Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Vì sao Đức Phật không độ nàng mà cũng chẳng độ ta?

Vì sao Đức Phật không độ nàng mà cũng chẳng độ ta? http://bit.ly/2KtmuZT

Đã có quá nhiều tranh luận, bàn bạc và thậm chí là thị phi xung quanh một bài hát đáng ra không nên xuất hiện. Câu hỏi thoạt nghe rất… trẻ con: “Vì sao độ ta không độ nàng?” bỗng nói lên những vấn đề to tát hơn nhiều câu chuyện ngôn tình không có hậu kia hay ẩn ức của một cá nhân đang muốn vượt ra ngoài khuôn phép.

Tạm không bàn nữa đến chuyện ca từ, nội dung của bài hát đang thách thức rất nhiều khuôn khổ, ta hãy thử lật ngược lại vấn đề một chút. Nam chính trong cốt truyện dù có biện bạch bao nhiêu lời, đau buồn sầu khổ đến đâu, rốt lại cũng là để hỏi Đức Phật một câu: “Vì sao ngài cứu độ ta mà không cứu độ nàng?”. Nàng – nữ chính – ở đây là bạn thanh mai trúc mã với chàng. Nàng không tu Phật, không xuất gia, cạo đầu, không tụng niệm kinh thư nhưng trước Đức Phật thì vẫn là một chúng sinh bình đẳng với chàng – một người tu hành. Lẽ ra nàng đã phải được “độ” như bao chúng sinh khác chứ?

Đấy, chính với cái lý luận tưởng như hợp lý vô cùng kia, chàng đã một mực dùi sâu vào những câu hỏi ngổn ngang không dễ giải đáp. Nào là “Vạn dặm tương tư vì ai?”, nào là “Hồng trần đã mấy độ hoa?”, nào là “Hồng nhan chẳng trông thấy đâu?”, rồi thì “Hỏi người ra đi vì đâu?”, cuối cùng là “Ngày ngày gõ mõ tụng kinh, vì sao độ ta không độ nàng?”. Nhưng xem ra đó quả là những câu hỏi chẳng đúng với tư chất của một kẻ tu hành.

[caption id="attachment_1165482" align="alignnone" width="780"] (Ảnh minh họa: zhihu.com)[/caption]

Thứ nhất, nhà Phật giảng về nhân quả luân hồi, giảng về nghiệp báo duyên nợ. Sự sống – cái chết của một người chính là nằm trong vòng dây oan nghiệt ấy. Làm sao có thể can thiệp đến nghiệp quả của một người thường chẳng hề tu luyện mà biến họa thành phúc, biến chết thành sống đây? Là người khoác áo sa môn, chàng có hiểu những điều đó không? Tôi cho là có hiểu nhưng chẳng qua cố tình vờ như không biết mà thôi.

Thứ hai, là đệ tử Phật môn, là kẻ nương nhờ cửa Phật, chàng lấy tư cách gì để chất vấn Phật đây? Chẳng phải là dùng cái tâm phàm phu mà so bì với bậc Thánh giả, lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử đó sao? Chẳng lẽ Đức Phật phải đi giải quyết tất cả những ân oán tình thù, phải làm vừa ý hết thảy những chấp niệm nhỏ nhoi của con người thì mới là đáng được tôn kính, đáng được phụng thờ sao? Có vẻ hơi hồ đồ!

Thứ ba, khi chàng hỏi “Vì sao độ ta không độ nàng?” có nghĩa là đang mặc nhiên thừa nhận mình là một chúng sinh đã được Thần Phật “độ” và đang đi “đòi công bằng” cho một chúng sinh khác. Có phải như vậy không? Chỉ e rằng ngay cả chính chàng cũng chẳng phải là người được cứu, được độ vậy. Chàng ơi, đừng tưởng mình khoác lên chiếc áo cà sa, tay ngày đêm tụng kinh gõ mõ thì nghiễm nhiên được tính là người được độ lên cõi Niết Bàn thiên quốc! Tu luyện chân chính không chấp vào hình thức, không chấp vào việc một ai đó làu thông kinh thư đến đâu hay giỏi làm Phật sự bao nhiêu. Tu luyện chính là tu tâm, là xả bỏ hết thảy dục vọng, ham muốn của người thường, là từng bước đề cao cảnh giới trong những mâu thuẫn, quan nạn, là thấu ngộ nhân sinh và vũ trụ ở một tầng thứ vượt hơn hẳn người thường.

Chàng thử xem mình đã đạt được một góc nhỏ của điều ấy chưa? Chàng thử nghĩ mà xem, bao nhiêu lời chất vấn ai oán kia của mình đã để lộ ra hàng tá chấp niệm và dục vọng, hàng biết bao tư tâm nhỏ mọn của một người trần mắt thịt. Vậy thì Thần Phật liệu có độ hóa một người như vậy lên thiên quốc chăng? Thần Phật liệu có bảo hộ cho sự tu luyện của họ chăng? Lần này thì tôi đoán chắc rằng chàng chẳng thể nào hiểu nổi những đạo lý ấy, vì đơn giản chàng vẫn chỉ là một con người hoàn toàn trần tục mà thôi.

[caption id="attachment_1165484" align="alignnone" width="731"] (Ảnh minh họa: mocha.com)[/caption]

Vậy là ta đã phân tích một lượt những điều khó hiểu trong cách “lý luận” của nam chính trong câu chuyện. Và đột nhiên ta nhận ra rằng hóa ra chàng đã… trách oan cho Đức Phật vì thực ra Đức Phật cũng đâu có độ chàng?

Đến đây, tôi lại nhớ đến một câu nói của cổ nhân, đại ý: Bậc Thánh nhân cầu tâm chứ không cầu Phật, kẻ ngu muội cầu Phật mà chẳng tu tâm. Trong tâm kính ngưỡng Thần Phật, nuôi dưỡng thiện lương thì dẫu chẳng xuất gia tu hành, cạo đầu thay áo cũng chính là đang ở trong đạo pháp rồi. Ngược lại, dẫu có làu thông thiên kinh vạn quyển, xây chùa tô tượng, thắp hương cúng dường mà tâm chứa đầy những chuyện sắc tình, phú quý thì quả là đang rời xa bóng Phật vậy.

Để kết thúc những chuyện dông dài này, tôi lại muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện khác về Phật độ người có tâm.

Xưa có một người làm nghề đồ tể, không biết đã sát hại biết bao nhiêu sinh linh. Một hôm anh ta bắt gặp hai hành giả đang trên đường sang Tây Thiên cầu Phật. Họ lấy lời lễ nghĩa mà khuyên nhủ anh đồ tể bỏ nghề sát sinh, lên đường lễ Phật. Nhưng anh đồ tể vô cùng hổ thẹn nói: “Tôi là kẻ nhơ bẩn quá rồi, thật không xứng gặp Đức Phật. Chỉ mong hai vị mang trái tim của tôi đến đặt dưới chân Đức Phật là kẻ này mãn nguyện lắm rồi!”.

Nói đoạn, anh đồ tể móc quả tim của mình ra đưa cho hai hành giả. Hai người ái ngại nhận lời, tiếp tục lên đường, mang trái tim của anh đồ tể theo. Trải qua bao nhiêu mưa nắng dãi dầu, cuối cùng họ cũng đến được Tây Thiên, đảnh lễ Đức Phật. Trong buổi diện kiến, Đức Phật trỏ tay vào một vạc nước lớn đang sôi sùng sục, hỏi rằng hai người có dám nhảy vào đó không. Hai hành giả do dự, tính tới tính lui chẳng biết làm sao, bèn nghĩ ra một cách. Họ nhanh trí bỏ trái tim của anh đồ tể nọ vào trước thử xem sự tình ra sao rồi mới hành động. Vừa dứt tay, trái tim lập tức hóa thành một Phật thể lấp lánh vàng kim, ánh sáng chiếu rọi muôn tầng mây. Hai người nhìn thấy, vội vã bắt chước, nhảy vào vạc nước sôi. Nhưng rốt cuộc họ lại hóa thành hai chiếc quẩy rán!

Ôi! Thương thay cho những người miệng cầu niệm Phật mà trong tâm vẫn chất nặng hoài nghi, chấp niệm! Có phải vì thế cho nên Đức Phật không độ nàng mà cũng chẳng độ ta? 

Tiêu Vũ

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/di-tim-giot-nuoc-mat-cua-duc-phat_bdba71c33.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét