Mục Điểm tin kinh tế ngày 1/7 của Đại Kỷ Nguyên có những thông tin: Giáo sư Trung Quốc bị kết tội gián điệp kinh tế; Thương mại điện tử Việt Nam có thể vượt 15 tỷ USD trong năm 2020...
Giáo sư Trung Quốc bị kết tội gián điệp kinh tế
Trong một phiên xử trực tiếp tại Mỹ ngày 26/6, thẩm phán liên bang tại San Jose, California đã tuyên bố kết tội giáo sư Hao Zhang người Trung Quốc vì tội trộm cắp bí mật thương mại cũng như gián điệp kinh tế.
Cụ thể, theo báo Tổ Quốc đưa tin, ông Zhang đã bị buộc tội cùng đồng nghiệp từ Đại học Southern California đánh cắp và bán các bí mật của Mỹ cho Chính phủ và quân đội Trung Quốc thông qua một công ty vỏ bọc ở quần đảo Cayman Islands.
Ông Zhang làm cho Skywords sau khi lấy bằng tiến sỹ về kỹ thuật điện tại Đại học Southern California năm 2006. Tại đây, Zhang gặp Wei Pang đồng phạm chính, cả hai đều trở về Trung Quốc và giảng dạy tại trường Đại học Thiên Tân, một trong những trường kỹ thuật hàng đầu tại Trung Quốc.
Zhang đã bị bắt năm 2015 khi bay tới Los Angeles để dự một hội nghị, hiện tại chỉ có Zhang bị xét xử, đồng phạm của ông vẫn đang ở Trung Quốc. Theo phán quyết của Tòa án, Zhang bị kết án 15 năm tù cho tội gián điệp kinh tế và 10 năm tù cho tội trộm cắp bí mật thương mại. Những bí mật mà Zhang đánh cắp liên quan đến công nghệ lọc ra những tín hiệu không mong muốn trong điện thoại di động và các thiết bị khác.
Zhang bị kết tối trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chống lại các hành vi trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ mà người Trung Quốc tiến hành từ thời cựu tổng thống Barack Obama và tiếp tục diễn ra dưới chính quyền Tổng thống Trump. Mỹ cũng đang áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu tại Mỹ. Bên cạnh đó, trong tuần này, Mỹ sẽ công bố danh sách 20 công ty Trung Quốc thuộc sở hữu hoặc nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc, các công ty trong danh sách này có nguy cơ bị trừng phạt.
Thương mại điện tử Việt Nam có thể vượt 15 tỷ USD trong năm 2020
Theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2020 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại điện tử đạt trên 32% trong năm 2019. Trong đó, thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 11,5 tỷ USD. Theo dự đoán của VECOM, tốc độ tăng trưởng năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Cụ thể, theo VnExpress, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến. Xu hướng Việt Nam đang nằm trong diễn biến chung của khu vực, theo nghiên cứu của Visa, tại Châu Á – Thái Bình Dương, 41% người tiêu dùng thực hiện hơn 5 giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử trong vòng 3 tháng qua, từ đặt hàng các nhu yếu phẩm trực tuyến đến việc tìm kiếm các phương thức thanh toán bảo mật, không tiếp xúc tại quầy.
Theo khảo sát của VECOM, đến năm 2019, 39% doanh nghiệp cho biết có bán hàng trên các trang mạng xã hội (tăng 31%), 17% có kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử, tăng 5% và là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm gần đây. Trong đó, mạng xã hội được đánh giá là công cụ hiệu quả nhất để bán hàng, tiếp đó là website doanh nghiệp, ứng dụng di động và sàn thương mại điện tử.
Coca-Cola, Unilerver và các thương hiệu lớn tuyên bố ngừng quảng cáo trên mạng xã hội
Theo Bizlive đưa tin, Coca-Cola đã chính thức tuyên bố tạm ngừng quản cáo kỹ thuật số trên mọi nền tảng truyền thông xã hội trong ít nhất 30 ngày, kể từ 1/7 tới. Hành động này được cho là một phần trong chiến dịch tẩy chay Facebook và Instagram do Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL), Hiệp hội quốc gia Vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) và các tổ chức khác khởi xướng.
Coca-Cola còn dự định cấm quảng cáo trên mọi nền tảng xã hội ở phạm vi toàn cầu, không chỉ trên Facebook và Instagram. Theo CEO của Coca-Cola, công ty sẽ dành thời gian để đánh giá lại các tiêu chuẩn và chính sách quảng cáo của mình và mong đợi các đối tác truyền thông loại bỏ các nội dung thù hận, bạo lực và không phù hợp.
Unilever và Verizon là hai thương hiệu lớn nhất trong chiến dịch này. CEO của Facebook là Mark Zuckerberg đã công bố một loại các thay đổi về chính sách nhưng chưa có phản ứng gì về việc bị tẩy chay. Việc các thương hiệu lớn ngừng quảng cáo tổi thiểu 1 tháng cũng không gây ra ảnh hưởng đáng kể tới doanh thu của Facebook do phần lớn doanh thu đến từ những phản hồi trực tiếp quảng cáo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện tại, cổ phiếu của Facebook và Twitter đã giảm 7%.
Một số hãng nổi tiếng khác tham gia chiến dịch như Honda America, Brichbox, Levi Strauss & Company, The North Face,...
Các Ngân hàng Việt Nam thanh lý ôtô, giá từ 60 triệu đồng/chiếc
Theo tờ Nhịp sống kinh tế đưa tin, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang ồ ạt thanh lý các phương tiện vận tải trong thời gian gần đây. Cụ thể như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Thanh Hóa thông báo thanh lý 10 chiếc xe ô tô con 5 chỗ, nhãnh hiệu Kia với mô tả “tài sản nguyên vẹn, không có dấu hiệu xuống cấp”, với giá chỉ từ 60-70 triệu đồng/chiếc.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Long Biên Hà Nội cũng thông báo đấu giá tài sản là 8 xe khách Thaco Mobihome lần 9, đây là các xe giường nằm có 38-41 chỗ với giá khởi điểm từ 563 triệu đồng – 1,3 tỷ đồng/chiếc. Thời gian dự kiến đấu giá từ 3/7.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thông báo đấu giá 17 phương tiện vận tải, từ ô tô con đến xe tải với giá từ 276 triệu đến 1,5 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng thông báo bán nhiều xe mới, thanh lý 71 phương tiện vận tải với giả khởi điểm từ 210-1,5 tỷ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét