĩ đến hợp đồng đã kí với đội tuyển còn dang dở, nghĩ đến cha mẹ và các em, tôi lại cố gắng cầm cự...”
ĐỜI THAY ĐỔI, KHI TA THAY ĐỔI
Một người đau chân thì có bao giờ quên đi cái chân đau của mình để nghĩ cho người khác. Vì những cơn đau buốt thấu tận tim gan tôi sinh ra khó chịu, buồn bực. Chồng tôi luôn phải chịu những cơn nóng giận của tôi. Nhưng kì lạ thay, anh không khó chịu mà còn rất thông cảm và thấu hiểu cho tôi…
Không những vậy, ngày trước chồng tôi nghiện ngập đủ thứ, từ thuốc lá, thuốc lào đến cả cần sa. Do học thanh nhạc, sống trong môi trường nghệ thuật vốn nhiều cám dỗ nên lối sống khá bất hảo, suốt ngày tụ tập thâu đêm. Tôi có khuyên nhủ thế nào anh ấy cũng không thay đổi. Nhưng đột nhiên anh trở thành một con người hoàn toàn khác, biết lo nghĩ cho gia đình, bỏ hết thảy các thói hư tật xấu. Tôi thấy rất thắc mắc và tò mò…
Mặc dù anh đã chia sẻ rất nhiều lần với tôi rằng, bộ môn Pháp Luân Công anh đang tu tập chính là điều kì diệu có sức mạnh cải biến con người anh chỉ sau 2 tháng, nhưng tôi vẫn chẳng mảy may bận tâm. Anh còn khuyên tôi đọc sách, và nói nếu cố gắng học theo những điều dạy trong sách thì sẽ khỏi đau.
Lúc đó tôi không tin, thầm nghĩ “đến chuyên gia nước ngoài chữa còn không khỏi, tốn bao nhiêu tiền cũng chỉ tạm đỡ chút ít, tại sao chỉ đọc sách và luyện mấy bộ động tác đấy lại khỏi. Tôi nhất định không tin!”
Chồng tôi vẫn kiên trì… 3 tháng sau, tôi nể chồng nên miễn cưỡng đọc. Thời gian đầu, mỗi hôm tôi chỉ đọc được một ít, phần vì bận luyện tập, phần vì đọc nhiều chỗ chẳng hiểu gì nên cũng ngại. Nhưng sự tò mò thôi thúc tôi tiếp tục đọc để biết cuốn sách nhỏ này có gì đặc biệt mà cải biến được chồng tôi nhanh đến vậy.
Tôi cũng nghe lời chồng luyện công, phải đứng chùng gối khi luyện 4 bài công pháp đầu khiến tôi rất đau, nhưng tôi cắn răng chịu, không đổi tư thế. Cứ như vậy sau khoảng hơn hai tháng thì sự đau đớn đeo đẳng tôi hơn một năm trời bỗng nhiên biến mất. Thật kì diệu! Không lời nào diễn tả được niềm hạnh phúc khi tôi được trở về trạng thái thoải mái của ngày xưa mà không tốn kém một đồng nào cả! Cảm giác hết đau, thân thể nhẹ nhàng, mĩ diệu vô cùng.
Càng đọc sách, tôi càng hiểu ra những Pháp lý mà bấy lâu nay tôi u mê không biết. Những bệnh tật, bất hạnh đến với mình đều có căn nguyên của nó. Nhưng cũng chính mình chứ không phải ai khác có thể cải biến được hoàn cảnh, thay đổi được số phận. Phải tu sửa bản thân, phải trở nên tốt đẹp thì phước lành sẽ đến.
Trước đây tôi luôn cho rằng mình là người tốt, biết lo cho gia đình, biết quan tâm đến mọi người xung quanh, chưa từng làm gì tổn hại đến người khác. Nhưng đến khi đọc Chuyển Pháp Luân, tôi mới hiểu thế nào là thực sự tốt và thực sự xấu. Tốt – xấu phải được đo lường chiểu theo các giá trị Chân–Thiện–Nhẫn chứ không phải là theo quan niệm của cá nhân mình. Có nhiều khi tôi quan tâm tới người khác không phải vì thực sự muốn tốt cho họ, mà vì sợ mình bị đánh giá hay hình ảnh tốt đẹp của mình bị mất đi.
Xuất thân từ một gia đình khó khăn, đông anh chị em, cơ cực từ nhỏ nên tôi đã tự đặt cho mình một áp lực phải kiếm tiền. Vô hình trung, trong cuộc sống tôi luôn đặt tiền ở vị trí số một. Người ta nỗ lực một thì tôi phải nỗ lực mười. Điều này cũng tạo nên ở tôi một tính cách tự tư, rất xấu nếu ai động chạm đến lợi ích của tôi thì tôi sẵn sàng đấu tranh. Bây giờ tôi biết tôi cần phải nhẫn nại, đối xử với người khác bằng thiện tâm, thì mới là người tốt, tâm hồn mới thảnh thơi, vui vẻ.
Thể thao cho tôi sức mạnh cơ bắp, nhưng khiến tôi phải chịu đau đớn khi chấn thương. Ngược lại các động tác khi tập 5 bài công pháp rất đơn giản, nhẹ nhàng lại cho tôi sức mạnh vô tận về tinh thần và thể chất. Đại Pháp đã cứu vớt tôi thoát khỏi những cơn đau trong hiện tại và ban cho tôi một thể lực sung mãn. Thể thao giờ với tôi không còn là gánh nặng, kết thúc hợp đồng với đội Thanh Hoá, tôi tiếp tục kí hợp đồng với đội khác ở Bắc Ninh trong sự hạnh phúc vô bờ.
CÁI GÌ CỦA MÌNH THÌ KHÔNG MẤT…
Trước đây, đời sống hôn nhân cũng là một mối bận tâm lớn của tôi. Vợ chồng tôi lấy nhau đã 4 năm, chưa có con, mà cũng chẳng mấy khi được gần nhau. Mỗi năm chỉ sống cùng nhau được 2,3 tháng. Tôi thì cứ theo đội tập đi tỉnh này tỉnh nọ, còn chồng tôi một mình ở Hà Nội. Thêm nữa, tôi với anh hay xảy ra cãi vã. Chồng tôi tính tình nóng nảy, chỉ chờ đợi tôi lâu một chút, hay trong gia đình có vấn đề gì là anh ấy sẵn sàng cáu gắt. Tôi thì cũng chẳng chịu thiệt bao giờ.
Bạn bè có lúc trêu tôi, vợ chồng cứ như mặt trăng mặt trời, rồi xa nhau suốt như thế, làm sao “quản lý” được. Tôi cũng băn khoăn lo sợ liệu tôi có giữ được hạnh phúc gia đình hay không, xung quanh anh có rất nhiều những cô gái trẻ trung, xinh đẹp… Nhưng rồi khi đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân, chúng tôi đều hiểu vợ chồng là mối duyên phận thiêng liêng biết nhường nào. Đã có duyên kết đôi thì cần trân trọng và tin tưởng lẫn nhau.
Ngày tôi vẫn còn bị hành hạ bởi những cơn đau, anh từng nói rằng: “Nếu em đau quá thế, không theo được nữa thì nghỉ thôi, về nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, không phải cố”. Trải qua đau khổ và biến cố, chúng tôi biết quý trọng những giờ phút yên bình, không làm tổn thương nhau bởi những lời nói sắc như dao nữa.
Tôi nhận ra điều khiến ta hạnh phúc thực sự không phải là những thứ vật chất bề mặt; không phải cứ tranh đấu ngược xuôi, về nhà khẩu khí lớn với chồng là hạnh phúc. Một tâm thái an hòa, trung dung mới là nguồn gốc sản sinh và lan tỏa hạnh phúc. Có những lúc vì áp lực cuộc sống, hoàn cảnh gia đình nên chúng ta phải gồng mình và đặt ra những mục tiêu. Nhưng rồi chính những mục tiêu ấy lại biến chúng ta trở thành nạn nhân của chúng, lạc lối đến mức rốt cuộc không biết ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì.
“Vạn sự ở đời nên để tuỳ duyên. Cái gì của mình thì sẽ không mất, không phải của mình thì có cố đến mấy cũng không đạt được. Nếu có đạt được bằng mọi cách thì cuối cùng cũng phải mất thôi. Hiểu được đạo lý này, gánh nặng bao nhiêu năm đè lên vai tôi tự nhiên như được trút xuống, nhẹ tênh.”
Bao nhiêu năm qua tôi lăn lộn kiếm tiền nhưng tôi cũng phải trả giá bằng sức khỏe của mình, cái được chẳng bõ cho cái mất. Chỉ một thay đổi nhỏ trong tư tưởng đã làm nên sự khác biệt quá lớn cho cuộc đời tôi. Đã qua rồi những tháng ngày đau vã mồ hôi, trào nước mắt trên sân tập, những đêm âm thầm nuốt nước mắt vào trong, tủi thân cho tiền đồ vô vọng của mình. Đã qua rồi những mong cầu, những mục tiêu vật chất nơi danh lợi. Ra sân với một tâm thái hân hoan, một thân thể căng tràn sinh lực, xung quanh ấm áp tình đồng đội, tôi cảm nhận rõ ràng thế nào là Hạnh Phúc…
Vũ Thị Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét