Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Chùm tranh ‘Chiếc xe thồ cỏ’: Hành trình đầy tội lỗi của loài người với kết thúc nơi địa ngục

Chùm tranh ‘Chiếc xe thồ cỏ’: Hành trình đầy tội lỗi của loài người với kết thúc nơi địa ngục https://ift.tt/2luAub3

Người Hà Lan có câu ngạn ngữ rất hay rằng: “Thế giới này là đống cỏ khô, ai cũng cố nhổ lấy càng nhiều càng tốt”. Ngạn ngữ ấy đã đi vào âm nhạc và hội họa, trở thành câu chuyện đầy ám ảnh trong tác phẩm nổi tiếng của Hieronymus Bosch: “Chiếc xe thồ cỏ”.

“Chiếc xe thồ cỏ” (The Haywain) là chùm tranh bộ ba (gọi là ‘tam liên họa’) bao gồm ba bức liên kết với nhau: bức ở giữa lớn nhất mang thông điệp trọng tâm, hai bức bên cạnh là phụ trợ và có thể đóng lại giống như hai cánh cửa. Tam liên họa thường là tranh thờ phụng trong các nhà thờ và thánh đường ở châu Âu, nội dung được thể hiện theo thứ tự thời gian và có thể “đọc” được giống như một câu chuyện.

Chùm tranh “Chiếc xe thồ cỏ” cũng là câu chuyện dài đầy ẩn ý như thế:

  • Bức bên trái: vườn Địa Đàng -- từ khi Chúa tạo ra Adam và Eva cho đến khi cả hai bị trục xuất khỏi vườn Địa Đàng.
  • Bức trung tâm: thế gian trần tục -- một cỗ xe chất đầy cỏ khô và cả đoàn người đều đang giành giật lấy.
  • Bức bên phải: địa ngục -- ma quỷ kéo cỗ xe xuống địa ngục và hành quyết những kẻ tội đồ.

Khi nối liền cả ba bức tranh ta sẽ thấy một mạch xuyên suốt: Từ khởi thủy của nhân loại, qua từng bước từng bước sa ngã, cho đến khi rơi xuống tận cùng của tội lỗi. Đó cũng chính là hành trình rơi rớt: bắt đầu từ Thiên Đàng, kết thúc trong địa ngục.

Bức thứ nhất: vườn Địa Đàng

Chúng ta đã quá quen thuộc với câu chuyện Adam và Eva ở vườn Địa Đàng, và chỉ cần nhìn qua ta sẽ nhận ra ba phân cảnh: Chúa Trời tạo ra Eva từ xương sườn của Adam, tiếp đến là cảnh Eva nghe lời dụ dỗ của con rắn nên đã ăn trái cấm, cuối cùng là cả Adam và Eva cùng bị trục xuất khỏi vườn Địa Đàng.

Vậy còn hình ảnh trên cùng đại diện cho điều gì? Chúa Trời ngự trên ngai, dưới chân ngài là đám ‘côn trùng’ rơi xuống từ tầng mây. Đây là kết cục của trận chiến trên Thiên Đàng giữa Tổng lãnh thiên thần Michael và Con Rồng Đỏ như được kể trong Kinh Thánh - Khải Huyền:

“Bấy giờ có một trận chiến ở trên trời, Michael và các thiên sứ của ngài đánh nhau với Con Rồng. Con Rồng và các quỷ sứ của nó đánh lại, nhưng chúng bị đánh bại và không còn tìm thấy chỗ nào trên trời cho chúng nữa. Con Rồng lớn đã bị ném xuống, đó là Con Rắn thời xưa, có tên là Ác Quỷ và Satan, kẻ lừa dối dân cư trên khắp thế gian; nó bị ném xuống đất và các quỷ sứ của nó cũng bị ném xuống chung với nó”. (Khải Huyền 12:7-9)

Những con vật trông giống như côn trùng kia chính là đám quỷ sứ của Rồng Đỏ, vì tạo phản trên trời mà bị đánh hạ xuống nhân gian. Sách Khải Huyền viết rằng, Con Rồng Đỏ cùng với đội quân quỷ sứ của nó sẽ tràn ngập khắp mặt đất và gây họa loạn nhân gian. Chúng mê hoặc lòng người, khiến con người sa đọa mà tự hủy diệt chính mình.

Chúng ta hãy nhìn lại toàn tranh theo bố cục từ trên xuống dưới: Phân cảnh đầu tiên gợi nhớ đến các Thiên thần sa ngã, ba phân cảnh tiếp theo là sự sa ngã của thủy tổ nhân loại, cũng là khởi đầu cho mọi tội lỗi sau này. Đáng chú ý hơn cả, kẻ gây ra bi kịch của Adam và Eva là con rắn, mà kẻ cầm đầu các Thiên thần nổi loạn cũng chính là con rắn ấy (lúc này con rắn được gọi là Rồng Đỏ). Từ đó có thể thấy rằng, khởi nguồn của mọi tội lỗi là ma quỷ, và đằng sau sự suy đồi của nhân loại đều có quỷ ma thao túng. Điều ấy cũng phù hợp với bức tranh thứ hai kể về tội lỗi nơi thế gian trần tục.

Bức thứ hai: Thế gian trần tục

Hình ảnh trung tâm trong bức tranh là một cỗ xe ngựa chất đầy cỏ khô, xung quanh là đám người tham lam đang tranh nhau giành giật từng chút một. Bức tranh là minh họa sống động cho câu ngạn ngữ trong tiếng Flemish: Thế giới này là đống cỏ khô, và người ta cố gắng nhổ lấy càng nhiều càng tốt.

Đống cỏ khô là hình ảnh ẩn dụ về danh lợi và dục vọng trần tục - vốn thật phù du, suy đồi và vô nghĩa. Đám đông vây quanh chiếc xe thồ cỏ, ai cũng mải miết kiếm chác cho bản thân mà không hề nhận ra rằng ma quỷ đang kéo cỗ xe đi về hướng địa ngục.

Trong đám đông hỗn loạn ta thấy sự hiện diện của đầy đủ mọi giai tầng xã hội: Các lãnh chúa, Hoàng đế, Giáo hoàng, thương nhân, tu sĩ, dân thường, lại có cả người già và trẻ nhỏ, những bà mẹ bận bịu chăm con, rồi cả kẻ lang băm đang khám bệnh cho người nhưng trong túi ông ta toàn là cỏ… Họ giành giật nhau, đấu đá với nhau, câu kết với nhau, lừa phỉnh nhau, giết hại nhau, thậm chí là luồn cúi chỉ để kiếm chác chút cỏ khô cho mình. Kẻ mạnh thì cố bắc thang trèo lên chiếc xe thồ đang chạy, kẻ nhanh trí thì lấy móc câu mà với lấy cỏ, kẻ khôn ngoan thì tích trữ cho vào túi, kẻ thô bạo thì không ngại ngần đấu đá nhau chỉ vì một nắm cỏ, kẻ vô vọng thì chui luồn dưới gầm xe chờ cơ hội…

Hoàng đế và Giáo hoàng vốn là hai bậc đứng trên đầu nhân loại, nhưng cũng chỉ là những kẻ bám theo xe thồ cỏ. Còn nữ tu và giáo sĩ đáng lẽ phải là những con chiên ngoan đạo, thì cũng đầy ham hố và dục vọng: kẻ thì chất đầy cỏ vào bao tải, kẻ thì uống cả cốc cỏ khô vào cái bụng to phình, lại có vị nữ tu mang cỏ ra trao đổi lấy chiếc xúc xích của viên nhạc công đang chơi kèn túi. Xúc xích và kèn túi tượng trưng cho sự dâm dục, điều ấy cho thấy kẻ khoác áo thầy tu vẫn không thể buông bỏ ham muốn nhục dục của con người.

Trên thế gian này, ai có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của cỏ khô? Nhóm nhạc sĩ và đôi tình nhân ngồi trên xe dường như đã tránh xa mọi cám dỗ trần thế. Nhưng hãy nhìn thử xem, đằng sau đôi tình nhân có kẻ đang rình rập, trên tay hắn là cây gậy treo lủng lẳng chiếc bình, biểu tượng cho sự dâm dục; còn bên cạnh nhóm nhạc sĩ là con quỷ đang chơi kèn. Phải chăng Bosch muốn nói với chúng ta rằng: tất cả mọi ham muốn của con người, thậm chí cả những thứ “ở ngoài dục vọng” (bên trên đống cỏ) như tình yêu hay âm nhạc, cũng là thứ bị ma quỷ lợi dụng?

Còn đây là một chi tiết rất nhỏ nhưng vô cùng tinh tế: trên lùm cây nơi đôi trai gái tình tự có một con cú đang đậu trên cành.

Chim cú mèo thường xuất hiện trong tranh vẽ của Bosch, giống như một cặp mắt đang giám sát và nhìn xuyên thấu mọi sự suy đồi. Điều ấy được thể hiện rõ nhất qua bức họa “Khu rừng có tai và cánh đồng có mắt” với con cú mèo đứng ở trung tâm. Ở đây cũng vậy, chim cú mèo lặng lẽ đứng trên cao và nhìn xuống đám đông đang hỗn loạn.

Và bây giờ, hãy lùi lại một chút để nhìn bức tranh trong toàn cảnh: Một chiếc xe cỏ đang chuyển động từ trái sang phải, giống như ngày càng đi xa khỏi Thiên Đàng để tiến vào địa ngục. Nếu để ý kỹ sẽ thấy đoàn người vây quanh chiếc xe dường như tràn ra từ chính điểm khởi đầu của tội lỗi, tương ứng với nó là vị trí Adam và Eva nghe lời dụ dỗ của con rắn ở bức tranh bên trái. Nhìn sang bên phải, ta sẽ thấy những kẻ đang kéo xe không phải con người, mà là ma quỷ. Những thứ dị hình nửa người nửa thú ấy đang dẫn động chiếc xe tiến thẳng vào địa ngục. Thứ mà con người cho là đáng giá lắm, quý báu lắm, đến mức ai ai cũng tham lam giành giật cho bằng được: tiền tài, danh vọng, quyền lực, lợi ích, thú vui hưởng lạc… những thứ xa hoa phù phiếm ấy, kỳ thực, lại chỉ là “cỏ khô”. Cỏ khô giống như miếng mồi béo bở mà ma quỷ lợi dụng để khiến con người chìm đắm trong tội lỗi, trong những thứ tư tâm ích kỷ hẹp hòi. Mục đích để làm gì? Chúng muốn đẩy con người vào địa ngục!

Còn trên bầu trời cao kia, Chúa Jesus đang nhìn xuống những con dân của mình trong vô vọng. Ta có thể thấy rõ vết thương vẫn còn đang rỉ máu trên tay và sườn trái của Ngài. Người Tây phương tin rằng Chúa Jesus chịu bị đóng đinh trên thập tự giá là để chuộc tội cho nhân loại, để cứu độ loài người. Vậy còn loài người thì sao? Họ vẫn mải miết tranh giành từng nắm cỏ!

Trên đống cỏ khô, bên cạnh nhóm nhạc sĩ đang chơi đàn là một Thiên sứ đang cầu nguyện. Thiên sứ ngước cặp mắt lên trời như muốn cầu xin Chúa hãy thức tỉnh nhân loại. Ngài là người duy nhất đang hướng về phía Chúa. Còn con người? Trong mắt họ toàn là cỏ!

Bức tranh thứ ba: địa ngục

Theo bước chân của đám quỷ sứ kéo xe chúng ta sẽ tiến vào bức tranh thứ ba: địa ngục.

Bức tranh mô tả thảm cảnh đáng sợ mà con người phải đối mặt: kẻ bị mổ bụng moi gan, kẻ bị ăn ngấu nghiến, kẻ bị ngọn giáo xuyên qua lưng, kẻ bị treo cổ trong khói lửa…

Nếu như khi ở thế gian họ là những ông hoàng, bà chúa, quý tộc, thương nhân, thầy tu, nữ sĩ… thì tại đây, nơi địa ngục này, ai ai cũng chỉ còn lại một tấm thân trần. Họ mong manh vô lực, cỏ khô cất trữ được bao nhiêu, cuối cùng cũng vô dụng, tùy theo tội nghiệp tạo ra trên trần thế mà họ phải chịu đủ mọi nhục hình, đau đớn, thê lương.

Nhìn lại cả ba bức tranh, ta sẽ thấy một thông điệp rõ ràng: Con người càng tham lam vô độ thì càng chìm sâu vào tội lỗi, càng xa rời Thần, xa rời tín ngưỡng thì càng tiến đến diệt vong.

Và còn một thông điệp nữa: Mọi tội lỗi của loài người đều có quỷ ma dẫn động. Tiền bạc và danh vọng là miếng mồi ngon dẫn dụ, và nhân tâm (tham lam, ích kỷ, đố kỵ, hẹp hòi....) lại là thứ bị ma quỷ lợi dụng. Con người muốn bảo vệ chính mình thì cần phải tu tâm, thay vì tranh giành về vật chất thì phải nuôi dưỡng về tâm hồn. Giống như vị Thiên sứ đang cầu nguyện, vì trong tâm ngài luôn có Chúa nên mới có thể đứng ngoài mọi sự hỗn tạp trần tục của thế gian.

Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa phải là tất cả! Khi đóng hai bức tranh bản lề (bức Thiên Đàng và bức địa ngục) chúng ta sẽ nhìn thấy bức tranh thứ tư, chính là lời nhắn nhủ sau cùng của Bosch…

Bức tranh thứ tư: Khách bộ hành

Bức “Người khách bộ hành” (The wayfarer) miêu tả một người đàn ông với hành trang trên lưng đang bước đi trên con đường của mình.

Phía sau lưng ông là những thứ hỗn loạn của thế gian: Bên trái là cảnh một toán cướp đang trói người vào thân cây để lấy đi tiền bạc và của cải - tượng trưng cho tội ác và những khó nạn hay khổ đau trên đường đời. Bên phải là hai người đang nhảy múa và một nhạc công đang chơi kèn túi (cũng cần nhắc lại rằng trong hội họa đương thời, kèn túi thường ám chỉ sự dâm dục) - tượng trưng cho sự hưởng lạc và những thú vui buông thả suy đồi. Ngay bên cạnh ông là một con chó đang gầm gừ muốn cắn - tượng trưng cho cái ác luôn thường trực, và một bộ xương khô - tượng trưng cho cái chết đang rình rập.

Người khách bộ hành với vẻ mặt khắc khổ, mặc bộ áo đã cũ sờn và chiếc quần rách gối, trên vai là gánh nặng mà ông phải mang theo. Có lẽ ông đã trải qua không ít khổ đau trên đường đời. Cảnh tượng phía sau lưng ông rất rộng mở, là sông núi, là triền đồi, nhưng lại đầy rẫy mọi cám dỗ trần tục. Còn phía trước thì chỉ là một cây cầu đá nhỏ và hẹp...

Con đường của người khách bộ hành cũng giống như hành trình mà mỗi chúng ta sẽ trải qua. Để sa đà vào thú vui và tội lỗi thì rất dễ dàng, nhưng để làm người chân chính thì lại chỉ có một con đường, và con đường ấy rất hẹp.

Vì sao Bosch không tiết lộ cho chúng ta biết cảnh tượng phía trước của vị khách bộ hành? Bởi điều ấy phụ thuộc vào mỗi chúng ta: Sự lựa chọn của hôm nay sẽ là tương lai của mai này, cũng là sự lựa chọn của lương tri mà chúng ta đối mặt trên đường đời.

Tâm Minh

Clip ý nghĩa: Ăn chay, niệm Phật, bố thí… vì sao chết đi vẫn phải xuống địa ngục?

[videoplayer link="https://video2.dkn.tv/an-chay-niem-phat-bo-thi-vi-sao-chet-di-van-phai-xuong-dia-nguc_2ea4c64ce.html"]

[videobottom id="2362"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét