Bắc Kinh sẽ từ bỏ Maduro vì một lý do đơn giản: đối tượng phục vụ lợi ích cho họ không còn giá trị nữa, nhà báo Parsifal D. Sola của tờ Caracaschronicles, trong một bài viết hôm 24/2, đưa ra dự đoán và lý giải cho nhận định của mình.
Để phân tích rõ hơn về lý do đưa ra dự báo của mình, ký giả Sola đã 'đào sâu' vào căn nguyên tạo nên mối quan hệ giữa Trung Quốc và Venezuela, ông đặt câu hỏi: Điều gì đã đưa Trung Quốc và Venezuela đến với nhau?. Câu trả lời mà nhà báo Sola đưa ra là, vì "Tư tưởng chống Mỹ, chủ nghĩa xã hội và văn hóa chính trị đã đưa Trung Quốc và Venezuela đến với nhau".
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Venezuela bắt đầu trở nên 'gắn bó' từ khi ông Hugo Chavez, một người thiên tả, đắc cử tổng thống của quốc gia Nam Mỹ phồn thịnh với nguồn dầu mỏ dồi dào.
Nhà báo Sola tin rằng, người ta có thể nói, không ai sẵn sàng thực hiện nhiều điều theo ý của Trung Quốc một cách "dễ dãi" như cố tổng thống Chavéz. Đơn giản là vì Venezuela đón nhận Trung Quốc trong một "cuộc hôn nhân vì tiền", Venezuela sở hữu trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh là lớn nhất trên trái đất, trong khi đó, Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới.
Hugo Chavez bắt đầu nắm quyền Tổng thống Venezuela từ đầu năm 1999, khi đó người đồng cấp bên phía Trung Quốc là Giang Trạch Dân. Mối quan hệ giữa Caracas và Bắc Kinh tiếp tục được tiếp nối dưới thời Hồ Cẩm Đào, trong khi ông Chavez vẫn là tổng thống của quốc gia lúc đó đang ở trạng thái thịnh vượng và có ảnh hưởng bậc nhất Nam Mỹ.
Kể từ khi giành được quyền lãnh đạo đất nước, theo nhà báo Sola, ông Chavez đã thực hiện một chính sách đối ngoại phá vỡ mọi thứ mà đất nước Nam Mỹ này từng có, bao gồm cả truyền thống hàng thập kỷ là đối tác của Hoa Kỳ tại khu vực. Và dưới thời Chavez, những người bạn thân nhất của đất nước này là Trung Quốc, Nga và Iran.
Quay lưng với Mỹ, Caracas của Chavez hướng sang Bắc Kinh, và vì thế, dần dần Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư quan trọng hàng đầu của Venezuela. Theo Caracaschronicles, tính từ năm 1999 đến 2017, ít nhất đã có 790 dự án đầu tư của Trung Quốc vào Venezuela đã được ký kết, và các khoản vay mà Trung Quốc dành cho Venezuela vượt xa tất cả các khoản vay mà Bắc Kinh lập kế hoạch cho các nước Mỹ Latinh khác, chiếm tới gần một nửa số các khoản vay của Trung Quốc cho khu vực Nam Mỹ.
Việc Bắc Kinh 'ưu ái' Venezuela trong thời gian hai ông Chavez và Maduro lãnh đạo là có lý do. Nhà báo Sola cho rằng, vì Venezuela là một cơ hội để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình trong một khu vực có bề dày lịch sử liên kết với Hoa Kỳ. Venezuela là bước đệm hướng tới các thị trường mới cho các sản phẩm của Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự hỗ trợ chính trị tại các diễn đàn quốc tế. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại bành trướng của Venezuela, được thúc đẩy bởi dầu mỏ, dưới thời Hugo Chavez, là sự trợ giúp hoàn hảo cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Còn lý do Venezuela 'mở lòng' với Trung Quốc, cũng theo nhà báo Sola, là vì Trung Quốc có các khoản vay 'hào phóng' với ít ràng buộc. Tiền chi cho các chiến dịch chính trị, tiền dùng cho việc can thiệp vào nội bộ của nước khác, hay 'đơn giản' là đưa vào tài khoản của quan chức, tất cả đều được chính phủ Trung Quốc đáp ứng miễn là lợi ích của Bắc Kinh được đảm bảo, cây viết Sola nhìn nhận. Nhưng với những gì đã và đang diễn ra, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và chính phủ Maduro có thể sẽ sớm "đường ai nấy đi".
[caption id="attachment_1100425" align="aligncenter" width="594"] Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi cùng Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh ngày 21/9/2013, Lintao Zhang/Getty Images AsiaPac)[/caption]
Sản lượng dầu của Venezuela đã giảm mạnh, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của quốc gia này ở khu vực đã biến mất, vì thế Trung Quốc thấy rằng quốc gia nằm dưới chính quyền Maduro không còn gì có thể khai thác. Hơn nữa, theo nhà báo Sola, Venezuela không nằm trong phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc, nước này không phải Triều Tiên hay một hòn đảo ở Biển Đông, vì thể việc ủng hộ Maduro đơn giản là không còn có lợi cho Bắc Kinh.
Thời điểm này, Trung Quốc đã nhận thức rõ về tình trạng "nguy kịch" của chính quyền Maduro ở Venezuela, nhưng họ sẽ không bao giờ công khai bày tỏ quan điểm của mình. Bắc Kinh sẽ theo dõi sát tình hình và "không can thiệp" vào Venezuela, đồng thời mở một cánh cửa hợp tác với một chính phủ mới tiềm năng ở Caracas trong tương lai. Bắc Kinh biết rõ một điều, cách duy nhất để họ lấy lại được tiền là để Venezuela lấy lại sự ổn định chính trị, nhà báo Sola viết trong bài bình luận của mình.
Trí Thịnh
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/nguoi-venezuela-boi-rac-tim-do-an-o-thu-do-caracas-nam-2016_f079ce86c.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét