Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Dữ liệu rò rỉ: Chính phủ Iran che giấu số ca tử vong Covid-19

Dữ liệu rò rỉ: Chính phủ Iran che giấu số ca tử vong Covid-19 https://ift.tt/31izlE7

Một cuộc điều tra của BBC cho biết, số người tử vong vì virus Vũ Hán (Covid-19) ở Iran gấp gần ba lần số liệu chính phủ nước này công bố.

Các hồ sơ riêng của chính phủ cho biết gần 42.000 người đã tử vong với các triệu chứng Covid-19 tính đến ngày 20/7, trong khi đó Bộ Y tế chỉ báo cáo 14.405 ca. Số người nhiễm virus là  451.024, gần gấp đôi con số chính thức là 278.827 ca.

Iran là một trong những quốc gia ngoài Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề nhất vì đại dịch. Trong những tuần gần đây, Iran đã phải hứng chịu làn sóng tăng vọt lần hai các ca nhiễm bệnh.

Kể từ khi virus Vũ Hán bùng phát ở Iran, nhiều nhà quan sát đã nghi ngờ con số chính thức.

Một số giới chức địa phương đã lên tiếng về sự bất thường trong dữ liệu được báo cáo giữa cấp quốc gia và khu vực. Trong khi đó, các nhà thống kê đã cố gắng đưa ra các con số ước tính khác.

Các ca nhiễm không được ghi nhận đầy đủ, chủ yếu là do năng lực xét nghiệm, và đây là điều xảy ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, thông tin được tiết lộ cho BBC cho thấy chính quyền Iran đã báo cáo số ca nhiễm hàng ngày thấp hơn đáng kể, mặc dù có hồ sơ về tất cả các trường hợp tử vong. Điều này cho thấy giới chức đã cố tình che giấu các ca bệnh.

'Làm sáng tỏ sự thật'

Dữ liệu được gửi đến BBC từ một nguồn giấu tên. Nguồn tin này cung cấp chi tiết về số ca nhập viện hàng ngày trên khắp Iran, bao gồm tên, tuổi, giới tính, triệu chứng, ngày và thời gian nằm viện cũng như các bệnh lý nền.

Các dữ liệu trong danh sách khớp với thông tin về một số bệnh nhân mà BBC biết được, trong đó gồm cả những người đã tử vong.

Nguồn tin nói rằng họ chia sẻ dữ liệu này với BBC để "làm sáng tỏ sự thật" và chấm dứt "trò chơi chính trị" xoanh quanh đại dịch.

BBC không thể xác minh người cung cấp các thông tin này có làm việc cho cơ quan chính phủ Iran hay không, hay cách thức mà họ có được dữ liệu. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các số liệu chính thức và số ca tử vong được ghi nhận trong hồ sơ này khớp với sự khác biệt giữa số liệu chính thức và các tính toán về tình trạng "tử vong cao quá mức", tính đến giữa tháng 6.

"Tử vong cao quá mức" là cụm từ được dùng để chỉ số lượng các ca tử vong cao hơn và vượt quá những gì dự kiến sẽ xảy ra trong các điều kiện "bình thường".

Dữ liệu tiết lộ điều gì?

Thủ đô Tehran có số ca tử vong cao nhất, với 8.120 người chết vì Covid-19 hoặc các triệu chứng tương tự.

Thành phố Qom, tâm dịch virus đầu tiên ở Iran, bị ảnh hưởng nặng nề nhất tính theo tỷ lệ dân số, với 1.419 trường hợp tử vong, như vậy, tỷ lệ tử vong ở khu vực này là 1/1000 người dân.

Đáng chú ý là, trên cả nước, 1.916 người chết không phải là công dân Iran. Điều này cho thấy số ca tử vong không tương xứng giữa người di cư và người tị nạn, những người chủ yếu đến từ nước láng giềng Afghanistan.

Xu hướng chung của các trường hợp và tử vong được đề cập trong dữ liệu tiết lộ cho BBC tương tự như xu hướng trong các báo cáo chính thức, chỉ khác biệt về quy mô.

Sự gia tăng các ca tử vong trong thời gian đầu nêu trong tài liệu này cao hơn nhiều so với các con số mà Bộ Y tế cung cấp, và tính đến giữa tháng 3, con số này cao gấp 5 lần so với số liệu chính thức.

Chính phủ Iran đã đưa ra các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Tuy nhiên, khi các hạn chế được nới lỏng, các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong bắt đầu tăng trở lại, từ khoảng đầu tháng 6.

Nguồn tin tiết lộ với BBC rằng, ca tử vong đầu tiên được ghi nhận vào ngày 22/1, một tháng trước khi trường hợp đầu tiên được báo cáo chính thức ở Iran.

Biểu đồ cho thấy sự chênh lệch về số ca tử vong vì Covid-19 ở Iran giữa số liệu chính thức và dữ liệu rò rỉ từ 22/1 đến 20/7 (ảnh chụp màn hình BBC).

Vào thời điểm đó, các quan chức của Bộ Y tế Iran kiên quyết tuyên bố rằng nước này mới chỉ có một trường hợp nhiễm virus corona, bất chấp các báo cáo của các phóng viên ở Iran và cảnh báo từ các chuyên gia y tế.

Trong vòng 28 ngày cho đến khi ca tử vong đầu tiên được chính thức công bố vào ngày 19/2, có 52 người đã tử vong.

Người cảnh báo sớm

Các bác sĩ trực tiếp nắm được thông tin về vấn đề này nói với BBC rằng Bộ Y tế Iran đã chịu áp lực từ các cơ quan an ninh và tình báo bên trong đất nước.

Bác sỹ Pouladi (không phải tên thật) nói với BBC rằng Bộ Y tế "đã từ chối thừa nhận" ca nhiễm đầu tiên.

"Ban đầu, họ không có bộ dụng cụ xét nghiệm, và khi họ có, họ không cho xét nghiệm trên diện rộng. Quan điểm của các cơ quan an ninh là không thừa nhận sự tồn tại của virus corona ở Iran", bác sỹ Pouladi nói.

Hai bác sĩ từ thành phố Qom đã kiên trì trong việc buộc Bộ Y tế phải thừa nhận ca nhiễm bệnh chính thức đầu tiên. Khi bác sỹ Mohammad Molayi và bác sỹ Ali Molayi mất đi anh trai, họ khẳng định anh trai họ nên được xét nghiệm Covid-19, và kết quả là dương tính.

Trong bệnh viện Kamkar, nơi anh trai họ qua đời, nhiều bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng tương tự Covid-19. Tuy nhiên, không ai trong số họ được làm xét nghiệm.

Bác sĩ Molayi sau đó đã phát hành một video về người anh quá cố của mình. Sau đó, Bộ Y tế cuối cùng đã phải thừa nhận trường hợp ca đầu tiên. Tuy nhiên, đài truyền hình nhà nước Iran đã cáo buộc rằng, video về người anh trai đã được quay từ vài tháng trước.

Vì sao phải giấu dịch?

Dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào thời điểm trùng với hai sự kiện quan trọng ở Iran: dịp kỷ niệm Cách mạng Hồi giáo 1979 và kỳ bầu cử Quốc hội.

Đây là cơ hội quan trọng để chính quyền của nước Cộng hòa Hồi giáo thể hiện họ nhận được sự ủng hộ từ dân chúng và họ không muốn phá vỡ cơ hội này chỉ vì virus.

Ayatollah Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran, cáo buộc một số người sử dụng virus corona để phá hoại cuộc bầu cử. Không nhiều cử tri đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử.

Trước khi bị đại dịch virus corona tấn công, Iran đã có một loạt các khủng hoảng trong quá khứ.

Vào 11/2009, chính phủ tăng giá xăng dầu và trấn áp đầy bạo lực đối với các cuộc biểu tình sau đó. Chỉ trong vài ngày, hàng trăm người biểu tình đã bị giết.

Vào tháng 1/2020, phản ứng của chính phủ Iran trong vụ việc tướng Qasem Soleimani, người được coi là một trong các nhân vật quyền lực nhất tại Iran bị Mỹ tiêu diệt, đã tạo ra vấn đề khác.

Iran cũng đã che giấu thông tin sau khi các lực lượng vũ trang của Iran đã bắn nhầm vào một máy bay thương mại của Ukraine, khiến toàn bộ 176 người thiệt mạng. Sau khi giới chức Iran thừa nhận vụ việc, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra.

Bác sĩ Nouroldin Pirmoazzen, một cựu dân biểu và cũng là quan chức trong Bộ Y tế, nói với BBC rằng trong bối cảnh đó, chính phủ Iran "rất lo lắng và sợ hãi sự thật" khi virus corona tấn công vào Iran. Ông nói: "Chính phủ sợ rằng dân nghèo và người thất nghiệp sẽ xuống đường".

Bác sĩ Pirmoazzen cho biết việc Iran không để tổ chức Bác Sĩ Không Biên Giới điều trị các ca nhiễm virus corona tại tỉnh miền trung Isfahan cho thấy nước này rất cảnh giác về an ninh đối với đại dịch.

Iran đang trải qua giai đoạn khó khăn, thậm chí ngay cả trước khi bị virus corona tấn công. Kinh tế Iran bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018.

Bác sĩ Pouladi nói: "Những người đẩy nền kinh tế tới bước này không phải trả giá. Chính người dân nghèo và các bệnh nhân tội nghiệp của tôi phải trả giá, và họ phải trả bằng chính mạng sống của họ".

Bộ Y tế tuyên bố rằng số ca nhiễm và tử vong do virus corona mà nước này báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới là "minh bạch" và "không có bất kỳ sai lệch nào".

Theo BBC
Hương Thảo dịch và biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét