Khi chúng ta lấy nỗi thống khổ của sinh mệnh khác làm thứ tiêu khiển, đó phải chăng là dấu hiệu của một sự suy đồi kinh hoàng?
Những con vật nhỏ bé bị nhốt vào trong túi nilon kín với chút nước, không khí và những vật trang trí sắc màu. Chúng được sử dụng như những chiếc móc chìa khóa, chịu rung lắc, quăng quật, không thể sinh sống như cách chúng nên được tồn tại trên thế giới này. Và khi chúng ta lấy nỗi thống khổ của sinh mệnh khác làm thứ tiêu khiển, đó phải chăng là dấu hiệu của một sự suy đồi kinh hoàng?
Phong trào móc chìa khóa động vật lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc vào dịp Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Dù đã từng bị lên án gay gắt vào năm 2011 nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại và được bày bán tràn lan tại Hạ Môn, trang tin Shanghaiist cho biết. Những con vật này được bọc kín trong túi nilon nhỏ chứa đầy nước huỳnh quang có bão hoà oxy và chỉ có một viên thức ăn duy nhất. Theo lời quảng cáo của người bán, chúng có thể sống như vậy được 3 tháng.
Một số trang tin trong nước gần đây đưa tin rằng trào lưu này bắt đầu xuất hiện ở các thành phố biên giới phía bắc Việt Nam và những người dùng mạng xã hội đã lên tiếng phản đối bởi nó quá tàn nhẫn.
Tiến sĩ Sam Walton, nhà nghiên cứu tại Đại học Malaysia Terengganu, phát biểu trên trang The Star Online rằng: “Có thể sẽ đủ oxy và thức ăn trong vỏ nhựa, nhưng chất thải sẽ khiến chúng nhiễm độc amoniac và chúng sẽ chết dần trong đó", theo Lostbird.
"Động vật thủy sinh rất nhạy cảm với sự biến động của nhiệt độ, vì vậy việc sống trong túi nhựa chật hẹp này cũng giống như ở trong nhà kính vậy. Ngoài nhiệt độ thay đổi liên tục, chúng còn thường xuyên bị rung lắc. Chúng có thể chết bất cứ lúc nào", tiến sĩ cho biết.
[caption id="attachment_1222950" align="alignnone" width="857"] Những động vật nhỏ đang khổ sở giãy giụa trong bọc túi nhỏ lại trở thành trò vui cho nhiều người. (Ảnh: funnyjunk.com)[/caption]
Cái ác lại sinh ra cái ác
Đây là một sự đầy đọa đối với các con vật bị bắt làm đồ trang trí. Thú vui tận hưởng cảm giác thống trị và quyền lực khi nắm trong tay sinh mệnh của kẻ khác, hay thích thú nhìn chúng quằn quại để mua vui cho mình... đó là biểu hiện rõ ràng của sự ác độc. Cái ác dù rất nhỏ sẽ lại nảy sinh ra cái ác. Và nếu là người có lòng trắc ẩn cũng như trách nhiệm với đạo đức xã hội, chắc chắn không thể ủng hộ hay làm ngơ trước trào lưu tàn nhẫn này.
Tôi chợt nhớ tới bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki-duk có tên “Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân”, được khán giả bình chọn là một trong 100 bộ phim hay nhất sau năm 2000 (do BBC khảo sát). Bộ phim bắt đầu bằng cảnh mùa xuân trong ngôi chùa nhỏ nằm giữa hồ nước bên núi rừng tĩnh lặng của Hàn Quốc. Chú tiểu nhỏ tuổi tu hành cùng sư phụ tại nơi đây, ngày ngày họ ngồi thiền và tụng kinh, đôi lúc dùng chiếc thuyền nhỏ để đi vào bờ hái cây thuốc hoặc tập thể dục.
Một ngày kia tại con suối nhỏ trên núi đá, chú tiểu buộc một cục đá vào con cá và cười khúc khích khi thấy nó vùng vẫy cố bơi trong tuyệt vọng. Sau đó thú vui được tiếp tục với một con ếch và một con rắn. Sư phụ đều nhìn thấy cả. Đêm hôm ấy, sư phụ buộc một khối đá vào chú tiểu khi chú đang ngủ. Sáng hôm sau, cậu mếu máo nói sư phụ hãy giúp bỏ khối đá ra khỏi người mình.
Sư phụ hỏi: “Nó có làm con đau không?”, chú tiểu trả lời: “Có ạ!”. Sư phụ hỏi cậu có làm thế với những con vật kia không, cậu đều nhận. Sư phụ bảo cậu đứng lên đi vòng quanh nhưng cậu không đi nổi và sư phụ hỏi cậu có hiểu những con vật kia cũng cảm thấy như vậy không. Ngài cũng nói chừng nào chưa giải thoát cho những con vật bị hành hạ thì cậu không được bỏ khối đá ra, và nếu có con nào chết thì cậu sẽ phải tự dằn vặt suốt cuộc đời.
Chú tiểu vật lộn với khối đá trên lưng đi đến con suối và thấy con cá đã chết, con ếch đang cố vật lộn, còn con rắn nằm im trên vũng máu. Có lẽ nó đã bị con vật khác tấn công và chết khi không chạy thoát thân được. Chú tiểu bật khóc nức nở khi thấy những gì mình đã làm.
[caption id="attachment_1222951" align="alignnone" width="816"] (Ảnh: contioutra.com)[/caption]
Tất cả như một dự báo về cái ác đã được gieo mầm trong cậu bé tu hành. Quả thật, sau này cậu bé đã phạm giới luật và bỏ dở việc tu hành. Mầm mống cái ác vẫn ở trong cậu cho đến khi cậu sát hại vợ mình vì cô ngoại tình.
Các ác sẽ dẫn tới các ác. Hay tội ác lớn hơn sẽ được cảnh báo và biểu hiện ra ngoài bằng những việc làm tưởng chừng như vô hại. Khi chú tiểu hỏi sư phụ làm sao phân biệt được cây thuốc và cây độc, sư phụ nói rằng cây độc ấy có một vân trắng nổi trên lá. Nguyễn Du cũng viết trong Truyện Kiều rằng “anh hoa phát tiết ra ngoài”, có lẽ những cái xấu xí và ác độc cũng sẽ phát tiết ra ngoài như người xưa nói: “Tướng tự tâm sinh”. Ngoài tướng mạo, còn có cả những biểu hiện ra bên ngoài ở lời nói, hành động của mỗi cá nhân. Và ngược lại, từ mỗi lời nói, hành động, nếu không quy chính nó cho thiện lành thì sẽ dễ nảy sinh ra tội ác về sau này.
Lòng thiện có thể giáo dục, thì cái ác cũng có thể được dưỡng thành từ những điều nhỏ nhất
Câu chuyện con cá, con ếch và con rắn bị buộc đá có gì đó rất giống với những con vật nhỏ bé bị nhốt vào túi kín làm móc chìa khóa trên đây. Tôi rùng mình khi nghĩ tới những đứa trẻ sẽ mua chúng về nghịch ngợm. Có lẽ các em cũng sẽ khóc khi “đồ chơi” của mình chết, nhưng các em không thấy đau khi “chơi” với những con vật kia.
Không thể đặt mình vào vị trí của người khác hay kể cả sinh vật khác để cảm nhận nỗi thống khố, đau đớn của họ, thì đó là một dấu hiệu rất rõ ràng về sự vô cảm và khả năng gây ra tội ác trong tương lai.
Thiện ác trong mỗi người từ khi sinh ra đã là khác nhau. Nhưng nhờ có giáo dục, người ít lòng trắc ẩn khi được hướng dẫn cách đặt mình vào vị trí của người khác cũng có thể biết dừng lại, biết chùn tay khi định làm tổn thương ai đó. Giống như cậu bé dù đã vui cười khi buộc đá vào các con vật, cũng thấy thống khổ khi lâm cảnh tương tự và khóc nức nở khi thấy con rắn nằm chết trên vũng máu.
[caption id="attachment_1222800" align="aligncenter" width="740"] (Ảnh: Naver)[/caption]
Lòng thiện có thể giáo dục được, thì cái ác cũng có thể được nuôi dưỡng từ những chuyện tưởng chừng như chỉ là “thú vui” vô hại. Hình ảnh cái cửa xuyên suốt bộ phim "Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân" cũng như một lời nhắc nhở thế nhân: Dù cái cửa chơ vơ giữa đất trời, xung quanh không có tường rào nào phân định ranh giới, nhưng vị sư phụ và chú tiểu vẫn ngày ngày đóng mở cánh cửa để đi qua dù hoàn toàn có thể đi vòng qua cái cửa để lên bờ. Đạo đức, lễ tiết của con người cũng vậy, nó vô hình, không hiển hiện ranh giới, nhưng ta vẫn phải nghiêm cẩn thực hành hàng ngày dù không có ai dõi theo kiểm tra. Cánh cửa ấy vẫn phải đi qua, vẫn phải hiện hữu để phân định rõ ràng: một bên là sông bể dục vọng mênh mông, một bên là con đường tới bến bờ giác ngộ.
Thuần Dương
Bạn đang đọc bài viết: "Trào lưu tàn nhẫn từ Trung Quốc đã đến Việt Nam: Cái ác sẽ lại sinh ra cái ác" tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/y-nghia-cua-cuoc-song-khong-phai-o-cho-nhin-thau-ma-chinh-la-trai-nghiem_407e4b412.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét