Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Phong vân mạn đàm (Kỳ 54): Vào đất Tần, Mạnh Thường Quân dâng áo; trộm cung vua, môn khách cứu chủ công

Phong vân mạn đàm (Kỳ 54): Vào đất Tần, Mạnh Thường Quân dâng áo; trộm cung vua, môn khách cứu chủ công https://ift.tt/2XeUgXz

Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Lời bạch: Nước Sở nguyên vốn là nước mạnh đứng đầu thời Xuân Thu, những năm cuối thời Xuân Thu, do Sở Bình vương háo sắc, dùng kế chiếm đoạt vợ của thái tử làm phi tử của mình mà dẫn đến đại họa không dứt, đến nỗi bị nước Ngô tiêu diệt. Về sau dù Sở Chiêu vương đã phục quốc, nhưng cũng từ đây nguyên khí nước Sở thương tổn nặng nề. Sau khi Sở Hoài vương kế vị năm lần bảy lượt mắc lừa nước Tần, trong quân sự và ngoại giao vấp phải sai lầm liên tiếp, thực lực quốc gia ngày càng lụn bại. Năm 299 TCN, Sở Hoài vương bị lừa đến nước Tần, sau 3 năm chết nơi đất khách quê người. Cũng trong năm Sở Hoài vương bị lừa vào nước Tần, tướng quốc nước Tề là Mạnh Thường Quân cũng bị lừa vào nước Tần. Vua Tần vì sao phải lừa Mạnh Thường Quân, Mạnh Thường Quân rốt cuộc lại là người thế nào? Và ông đã dùng cách gì để thoát thân?

Dựa theo ghi chép trong "Sử Ký - Mạnh Thường Quân liệt truyện": Mạnh Thường Quân tên là Điền Văn. Phụ thân của Điền Văn tên Điền Anh, phụ thân của Điền Anh chính là tướng quốc của Tề Uy vương. Sau khi Mạnh Thường Quân lớn lên cũng kế thừa chức vị của ông nội mình, trở thành tướng quốc nước Tề.

Tề Mẫn vương, vua Tề khi đó là anh em chú bác của Mạnh Thường Quân. Ngay từ lúc nhỏ, Mạnh Thường Quân đã khác với những đứa trẻ khác. Mẹ ông là tiện thiếp của Điền Anh, ngày ông chào đời là ngày 5 tháng 5, cũng không biết vì sao Điền Anh lại cho rằng đứa trẻ này là điều không may, lệnh cho mẹ ông phải giết chết ông.

Thời đó có một lối nói chính là đứa trẻ sinh vào tháng 5 một khi lớn lên cao bằng khung cửa thì sẽ mang đến điều dữ cho cha mẹ chúng. Nhưng người mẹ tất nhiên không nỡ, liền giấu nuôi nấng đứa trẻ này. Khi Mạnh Thường Quân được 5 tuổi, phụ thân ông biết được ông vẫn còn sống thì vô cùng giận dữ, trong cơn thịnh nộ liền hỏi mẹ của Điền Văn rằng: "Không phải ta đã bảo ngươi giết chết đứa bé này rồi sao, cớ sao nó vẫn còn sống đến giờ?".

Lúc đó Mạnh Thường Quân mới có 5 tuổi, một đứa trẻ vẫn còn rất nhỏ, nhìn thấy cha mình nổi cơn thịnh nộ như thế không những không sợ hãi, trái lại còn đến trước mặt cha mình hỏi cha mình một câu rằng: "Vận mệnh của con người là do ông trời quyết định, hay là do cái khung cửa quyết định đây?".

Cha ông nghe thế liền á khẩu không biết phải trả lời thế nào. Mạnh Thường Quân liền nói: "Nếu là do ông trời quyết định, thế thì có can hệ gì với cái khung cửa kia? Còn nếu là do chiều cao của khung cửa quyết định, thế thì đợi khi con lớn lên, phụ thân cứ việc nâng cái khung cửa nhà chúng ta lên cao hơn một chút không phải xong chuyện rồi sao?". Điền Anh cảm thấy đứa trẻ này thật không tầm thường, vậy nên đã giữ đứa trẻ này lại.

Một hôm, Mạnh Thường Quân trò chuyện với cha mình, khi đó Mạnh Thường Quân vẫn còn là một đứa bé. Ông nói: "Phụ thân, con hỏi người một vấn đề. Con trai của con trai gọi là gì". Cha ông nói: “Gọi là cháu nội”. Mạnh Thường Quân lại hỏi: “Thế cháu nội của cháu nội thì gọi là gì?”. Cha ông trả lời: “Gọi là cháu cố”.

Mạnh Thường Quân lại hỏi: “Thế cháu nội của cháu cố thì lại gọi là gì đây?”. Cha ông không sao trả lời được. Mạnh Thường Quân nói: “Người xem tình huống nhà chúng ta hiện giờ, phụ thân người đã làm tể tướng ba triều của nước Tề, ruộng đất và tài sản của nước Tề không hề tăng thêm, nhưng của cải trong nhà chúng ta lại tăng thêm rất nhiều, người hầu và thê thiếp trong nhà chúng ta đều có thịt ăn, còn những kẻ sĩ ngay đến cả cơm gạo thô cũng không có lấy để ăn. Thê thiếp trong nhà chúng ta lụa là gấm vóc mặc không hết, còn những kẻ sĩ ngày đến cả quần áo vải thô cũng không có mà mặc. Thế thì người tích cóp nhiều tiền của như vậy rốt cuộc để lại cho ai đây? Để lại cho cháu nội của cháu nội của cháu nội người chăng? Mà người này ngay đến cả tên họ là gì, xưng hô thế nào người cũng không biết được, thế thì để lại tiền của cho họ hỏi có tác dụng gì chứ? Vậy nên điều chúng ta cần làm nhất hiện giờ chính là bồi dưỡng nhân tài”. Phụ thân ông nghe vậy rất tán đồng với cách nghĩ của ông, liền để ông phụ trách chiêu đãi tân khách.

Vào thời Chiến Quốc, tính lưu động của người tài là hết sức lớn. Danh tiếng của Mạnh Thường Quân liền được những người tài lưu động này truyền khắp thiên hạ. Câu chuyện này nói rõ "người mà không biết nghĩ xa, ắt có mối lo gần". Mạnh Thường Quân kỳ thực đã nêu ra hai vấn đề với cha ông: Thứ nhất chính là tài sản vốn không phải là điều quan trọng nhất, dùng lý giải của người thời nay chính là tài sản nhất định phải cần được lưu thông. Nếu người giàu thì ít, có tiền không có chỗ để tiêu xài hoặc tiêu xài không hết, trong khi nhiều người nghèo như vậy lại không có tiền để tiêu, thì số tài sản đó sẽ không thể lưu thông ngoài xã hội nữa. Vậy nên một quốc gia có sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn là điều vô cùng tệ hại, với phát triển kinh tế có chỗ hại rất lớn. Mạnh Thường Quân mong rằng phụ thân ông có thể dùng tiền vào chỗ nhân tài. 

Vấn đề thứ hai chính là nói, đối với một quốc gia, nhân tài mới là thứ quan trọng nhất, vậy nên Mạnh Thường Quân đã bắt đầu làm một công việc gọi là dưỡng sĩ (nuôi dưỡng kẻ sĩ). Vậy thì "sĩ" là khái niệm gì đây?

 Chế độ chính trị thời nhà Chu gọi là tông pháp (lấy dòng tộc làm trung tâm), tầng lớp, phong đất chư hầu. Nhà Chu gọi phạm vi thế giới dưới sự cai quản của mình là thiên hạ. Thiên hạ cần có một người đến quản lý, thế thì người này chính là thiên tử. Thiên tử nắm giữ thiên hạ, thế thì con trai cả của thiên tử, chính là con trai của người vợ cả, sau này sẽ được làm thiên tử.

Thế thì những đứa con khác của thiên tử phải làm sao đây? Thiên tử liền lấy một phần đất của thiên hạ chia cho những người con trai  khác của mình cai quản, địa vị của những người con này gọi là chư hầu, lãnh thổ của chư hầu gọi là bang quốc. Con trai cả của chư hầu vẫn sẽ làm chư hầu, chư hầu cũng phải phân chia đất trong bang quốc của mình cho những người con trai khác của họ, mảnh đất như vậy được gọi là thái ấp. Người thống trị của thái ấp này gọi là đại phu. Con trai cả của đại phu vẫn sẽ làm đại phu, những con trai khác của đại phu gọi là "sĩ". Đại phu cũng phải chia mảnh đất trong thái ấp của mình cho những đứa con khác. Mảnh đất này gọi là lộc điền. Vậy nên thiên tử là có được cả thiên hạ, chư hầu có bang quốc, đại phu có thái ấp, sĩ có lộc điền.

Thiên tử, chư hầu, đại phu, sĩ bốn giai tầng này thuộc về tầng lớp quý tộc, quý tộc có quyền lợi nhận được giáo dục. Đến thời Chiến Quốc rất nhiều "sĩ" đã mất đi miếng đất của mình, cũng có thể là bởi nhân khẩu gia tăng hoặc là bởi nguyên nhân này khác. Những sĩ nhân đã mất đất này không còn có thể dựa vào sản xuất nông nghiệp để duy trì cuộc sống nữa, mà họ sống nhờ vào một sở trường nào đó của mình.

 Bởi sĩ từng được giáo dục, vậy nên họ đều có sở trường riêng của mình. Ví như nói, người có tài văn chương chúng ta gọi là văn sĩ, người giỏi võ nghệ chúng ta gọi là võ sĩ, người lắm mưu lược chúng ta gọi là mưu sĩ, người giỏi ăn nói chúng ta gọi là biện sĩ (người hùng biện). Vậy nên thời Chiến Quốc chính là đã xuất hiện một giai tầng vô cùng đặc thù như vậy, chính là sĩ, họ dựa vào tuyệt kỹ của mình qua lại giữa các nước, dùng học vấn, tài năng của mình để mưu sinh. Công việc mà Mạnh Thường Quân đang làm chính là nuôi dưỡng kẻ sĩ.

Ảnh minh họa: Tổng hợp.

 Mạnh Thường Quân nuôi dưỡng kẻ sĩ rất khéo. Trong "Mạnh Thường Quân liệt truyện" có giảng, trong lúc Mạnh Thường Quân chuyện trò với một người, phía sau ông có đặt một tấm bình phong, phía sau bình phong cử một người phụ trách ghi chép lại nội dung của cuộc trò chuyện. Ví như nói có một người rất có tài, Mạnh Thường Quân trong lúc trò chuyện với người đó, sẽ hỏi han tình hình trong nhà của anh ta, ví như trong nhà có khó khăn gì không, hoặc là anh có người thân, bạn bè nào đặc biệt xem trọng hay không... Kẻ sĩ này trò chuyện với Mạnh Thường Quân xong vừa về đến nhà không lâu thì Mạnh Thường Quân đã gửi một phần quà đến nhà anh ta, khiến kẻ sĩ này vui mừng quá đỗi, vậy nên họ đối với Mạnh Thường Quân cũng rất mực trung thành. Mạnh Thường Quân nuôi kẻ sĩ, dù người này có tài hay không, chỉ cần là người tự nhận mình là kẻ sĩ, Mạnh Thường Quân đều thu nhận cả, tiếng tăm của Mạnh Thường Quân cũng ngày một lớn.

Năm 299, Tần Chiêu Tương vương cho mời Mạnh Thường Quân đến nước Tần. Mạnh Thường Quân vừa đến nước Tần, vua Tần lập tức chọn ngày lành lập Mạnh Thường Quân làm thừa tướng. Tướng quốc của Tần là Sư Lý Tật sợ Mạnh Thường Quân được dùng sẽ cướp mất quyền mình, bèn cùng những đại thần khác nói với vua Tần rằng: "Mạnh Thường Quân là công tử của nước Tề, là anh em chú bác của vua Tề và là hoàng thân nước Tề, nếu lập y là thừa  tướng nước Tần, tất y phải nghĩ đến Tề trước rồi mới nghĩ đến Tần. Cứ lý mà suy, Mạnh Thường Quân đã có cái tài trù liệu mọi việc, không việc nào sai, lại thêm có nhiều tân khách giúp đỡ, nếu mượn quyền Tần để mưu ngầm cho Tề, thì Tần nguy mất”.

Vua Tần nghe vậy thấy rất có lý, liền bảo: "Nếu vậy thì cho hắn về hay sao?". Chúng đại thần lại nói: "Không thể cho về, Mạnh Thường Quân ở Tần đã hơn tháng rồi, môn khách đi theo có đến ba nghìn người, những người này đã lai vãng thuộc làu mọi ngóc ngách trong kinh đô nước Tần, đều biết hết việc lớn nhỏ của Tần, nếu nay để cho về thì đúng là thả hồ về rừng, tất có hại cho an nguy của nước Tần".

Vua Tần bèn giam lỏng Mạnh Thường Quân chực giết chết ông. Lúc ấy, Kinh Dương quân nghe được cái mưu của vua Tần liền đến yết kiến Mạnh Thường Quân, nói rõ cho biết. Kinh Dương quân là em trai của vua Tần, thời Kinh Dương quân còn làm con tin ở Tề được Mạnh Thường quân đối đãi rất hậu, ngày cùng ăn uống, khi về lại tặng mấy thứ đồ quý, Kinh Dương quân vẫn rất lấy làm cảm ơn. Mạnh Thường Quân biết chuyện thì không khỏi lo sợ, hỏi kế. Kinh Dương quân nói: "Nhà vua cũng chưa biết đâu. Trong cung có nàng Yên Cơ rất được vua yêu mến, nói gì vua cũng nghe. Ngài có thứ gì quý nhất, tôi sẽ vì ngài đem dâng Yên Cơ, cầu nàng ấy nói cho một lời, thả ngài về nước, may có thể thoát họa được".

Mạnh Thường Quân nghe vậy liền mượn dùng cửa ải người đẹp. Ông liền đem hai đôi bạch bích, nhờ Kinh Dương quân đem dâng Yên Cơ, xin nàng giải cứu cho. Yên Cơ nói: "Thiếp rất thích thứ áo lông chồn trắng. Nghe nói ở nước Tề vẫn có thứ áo ấy, nếu cho thiếp một cái, thiếp sẽ nói cho, chứ thứ ngọc bích này thiếp không dùng làm gì".

Nguyên Mạnh Thường Quân có cái áo cầu lông chồn màu trắng, lông dài hai thước, sắc trắng như tuyết, giá đáng nghìn vàng, thực là của quý có một không hai, lần đầu gặp mặt dùng làm lễ riêng đem dâng vua Tần. Vua Tần mặc áo cừu ấy đi vào cung, khoe với nàng Yên Cơ. Yên Cơ nói: "Áo cầu ấy người ta cũng thường có, lấy gì làm quý!". Vua Tần nói: "Giống chồn nếu không sống vài nghìn năm thì sắc không trắng, cái áo cầu này lấy những miếng da nách giống chồn ghép lại mà thành ra, là một thứ da thuần trắng, cho nên giá rất cao. Tề là một nước lớn ở Sơn Đông cho nên mới có thứ áo quý này".

Kinh Dương quân về báo cho Mạnh Thường Quân biết, Mạnh Thường Quân nói: "Chỉ có một cái áo tôi đã đem dâng vua Tần, bây giờ biết lấy đâu được nữa?". Kinh Dương quân thưa lại với Yên Cơ, Yên Cơ nói: "Cái đó thiếp không cần biết, nếu thiếp không có được chiếc áo đó, thì tất cả bọn họ đừng hòng nghĩ đến chuyện quay về".

Mạnh Thường Quân hết đường xoay sở, hỏi khắp tân khách xem có ai kiếm được thứ áo trắng giống hệt như cái đó không, ai nấy đều im không đáp. Cuối cùng có một người khách tự nói là có thể kiếm được. Mạnh Thường Quân hỏi: "Nhà ngươi có kế gì kiếm được thứ áo cầu ấy?". Môn khách đó nói: "Tôi có thể giả làm chó trộm chiếc áo khoác đó về đây, nó không phải cất trong kho của Tần vương hay sao?" Mạnh Thường Quân cười lớn rồi cho đi. 

Đến đêm người khách ấy mặc quần áo như con chó, chui qua cái lỗ chó lẻn vào trong kho, lúc trộm áo có phát ra tiếng động. Kẻ lại giữ kho nghe thấy, liền chạy đến xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Người này giả làm tiếng chó sủa. Kẻ lại trông kho tưởng là chó thì không nghi ngờ gì, bèn đi ngủ tiếp. Môn khách trộm chiếc áo đem về dâng Mạnh Thường Quân, Mạnh Thường Quân đưa cho Kinh Dương quân đem dâng Yên Cơ. 

Yên Cơ vui mừng quá, lại gặp buổi đêm cùng vua uống rượu đang vui, bèn nói rằng: "Thiếp nghe nước Tề có Mạnh Thường Quân là bậc đại hiền trong thiên hạ. Mạnh Thường Quân đang làm tướng Tề, không muốn sang Tần, vì Tần mời mới đến. Bệ hạ chẳng dùng thì thôi, sao lại chực giết? Mời tướng quốc của người ta đến, không có cớ gì giết đi, đại vương sẽ mang tiếng xấu hãm hại người hiền tài, thiếp e rằng hiền sĩ thiên hạ không còn ai dám đến nước Tần nữa!”.

Có thể đêm hôm đó vua Tần đã uống quá chén, hoặc đã khuya quá buồn ngủ lắm rồi, liền nói: "Thế chúng ta cứ thả Mạnh Thường Quân về vậy", bèn phê một đạo công văn, cấp giấy trạm thả Mạnh Thường Quân về Tề.

Liệu Mạnh Thường Quân có thể về Tề an toàn hay không, mời quý độc giả cùng chờ đón vào kỳ sau...

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng / NTDTV
Vũ Dương biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét