Giải bóng đá Asian Cup 2019 đang đi đến những trận đấu cuối cùng để xác định đội Vô địch. Đã có những tiếc nuối, bất ngờ, những tân binh sáng giá và cả những nhà cựu vô địch gây thất vọng... Nhưng có một đội bóng, dù ở giải đấu nào cũng để lại hình ảnh đẹp về đất nước của mình, đó là đội tuyển Nhật Bản. Bởi bóng đá cũng là sân chơi thể hiện văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Cái bắt tay, họp báo và đấu pháp của Nhật Bản
Bị nói là chơi cầm chừng trong vòng đấu loại, chật vật trước tuyển Việt Nam đang lên và quá thực dụng, cứng rắn với Iran ở bán kết, nhưng cuối cùng người ta vẫn phải công nhận tinh thần Samurai kiên cường và khiêm cung của đội tuyển Nhật Bản.
Sau trận thắng có phần vất vả trước Việt Nam, huấn luyện viên đội tuyển Nhật Hajime Moriyasu đã bắt tay ông Park Hang Seo. Đó là cái bắt tay của hai con người đến từ hai đất nước có mối hận thiên cổ vẫn chưa được hóa giải. Nhưng ông Moriyasu vẫn trân trọng dùng hai tay, cúi đầu thấp trước người đồng nghiệp của mình.
Đội trưởng của đội bóng kiêu hãnh, được đánh giá cao hơn Việt Nam, Maya Yoshida thừa nhận sau trận đấu rằng: "Các con số đã chỉ ra chúng tôi gặp khó khăn thế nào. Tôi thật sự đã kiệt sức. May mắn là toàn đội được nhận một quả phạt đền nhờ VAR và giành được thắng lợi".
Trong họp báo sau trận thắng Việt Nam, huấn luyện viên Moriyasu nói “chiến thắng vất vả như thế này sẽ giúp các cầu thủ trẻ của Nhật Bản có thêm kinh nghiệm và tiến bộ trong tương lai”. Và một lần nữa, sau trận thắng giòn giã trước Iran, ông khẳng định: "Tôi không nghĩ chúng tôi đã thay đổi cách chơi so với các trận trước, mà vấn đề là cách các cầu thủ thể hiện trên sân. Với sự hiểu biết và tôn trọng dành cho đối thủ của mình, họ đã cố gắng thể hiện những gì tốt nhất về mặt cá nhân và tập thể, bên cạnh ý chí chiến đấu vì kết quả của trận đấu".
Ông không tự nhận rằng mình đã đưa ra đối pháp hợp lý để khắc chế Iran và tạo sự đột phá cho tuyển Nhật, khác hẳn với những gì họ đã thể hiện trước đó. Người Nhật vẫn trung thành với một lối chơi thôi, nhưng chính các cầu thủ điều chỉnh tâm thái và nỗ lực trước đội thủ mạnh để dành chiến thắng.
Tôi cũng tin như vậy với những gì họ đã thể hiện trên sân. Trước Việt Nam dũng mãnh nhưng chưa hẳn ngang cơ, họ đá dè chừng mà không để lộ thái độ coi thường, chủ quan. Nhưng đến khi cần phải bung ra để dành chiến thắng, họ cũng không thể hiện sự nóng vội, lấn lướt, mà vẫn rất kiên trì, bản lĩnh. Đấu pháp có thể được điều chỉnh ít nhiều, nhưng thái độ từ cầm chừng sang tích cực chủ động mới là mấu chốt làm thay đổi cục diện. Và dù thái độ thế nào, thì cũng đi kèm với sự khiêm tốn, tôn trọng đối thủ.
[caption id="attachment_1090860" align="alignnone" width="674"] Đối thủ càng mạnh, Nhật Bản càng thể hiện được bản lĩnh thực sự của họ. (Ảnh: hadathkw.net)[/caption]
"Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu"
Người Nhật có một thành ngữ nổi tiếng rằng “bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. Khi lúa chưa chín, hạt lép hoặc mục ruỗng, bệnh tật... thì nhẹ bẫng, vươn cao. Chỉ khi tích tụ trên mình sức nặng của hàng trăm hạt lúa mây mẩy thơm lành, cây lúa mới uốn cong mình xuống, càng nặng thì càng cong. Dù không có nền nông nghiệp thâm canh lúa nước như Việt Nam, nhưng bằng sự quan sát tinh tế thấm đẫm triết lý nhân sinh, người Nhật hiểu rằng, làm người cũng phải như cây lúa. Biết khiêm tốn cúi mình trước người khác thì mới đúng là có sức nặng của trí tuệ thâm sâu, mới là con người giàu nội hàm và giá trị.
Thế nên người Nhật coi sự khiêm nhường, cung kính là tiêu chuẩn làm người cần phải có. Cái cúi đầu trong văn hóa kính lễ của Nhật Bản không chỉ được dùng khi xin lỗi, mà còn để chào nhau, thể hiện sự tôn trọng người khác và thái độ khiêm tốn của bản thân.
Cũng là một triết lý tương tự mà tạo hóa đã an bài để con người quan sát mà nhận ra bài học cho mình. Hướng dương cũng là một loài hoa cúi đầu để tồn tại và cung cấp cho đời những hạt giống thơm mẩy.
Có câu chuyện rằng, một cậu bé nghịch ngợm đã buộc cố định những bông hoa hướng dương cho chúng ngửa lên trời với niềm tin rằng làm thế hoa sẽ hứng được nhiều ánh nắng và cho nhiều hạt hơn. Thế nhưng, đến mùa thu hoạch, những bông hoa cậu buộc lại có mùi mốc và sinh ra toàn hạt lép. Đem thắc mắc này đi hỏi cha, cậu nhận được nụ cười hiền từ và câu trả lời: “Con ngốc à, hoa hướng dương ngẩng đầu lên thì nước mưa, sương đọng ở trong không chảy ra được, dễ sinh vi khuẩn và nấm mốc. Con tốt bụng muốn giúp nó, nhưng lại làm hại nó. Thực ra, hoa hướng dương cúi đầu, một là bày tỏ lòng thành kính với mặt trời, hai là để bảo vệ bản thân”.
Cây lúa chín cũng thế, khi khiêm nhường cúi đầu, cũng chính là đang tự bảo vệ bản thân. Vì như thế tránh được nguy cơ bị gió thổi gãy hay chim chóc mổ. Người luôn khiêm nhường sẽ tránh được thị phi sinh ra từ lòng đố kỵ, ghen tức của thiên hạ. Đất Trời luôn có những quy luật bất biến vô hình, một trong số đó là quy luật tương sinh tương khắc. Chỗ nào có tự mãn, hiển thị, chỗ đó sẽ thu hút sự tật đố, ghen ghét. Kể cả khi xung quanh bạn toàn người tốt, không ai thèm ghen tức, thì họ cũng xa lánh và không thể trân trọng bạn. Và hơn hết thảy, làm người cần tự nhận biết và tạo ra giá trị cối lõi cho mình. Có khiêm tốn cúi đầu thì mới biết nhìn lên mà học hỏi, bởi nhìn lên là bao la rộng mở, còn nhìn xuống sẽ chỉ thấy những thứ dưới mũi mình mà thôi.
Xưa có người hỏi triết gia nổi tiếng Hy Lạp Socrates rằng: “Là người có học vấn uyên thâm nhất thiên hạ, ông có biết khoảng cách giữa Trời và Đất là bao nhiêu không?”. Socrates trả lời: “Ba thước” (1 đơn vị "thước" mà ông này nói đến tương đương 33 cm). Người này tỏ vẻ nghi hoặc nói: “Thưa ông, ngoài trẻ con ra thì người lớn ai cũng cao năm, sáu thước. Nếu khoảng cách giữa Trời và Đất chỉ có ba thước, thì chẳng phải chúng ta đã đâm thủng bầu trời rồi hay sao?”. Socrates trả lời: “Đúng vậy, phàm là ai cao hơn ba thước, nếu muốn đứng được ở giữa Trời và Đất, thì phải biết cúi đầu”.
[caption id="attachment_1090882" align="alignnone" width="698"] Sự khiêm nhường, cung kính của người Nhật thể hiện ở mọi mặt, ngay cả trong lối chơi bóng. (Ảnh: alayam.com)[/caption]
Cúi để ngẩng cao
Người ta nói biết cúi đầu cũng là một loại trí huệ, vì chỉ có biết mình - biết ta thì mới biết được những phạm trù ngoài mình - ngoài ta, biết núi cao còn có núi cao hơn. Người tự mãn sẽ nghĩ thành công cá nhân là do nỗ lực của mình, nên có quyền tự hào và say sưa với nó. Người khiêm nhường luôn nghĩ thành công của mình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Nhà khoa học lớn Issac Newton giải thích về thành công của mình rằng: “Sở dĩ tôi nhìn xa là vì tôi ngồi trên vai người khổng lồ”. Tổng thống được mệnh danh là vĩ đại nhất trong các tổng thống Mỹ, Abraham Lincoln lại lý giải rằng: “Tất cả những điều tốt đẹp chúng ta có ngày nay không phải do một người nào trên đời hướng dẫn hay do bàn tay của con người làm nên. Tất cả đều là những món quà quý giá đặc biệt mà Thiên Chúa toàn năng đã ban cho chúng ta”. Một con người biết khiêm tốn, cung kính trước tạo hóa thì sẽ luôn đặt mình ở dưới, dù là dưới ai thì cũng sẽ cúi đầu đầy thành kính. Cúi được thì mới ngẩng lên được.
Chỗ đất cao thì dễ bị xói mòn, nơi trũng thấp thì năng được bồi đắp. Làm người cũng vậy, tự mãn thì bị ghét bỏ, còn khiêm hạ lại được cảm thông. Bông lúa chín trĩu nặng cúi đầu không chỉ để tự bảo vệ trước chim chóc, gió mưa... mà còn biểu hiện sức nặng tích tụ bởi tinh hoa của Đất Trời, chắt lọc từ thiên nhiên. Cũng như vậy, làm người, nếu biết tu thân dưỡng tính, thì sẽ đạt được những giá trị nội hàm bền vững và cao quý.
Nghi Ân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét