Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Lời dự ngôn vong quốc của 1 bài thơ đã ứng nghiệm sau hơn 200 năm như thế nào?

Lời dự ngôn vong quốc của 1 bài thơ đã ứng nghiệm sau hơn 200 năm như thế nào? https://ift.tt/3lgL2UM

Bến đò Đào Diệp dưới chân núi Đào Diệp ở Phổ Khẩu, Nam Kinh, vốn là một bến đò cổ bình thường bên sông Trường Giang, sau này nổi tiếng khắp nơi nhờ bài thơ “Đào Diệp từ” của Vương Hiến Chi, được xếp vào kì quan hàng đầu trong 48 thắng cảnh của Kim Lăng.

Vương Hiến Chi, tên tự Tử Kính, là thư pháp gia và thi nhân nổi danh thời Đông Tấn, ông là con thứ bảy của “thư Thánh” Vương Hy Chi, hai cha con được người đời tôn vinh là “nhị Thánh”. Tương truyền Vương Hiến Chi có người ái thiếp tên Đào Diệp, mỗi lần về thăm nhà mẹ đẻ đều phải băng qua sông Trường Giang cuồn cuộn sóng. Vương Hiến Chi không an tâm lần nào cũng đích thân ra đón ở bến đò, và viết ba bài thơ “Đào Diệp từ” để thể hiện tình cảm sâu đậm với nàng. Dưới đây là một trong ba bài thơ đó:

“Đào Diệp phục Đào Diệp
Độ giang bất dụng tiếp
Đãn độ vô sở khổ
Ngã tự nghinh tiếp nhữ”.

Tạm dịch:

Đào Diệp trở lại bến Đào
Qua sông không chèo chống
Khổ sở chẳng biết là bao
Tôi tự thân ra đón tiếp

Hai câu thơ đầu dùng cách nói hóm hỉnh: Đào Diệp rồi lại Đào Diệp, một con thuyền nhỏ nhẹ nhàng lướt trên sóng nước qua sông chẳng cần đến mái chèo. Hai câu sau lại cho Đào Diệp một lời trấn an chắc nịch: nàng hãy yên tâm mà qua sông, không có gì khó khăn cả, ta sẽ đến đón nàng.

“Đào Diệp từ” được Vương Hiến Chi mô phỏng theo ca khúc của Ngô Thanh, ngôn từ trong sáng dễ hiểu, thể hiện một cách tinh tế tình cảm chân thành của ông đối với Đào Diệp. Bài thơ vừa ra đời, bến đò Đào Diệp vốn vô danh tịch mịch bỗng trở nên nổi tiếng khắp nơi, hàng nghìn năm nay có biết bao văn nhân mặc khách tìm đến đây lưu luyến, vịnh thơ.

Điều kỳ diệu hơn là, hơn 200 năm sau, “Đào Diệp từ” lại trở thành một bài thơ tiên tri!

Chuyện kể rằng: vào những năm cuối của thời Nam Bắc triều, rất nhiều người ở Giang Đông đã truyền miệng một từ khúc, đó chính là “Đào Diệp từ” của Vương Hiến Chi: “Đào Diệp phục Đào Diệp, Độ giang bất dụng tiếp. Đãn độ vô sở khổ, Ngã tự nghinh tiếp nhữ”. Tại sao bài thơ này khi đó lại được lưu hành rộng rãi như vậy? Mọi người đều không hiểu.

Bấy giờ, Dương Kiên đã thống nhất phương Bắc, lập nên nhà Tùy. Dương Kiên là một vị vua sáng suốt tài giỏi, chăm lo việc nước, một lòng mong muốn thống nhất giang sơn. Trần Thúc Bảo của Trần triều cai trị phương Nam, nổi danh với tên hiệu Trần Hậu Chủ hoang dâm vô độ trong lịch sử. Hắn thích phô trương lãng phí, cả ngày đắm chìm trong tửu sắc, gần gũi tiểu nhân, không lo triều chính, cuộc sống người dân phương Nam vì thế mà lâm vào thảm cảnh lầm than cơ cực. Trần triều có một vị quan tên Vi Đỉnh, là một người thần cơ diệu toán, ông đã bán hết gia sản, ẩn cư trong một ngôi chùa. Bạn bè hỏi ông vì sao lại làm như vậy, ông nói: “Vương khí Giang Đông đã tận rồi”.

Vào năm Khai Hoàng thứ 8 (năm 588), Tùy Văn Đế lệnh cho Tấn Vương Dương Quảng dẫn năm mươi vạn đại quân xuống phía Nam đánh Trần. Quân đội của Dương Quảng đóng tại núi Đào Diệp để chuẩn bị bước cuối cùng cho kế hoạch “bình Trần vĩ nghiệp”. Khi này Trần Hậu Chủ trên triều đường vẫn ca múa yến oanh, yên bình như cũ.

Tháng giêng năm Khai Hoàng thứ 9 (năm 589), quân Tùy phát động tổng tấn công triều Trần, họ đã ngồi trên thuyền của nhà Trần để qua sông! Suốt một đường quân Trần kẻ thì chạy, kẻ đầu hàng; quân Tùy thế như chẻ tre, chẳng mấy chốc đã công hạ thành Kiến Khang. Trần Hậu Chủ bị bắt và giải đến Trường An; những tên gian thần như Trương Lệ Hoa, Thi Văn Khánh... đều bị bêu đầu trên phố.

Trần Hậu Chủ bị giam trong ngục sống lay lắt qua ngày, hắn vẫn mặt dày xin Tùy Văn Đế ban cho một chức quan. Tùy Văn Đế nhận xét rằng: “Hắn đem cái tài uống rượu ngâm thơ vào xử lý việc triều chính, chẳng trách rơi vào kết cục như vậy. Khi Cao Dĩnh đánh vào cung điện của hắn, thấy một chồng tấu sớ khẩn chất thành núi dưới chân giường vẫn còn chưa mở ra. Thật đúng là ngu ngốc nực cười đến cực điểm. Có lẽ là trời cao muốn diệt Trần triều”.

Lúc này, mọi người mới hiểu ra nguyên nhân thực sự khiến “Đào Diệp từ” được lưu truyền rộng rãi đến vậy: khi Dương Quảng đóng quân ở núi Đào Diệp (sau đổi tên thành núi Tấn Vương); quân Tùy quả thật là ngồi trên thuyền của nhà Trần mà qua sông, hơn nữa lại không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào – là bởi vì người dân và quân lính Giang Đông đều bất mãn với nhà Trần thối nát nên họ khát khao quân đội nhà Tùy mang công đạo đến giải cứu cho họ - cho nên họ cất lên tiếng gọi “ngã tự nghinh tiếp nhữ” - Tự thân ra tiếp đón.

“Đào Diệp từ” từ một bài thơ về tình yêu biến thành một bài thơ dự ngôn, quả thật là ảo diệu!

Theo Vision Times
Quỳnh Chi biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét