Ở tuổi “xưa nay hiếm”, cụ ông Giuseppe Paterno (96 tuổi) vừa tốt nghiệp Đại học Palermo loại xuất sắc đồng thời ghi tên mình vào danh sách sinh viên tốt nghiệp đại học ở độ tuổi cao nhất nước Ý.
Theo Reuters, ngày 29/7, cựu nhân viên đường ray xe lửa đã tự hào bước lên bục danh dự để nhận tấm bằng cử nhân của mình từ hiệu trưởng Đại học Palermo, cùng tiếng reo hò vỗ tay chúc mừng của gia đình, thầy cô, và cả những bạn đồng môn kém mình hơn 70 tuổi.
Cụ ông Giuseppe Paterno rất yêu thích đọc sách nhưng lại không có cơ hội để học đại học khi còn trẻ. Mãi đến năm 2017, ông mới quyết định theo học chuyên ngành Lịch sử và Triết học mà mình yêu thích ở Đại học Palermo.
“Tôi hiểu rằng, có lẽ hơi muộn để theo đuổi chương trình cử nhân 3 năm khi mà tôi đã hơn 90 tuổi. Nhưng tôi tự nhủ lòng mình rằng, hãy cứ thử xem sao. Mình làm được mà”, ông chia sẻ với Reuters.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng Sicily phía Nam nước Ý vào những năm 1930 trước khi xảy ra sự kiện Đại khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như những đứa trẻ khác, Paterno chỉ học xong bậc tiểu học. Lớn lên, ông gia nhập quân đội và phục vụ trong quân ngũ suốt cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai trước khi phục viên và làm việc tại một hãng xe lửa. Rồi ông lập gia đình và có 2 người con.
Trong một xã hội tập trung vào việc tái thiết sau chiến tranh, công việc và gia đình là ưu tiên hàng đầu của ông. Tuy vậy, ông Paterno đã kịp tốt nghiệp trung học phổ thông ở tuổi 31 và vẫn không ngừng nuôi khao khát được học cao hơn.
“Kiến thức giống y như chiếc va-li mà tôi vẫn mang theo bên mình hàng ngày. Với tôi, nó là một kho báu vô giá”, ông nói.
Trong suốt quá trình học đại học, thay vì sử dụng những chiếc máy tính hiện đại, ông Paterno vẫn miệt mài gõ các bài tiểu luận của mình trên máy đánh chữ, món quà ông nhận được từ mẹ mình khi ông nghỉ hưu ở hãng xe lửa vào năm 1984. Và nếu muốn tìm kiếm tài liệu, ông không sử dụng Google mà lựa chọn những quyển sách trong thư viện. Ông cũng không tham gia những bữa tiệc sinh viên thâu đêm suốt sáng của các bạn trẻ cùng lớp vào cuối tuần.
Ông Francesca Rizzuto, giáo sư xã hội học của Đại học Palermo nói, sau khi ông Paterno hoàn tất bài thi vấn đáp cuối cùng vào tháng 6 rằng: "Ông Paterno là một tấm gương cho các sinh viên trẻ”.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thay vì được đến lớp, những buổi học online khiến ông Paterno cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên, không vì những trở ngại ấy mà có thể cản trở việc học của ông.
Sau khi tốt nghiệp, ông Paterno dự định sẽ tìm và đọc lại tất cả những cuốn sách mà ông chưa có cơ hội đọc trước đây. Đó là đam mê và là mục tiêu lớn nhất mà ông ấp ủ bao lâu.
Trước cụ ông Paterno, thế giới cũng đã ghi nhận một số trường hợp tốt nghiệp bậc cử nhân, thạc sĩ, và thậm chí là tiến sĩ ở những độ tuổi khác như: cụ ông Leo Pass (ở Mỹ) nhận bằng cao đẳng năm 2011 lúc 99 tuổi, cụ bà Nola Ochs nhận bằng thạc sĩ lúc 98 tuổi. Thậm chí, cụ bà Syllm-Rapoport được trường đại học Hamburg (Đức) trao tấm bằng tiến sĩ khi bước sang tuổi 102.
Video xem thêm: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/co-nhan-thuong-noi-tich-duc-that-duc-duc-ay-la-gi_3e7c4ea50.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét