Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Nháo nhào rời Trung Quốc, doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam

Nháo nhào rời Trung Quốc, doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam https://ift.tt/2Qs6ry5

Lo ngại ảnh hưởng từ các biện pháp thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang xúc tiến kế hoạch rút khỏi đại lục và chuyển sang các nước như Việt Nam, Thái Lan.

Reuters cho biết trường hợp của doanh nhân Fred Perrotta, người đã dành bốn năm để xây dựng một mạng lưới các nhà cung cấp Trung Quốc cho dòng sản phẩm ba lô thời trang của anh. Ngay sau khi Mỹ tuyên bố tăng thuế đối với gần một nửa số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, anh đã bắt đầu tìm kiếm các nhà cung cấp ở các nước khác.

Doanh nhân 33 tuổi cho biết dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đạt được thỏa thuận ngừng chiến thương mại tại Hội nghị G20 vào cuối tuần này, thì quá trình rời bỏ Trung Quốc của anh cũng không thể đảo ngược được nữa.

Tortuga, công ty của anh Perrotta, đang tham gia vào một xu hướng mà các chuyên gia gọi là sự dịch chuyển lớn nhất về chuỗi cung ứng xuyên biên giới kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.

Sự dịch chuyển này đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt để thu xếp cơ sở mới tại các nước láng giềng và xây dựng lại các chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

"Mọi người đều lo lắng và nháo nhào", anh Perrotta nói qua điện thoại từ Oakland, California, nơi anh mới nhận được các mẫu hàng đầu tiên từ một nhà cung cấp tiềm năng mới tại Việt Nam.

Anh cho biết: "Về dài hạn, chúng tôi có thể sẽ dịch chuyển mọi thứ."

Cuộc tranh giành tìm đất làm ăn của các doanh nghiệp càng được đẩy lên cao vì nguy cơ chính quyền Trump sẽ tiếp tục áp thuế hơn nữa đối với hàng hóa Trung Quốc, và lo ngại "hết chỗ" tại các nước thay thế do nguyên tắc doanh nghiệp nào "đến trước thì được phục vụ trước".

Việt Nam và Thái Lan đang trở thành các điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư, nhưng hai nước này hiện vẫn phải đối mặt với những hạn chế về năng lực cơ sở hạ tầng và số lượng lao động lành nghề.

Reuters cho biết hãng tin này đã phỏng vấn hơn chục giám đốc điều hành, các luật sư thương mại và các nhóm vận động hành lang trong các ngành công nghiệp, kết quả cho thấy một hoạt động sôi nổi đang diễn ra tại châu Á trong những tháng gần đây: Đó là việc các doanh nhân đề nghị xem hàng mẫu, thăm các khu công nghiệp, thuê luật sư và gặp gỡ các quan chức địa phương.

Vào tháng 6, nhà sản xuất đồ nội thất Hong Kong Man Wah Holdings đã mua một nhà máy ở Việt Nam với giá 68 triệu đô la Mỹ và dự kiến ​​sẽ tăng gấp ba lần công suất lên 373.000 mét vuông vào cuối năm 2019.

Doanh nghiệp phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, BW Industrial cho biết các yêu cầu từ khách hàng đã tăng kể từ tháng 10 và tất cả các nhà máy của công ty này đều đã được cho thuê.

Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính nặng nề và thiếu lao động có kĩ năng là những cản trở đối với Việt Nam.

"Tỷ lệ lao động không có kỹ năng ở Việt Nam vẫn còn lớn và chưa có bất kỳ kế hoạch hiệu quả nào để cải thiện vấn đề này, tôi không thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong 5 năm hay thậm chí 10 năm tới", ông Nguyễn Phước Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết, theo Reuters.

Thu Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét