Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

Năm Hợi tản mạn đôi điều về Lợn

Năm Hợi tản mạn đôi điều về Lợn http://bit.ly/2sYe2XR

Trong văn hóa nghệ thuật, người ta ít nhắc đến lợn. So với chó, ngựa, thì lợn kia có vẻ sút kém cả về nhan sắc lẫn trí tuệ. Loài ngựa dáng cao, hình thể đẹp, chân dài, chạy nhanh như gió, nên có lúc được gọi là tuấn mã. Loài chó thì dũng mãnh, có trí thông minh tuyệt vời. Cả hai con vật đều trung thành và gắn bó với chủ, nên dân gian có câu: “Khuyển mã chí tình”. Còn lợn thì hết ăn no lại ngủ khò, thật là vô tâm.

Tuy nhiên, lợn ta cũng có nét đáng yêu của mình. Giả sử như lợn hiểu được lời chê bai thì có lẽ chúng cũng chẳng quan tâm lắm. Như vậy ta có thể yên tâm để nhận xét công bằng về lợn, cả ưu lẫn nhược, mà không sợ chúng giận.


Truyện thơ Nôm “Lục súc tranh công” kể về sáu con vật là trâu, chó, ngựa, dê, gà, và lợn cùng tranh nhau công trạng.

Trong ấy, con gà ghen tị chê lợn ta hết lời:

“Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì,
Giả ngây dại, biết gì việc chủ.
Ngắm diện mạo, dị hình, dị thú,
Xem dung nhan khác thế lạ đời.
Như nuôi chơi, chẳng phải giống chơi
Chạy rau cám, như tiền nội án.
No đú mỡ, nhảy quanh, nhảy quất,
Đói xép hông, cắn máng, cắn chuồng.
Mỗi một ngày ba bữa ròng ròng,
Đã chẳng thấy bữa nào sai chạy,
Bán bối gì mà người yêu vậy?
Mù quáng chi mà phải báo cô?"

Lợn tức khí nói rằng ta cũng quan trọng lắm chớ, từ việc vua việc quan, việc làng việc nước, cho đến ma chay hiếu hỷ của bình dân, có chỗ nào là lợn không có mặt?

“Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi
Thảy thảy cũng lấy heo làm trước”.

Nhưng hơi tiếc là vai trò của lợn lại chỉ gói gọn trong cân thịt, khúc xương, khối mỡ... Ấy vậy cho nên, thơ về lợn toàn mùi thịt, mùi mỡ, toàn hình ảnh ngon mắt và mùi tai. Nhưng đổi lại, những thời khắc vui vẻ mà lợn góp công đầu rất nhiều. Ví như trong ngày Tết, làm sao có thể thiếu:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Nhưng nói đi thì nói lại, lợn ta đã góp mặt trong bao nhiêu cuộc vui, làm sướng khoái cái miệng nhai, cái mũi ngửi của người Việt mà chỉ được nhắc nhở khiêm tốn giản dị đến thế thì kể cũng đáng hờn thay cho lợn. Không sao, đã có một bậc văn tài nức tiếng đặt đôi câu đối khiến lợn được thơm lây:

"Tứ thời bát tiết canh chung thủy
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang"

Câu đối ấy là của cụ Nguyễn Khuyến, theo Hán tự tạm dịch là: “Bốn mùa tám tiết đi rồi lại. Rặng liễu, đám bồ muốn khoe sắc lúc xuân sang”. Ấy là cái vòng tuần hoàn của thiên nhiên. Xuân về làm vạn vật bừng sôi sức sống, con người cũng hân hoan chào đón vận hội mới.

Nhưng đây là câu đối Nguyễn Khuyến đề tặng cho người hàng xóm bán thịt lợn - chắc là không rành Hán tự. Không sao, còn có lớp nghĩa thuần Việt (Nôm). Chẳng phải đọc lên là thấy ngay có “bát tiết canh”, “đôi bồ dục” hay sao? Người hàng xóm tốt bụng vẫn thi thoảng mang những món “của nhà làm được” sang biếu cụ nghè nên được cụ trân trọng tặng lại món quà đầy ý vị. Một món quà vừa bác học vừa dân dã khiến cả người cho và người nhận đều vui. Mà các chú lợn chắc cũng hí ha hí hởn nếu biết mình đã có mặt trong đôi câu đối bất hủ như vậy.

"Người lên ngựa, kẻ chia bào". (Tranh của họa sỹ Ngọc Mai)

Nhưng cũng không thể tả cho lợn thêm mĩ miều được nữa. Trong khi hình ảnh ngựa thật hào hùng lãng mạn...

“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
(Nguyễn Du)

"Người lên ngựa, kẻ chia bào". (Tranh của họa sỹ Ngọc Mai)

...thì lợn lại dân dã xuềnh xoàng, được nhớ đến chủ yếu qua bộ lòng, bát tiết, cái thủ. Trong khi ngựa có vinh dự quen biết những văn thần, danh tướng, tài tử giai nhân, thì lợn chả quen ai ngoài người nông dân chân chất. Khó có thể tìm thấy hình ảnh hào hùng, bi tráng hay cảm động trong chú lợn. Làm sao có thể tả cảnh chú lợn ủn ỉn cả ngày sục mõm tìm củ khoai củ ráy, ăn xong lại lăn kềnh ra vũng bùn hay bãi thải của chính mình mà lim dim mơ màng... một cách nên thơ cho được?

Nhưng rủi mà lại may, lợn không có điểm bất tường như ngựa. Bởi cái chất hào hùng của ngựa cũng là nảy ra trong chiến cuộc máu đổ thịt rơi. Còn lợn thì đắm mình trong cảnh làng quê thanh bình: Con lợn ủn ỉn, đàn gà cục tác, người nông dân vác cuốc ra đồng, xóm làng vừa sung túc vừa yên ả. Đẹp biết bao.

Trong tranh Đông Hồ cũng có bức vẽ tuyệt đẹp về lợn:

Hình tượng lợn trong tranh dân gian Đông Hồ.

Hình dáng lợn chắc khoẻ mà mềm mại, trên lưng lại có xoáy âm dương. Xoáy âm dương là cách điệu từ xoáy lông trên mình lợn, thể hiện quan niệm âm dương tương hòa, vạn vật tương sinh của người xưa. Lợn là loài sinh sản tốt, lại có dáng vẻ béo khỏe, to lớn, ấy là tượng trưng cho cuộc sống sung túc, thịnh vượng. Ai treo bức tranh này cũng có một nguyện vọng như vậy.

Trong Ấn giáo, Thần Vishnu hóa thân thành con lợn rừng Vahara để giết chết quỷ Hiranyaksha cứu nguy cho Trái Đất. Con quỷ này đã từng được Thần Brahma ban cho ân huệ không ai giết nổi, nhưng trong danh sách ấy Thần quên mất con lợn rừng.

Còn theo văn hóa Trung Hoa chữ “thỉ” (豕) là con lợn, khi đội một mái ngang là bộ “miên” (宀) thì thành chữ “gia” (家) là nhà. Chắc hẳn ý tứ không phải ngôi nhà là nơi che nắng che mưa cho lợn, mà có ý nói tới sự gần gũi của lợn như một vật nuôi trong nhà.

Trong tiểu thuyết “Thiên Long Bát Bộ”, người Liêu và người Tống ghét nhau đến mức nếu bên này gọi bên kia là “Liêu cẩu” (chó Liêu), thì bên kia gọi bên này là “Tống trư” (Tống lợn).

Ở tác phẩm “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, lợn cũng nhiều lần bị đem ra bêu riếu. Ví như đoạn Tào Tháo đánh Đông Ngô báo thù trận Xích Bích: “Tôn Quyền ngồi trên chiếc thuyền to ở giữa, che một đôi tán vóc xanh, hai bên văn võ đứng hầu. Tháo trỏ roi nói: 'Đẻ con nên được như Tôn Trọng Mưu, chớ như con Lưu Cảnh Thăng thì chỉ là đồ chó lợn mà thôi!'”.

Hay đoạn Quan Công đại phá quân của Bàng Đức, bắt Vu Cấm: “Quan Công vuốt râu, cười nói rằng: 'Ta giết ngươi cũng như giết giống chó lợn thôi, chẳng bõ bẩn gươm của ta”.

Nhưng nói đến lợn mà quên Trư Bát Giới trong "Tây Du Ký" thì quả là thiếu sót lắm, có thể khiến họ hàng nhà lợn uất ức khiếu nại – vì hầu như chỉ trông vào hắn để được nổi tiếng.

Tạo hình nhân vật Chư Bát Giời trong bộ phim nổi tiếng Tây Du Ký (1986) của đạo diễn Dương Khiết.

Trư Bát Giới vốn là Thần trên trời, do phạm tội mà bị đày xuống hạ giới. Bát Giới có nghĩa là tám điều giới cấm của nhà Phật, bao gồm: Không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng, ăn chay.

Tinh yếu của Phật giáo là “Giới, Định, Huệ”. Có Giới thì mới Định, Định rồi mới sinh Huệ, công quả cũng từ đó mà dần dần tăng tiến. Do vậy, Giới là việc đầu tiên, nghĩa là ngăn cấm và hạn chế những dục vọng, ham muốn, chấp trước... Nhưng Bát Giới lại có đủ mọi thói xấu mà người tu luyện phải từ bỏ: háo sắc, tham ăn, lười nhác, ngu si mê mờ, thiếu kiên định... Trên đường lấy kinh y hễ thấy mỹ nữ là “tâm thần mê mẩn, lòng dục xốn xang”, đi đến nhà ai hễ ăn là ăn đến thủng nồi trôi rế. Y có một cách ăn rất ngộ: trút tất cả đồ ăn thức uống vào chung một chỗ rồi sục vào đánh chén, y như con lợn ộp oạp trong máng. Quả nhân sâm hay cơm nguội đối với y cũng thế mà thôi, “ực” một cái là hết.

Bảo đi dò đường thì y như rằng Bát Giới sẽ chui vào bụi cỏ, rúc mõm vào ngực mà ngủ. Thức dậy là y sẽ nghĩ cách nói dối để lừa cả thầy, cả anh em. Thế mà mồm miệng y lúc nào cũng xoen xoét: “Con thật thà, không biết nói dối”. Bát Giới cũng hay trốn tránh việc gánh hành lý, bệnh này chỉ có dùng thiết bảng của Ngộ Không là chữa được.

Và khi sư phụ gặp nạn là y sẽ đòi chia hành lý: “Sư huynh về núi Hoa Quả, sư đệ về sông Lưu Sa, ta về Cao Lão Trang với mẹ đĩ, còn con ngựa bạch bán đi mua cỗ quan tài cho sư phụ”.

Y còn có tính đố kỵ, nhất là khi Ngộ Không nhìn ra chân tướng sự việc khiến y mất cơ hội thỏa mãn lòng tham dục, tham sắc. Lúc ấy nhất định y sẽ xúc xiểm cho sư phụ trừng phạt Ngộ Không.

Bát Giới cũng vô dụng nhất trong mắt các yêu quái, vốn chỉ coi Bát Giới là hòa thượng “tai to mõm dài” bất tài vô tướng, dẫu có bắt được thì cũng chỉ là loại phế phẩm da dày, thịt dai, xương cứng...

Đoàn lấy kinh nếu không có y, có lẽ về đích nhanh hơn. Cũng như một người tu luyện nếu bỏ được các tính xấu thì sẽ sớm đạt chính quả -- Nhưng mấy ai mà không có ít nhiều Bát Giới trong mình?

Nhưng Bát Giới cũng có lúc được việc như khi dọn xú uế ở hèm Hy Thị, phá gai góc dọn đường ở núi Kinh Cức, xuống giếng để mò xác quốc vương nước Ô Kê... Ấy cũng là khai thác những điểm hữu ích của loài lợn.


Cứ 12 năm một lần khi xuân về, chúng ta lại gặp lại những chú lợn dễ thương trên các trang báo xuân với nhiều câu chuyện hấp dẫn. Nhưng ta lại quên một điều: Lợn là loài vật mà ta thường xuyên gặp gỡ trong bữa ăn gia đình. Lợn cũng hay được nhắc tới, có vẻ hơi bất công, trong lúc chúng ta bực dọc mắng nhiếc ai đó. Và khi ấy thì ta quên mất việc tri ân một loài vật đã nuôi sống con người từ mấy nghìn năm nay, đã góp mặt trong bao nhiêu vui buồn của loài người. Còn hơn thế, Trư Bát Giới – một chú lợn điển hình, chẳng phải đang nhắc nhở ta hoàn thiện mình hay sao?

Lợn không đẹp nhưng thật là hữu ích. Vì vậy, xin cảm ơn những chú lợn và chúc quý độc giả một mùa Xuân mới ấm no, thanh bình, thịnh vượng như hình ảnh những chú lợn Âm Dương trong tranh Đông Hồ.

Bình Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét