Một dân quân xã tên Huỳnh Hữu Cường giết mèo rừng quý hiếm, rồi đăng lên mạng xã hội Facebook khoe “chiến tích” khiến người dân bất bình trước hành vi trên và cho biết, cơ quản chủ quản ở đâu, biết luật mà vẫn phạm luật là sao?
VTC đưa tin, trước đó, đường dây nóng bảo vệ Động vật hoang dã của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), nhận được thông tin ông Huỳnh Hữu Cường (ngụ xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) săn bắt, giết nhiều cá thể mèo rừng và đăng tải các hình ảnh này trên trang Facebook cá nhân có tên “Hữu Cường Huỳnh”.
Ngày 24/8, ENV đã có văn bản gửi đến Công an huyện Cái Bè đề nghị điều tra đối với Facebooker Hữu Cường Huỳnh liên quan đến vụ việc trên. Theo đó, cá thể mèo rừng là động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.
Văn bản của ENV nêu rõ: “Ông Huỳnh Hữu Cường hiện là một thành viên trong lực lượng dân quân của xã Tân Thanh. Là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm và có hiểu biết pháp luật nhất định đối với tội phạm về động vật hoang dã, đáng ra ông Cường phải là một chiến sĩ gương mẫu, tuân thủ đúng quy định pháp luật và tấm gương sáng cho người dân noi theo.
Việc ông này có hành vi giết hại loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đồng thời, ngang nhiên sử dụng mạng xã hội để “khoe” chiến tích của mình, không những là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật mà còn gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh dân quân tự vệ.
Sau khi Hữu Cường Huỳnh đăng tải hàng loạt hình ảnh giết hại động vật giống mèo rừng lên Facebook đã bị người dân phản ứng dữ dội. Sau vài giờ đồng hồ đăng tải vào ngày 23/8, ông Cường đã gỡ bỏ các hình ảnh ra khỏi trang cá nhân.
ENV khẳng định, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng về bảo vệ động vật hoang dã và đề nghị Công an huyện Cái Bè điều tra, nếu có vi phạm cần xử lý nghiêm.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên ông Cường đăng tải những hình ảnh giết mổ mèo rừng, vì trước đó tháng 11/2018, ông này cũng giết nhiều cá thể mèo rừng và đăng lên mạng xã hội.
Giết hại mèo rừng và nhiều lần đăng Facebook, Cơ quan chủ quản ở đâu?
“Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã đọc được khá nhiều thông tin một số cá nhân giết voọc, động vật hoang dã trong danh mục cấm bị xử lý. Đã có khá nhiều vụ đã được cơ quan chức năng điều tra và kết án, như vụ giết voọc chà vá chân nâu, loài thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), mà trong đó, các bị cáo bị xử phạt 2 - 3 năm tù (hoặc cho hưởng án treo), về tội “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ” vào năm 2017. Do vậy, việc C., một dân quân xã - tức không thể nói không hiểu biết pháp luật - giết hại mèo rừng và nhiều lần đăng Facebook là hành vi rất đáng lên án và đáng bị điều tra, xử lý. Không những thế, cần áp dụng những tình tiết định khung, tăng nặng đối với người này”, bạn đọc Phương Vân phân tích và đưa ra đề nghị, theo Thanh Niên.
Ngoài ra, bạn đọc Tất Huyền cũng đặt câu hỏi: Vì sao hành vi của Cường được lặp đi lặp lại nhiều lần, và bằng chứng “sống động” là những hình ảnh về quá trình giết hại mèo rừng được Cường đăng lên tài khoản Facebook cá nhân, nhưng cơ quan chủ quản của Cường không làm việc với người này, cũng như xử lý, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trước khi anh ta sát hại thêm nhiều cá thể mèo rừng quý hiếm vô tội?
Đức Phi: Không thể tin được, có một số người giết hại động vật hoang dã, quý hiếm chỉ để thỏa mãn “đam mê” ăn nhậu được gắn dưới cái mác “đặc sản”, “món ngon, vật lạ”, “hàng độc”… hoặc để thể hiện “đẳng cấp” của mình.
Mức án đối với tội “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ” chưa thích đáng, nên mới có tình trạng giết động vật hoang dã, quý hiếm rồi còn đăng lên Facebook. Ngoài ra, cần xử lý những người cổ súy cho những kẻ ưa khoe khoang “chiến tích” giết động vật hoang dã, quý hiếm trên mạng xã hội.
Từ năm 2005 đến nay, ENV đã và đang hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc giám sát, xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, đồng thời quản lý đường dây nóng 18001522 hỗ trợ người dân báo cáo các vi phạm về động vật hoang dã tới cơ quan chức năng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét