Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

Tài xế taxi, người dân không cứu người bị nạn: Hiệu ứng ‘kẻ ngoài cuộc’ và sự băng hoại của lòng tốt

Tài xế taxi, người dân không cứu người bị nạn: Hiệu ứng ‘kẻ ngoài cuộc’ và sự băng hoại của lòng tốt https://ift.tt/2Jd1OlN

Người phụ nữ nằm bất động giữa đường phố Sài Gòn lúc nửa đêm. Cách cô chừng vài mét là người đàn ông cũng nằm sõng soài, thi thoảng lên cơn co giật mạnh. Chỉ trong khoảng hơn chục phút sau, 4 ô tô con, 1 xe tải, 32 xe máy lướt ngang qua. Nhưng chẳng một ai ra tay giúp đỡ…

Mấy ngày qua, vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng của người mẹ 2 con khiến cộng đồng mạng vừa xót thương lại vừa giận dữ. Những lời đao búa gần như trút hết lên đầu người lái taxi đã bỏ chạy sau vụ va chạm với xe máy của đôi nam nữ vì quá hoảng sợ. Nhưng người ta đã vô tình quên đi một chi tiết: có đến 38 người có mặt quanh hiện trường vụ tai nạn mà vẫn đành lòng bước qua vì tâm lý “không phải việc của mình”. Sự vô cảm, thờ ơ của con người khi chứng kiến đồng loại đang trong cơn nguy kịch từ bao giờ đã trở thành một “chuyện bình thường ở huyện” như vậy? 

Vụ việc lần này khiến tôi phải lật giở lại những câu chuyện trong quá khứ, cả ở ta lẫn bên Tây, bên Tàu để gọi ra một cái tên cho hành động buồn ấy: “Mặc cảm kẻ ngoài cuộc”, nói nôm na là tâm lý “mặc kệ nó, không phải việc của mình”. 

Năm 2011, một vụ tai nạn chấn động thế giới xảy ra tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Bé Duyệt Duyệt 2 tuổi bị ô tô cán qua người khi đang chơi ở con phố trước nhà. Trích xuất từ camera cho thấy, sau khi cán qua người em bé, người lái xe tiếp tục cho xe chạy tiếp và cán tiếp bánh sau lên người nạn nhân. Trước sau đã có 18 người đi đường nhìn thấy em bé bị trọng thương nhưng chẳng ai thèm đoái hoài. Em bé thậm chí còn bị một chiếc xe tải thứ hai cán qua người một lần nữa. Chỉ đến khi một người phụ nữ nhặt rác đi qua ra tay cứu giúp, bé mới được đưa đến bệnh viện. Nhưng tất cả đã quá muộn, chỉ 8 ngày sau, bé Duyệt Duyệt đã ra đi mãi mãi vì vết thương quá nặng. 

[caption id="attachment_1171142" align="alignnone" width="685"] Cha mẹ bé Duyệt Duyệt cúi rạp trước người phụ nữ cứu con gái. (Ảnh: nld.com)[/caption]

Trước đó rất lâu, vào năm 1964, ở Mỹ, cô gái trẻ Kitty Genovese đã bị kẻ thủ ác sát hại ngay gần khu nhà mình ở trước sự chứng kiến của những người hàng xóm. Tờ New York Post đưa tin, đã có đến 38 người đã nghe thấy hoặc chứng kiến vụ tấn công nhưng không hề giúp đỡ người bị nạn. Ngay sau đó, toàn nước Mỹ bàng hoàng, xúc động rồi giận dữ trước thái độ bàng quan của những người chứng kiến vụ việc. Chính cựu Tổng thống Mỹ, Bill Clinton trong một lần tới thăm New York đã phải cay đắng nói rằng: “Vụ việc này khiến chúng ta cảm thấy rằng mỗi người chúng ta đang không chỉ bị hiểm nguy rình rập mà thực sự còn rất đơn độc nữa”. 

Cùng với việc xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng bị các giá trị vật chất thao túng, sự thờ ơ, vô cảm ngày càng như cỏ dại mọc lan, xâm chiếm hết giá trị tinh thần, văn hóa của nhân loại. Mà vô cảm, thờ ơ với cái ác thì cũng bằng như đồng tình, vào hùa với nó. Cho nên nhiều lúc “tội” của người vô cảm cũng phải trả giá ngang bằng với chính kẻ thủ ác gây ra tội lỗi. 

Trong những cuộc trò chuyện tửu hậu trà dư, một vài người bạn đã kể cho tôi câu chuyện về những người bị áp bức, đàn áp và giết hại ở Trung Quốc trong một phong trào bức hại Pháp Luân Công diễn ra từ những năm 1999. Tôi tò mò tìm hiểu thêm bối cảnh câu chuyện thì biết rằng khi Chủ tịch nước đương thời lúc đó là ông Giang Trạch Dân phát lệnh đàn áp những người tập môn khí công ôn hòa này thì người dân toàn Trung Quốc cũng ngầm được ra hiệu rằng: “Hãy mặc kệ họ, đó không phải là việc của anh”.

Cứ như vậy, suốt 20 năm, chiến dịch “tẩy não” người dân của nhà nước Trung Quốc đã khiến họ trở thành những kẻ vô cảm, thờ ơ, những “người ngoài cuộc” khi chứng kiến đồng loại, đồng bào của mình bị bức hiếp, tra tấn, sát hại và mổ cướp nội tạng. Câu chuyện rùng mình ấy khiến tôi, một người tạm gọi là còn chút lương tri, đã không thể cầm lòng nổi. Sự bàng quan đang giết chết chúng ta, đang hủy hoại đến tận gốc rễ lòng thiện lương, tinh thần bác ái “thương người như thể thương thân” vốn là tài sản quý báu của các dân tộc Á Đông hàng nghìn năm qua.

[caption id="attachment_1171156" align="alignnone" width="693"] Diễu hành nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc ở San Francisco, Mỹ. (Ảnh: budnaera.com)[/caption]

Không thể phủ nhận cuộc đời không phải là mơ, người ta buộc phải sống thực tế hơn giữa cơm áo gạo tiền. Nhưng thiện lương và đứng về phía cái tốt luôn luôn phải là ưu tiên số một trong cách hành xử, trong đạo nghĩa của con người. Nếu không người ta đã là một thứ gì đó khác chứ không phải là con người nữa rồi!

Trong truyện ngắn “Đời thừa” (Nam Cao), văn sĩ Hộ phải sống trong cảnh túng quẫn, “cơm áo không đùa với khách thơ”, lắm lúc không chịu nổi đã nghĩ đến chuyện: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống mạnh mẽ”. Nhưng cuối cùng điều anh chọn lại là tình thương. Hộ nói rằng, tình thương sẽ phân biệt rõ con người và ác thú. Hay như nhân vật Jean Valjean trong “Những người khốn khổ” (Victor Hugo), dù cả đời luôn chịu thiệt thòi nhưng lúc nào cũng chỉ tâm niệm một điều: “Trên đời này chỉ có một điều duy nhất ấy thôi, đó là thương yêu nhau”.

Tôi vẫn tin rằng, người tốt trên đời này vẫn còn rất nhiều. Và khi những người tốt có thể cùng nhau hành động thì những cái vô cảm, thờ ơ kia cũng sẽ dần bị loại bỏ như những thứ ung nhọt độc hại bị tống khứ khỏi xã hội. Và chuyện những người vô tâm không cứu đôi nam nữ tai nạn kia cũng không thể xóa sạch đi một sự thật rằng người Sài Gòn vẫn còn đó biết bao nhiêu nghĩa cử tốt đẹp. Bạn còn nhớ chăng những bác xe ôm sắm luôn vai “hiệp sĩ đường phố”, sẵn sàng đổi tính mạng mình lấy sự bình yên cho đường phố? Bạn có biết chăng vào những ngày hè nắng cháy, bên vệ đường vẫn có hàng trăm, hàng nghìn bình nước trân trọng đề lên hàng chữ: “Nước uống miễn phí, xin giữ vệ sinh, cảm ơn nhiều!”? Bạn có thấy chăng những chú xem ôm, vá xe, thợ hồ, thợ bán xăng bì bõm lội giữa dòng triều cường đẩy xe giúp người đi đường chẳng may bị ngã hay chết máy?

Và bạn hãy tin rằng, thiện lương sẽ được đền đáp bởi thiện lương. Người tốt sẽ nhận được phúc phận. Cái thiện chắc chắn chiến thắng cái ác. Chính sẽ thắng tà. Người oan ức sẽ được minh oan và kẻ thủ ác chắc chắn phải nhận báo ứng!

Tiêu Vũ

Bạn đang đọc bài viết: "Tài xế taxi, người dân không cứu người bị nạn: Hiệu ứng ‘kẻ ngoài cuộc’ và sự băng hoại của lòng tốt" tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi:  facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/trung-quoc-dieu-dung-duoi-thoi-canh-sat-quoc-te-donald-trump_f2f7d61aa.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét