Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Gửi sỹ tử mùa thi: Hãy học cách nhảy múa trong cơn bão

Gửi sỹ tử mùa thi: Hãy học cách nhảy múa trong cơn bão https://ift.tt/2J5ffEA

Người đi học ai cũng lo lắng nhất là vào mùa thi, nhờ có kỳ thi ta mới có thể bước ra vùng ánh sáng sau cánh cửa rộng mở. Nhưng đôi khi đó không phải ánh sáng, mà là cơn bão lớn ập tới. Chúng ta có thể làm gì để không phải chờ đợi nó đi qua hay chịu đựng trong chán chường?

Mùa thi luôn là thời điểm mang lại nhiều cảm xúc và suy nghĩ nhất cho các sỹ tử. Gánh nặng khẳng định bản thân, áp lực về tương lai và cả việc làm bố mẹ “nở mày nở mặt” chồng chất lên vai các bạn. Người ta nói đôi khi nỗi sợ hãi chính là cơ chế bảo vệ tốt nhất để ta tránh được rủi ro tới với mình, giống như biết lửa nóng mà tránh bị bỏng. Nhưng khi nỗi sợ hãi quá lớn, hay có thể nói là khi chúng ta để nỗi sợ hãi chi phối và dọa dẫm lại chính ta bằng cái bóng hình phóng đại gớm ghiếc của nó, đó là khi ta đang đánh mất bản thân mình.

Nỗi sợ thất bại, sợ bế tắc, sợ bị khinh khi dè bỉu, sợ phải chịu trách nhiệm và sợ tổn hại danh dự... đó là những nỗi sợ phi lý, bởi nó là sự phản chiếu từ quan niệm của người khác lên bạn. Đó không phải thật sự là vấn đề của bạn. Bạn sống cuộc sống của mình và tận hưởng nó, kể cả thành công lẫn thất bại. Bất kỳ ai cũng không thể áp đặt lên bạn các thứ quan niệm rằng như thế này mới là tốt, như thế kia là kẻ thua cuộc…

Nhạc sĩ người Mỹ Vivian Green nói rằng:

Cuộc đời không phải là nơi để chờ đợi cơn bão đi qua, mà là nơi để ta nhảy múa trong cơn mưa và học cách tận hưởng những điều thú vị.

Thế nên, đừng sợ giông bão ngay cả khi nó còn chưa xuất hiện. Nhưng không phải là mang tâm thái bất cần đời, không chuẩn bị và chẳng màng nỗ lực. Tận hưởng chính là luôn làm tốt nhất những gì mình có thể. Và nhờ sự kiên trì, cố gắng, thì khi cơn bão ập tới ta mới không nuối tiếc và có thể ngẩng cao đầu mà đi vào tâm bão, bởi ta đã cố hết sức rồi.

Tác giả Kotaro Hisui từng nói: “bất hạnh chính là điềm báo hạnh phúc”, hay: “bất hạnh chính là cơ hội”. Con người thường thấy thống khổ khi không thể thay đổi ngoại cảnh và để nó tác động. Nhưng chính khi không thể thay đổi ngoại cảnh, lại là lúc ta chỉ có thể chọn cách thay đổi chính ta. Và cơ hội sẽ lại mở ra.

Kotaro đã có một quan sát thật tinh tế và thú vị rằng, Hán tự của từ “khóc” (khấp - 泣) bao gồm bộ thủy (nước) và bộ lập (đứng thẳng, dựng lên, thành tựu, sống còn…). Chẳng phải khi thấy đau quá, buồn quá thì khóc, nhưng khóc xong rồi thì phải đứng dậy mà thành tựu chính mình, mà dùng ý chí như vượt qua chuyện sinh tử để đối đãi hay sao?

Thế nên, 'không sợ thất bại' phải đi kèm với năng lực chịu đựng thất bại và bứt phá từ thay đổi trong nội tâm. 'Không sợ thất bại' không đơn giản chỉ là bất chấp kết quả ra sao, bất chấp việc bỏ ra công sức ít nhiều thế nào. Khi bạn luôn nỗ lực thì sẽ không sợ thất bại, bởi bạn biết cách vượt qua nó bằng sự thay đổi của bản thân.

Câu chuyện mùa thi là câu chuyện của thành công hay thất bại, tự hào hay tiếc nuối, nhẹ nhõm hay gánh nặng. Nhưng dù hai ngả đường đối ngược, tựu chung lại vẫn giống nhau ở một từ: “cơ hội”. Đều là cơ hội để ta bứt phá, thay đổi cuộc đời mình.

[caption id="attachment_1167821" align="alignnone" width="703"] (Ảnh minh họa: xaluan.com)[/caption]

Có ghi chép rằng nhà sáng chế vĩ đại Thomas Edison từng thử 6.000 loại nguyên liệu để tìm ra sợi đốt giữ cho bóng đèn sáng lâu. Ông không ngại thử đốt cả những thứ mà nhìn thôi đã thấy chẳng có chút liên quan nào như… râu của một người bạn. Nhưng ít nhất phải thử thì mới khẳng định được là cái gì có thể hay không thể. Ít nhất ta có thể đưa ra được một kết luận chắc chắn.

Mẹ của Edison đã dạy ông điều đó khi thấy ông ấp trứng vịt: “Phải làm thử thì mới biết là có được hay không. Cách nghĩ của con tuyệt lắm!”.

Thế nên đồng hành cùng các sỹ tử trước những thành công và thất bại đầu tiên trong đời, không chỉ cần có tinh thần tận hưởng và ngoan cường mà còn cần sự ủng hộ và lòng vị tha của cả những bậc làm cha làm mẹ. Hãy sẵn sàng chấp nhận thất bại của con, bởi đó cũng là một thành công và cơ hội trưởng thành. Đó là điều mà mọi người tử tế và vĩ đại đều sẽ cảm ơn cha mẹ họ rất nhiều. Ta không thể sống cuộc đời của con mình, nhưng có thể chắp cánh hoặc xây bức tường chắn trước mặt chúng. Lựa chọn của bạn có thể quyết định cuộc sống của con sau này.

Mùa thi tới rồi, chạy nước rút thì có thể sẽ là không kịp. Vậy lo lắng làm gì, hãy cứ làm những gì tốt nhất có thể. Biết được rằng mình sẽ làm gì nếu thất bại khiến bạn mạnh mẽ và tự chủ hơn. Không lo sợ hay cảm thấy bế tắc cũng chính là nguồn sức mạnh để tập trung làm tốt hơn. Tôi sẽ không chúc các bạn may mắn, mà thay vào đó, hãy tận hưởng quá trình và kết quả với tinh thần của một chiến binh kiêu hùng và nắm bắt lấy cơ hội làm chủ cuộc đời mình!

Thuần Dương

Bạn đang đọc bài viết: Gửi sỹ tử mùa thi: Hãy học cách nhảy múa trong cơn bão tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, xin quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi tại địa chỉ: https://www.facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/ Mọi liên hệ cung cấp thông tin và tin bài cộng tác, xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com

Xin chân thành cảm ơn! Chúc quý độc giả có những giờ phút thật thoải mái cùng Đại Kỷ Nguyên!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét