Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta xuất tâm muốn làm một việc tốt nào đó, nhưng vì hoàn cảnh chưa thuận lợi, các chủng loại lý do ngăn cản nên cứ khất lần khất lượt đến “ngày mai”. Có điều là, ngày mai e rằng không còn kịp nữa…
Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có một người Bà-la-môn tên là Tiểu Nhất Y; gọi như vậy bởi vì ông nghèo tới nỗi chỉ có đúng một chiếc áo mặc bên trong, và vợ ông cũng vậy. Hai người dùng chung một chiếc áo khoác ngoài, vậy nên mỗi khi Tiểu Nhất Y hoặc vợ ra khỏi cửa thì người kia phải ở nhà.
Một hôm, người ta loan báo rằng Đức Phật sẽ thuyết Pháp tại tinh xá Kỳ Viên. Cả hai vợ chồng Tiểu Nhất Y đều muốn được đi nghe Pháp, nên họ thoả thuận: bà đi ban ngày còn ông đi ban đêm. Ngồi trước mặt Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Tiểu Nhất Y vô cùng hoan hỷ. Ông chăm chú lắng nghe lời Đức Như Lai thuyết giảng như muốn nuốt trọn từng lời; ông liền phát tâm muốn cúng dường Đức Phật.
Thế nhưng, Tiểu Nhất Y chỉ có chiếc áo khoác này là vật duy nhất đáng giá. Nếu dâng nó lên Đức Như Lai thì hai vợ chồng ông sẽ không còn chiếc nào để mặc nữa; rồi hai kẻ khốn khó này sẽ xoay sở ra sao?
Khi trong tim ông đang có hàng ngàn niệm ích kỷ không muốn dâng y nổi lên, thì lại có một niệm sùng tín mong muốn dâng y. Hai bên tranh chấp lẫn nhau mãi cho đến khi canh một trôi qua, Tiểu Nhất Y vẫn chưa cúng dường Đức Phật.
Canh hai lại đến, Tiểu Nhất Y vẫn dùng dằng chưa dâng y lên Đức Phật.
Đến canh cuối, Tiểu Nhất Y nghĩ rằng: hai canh đã trôi qua, nếu cứ giằng co mãi, nếu ta cứ cố chấp ích kỷ thế này thì sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội nhấc đầu ra khỏi bốn đường khổ. Thế là, ông quyết tâm cúng dường Đức Như Lai chiếc áo ngoài duy nhất của hai vợ chồng mình.
Lấy áo đặt dưới chân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Tiểu Nhất Y kêu to lên ba lần: “Ta đã chiến thắng!”
Lấy áo đặt dưới chân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Tiểu Nhất Y kêu to lên ba lần: “Ta đã chiến thắng!”. (Ảnh minh họa từ youtube)
Trong buổi giảng Pháp hôm đó, tình cờ có Vua Ba-tư-nặc xứ Kosala; vua nghe Tiểu Nhất Y hô lên như vậy thì rất đỗi ngạc nhiên. Khi tra rõ sự tình, nhà vua bèn ban thưởng cho Tiểu Nhất Y rất nhiều y phục. Tiểu Nhất Y dùng toàn bộ phần thưởng của nhà vua dâng lên Đức Như Lai. Nhà vua vô cùng cảm kích, bèn tặng cho Tiểu Nhất Y bốn voi, bốn ngựa, bốn ngàn đồng, bốn phụ nữ, bốn tỳ nữ và bốn ngôi làng tốt nhất.
Nghe được câu chuyện kể trên, các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:
– Ồ! Việc làm của Tiểu Nhất Y thật lạ lùng! Ông đã nhận được thật nhanh quà tặng mỗi thứ bốn cái! Ngay khi ông làm việc thiện, phúc báo đến liền.
Đức Phật đến, dạy rằng:
– Các Tỳ-kheo! Nếu Tiểu Nhất Y cúng dường cho Ta vào canh đầu, ông đã nhận quà tặng mỗi thứ mười sáu cái. Nếu vào canh giữa, ông đã nhận mỗi thứ tám cái. Nhưng vì để trễ đến canh cuối, nên ông chỉ nhận mỗi thứ bốn cái. Ai làm việc Thiện đừng chần chừ, mà phải làm tức khắc. Một việc công đức làm chậm trễ đem lại phước báo cũng chậm trễ.
Do đó, ta phải làm việc Thiện ngay khi có sự thôi thúc trong lòng.
Đức Phật đến và giảng ra chân tướng cho các Tỳ-kheo nghe.
(Ảnh: Adobestock.com)
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta xuất tâm muốn làm một việc tốt nào đó, nhưng vì hoàn cảnh chưa thuận lợi, các chủng loại lý do ngăn cản nên cứ khất lần khất lượt đến “ngày mai”. Có điều là, ngày mai e rằng không còn kịp nữa…
Nếu muốn thăm hỏi cha mẹ già, hãy nhấc điện thoại lên ngay hôm nay, bởi đâu có ai biết rằng: liệu người có còn chờ ta được mãi?
Nếu muốn tha thứ cho một người nào đó từng làm tổn thương bạn, hãy tha thứ ngay hôm nay, bởi biết đâu họ sẽ phải ôm nỗi day dứt mà rời khỏi thế gian này.
(Ảnh: Falunart.org)
Nếu ai đó đang bị những lời dối trá lừa gạt, hãy nói cho họ biết sự thật ngay hôm nay, bởi khi mặt trời ló rạng ngày mai, có thể họ sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội.
Trời rộng đất dài, so với cái vĩnh hằng vô tận của vũ trụ thời không, trăm năm đời người chỉ như trong chớp mắt. Nếu chẳng kịp nắm lấy cơ hội làm việc Thiện, e rằng một khi mất đi thân người, chỉ còn lưu lại hối hận khôn nguôi…
Thanh Ngọc
(Tham khảo: Buddhist Legends, Eugène Watson Burlingame)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét