Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Điều gì đã khiến nền kinh tế của Venezuela bị hủy hoại?

Điều gì đã khiến nền kinh tế của Venezuela bị hủy hoại? http://bit.ly/2BhGKr9

Cuộc khủng hoảng chính trị của Venezuela đã phơi bày những lý do góp phần gây sụp đổ kinh tế của đất nước, theo Al Jazeera.

"Tàn khốc" là một từ không có quốc gia nào muốn gắn liền với nền kinh tế của họ. Nhưng từ này dường như vẫn chưa đủ mạnh khi dùng để mô tả cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela hiện nay.

Sự thiếu minh bạch kinh tế vĩ mô từ phía chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã gây khó khăn cho việc đánh giá chính xác mức độ tai ương của đất nước.

Theo IMF, nền kinh tế của Venezuela được cho là đã thu hẹp hơn một phần ba từ năm 2013 đến 2017. Năm ngoái, ước tính GDP nước này đã giảm 18%. Thêm vào nỗi đau GDP co cụm là siêu lạm phát, mà IMF dự báo có thể lên tới 10 triệu phần trăm vào nửa cuối năm 2019.

Bên dưới những con số gần như không thể tưởng tượng được là sự khốn khổ sâu sắc của người dân. Khoảng ba triệu người đã trốn khỏi Venezuela kể từ năm 2015, theo Liên Hợp Quốc. Hệ thống y tế công cộng đang bị hủy hoại. Các loại thuốc kháng sinh, điện và nước sạch đang bị thiếu hụt. Thực phẩm khan hiếm. Suy dinh dưỡng lan rộng.

Giờ đây, đất nước đang rơi vào khủng hoảng chính trị đã chia rẽ các cường quốc trên thế giới và nêu bật những câu chuyện tranh cãi về những gì đã đẩy nền kinh tế của Venezuela bị hủy hoại.

Các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã dành sự ủng hộ cho Tổng thống lâm thời Juan Guaido. Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng về phía ông Maduro, người tuyên bố sẽ tiếp tục nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ hai, bất chấp các cáo buộc gian lận bầu cử.

Ông Maduro đã cáo buộc Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh kinh tế chống lại chính phủ xã hội chủ nghĩa của mình. Nhưng nhiều nhà kinh tế và chuyên gia nói chính các chính sách của Maduro và người tiền nhiệm của ông, cố Tổng thống Hugo Chavez, đã phá hủy nền kinh tế.

Có một lý do không tranh cãi, đó là dầu mỏ.

Lời nguyền tài nguyên

Venezuela có trữ lượng dầu được chứng minh lớn nhất trên thế giới và chính phủ phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô cho thu ngân sách và ngoại tệ.

Giống như nhiều quốc gia dầu mỏ khác, Venezuela đã phải vật lộn để đa dạng hóa nền kinh tế nhằm giảm tổn thương bởi các chu kỳ bùng nổ.

Khi dầu đắt, kho bạc chính phủ cũng đầy. Nhưng khi dầu rẻ, kho bạc lại trống rỗng.

Giá dầu thô tăng trong thập niên 2000 đã giúp cố Tổng thống Hugo Chavez thực hiện cam kết khai thác tài sản dầu mỏ của quốc gia để tài trợ cho các chương trình phúc lợi nhằm khắc phục bất bình đẳng và nghèo đói.

Nhưng khi giá dầu bắt đầu giảm mạnh vào năm 2014, chính phủ mới của người kế nhiệm ông, Maduro, đã không thể “chịu đòn”.

"Họ đã không tiết kiệm cho một ngày mưa", Phó giám đốc Hội đồng Atlantic, Paula Garcia Tufro nói với Al Jazeera. "Họ đã không đầu tư dài hạn".

Điều đó đặc biệt đúng với ngành dầu mỏ của đất nước. Khi ông Chavez nắm quyền, Venezuela đã bơm khoảng 3,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nhưng hiện sản xuất đã sụp đổ xuống mức chưa tới một phần ba con số đó.

Dầu là một ngành thâm dụng vốn. Để đảm bảo sản xuất trong tương lai, Venezuela cần tái đầu tư một phần lợi nhuận từ những năm bùng nổ vào công ty dầu mỏ quốc doanh, Petróleos de Venezuela (PDVSA).

Chavez đã thất bại trong việc này. Chính sách của ông cũng khiến các nhà chuyên môn rời đi.

"Nếu bạn nói chuyện với các chuyên gia đã làm việc lâu năm và theo dõi ngành dầu mỏ ở Venezuela, họ sẽ nói với bạn rằng trong quá khứ có nhiều chuyên gia kỹ thuật, nhưng những chuyên gia đó không còn nữa", Garcia Tufro nói.

Thay đổi chế tài

Nền kinh tế đã suy thoái khi Maduro lên nắm quyền, khiến ông phải lựa chọn khó khăn giữa cắt giảm đáng kể chi tiêu phúc lợi hoặc chấp nhận thâm hụt tài khóa. Và ông đã chọn cái sau.

Khi lạm phát và thiếu hụt ngân sách dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại chính phủ của ông, ông đã tung ra những cuộc đàn áp bạo lực khiến Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt vào năm 2014 nhắm vào các cá nhân bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Năm 2017, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng nhiệt với các lệnh trừng phạt được thiết kế để hạn chế thương mại trái phiếu Venezuela, khóa nước này một cách hiệu quả khỏi thị trường tín dụng.

Venezuela kể từ đó đã vỡ nợ với nhiều loại tài sản nợ khác nhau. Tái cấu trúc dường như sẽ không xảy ra sớm và đại gia đánh giá tín dụng Moody's Investor Service lưu ý trong báo cáo mới nhất rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm suy yếu "khả năng đàm phán lại nghĩa vụ của chính phủ Maduro".

Năm 2018, chính quyền Trump đã nhắm đến việc bán vàng của Venezuela. Nhưng sự leo thang đáng kể nhất cho đến nay đã diễn ra vào thứ Ba với thông báo về các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với PDVSA.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton cho biết các biện pháp mới sẽ "giúp ngăn chặn sự phân chia tài sản của Venezuela bởi Maduro và sẽ bảo quản những tài sản này cho người dân Venezuela".

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố vào năm ngoái bởi cựu Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Alfred de Zayas đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng như các biện pháp của EU và Canada đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực và thuốc men và góp phần gây ra "nhiều cái chết".

Nhưng một số ý kiến ​​cho rằng Hoa Kỳ đã cẩn thận triển khai các lệnh trừng phạt để Maduro không thể đem ra làm vật tế thần cho các vấn đề kinh tế của đất nước.

"Các vấn đề riêng của Venezuela có lẽ đã ngăn cản Hoa Kỳ triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế thực sự cứng rắn cho đến bây giờ", Richard Nephew, nhà nghiên cứu cao cấp của Trường Quan hệ Quốc tế và Công vụ thuộc Đại học Columbia, nói với Al Jazeera.

"Venezuela đã không còn ai để đổ lỗi trong vài năm qua và Hoa Kỳ không muốn để cho chế độ Maduro đưa ra lập luận rằng Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm", ông nói thêm.

Mỹ Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét