Trung Quốc đang lợi dụng các công nghệ mới để biến khu vực Tân Cương - nơi cư ngụ của dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi - trở thành mẫu hình cho một chính quyền giám sát độc tài chuyên chế toàn diện, Bộ trưởng Kỹ thuật số Đài Loan cho biết hôm thứ Hai (27/7).
"Chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực nhằm kiến lập một chính phủ toàn trị hầu hết đều không thành công trọn vẹn vì không có đủ công nghệ để đảm bảo việc giám sát toàn bộ người dân", Bộ trưởng Kỹ thuật số Đài Loan Audrey Tang trao đổi với các phóng viên ở Tokyo trong một cuộc họp báo trực tuyến. "Nhưng giờ đây ở Tân Cương, chúng ta đang chứng kiến hình mẫu một chế độ giám sát toàn trị thực sự toàn diện đang được vận hành”.
Khu vực này, vốn có đa số nhân khẩu là người Hồi giáo, là một chủ đề gây tranh cãi trong mối quan hệ song phương Mỹ-Trung, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ hồi tuần trước áp lệnh trừng phạt đối với 11 doanh nghiệp khác bị cáo buộc dính líu đến các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Một báo cáo hồi tháng hai của Viện Chính sách chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) ước tính hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị cưỡng chế di dời ra khỏi Tân Cương để làm việc trong các nhà máy trên khắp Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2019, một số trong đó được điều trực tiếp từ các trại giam. Theo báo cáo, những người lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ này phải hứng chịu đe dọa, và liên tục bị giám sát bởi nhân viên an ninh và các thiết bị giám sát kỹ thuật số.
Phát biểu qua Internet từ Đài Bắc, ông Tang cho biết những báo cáo này đóng vai trò một lời nhắc nhở người dân Đài Loan về giá trị của nền dân chủ tự do.
"Chúng ta nhìn mọi thứ qua lăng kính của nhân quyền và dân chủ", vị bộ trưởng nói. "Những nỗ lực này, ví như ở Tân Cương mà tôi vừa đề cập đến, đang thúc đẩy tất cả người dân Đài Loan xem xét các ứng dụng và công nghệ này. Nó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ, rằng chúng ta không nên bén mảng đến đây”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Nikkei, ông Tang nhận định việc tích hợp thiết bị của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng viễn thông cốt lõi của Đài Loan chẳng khác nào mời một con ngựa thành Troia vào mạng lưới liên lạc của quốc đảo.
"Mỗi lần nâng cấp, bạn sẽ phải tiến hành một lần tái đánh giá rủi ro hệ thống", Tang nói. "Nhưng tôi cho rằng rủi ro là quá cao, và chi phí sở hữu quá cao, tốt hơn chúng ta nên làm việc với các nhà cung cấp khác từ các quốc gia tự do dân chủ”.
Thật vậy, Đài Loan đã loại bỏ Huawei một cách hiệu quả ra khỏi hệ thống mạng 5G. Tháng 6, hãng viễn thông nội địa Chunghwa Telecom, với sự hỗ trợ của chính phủ, đã ra mắt các dịch vụ thương mại 5G trên nền tảng hệ thống internet tốc độ cao của hòn đảo, sử dụng công nghệ của Ericsson.
Mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc đã trở xấu kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn - một người có đường lối cứng rắn với Trung Quốc - nhậm chức từ năm 2016, khiến hòn đảo trở thành mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công mạng. Chính phủ cho biết Đài Loan bị tấn công mạng trung bình 30 triệu lần mỗi tháng.
"Có những cuộc tấn công mạng theo nghĩa đen hàng giờ," ông Tang nói. "May mắn thay, hầu hết trong đó đã được chặn tự động bởi hệ thống quốc phòng chuyên sâu mà chúng tôi đang triển khai. Do đó các cuộc tấn công mạng này không thực sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống [hồi tháng 1], mặc dù có rất nhiều chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét