Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

10 lời khuyên để chụp ảnh động vật hoang dã tốt hơn

10 lời khuyên để chụp ảnh động vật hoang dã tốt hơn https://ift.tt/2Yf6H47

Nhiếp ảnh động vật hoang dã là một trong những thể loại nhiếp ảnh đầy thử thách. Có nhiều thứ phải theo đúng để chụp được một bức ảnh thực sự độc đáo và thường thì nhiếp ảnh gia không kiểm soát được những thứ đó. Không thể luôn luôn tuân thủ, nhưng nếu làm được thì cảm xúc do tấm ảnh mang lại sẽ rất đáng giá.

Dưới đây là 10 lời khuyên để giúp cải thiện trình độ nhiếp ảnh động vật hoang dã của bạn.

1. Nghiên cứu để tìm thời gian và địa điểm tốt nhất

Điều đầu tiên bạn có thể làm để giúp đặt mình vào vị thế thành công là hiểu được khi nào và nơi nào động vật hoang dã sẽ đến. Đây không phải là nói về khoa học chính xác, mà có nhiều cách để tạo cho mình thời cơ tốt nhất để quan sát được hành vi thú vị của động vật.

Hãy thử tìm hiểu về một loài động vật hoang dã nào đó và địa điểm mà chúng thường lui tới. Có những động vật có thói quen ngủ đông trong suốt mùa đông hoặc giảm hoạt động trong những tháng hè nóng bức. Những loài khác dễ dàng phát hiện hơn trong mùa chúng ghép đôi. Hiểu biết về mô hình của một địa điểm hoặc loài cụ thể có thể giúp bạn lập kế hoạch cho chuyến đi chụp của bạn vào đúng thời gian mà động vật hoạt động mạnh nhất.

[caption id="attachment_1168411" align="aligncenter" width="452"] Nai sừng tấm (Ảnh: Grant Ordelheide)[/caption]

Trong mùa thu, những con nai sừng tấm đực thường ra ngoài và tích cực tìm kiếm con cái để ghép đôi và tìm con đực khác để húc nhau, khiến cho mùa thu là thời điểm lý tưởng để chụp ảnh chúng.

2. Hiểu biết về hành vi của động vật

Mặc dù không ai có thể dự đoán được hoàn toàn về bước di chuyển tiếp theo của động vật, nhưng việc hiểu biết các kiểu hành vi và ngôn ngữ cơ thể của chúng có thể giúp đưa bạn vào vị trí để chụp ảnh thành công. Hãy theo dõi đối tượng của bạn một cách cẩn thận và ghi chú lại cách chúng di chuyển, săn mồi và tương tác với các cá thể khác. Thông tin này có thể giúp bạn đi trước một bước, dự đoán được di chuyển của động vật và chụp chính xác.

[caption id="attachment_1168422" align="aligncenter" width="650"] Gấu nâu tấn công. (Ảnh: Grant Ordelheide)[/caption]

Khi tác giả bức ảnh ngồi xem con gấu này săn cá hồi, ông ta đã chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của nó ngay trước khi nó lao lên vồ một con cá. Cuối cùng, ông ta đã có thể dự đoán khi nào nó sẽ bắt đầu chạy và vì thế có thể đón trước nó ở đầu nguồn và chụp được bức ảnh đầy năng động này.

3. Giao tiếp bằng mắt

Giao tiếp bằng mắt là một thành phần quan trọng của nhiếp ảnh động vật hoang dã. Hiếm có ai muốn xem những bức ảnh chụp sau lưng của động vật. Đôi mắt và khuôn mặt là một tiêu điểm, vì vậy việc có thể nhìn rõ đôi mắt của con vật sẽ mang lại cho khán giả của bạn một đích ngắm. Giao tiếp bằng mắt cũng có thể giúp nhận rõ cá tính của động vật và cho phép người xem kết nối với chúng.

[caption id="attachment_1168428" align="aligncenter" width="433"] Chân dung hùng sư (Ảnh: Grant Ordelheide)[/caption]

Việc có thể nhìn thẳng vào mắt của con sư tử này giúp truyền đạt cảm giác gần sát và hiểu rõ tính cách của con vật.

4. Hậu cảnh

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để chụp ảnh động vật hoang dã là hậu cảnh. Điều này rất dễ bị bỏ qua trong khi người chụp đang tập trung vào con vật, nhưng hậu cảnh phù hợp có thể tạo sự khác biệt giữa một bức ảnh đẹp và một bức ảnh đẹp tuyệt vời. Cho dù hậu cảnh sắc nét hoặc hoàn toàn mờ ảo, điều quan trọng là không để thứ gì trong hậu cảnh cạnh tranh với chủ đề. Hậu cảnh nên có ý nghĩa với chủ đề và không nên bao gồm bất kỳ yếu tố gây nhiễu nào. Sau khi tìm thấy động vật hoang dã, điều tiếp theo nên làm là bắt đầu tìm kiếm một hậu cảnh “sạch sẽ” và cố gắng định vị bản thân để đặt hậu cảnh rơi vào phía sau con vật.

[caption id="attachment_1168435" align="aligncenter" width="433"] Anh em nhà Gấu. (Ảnh: Grant Ordelheide)[/caption]

Bằng cách định vị bản thân ở hạ lưu dưới những con gấu này, tác giả bức ảnh đã có thể tạo ra một hậu cảnh đơn giản và sạch sẽ để làm nổi bật các động vật ở tiền cảnh.

5. Ánh sáng

Đối với tất cả các hình thức nhiếp ảnh, ánh sáng là yếu tố quan trọng nhất để chụp một bức ảnh thành công. Chụp vào buổi sáng và buổi chiều tối sẽ đảm bảo rằng khi bạn tìm thấy động vật hoang dã, việc xử lý ánh sáng sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh việc có được ánh sáng tốt hơn, hầu hết các loài động vật hoang đã đều hoạt động vào tầm sáng sớm và chiều muộn trong ngày.

[caption id="attachment_1168437" align="aligncenter" width="457"] Voi trầm ngâm (Ảnh: Grant Ordelheide)[/caption]

Một con voi đực lớn tắm nắng trong ánh hoàng hôn. Tấm ảnh này sẽ không đẹp nếu có thêm bóng đen rõ rệt của ánh nắng giữa trưa đổ trên khuôn mặt của nó.

6. Khoảnh khắc quyết định

Nên sử dụng chế độ chụp liên tục hoặc tự bấm để chụp liên tục trên máy ảnh của bạn, để đảm bảo bạn không bỏ lỡ khoảnh khắc quyết định. Khi hành động của con vật diễn ra, cần chụp liên tục, chú ý đến các đặc điểm cá thể, vị trí cơ thể, và mọi vật xung quanh của nó, v.v.. Điều rất thường xảy ra là, trong một bộ gồm hai mươi bức ảnh, chỉ có một bức chớp được khoảnh khắc hoàn hảo. Bạn cần luôn sẵn sàng; đừng để bị phân tâm bởi điện thoại hoặc bạn bè, bởi vì bạn sẽ không bao giờ biết trước thời điểm quyết định.

[caption id="attachment_1168438" align="aligncenter" width="650"] Săn cá hồi. (Ảnh: Grant Ordelheide)[/caption]

Bằng cách chụp ảnh toàn bộ hành động rượt đuổi, tác giả đã có thể ghi lại khoảnh khắc thoáng qua này, khi con cá nổi lên trên mặt nước và con gấu đang đuổi theo.

7. Thời tiết

Đừng nên đi vào nhà khi thời tiết chuyển xấu. Các điều kiện thời tiết như mưa và tuyết thực sự có thể là một yếu tố đặc biệt thêm vào một bức ảnh động vật hoang dã. Hãy sử dụng tấm bạt che mưa, ô hoặc chụp từ xe hơi để giữ cho thiết bị của bạn được khô ráo.

[caption id="attachment_1168439" align="aligncenter" width="433"] Đứng trong mưa. (Ảnh: Grant Ordelheide)[/caption]

Mưa rơi trong bức ảnh này đã thêm một yếu tố bổ sung cho con hươu và do đó kể lại một câu chuyện hoàn chỉnh hơn.

8. Làm mờ chuyển động

Hầu hết thời gian, các nhiếp ảnh gia động vật hoang dã thường cố gắng sử dụng tốc độ màn trập nhanh nhất có thể để đóng băng hành động của con vật. Tại sao không thử nghiệm với các tốc độ màn trập khác nhau và lia máy để thể hiện hành động và chuyển động của con vật theo một cách khác!

[caption id="attachment_1168441" align="aligncenter" width="650"] Chó hoang châu Phi (Ảnh: Grant Ordelheide)[/caption]

Bằng cách sử dụng tốc độ màn trập chậm hơn, tác có thể lia máy ảnh của mình theo sự di chuyển của chú chó hoang châu Phi để tạo ra một tấm ảnh thể hiện rõ sự chuyển động của con vật.

9. Bối cảnh

Cũng cần nhớ chụp những cảnh rộng hơn. Hãy tạo bối cảnh cho ảnh chụp động vật bằng cách hiển thị môi trường sống của nó và khu vực xung quanh. Những ảnh loại này giúp kể một câu chuyện hoàn chỉnh hơn và thường là những tấm ảnh được yêu thích từ mỗi chuyến đi.

[caption id="attachment_1168442" align="aligncenter" width="650"] Báo và cây (Ảnh: Grant Ordelheide)[/caption]

Bằng cách đưa cái cây vào thành một phần lớn của bức ảnh, người xem có được góc nhìn tốt hơn về môi trường sống của con báo này và cách báo tương tác với cây.

10. Tôn trọng động vật

Các nhiếp ảnh gia động vật hoang dã nên đặt mục tiêu chụp ảnh động vật một cách tự nhiên và không phô trương nhất có thể. Bạn không nên đến quá gần một con vật hoặc buộc nó vào một tình huống không thoải mái. Truy đuổi một con vật để “lấy một tấm ảnh” sẽ không bao giờ là đáng giá, và còn có thể tác động xấu và lâu dài tới cách thức con vật đó tương tác với con người. Một con vật thư giãn và bình tĩnh cũng sẽ cho bạn một hình ảnh tốt hơn và tự nhiên hơn. Hãy kiên nhẫn, đừng làm cho con vật cũng như chính bản thân mình bị căng thẳng!

[caption id="attachment_1168443" align="aligncenter" width="650"] Chú cáo hiền lành (Ảnh: Grant Ordelheide)[/caption]

Có thể giữ một khoảng cách thích hợp với động vật hoang dã để không làm chúng bị căng thẳng. Ở đây tác giả bức ảnh đã sử dụng một ống kính tele dài để có thể chụp được từ một khoảng cách xa thích hợp, nên con cáo không phản ứng.

Với sự đam mê, kiên trì và tuân thủ các quy tắc, bạn sẽ có thể trở thành một tay máy chụp ảnh động vật hoang dã thành công.

Theo GRANT ORDELHEIDE (thephotoargus.com)

Thiện Quang biên dịch

Clip ý nghĩa:

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/hieu-thuan-voi-cha-me-ong-troi-at-de-danh-phuc-phan-cho_164c40544.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét