Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

‘Hỏi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa hẹn thề sống chết?’…

‘Hỏi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa hẹn thề sống chết?’… https://ift.tt/31ZoqAw

Tác giả Nguyến Hiếu Vấn có viết trong thi phẩm ‘Mô ngư nhi - nhạn khâu’ của mình như sau: “Vấn thế gian tình thị hà vật, Trực giao sinh tử tương hứa?” (tạm dịch: Hỏi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa hẹn thề sống chết?). Đây là hai câu thơ được rất nhiều người biết đến và được lưu truyền từ thời nhà Kim qua hàng nghìn năm... 

Nhiều người có thể nghĩ, câu hỏi nổi tiếng này những tưởng chỉ dành cho các đôi nam nữ yêu nhau, tuy nhiên, nguồn gốc của nó lại bắt nguồn từ tình yêu của đôi chim nhạn... Chuyện kể rằng: trên đỉnh núi cao kia có đôi chim nhạn sải cánh bay lượn trên bầu trời. Giữa núi non sông nước, chúng cất tiếng hót quấn quýt bên nhau không muốn rời xa. Thế rồi một hôm, đôi chim nhạn bị buộc phải chia lìa, một con bị bắn chết, con còn lại may mắn thoát nạn. Tuy nhiên giờ chỉ còn lại một mình, nó cất tiếng kêu thảm thiết như không muốn sống nữa. Nó không thể một mình cô độc bay lượn trên bầu trời nên đã tự quăng mình vào vách đá, rồi rơi xuống núi mà chết. 

Chim nhạn có đủ Ngũ Thường 

Từ xa xưa, chim nhạn đã được coi là vua của các loài chim, bởi nó có đủ Ngũ Thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Trong "Tôn chân nhân vệ sinh ca", Tôn Tư Mạc cũng từng tỏ lòng ngưỡng mộ đối với chim nhạn như sau: "Nhạn hữu tự hề khuyển hữu nghĩa, hắc lý triêu bắc tri thần lễ..." Ý tứ là: Nhạn sống có thứ tự trước sau, khuyển có nghĩa, cá chép đen biết lễ Thần...

Nhạn sống có "Nhân". Trong bầy đàn của nó, con nhạn khỏe mạnh luôn cố gắng chăm sóc những con nhạn già yếu hơn mà không bao giờ bỏ rơi. Khi kết thành đôi, nếu một con nhạn đã chết thì con còn lại không bao giờ tìm con khác để bầu bạn. Loại tình cảm này thật khó để tìm thấy ở các loài động vật khác. 

Trong bầy đàn, chim nhạn sống rất có thứ tự trước sau và luôn tỏ ra kính trọng đối phương. Nhạn già nhất sẽ là con đứng đầu, những con còn lại xếp phía sau theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Cho dù trong đàn có con to khỏe và tài năng hơn, nhưng nó cũng không bao giờ vượt lên trên và chiếm thế của con nhạn dẫn đầu. 

Nhạn là loài chim vô cùng nhạy cảm. Có câu "Khuyển vi địa yếm, nhạn vi thiên yếm, phong vi thủy yếm", ý là: Chó làm đất thỏa mãn, nhạn làm bầu trời hài lòng, phong làm nước yêu thích. Khi bầy nhạn nghỉ ngơi, nhạn cái sẽ làm công việc bảo vệ. Chỉ cần phát hiện ra kẻ tình nghi, nó liền kêu to báo động. Do vậy, dù là thợ săn hay dã thú cũng rất khó để bắt được những chú chim nhạn vô cùng thông minh như thế. 

Nhạn cũng là loài chim đáng tin cậy, nam bay lượn bắc bay thẳng. Chúng sống di cư theo sự thay đổi của thời tiết và thường tìm đến nơi mà nó cảm thấy thoải mái hơn. Những con nhạn đóng vai trò tìm kiếm thức ăn cho đàn đều rất được kính trọng. 

Ảnh: Shutterstock

Nội hàm của Ngũ Thường: "Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" trong thế giới động vật đều được hiểu như vậy. 

Khác với văn hóa hiện đại, người xưa coi trọng đạo đức. Ngũ Thường là quy tắc ứng xử giữa quân và vương, cha mẹ, anh em, bạn bè, vợ chồng. Đặc biệt là trong tình cảm đôi lứa. Ngay cả khi các cặp đôi đã thành vợ thành chồng, quy tắc này cũng không bị giới hạn trong mê luyến sắc đẹp cùng sự ham mê giữa người nam và người nữ. Sinh sống cùng nhau, họ tuân theo những quy tắc này mà làm cho đời sống vợ chồng trở nên viên mãn hơn.  

Trong tác phẩm thi 'Thượng da' - 'Hỡi Trời’ của Nhạc Phủ có viết: "Ngã dục dữ quân tương tri; Trường mệnh vô tuyệt suy; Sơn vô lăng, giang thủy vi kiệt; Đông lôi chấn chấn, hạ vũ tuyết; Thiên địa hợp, nãi cảm dữ quân tuyệt".

Dịch thơ:

Cùng chàng kết tóc se duyên
Trăm năm chẳng đoạn lời nguyền sắt son
Bao giờ sông cạn núi mòn
Mùa đông sấm dậy hạ còn tuyết rơi
Bao giờ trời đất hợp rồi
Thì ta mới chịu cùng người biệt ly.
[Bản dịch của Vô danh cư sỹ - nguồn: thivien.net]

Trong bài 'Trường Can hành kỳ 1' - Bài hát Trường Can kì 1 của Lý Bạch đời Đường cũng có câu: "Thập ngũ thủy triển mi, nguyện đồng trần dữ hôi. Thường tồn bão trụ tín, khởi thượng vọng phu thai!".

Tạm dịch:

Mười lăm cười rạng chân mày
Nguyện trong gian khổ, tháng ngày bên nhau
Giữ niềm son sắc về sau
Há lên đài vọng phu sầu hay sao?
...

Những lời thề non hẹn biển qua thi ca đã cho thấy rằng người xưa giữ vững "nghĩa" và "tín" như thế nào. 

Vĩ Sinh ôm cột...

Trong "Sử ký - Tô Tần liệt truyện" có ghi chép lại: Một lần Tô Tần trong lúc khuyên bảo Yến vương đã kể một câu chuyện giữ chữ tín có tên là "Vĩ Sinh ôm cột". Tô Tần viết như sau: "Tín như Vĩ Sinh, hẹn ước người yêu bên cầu, cô gái không đến, nước dâng cao không đi, giữ lời hứa mà chết".  

Trong “Trang Tử - Đạo chích thiên” có viết một câu đề cập tới chuyện này là "Vĩ Sinh chết chìm, thủ tín thành tai nạn". 

Tương truyền rằng, tại huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, có một chàng thư sinh anh tuấn, mọi người gọi chàng là Vĩ Sinh. Theo "Tây An phủ chí" ghi lại, trong huyện Lam Điền có một cây cầu cổ mang tên Lam Kiều bắc qua sông. Lần đó, Vĩ Sinh cùng một cô gái xinh đẹp hẹn gặp nhau bên cầu Lam Kiều. 

Đến ngày ước hẹn, Vĩ Sinh mặc bộ trang phục rất đẹp đến đợi ở cầu Lam Kiều từ sớm. Trong lòng nghĩ về hình dáng cũng như giọng nói của người yêu, chàng tràn đầy hạnh phúc, miệng ngân nga câu hát. Lúc đó, trời đang trong xanh bỗng nổi gió, mây đen kéo đến ùn ùn, trong chớp mắt mưa đã đổ xuống như trút nước. 

Đã gần đến giờ hẹn mà nàng vẫn chưa đến. Thế là Vĩ Sinh tranh thủ thời gian trốn dưới gầm cầu tránh mưa. Mưa mỗi lúc một lớn, Vĩ Sinh thầm nghĩ: "Mọi lần nàng đều đến từ rất sớm, hôm nay sao giờ còn chưa đến? Liệu có chuyện gì đó đã xảy ra với nàng hay không? Dù sao thời gian hẹn gặp vẫn chưa đến, nàng nhất định sẽ đến đúng giờ, mình cứ chờ ở đây thêm chút nữa". 

Ảnh: Shutterstock

Một lát sau, mưa lớn tạo thành dòng nước chảy xiết cao quá bàn chân của Vĩ Sinh. Giờ hẹn đến rồi mà chàng vẫn không thấy bóng dáng của người thương. Từ dưới gầm cầu, Vĩ Sinh ngó đầu ra nhìn bầu trời, chàng thấy mây đen vẫn đang ùn ùn kéo đến, không giống với hiện tượng trời sẽ nhanh tạnh mưa. Trong lòng Vĩ Sinh có chút lo lắng. Chàng thầm nghĩ: "Mưa lớn như thế này, hẳn là nàng đi được nửa đường cũng sẽ gặp. Liệu có phải mưa lớn khiến nàng bị ướt rồi không? Liệu nàng có tìm được chỗ trú mưa không?”.

Mưa vẫn tiếp tục ào ào trút xuống, Vĩ Sinh do dự. Chàng nghĩ, liệu có nên về nhà trước hay không? Ngày mai hết mưa lại hẹn gặp? Tuy nhiên, Vĩ Sinh đã suy nghĩ lại, mưa lớn như thế này, nếu nàng đội mưa đến chỗ hẹn mà không thấy mình, mà nàng lại biết mình là người luôn giữ chữ tín, nàng sẽ một mực ở lại chỗ cây cầu này chờ đợi. Nếu đúng là như thế, điều này càng khiến nhiều người lo lắng sao? Vì vậy, mình vẫn không nên về mà chưa gặp mặt, gặp nàng rồi tính sau...

Thế là Vĩ Sinh lại tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi dưới cầu. Đúng lúc này, mực nước chảy qua cầu đột nhiên dâng cao, chỉ trong chớp mắt đã cao ngang lưng của Vĩ Sinh. Đứng dưới nước, lúc này Vĩ Sinh đã không trụ vững nổi nữa, chàng ôm chặt lấy cột trụ cầu, cố gắng để bản thân không bị văng ra. Nhưng lại trong một chớp mắt nữa thì nước đã tràn qua cầu, thế là Vĩ Sinh vì giữ vững lời hẹn ước nên đã mất đi sinh mạng.

Cũng từ điển cố trên mà Lam Kiều trở thành biểu tượng cho nơi hẹn hò giao ước của các đôi tình nhân. Vào đời nhà Nguyên, Lý Trực Phu lấy tài liệu từ câu chuyện Vĩ Sinh thủ tín trong "Trang Tử - đạo chích" mà viết nên vở tạp kịch "Vĩ sinh kỳ nữ yêm lam kiều". Từ đó về sau, các đôi nam nữ có hẹn ước với nhau thường được gọi là "Lam Kiều ước hẹn". Nếu một người bội ước, một người tự tử thì dân gian nói thành: "Hồn đoạn Lam Kiều". 

Năm 1980, bộ phim lãng mạn kinh điển của Hollywood "Hồn đoạn Lam Kiều" được công chiếu trên màn ảnh và rất được khán giả Trung Quốc yêu thích. Vậy là câu chuyện "Vĩ sinh ôm cột" đã được dựng thành phim. Năm đó, những người không còn nhận thức được văn hóa truyền thống, khi xem bộ phim này cũng phải sụt sùi cảm thán rằng: ngày nay liệu còn bao nhiêu người giữ được đạo lý này. Thế nhưng, trong 5000 năm văn hóa Thần truyền trên mảnh đất Trung Hoa, có biết bao câu chuyện kể lại về việc con người thủ tín không thể đếm hết chứ đâu phải chỉ có một tích này? 

Trải qua hàng nghìn năm, quan niệm văn hóa truyền trống trong tư tưởng của mỗi người ngày càng bị mai một. Những câu chuyện đẹp, cảm động lòng người giống như tích “Vĩ Sinh ôm cột” có rất nhiều trên mảnh đất Trung Hoa và đang không ngừng được tái hiện lại trên màn ảnh sân khấu. 

Bất chợt nhìn lại, những câu chuyện tình yêu cảm động trời đất này dường như đã trở thành huyền thoại xa vời. Tuy nhiên, "thủ tín" (giữ lời hứa) lại không phải là điều hoang đường mà là con đường mà mỗi người cần phải quay trở về với bản nguyên sinh mệnh. 

Theo Sound Of Hope
San San biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét