Mục Điểm tin trong nước sáng thứ hai (9/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Tin bão khẩn cấp - cơn bão số 12
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 04 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 11/11, vị trí tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 4,0-6,0m.
Từ đêm nay (10/11), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa bão; gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh, sóng biển cao 3,0-5,0m.
Mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ chiều nay (09/11) đến 12/11, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 400mm; Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Bộ trưởng TN&MT nói mất rừng do trong nhà toàn dùng đồ gỗ, dân mạng nghi do quan chức xây dinh thự
Thời gian qua, truyền thông trong nước liên tục phản ánh dinh thự của quan chức địa phương được xây hoành tráng bằng gỗ quý.
Mới đây, hôm 6/11 trong phiên họp Quốc hội, trả lời chất vấn từ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định rằng: “Mất rừng là do chúng ta tư duy sai trái, đó là trong nhà toàn dùng đồ gỗ…”.
Với phát ngôn của ông Hà đã khiến dư luận hoài nghi về việc liệu quan chức địa phương có “góp sức” làm mất rừng.
Báo Pháp luật TP.HCM trong bài viết “Gỗ rừng chảy về nhà quan” hồi năm 2017 cho hay: “Gỗ rừng, nhất là gỗ quý ngày càng hiếm hoi… Oái oăm thay, những gì quý nhất của rừng lại được phát hiện… ở nhà quan chức!”.
Tờ báo phản ánh ngôi nhà của ông Trần Ngọc Quang, cựu chủ tịch huyện nghèo Ea Súp, Đắk Lắk được người dân gọi là “phủ ông Quang”, bởi ngôi nhà xây toàn bằng gỗ quý, phải mất 3 năm mới xong, chỉ tính riêng bộ bàn ghế đã có giá tới 1 tỷ đồng…
Tài khoản Hồng Lê nhận xét: “Mong Bộ trưởng hãy nói rõ “chúng ta” ở đây là ai, là quan chức hay là người dân”.
Tài khoản Minh khẳng định: “Chắc là quan thôi, chứ dân sao dám dùng gỗ xây nhà”.
Tài khoản Trần Bình hỏi: “Liệu quan chức có ‘đóng góp’ thêm cho việc mất rừng, vì thấy nhà quan xây lớn lắm?”…
TP.HCM: Bé trai 6 tuổi tử vong khi rơi từ tầng 8 chung cư
Bé trai khoảng 6 tuổi tử vong khi rơi từ tầng 8 chung cư Hiệp Thành City - The ParkLand ở quận 12, TP.HCM vào tối 8/11. Báo Zing dẫn tin cho biết, trước khi phát hiện bé trai tử vong, người dân chung cư nói, họ nghe thấy một tiếng động mạnh.
Qua kiểm tra, công an phường Hiệp Thành cho biết bé trai rơi từ tầng 8 chung cư này.
Theo người dân, bé trai là con của một gia đình đang sống tại chung cư. Hiện vẫn chưa biết nguyên nhân vụ việc.
Hà Nội: Hàng loạt ô tô bị xịt sơn khi đỗ trong khu đô thị Dương Nội
Tối ngày 8/11, phóng viên Dân trí có mặt tại khu vực chung cư CT7 Dương Nội (thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) ghi nhận cảnh hàng loạt xe ô tô đỗ dưới đường cạnh khu đô thị bị xịt sơn lên thân xe.
Trao đổi với phóng viên tại hiện trường sự việc, một bảo vệ khu chung cư CT7 cho biết, khu vực đường nơi các xe ô tô bị xịt sơn không thuộc địa phận của chung cư, phần lớn các xe đỗ ở đây là xe của người ngoài vì cư dân chung cư đều sử dụng bãi đỗ dưới tầng hầm.
Một người dân sống trong tòa chung cư CT7 cho hay: "Có thể một số đối tượng ghen ghét những người đỗ xe ô tô trên tuyến đường này nên họ đã xịt sơn lên xe. Khu vực đường này cũng có biển báo cấm đỗ xe ô tô".
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại hiện trường có khoảng 5 chiếc ô tô (4 chiếc màu trắng và 1 chiếc ô tô màu đen) bị xịt sơn lên thân xe. Những chiếc ô tô bị xịt sơn đỗ tại các vị trí dọc theo tuyến đường dưới khu đô thị Dương Nội.
Hà Nội: “Quên” khẩu trang, nhiều người không được vào phố đi bộ
Ngày 07/11, công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cùng cán bộ, nhân viên y tế các phường Hàng Trống, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Gai tiếo tục đồng loạt tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt người dân không tuân thủ, quy định đeo khẩu trang phòng chống dịch Viêm phổi Vũ Hán.
Theo ghi nhận của báo Người đưa tin, tại điểm chốt Hàng Khay (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm), lực lượng chức năng có mặt từ sớm triển khai các hoạt đồng nhằm phòng chống dịch. Theo quan sát, đa số người dân đã có ý thức chủ động sử dụng khẩu trang bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người thơ ơ với việc chung tay chống dịch, không đeo khẩu trang nơi đông người. Không ít người ngậm ngùi ra về vì không có khẩu trang. Một số khác cho khẩu trang vào túi, chỉ khi có lực lượng chức năng nhắc nhở mới mang ra để sử dụng.
Tuyến kè gần 20 tỷ đồng chưa làm xong đã ‘nát như tương’
Một tuyến kè tại Hà Tĩnh được đầu tư gần 20 tỷ đồng, đến nay đã chậm tiến độ hơn 6 tháng, nhiều vị trí bị sụt lún, hư hỏng nặng nề.
Theo ghi nhận của báo Dân trí, dự án này mới thực hiện được khoảng 30-40% khối lượng công trình, nhiều hạng mục đang ngổn ngang. Đặc biệt, hàng trăm mét kè đã bị sụp gãy, “nát như tương”.
Nghiêm trọng hơn, việc thi công chậm cộng với hệ thống mái kè bị sụp gãy đã kéo theo nhiều nhà dân dọc bờ kè cũng sụt lún phần móng, nứt tường, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo người dân địa phương, khu dân cư dọc bờ kè có 60 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 12 hộ chưa thống nhất được phương án giải phóng mặt bằng và di dời đến khu tái định cư.
Lo lắng đất dọc bờ kè tiếp tục sạt lở làm ảnh hưởng nhà bên trong, nhiều nhà dân phải sử dụng bao tải cát lớn, cọc tre chắn các khu vực đã sạt lở.
“Bờ kè triển khai chậm nên khi mưa kéo dài đã khiến cho tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng. Nhiều gia đình bị sạt vào gần tới tận nhà phải dùng bao cát, cọc tre gia cố. Chúng tôi hết sức lo lắng”, một người dân phản ánh.
Video hot: Chữa bệnh tận gốc? - Một 'phỏng vấn thô mộc' của Góc nhìn DKN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét