Trong Tây du ký*, Tôn Ngộ Không nổi tiếng với 72 phép thần thông biến hoá, nhờ thế mà có thể trừ yêu diệt quái, phò tá Đường Tăng thỉnh được chân kinh. Bạn đã bao giờ thắc mắc: “Bát cửu huyền công” tiếng tăm lẫy lừng này rốt cuộc bao gồm những gì?
Tôn Ngộ Không vốn là con khỉ đá trời sinh, hấp thụ tinh hoa của nhật nguyệt, tuy được bầy khỉ tôn làm vương, vui thú tự tại, nhưng sớm ngộ ra sự vô thường của sinh mệnh trong luân hồi. Ngộ Không lặn lội góc bể chân trời tầm sư học đạo, cuối cùng đã được Bồ Đề Tổ Sư nhận làm đệ tử, truyền thụ phép sống lâu màu nhiệm. Sau đó, Tổ Sư còn dạy Ngộ Không 72 phép biến hoá để đề phòng “ba thứ tai hại”. Tây du ký, hồi thứ hai “Thấu lẽ bồ đề là diệu lý, Bỏ ma về gốc ấy nguyên thần” có viết:
“Tổ sư nói:
- Thôi cũng được. Thế ngươi muốn học ban nào? Số Thiên Cương có ba mươi sáu bậc biến hóa, số Địa Sát có bảy mươi hai bậc biến hóa.
Ngộ Không nói:
- Con muốn biết nhiều thứ, xin học Địa Sát biến hóa vậy.
Tổ sư nói:
- Nếu thế lại đây, ta truyền khẩu quyết cho.
Rồi ghé tai Ngộ Không nói nhỏ, không biết là diệu pháp gì. Còn Hầu vương, khi một khiếu đã thông, thì trăm khiếu cũng thông, học tập khẩu quyết, tự mình tu luyện, bảy mươi hai phép Địa sát biến hóa đều thuộc làu làu”.
72 phép biến hóa này không phải là biến hóa thành 72 hình dạng khác nhau như nhiều người vẫn lầm tưởng. Cụ thể, bát cửu huyền công bao gồm những phép sau:
1. Thông U: Đi lại giữa địa ngục và dương gian tự do dễ dàng.
2. Khu Thần: Phép đuổi Thần linh.
3. Đảm Sơn: Thuật pháp "gánh núi" này giúp cho Tôn Ngộ Không dù bị đè dưới núi 500 năm vẫn không chết.
4. Cấm Thủy: Là có thể đi lại trong nước mà không bị cản trở. Tuy nhiên, xét về phương diện chiến đấu dưới nước thì Tôn Ngộ Không không bì được với Bát Giới và Sa Tăng.
5. Tá Phong: Nghĩa là mượn gió. Thuật pháp này giúp Tôn Ngộ Không có thể tận dụng sức mạnh của gió.
6. Bố Vụ: Là rải mây, muốn cho nơi nào có mây thì nơi đó có mây.
7. Kỳ Tình: Cầu nắng, chính là có thể khiến trời đang mưa chuyển sang nắng.
8. Đảo Vũ: Ngoài cầu nắng thì Tôn Ngộ Không còn được học thuật pháp cầu mưa.
9. Tọa Hỏa: Không sợ lửa. Tuy nhiên, đối với lửa ở không gian khác, ví dụ như "Tam muội chân hỏa" của Hồng Hài Nhi, thì thuật pháp này không phát huy tác dụng.
10. Nhập Thủy: Nhờ có thuật pháp này mà Tôn Ngộ Không có thể dễ dàng đi xuống biển sâu.
11. Yểm Nhật: Đôi khi ánh mặt trời chưa hẳn đã tốt, thế nên Tôn Ngộ Không cũng có những lúc cần dùng đến thuật pháp che đi mặt trời này.
12. Ngự Phong: Cưỡi gió.
13. Chử Thạch: Luyện chế tiên đan.
14. Thổ Diệm: Phun ra lửa.
15. Thôn Đao: Nuốt đao vào bụng.
16. Hồ Thiên: Có thể biến đồ vật thành to hay nhỏ theo ý thích.
17. Thần Hành: Nguyên thần ly thể, nguyên thần có thể tạm rời khỏi thể xác và tự do đi lại.
18. Lý Thủy: Thuật pháp này khiến cho Tôn Ngộ Không dễ dàng đi lại trên mặt nước.
19. Trượng Giải: Tôn Ngộ Không có thể vứt bỏ thân thể để "tiên thăng", chạy trốn trong một số trường hợp.
20. Phân Thân: Mỗi lần cần đến sự trợ giúp của các bản sao, Tôn Ngộ Không chỉ cần bứt một ít lông trên người rồi thổi ra một cái là rất nhiều “Tôn Ngộ Không” khác lập tức xuất hiện.
21. Ẩn Hình: Trong một số trường hợp không muốn bị người khác nhìn thấy, Tôn Ngộ Không có thể dùng thuật pháp này để tàng hình.
22. Tục Đầu: Ba tên đạo sĩ yêu quái ở nước Xa Trì từng tỏ ra rất hả hê khi chém được đầu của Tôn Ngộ Không, tuy nhiên chúng không khỏi kinh ngạc khi thấy một cái đầu mới lại tiếp tục xuất hiện. "Tục đầu" chính là thuật pháp giúp Tôn Ngộ Không có thể nối thêm đầu, và không chỉ nối một lần mà là rất nhiều lần.
23. Định Thân: Giống như một phép điểm huyệt, sẽ khiến cho một người hay vật nào đó không thể nhúc nhích được.
24. Trảm Yêu: Nhiều yêu quái không có thân thể thật nên phải dựa vào phép thuật này mới giết chết được chúng.
25. Thỉnh Tiên: Tuy là dùng để mời thần tiên tới, nhưng không phải ai cũng có thể dùng được thuật pháp này, bởi nó còn phụ thuộc vào tâm tính và tầng thứ của người tu luyện.
26. Truy Hồn: Không phải nhờ "hỏa nhãn kim tinh", mà nhờ có thuật pháp "Truy Hồn" này nên Tôn Ngộ Không mới dễ dàng nhìn thấy hồn phách của người khác.
27. Nhiếp Phách: Tôn Ngộ Không dùng thuật pháp này để truy đuổi và triệt tiêu tận gốc hồn phách của những kẻ địch nguy hiểm.
28. Chiêu Vân: Vẫy gọi mây.
29. Thủ Nguyệt: Chỉ cần giơ tay ra là có thể lấy được mặt trăng.
30. Ban Vận: Di chuyển đồ vật theo ý nghĩ của người sử dụng.
31. Giá Mộng: Thuật pháp này sẽ khiến đối phương chìm vào cơn ác mộng, từ đó Tôn Ngộ Không có thể tiêu diệt đối phương về mặt tinh thần.
32. Chi Ly: Các bộ phận trên cơ thể Tôn Ngộ Không tuy bị đứt rời nhưng không gặp phải bất kỳ vấn đề gì là nhờ có thuật pháp này, cũng chính vì thế mà Tôn Ngộ Không bị chém mãi không chết.
33. Ký Trượng: Hiểu nôm na là "gửi gậy". Thuật pháp này giúp cho người dùng có thể "ký gửi" nỗi đau lên thân thể người khác hoặc vật khác.
34. Đoạn Lưu: Tôn Ngộ Không đã dùng thuật pháp này để cắt đứt dòng chảy của sông nước, giúp Đường Tăng qua sông một cách dễ dàng.
35. Nhương Tai: Dùng pháp thuật để đẩy lùi tai ương trước mắt.
36. Giải Ách: Giải trừ nguy nan.
37. Hoàng Bạch: Có khả năng biến đá thành vàng.
38. Kiếm Thuật: Có thể sử dụng kiếm thuật một cách thành thạo.
39. Xạ Phúc: Phép nhìn xuyên thấu giúp Tôn Ngộ Không có thể nhìn thấy đồ vật để trong hòm kín dù không mở hộp.
40. Thổ Hành: Phép độn thổ, khiến cho người dùng có thể đi lại trong lòng đất.
41. Tinh Số: Tôn Ngộ Không có thể nhìn thấy trước vận mệnh thông qua việc ngắm các vì sao trên bầu trời.
42. Bố Trận: Trước kiếp nạn ở động Kim Đâu, Tôn Ngộ Không đã vẽ một vòng tròn xung quanh Đường Tăng khiến cho yêu quái không thể lại gần.
43. Giả Hình: Biến hóa thân thể, đây là phép thuật Tôn Ngộ Không hay dùng nhất và đạt đến đỉnh cao.
44. Phún Hóa: Dùng phép thuật khiến cho vạn vật biến hóa theo ý muốn.
45. Chỉ Hóa: Chỉ cần dùng ngón tay chỉ vào vật nào là có thể khiến vật đó biến hình.
46. Thi Giải: Các đạo sĩ đắc đạo có thể khiến thân thể biến mất trong nháy mắt mà không để lại dấu vết, hoặc chỉ lưu lại những đồ vật trên người như quần áo, gậy hay kiếm.
47. Di Cảnh: Thuật ngụy trang, hay còn được coi là tạo ảo giác.
48. Chiêu Lai: Có thể dễ dàng điều khiển vật nào đó đang ở xa bay tới gần.
49. Nhĩ Khứ: Khiến đồ vật quay trở lại theo ý muốn.
50. Tụ Thú: Có thể khiến cho các loại dã thú đều nghe theo mệnh lệnh.
51. Điều Cầm: Có thể thuần hóa các loài chim muông.
52. Khí Cấm: Có thể không cần hít thở không khí mà vẫn sống được.
53. Đại Lực: Khi niệm chú phép này, cơ thể sẽ trở nên rất khỏe. Việc Ngộ Không có thể nhấc bổng và sử dụng được cây thiết bảng nặng một vạn ba ngàn năm trăm cân chính là nhờ sử dụng phép này.
54. Thấu Thạch: Đi xuyên qua đá.
55. Sinh Quang: Hai mắt có thể phát ra một luồng sáng cực mạnh.
56. Chướng Phục: Thuật luyện nội đan.
57. Đạo Dẫn: Có khả năng chỉ đường dẫn lối một cách chuẩn xác.
58. Phục Thực: Người luyện thuật pháp này có thể nuốt bất kỳ vật gì vào bụng mà không hề bị tổn hại.
59. Khai Bích: Đi xuyên tường.
60. Dược Nham: Tôn Ngộ Không có thể nhảy rất cao, rất xa là nhờ có thuật pháp này.
61. Manh Đầu: Mọc thêm đầu mới.
62. Đăng Sao: Lấy được đồ vật trong nháy mắt.
63. Hát Thủy: Có thể uống bao nhiêu nước tùy thích, bụng giống như không đáy.
64. Ngọa Tuyết: Có thể nằm rất lâu trong tuyết mà không sợ bị lạnh hay chết cóng.
65. Bạo Nhật: Có thể phơi mình dưới ánh mặt trời rất lâu mà không sợ bị tổn hại.
66. Lộng Hoàn: Nhờ có thuật này mà Tôn Ngộ Không có thể bắt mạch, kê đơn thuốc trị bệnh.
67. Phù Thủy: Vẽ bùa, đốt bùa trong nước, khi uống vào có thể trị được bệnh.
68. Y Dược: Có thể chế ra thuốc và thậm chí là giải phẫu.
69. Tri Thì: Luôn biết rõ thời gian hiện tại, giống như lúc nào cũng mang đồng hồ theo người.
70. Thức Địa: Luôn biết rõ các địa điểm, giống như lúc nào cũng mang theo bản đồ.
71. Tịch Cốc: Không cần ăn uống, có thể dùng linh khí của trời đất để tẩm bổ cho bản thân. Nhờ có phép này mà sau 500 năm bị đè dưới núi Ngũ Hành, Tôn Ngộ Không vẫn mạnh khoẻ, ngay lập tức phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh.
72. Yểm Đảo: Tấn công kẻ địch bằng những cơn ác mộng.
72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không khiến nhiều thế hệ độc giả tâm đắc và say mê. Chúng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng siêu việt của nhà văn, hay thực sự có tồn tại?
Trong bát cửu huyền công thì phép “Giả Hình" (biến hoá thân thể) là hay được Ngộ Không sử dụng nhất, điều này có lẽ cũng là một ẩn dụ thâm sâu. Tôn Ngộ Không mang hình tượng con khỉ tinh nghịch, là biểu tượng của cái tâm con người, xưa vẫn nói “tâm viên ý mã" là vì vậy. Cái tâm này có thể tùy ý biến hoá, là Phật hay là ma, chỉ sai khác ở một tâm niệm. Người xưa nói: “Cảnh tuỳ tâm sinh", hoàn cảnh xung quanh sẽ chiểu theo tâm tính của con người mà biến đổi. Trong khó khăn kiếp nạn, nếu tâm chúng ta có thể giữ vững ở cảnh giới cao, “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” thì nhất định có thể công thành viên mãn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét