Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Điểm tin thế giới sáng 30/7: Washington đánh giá nguy hại của TikTok, Trung Quốc kêu gọi chống ‘bá quyền’ Mỹ

Điểm tin thế giới sáng 30/7: Washington đánh giá nguy hại của TikTok, Trung Quốc kêu gọi chống ‘bá quyền’ Mỹ https://ift.tt/39ENJdK

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (30/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:

Washington đánh giá nguy hại của Tik Tok

Ứng dụng TikTok của Trung Quốc đang được cơ quan quản lý liên bang, CFIUS, đánh giá mức độ gây hại đối với an ninh nước Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Steven Mnuchin, đã xác nhận thông tin này hôm thứ Tư, theo SCMP.

Ông Mnuchin nói rằng cơ quan của ông sẽ sớm đề xuất hành động đối với ứng dụng này lên Tổng thống Trump. "TikTok đang được CFIUS xem xét và chúng tôi sẽ trình khuyến nghị lên tổng thống trong tuần này", ông Mnuchin, đứng bên cạnh ông Trump, nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng. "Chúng tôi có rất nhiều lựa chọn [để hành động]".

Hôm thứ Ba, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư cho các quan chức an ninh quốc gia để yêu cầu một cuộc điều tra về việc liệu TikTok có đang phục vụ những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc "gây ảnh hưởng" ở xã hội Mỹ hay không, bao gồm cả những nỗ lực nhằm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào cuối năm nay.

Trung Quốc kêu gọi thế giới chống 'bá quyền' Mỹ

Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi tất cả các quốc gia "chống lại" các hành động "vô lý và bá quyền" của Hoa Kỳ, đồng thời giúp thế giới ngăn chặn điều mà ông cho rằng là một cuốc chiến tranh lạnh mới, SCMP đưa tin hôm thứ Tư.

"Tất cả các quốc gia nên hành động để chống lại bất kỳ hành động đơn phương hoặc bá quyền nào, cũng như bảo vệ hòa bình và sự phát triển của thế giới", Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Nghị.

Ông Nghị cũng nói rằng quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng như hiện tại là do "một phe chính trị nhất định ở Mỹ, bị thúc đẩy bởi lòng tham và mong muốn duy trì trạng thái bá quyền đơn cực".

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, Jean-Yves Le Drian, vào thứ Ba, ông Nghị nói Bắc Kinh sẽ có "những phản ứng hợp lý và rõ ràng" với Hoa Kỳ, nhưng cũng nhấn mạnh rằng đất nước của ông sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ ổn định với Washington.

Đây là lần thứ tư trong vòng chưa đầy hai tuần, ông Nghị đã đề cập tới Hoa Kỳ trong các cuộc trò chuyện với các quan chức nước ngoài. Ông đã có cuộc thảo luận qua điện thoại với các đối tác Nga, Việt Nam và Đức.

Mỹ rút 12.000 lính khỏi Đức

Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch điều chuyển 12.000 quân ở Đức đi những nơi khác, Fox News cho hay, đây là một động thái điều chỉnh của Washington trong kế hoạch ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và trấn an các đông mình châu Âu.

Theo kế hoạch, 6.400 lính Mỹ sẽ được đưa về nước, trong khi đó, 5.600 quân nhân khác sẽ được điều tới các đơn vị khác ở châu Âu. Việc này sẽ được thực hiện "trong hai tuần", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho hay.

"Những thay đổi này sẽ đạt được các nguyên tắc cốt lõi trong việc tăng cường sự răn đe của Mỹ và NATO đối với Nga, củng cố NATO, trấn an các đồng minh và cải thiện tính linh hoạt trong chiến lược của Hoa Kỳ", ông Esper nói.

Hơn một nửa bệnh nhân Covid thở máy ở Đức tử vong

Cứ 5 bệnh nhân ở Đức phải nhập viện vì bệnh viêm phổi Vũ Hán thì có 1 người không qua khỏi, trong khi đó tỷ lệ tử vong đối với những người phải thở máy lên tới 53%, một nghiên cứu công bố kết quả này vào thứ Tư, theo AFP.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi Hiệp hội chăm sóc sức khỏe và cấp cứu liên ngành Đức, Đại học kỹ thuật Berlin và nhóm bảo hiểm y tế AOK.

Nghiên cứu đưa ra kết luận dựa trên việc phân tích bộ dữ liệu của 10.000 bệnh nhân nhập viện ở 930 bệnh viện của Đức, trong khoảng thời gian từ 26/2 đến 19/4.

Nghiên cứu cho biết thêm, bệnh nhân nam phải nhập viện ở Đức có tỷ lệ tử vong cao hơn nữ giới, con số tương ứng là 25% so với 19%.

Ấn Độ nhận 5 máy bay chiến đấu từ Pháp

Vào thứ Tư, Ân Độ đã nhận về 5 máy bay chiến đấu, trị giá hàng tỷ đô la, của hãng sản xuất Rafale, Pháp. AFP cho hay, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ đã đề cập tới sự kiện này như một cảnh báo tới nước láng giềng Trung Quốc sau khi Ấn-Trung xảy ra xung đột lãnh thổ căng thẳng thời gian qua.

Đại bác đã được bắn lên để chào mừng 5 máy bay chiến đấu hạ cánh xuống căn cứ không quân Ambala ở bang Haryana, phía bắc Ấn Độ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Rajnath Singh, nói rằng sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu mua từ Pháp đã đánh dấu "sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử quân sự của chúng ta".

Ấn Độ đã đặt mua 36 máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp trong một thỏa thuận trị giá 9,4 tỷ USD. Những chiếc máy bay cuối cùng sẽ được nhà sản xuất Rafale giao cho Ấn Độ vào cuối năm 2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét