Hơn một tuần sau vụ cháy ở nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, chưa có một kết luận chính thức nào về nguy cơ “hậu thảm họa” được đưa ra. Thậm chí cảnh báo nguy hiểm còn được phát hành theo kiểu “sáng đúng chiều sai, sáng mai lại… đúng” khiến người dân vô cùng hoang mang.
Những thông tin ngược chiều
Theo thông tin từ ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có khoảng 15,1-27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường và ảnh hưởng trong phạm vi 500m quanh hiện trường vụ cháy, nên cần có khuyến cáo cho người dân.
Trước đó, ngày 31/8, quận Thanh Xuân yêu cầu phường Hạ Đình thu hồi văn bản khuyến nghị người dân không nên ăn thực phẩm trong bán kính 1km trong vòng 21 ngày. Quận cũng ra thông báo rằng các chỉ số quan trắc qua kiểm tra nhanh đều trong ngưỡng an toàn. Nhưng ngay sau đó, Tổng cục Môi trường lại khuyến cáo người dân không dùng thực phẩm nuôi trồng trong bán kính 1,5km quanh đám cháy.
Đối với những thảm họa công nghiệp có liên quan đến việc giải phóng các nguyên vật liệu nguy hiểm, cần có phương án đánh giá và đương đầu với các nguy cơ thứ phát chứ không chỉ là thảm họa lúc đầu. Và thường thì các nguy cơ thứ phát nguy hiểm hơn bởi nó khó lường và ít có tiền lệ để tham chiếu. Đây chính là lúc thể hiện năng lực quản trị của các nhà quản lý địa phương cũng như các ban, ngành liên quan.
Có một nghịch lý rằng những cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong các thảm họa thường phải cân nhắc giữa việc đưa ra cảnh báo sớm nhưng có thể chưa có bằng chứng xác thực, gây xáo động đời sống người dân, và việc kiểm tra kỹ càng rồi mới thông báo nhưng có thể sẽ không kịp giảm thiểu tổn thất.
Nhưng có lẽ nguyên tắc “không được đánh giá thấp bất kỳ nguy cơ hậu thảm họa nào” phải được ưu tiên, bởi nó dựa trên lợi ích và an toàn của cộng đồng dân cư lớn. Nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến trách nhiệm của mình là điều phù hợp với đạo đức. Chỉ vì “ổn định”, “cơ chế”, “tuân thủ các bước”, “nguyên tắc ban hành văn bản”… mà đánh đổi an toàn của người khác, đó không phải là việc làm vì dân.
[caption id="attachment_1227235" align="alignnone" width="803"] Người dân đi xét nghiệm thuỷ ngân tại Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai (ảnh: Dantri).[/caption]
Bài học từ nước Đức
Ngày 26/4/1986, tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Liên Xô tại thị trấn Pripyat gần Kiev, Ukraina. Vào thời điểm xảy ra vụ nổ, Chernobyl là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Vụ nổ khiến lò phản ứng tan chảy, gây ra thảm họa thảm khốc ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm ngàn người.
Tuy nhiên, chính phủ Liên Xô đã không thông tin đầy đủ cho người dân nước mình cũng như thế giới về vụ tai nạn mãi cho đến nhiều ngày sau đó. Liên Xô lúc đầu chỉ xin tư vấn về cách làm thế nào để dập các đám cháy than chì và thừa nhận cái chết của hai người. Nhưng hai ngày sau vụ nổ, chính quyền Thụy Điển đo được mức độ phóng xạ cao tới mức nguy hiểm trong bầu không khí của họ.
Trong khi báo chí phương Tây và Mỹ liên tục lo ngại về những hậu quả sau thảm họa lan rộng sang cả châu Âu, người dân Liên Xô vẫn tổ chức các buổi diễu hành nhân ngày Lễ Lao động (1/5), New Scientist tường thuật lại. Cùng thời điểm đó, ở cách xa trung tâm thảm họa khoảng 1.500 km, người dân nước Đức lại phản ứng rất căng thẳng và theo tinh thần "trầm trọng còn hơn chủ quan".
Tháng 5/1986, tạp chí Der Spiegel đưa tin rằng chính quyền Liên bang Đức đã rút lại lời cảnh báo sau 1 tháng khuyến nghị không nên ăn rau bina và rau diếp cá, cũng như khuyến cáo trẻ em nên ở trong nhà. Nhưng dù vậy, việc rút lại cảnh báo nguy hiểm của chính quyền vẫn bị giới khoa học phản bác.
Bộ Nông nghiệp bang Sachsen tuyên bố: "Nông dân nên cày xới và tái bón phân cho ruộng của họ" để giảm bớt việc rau bị nhiễm phóng xạ. Nhưng tiến sĩ Heinz Helmers, giáo sư vật lý ở Oldenburg, lập luận rằng việc cày xới trên các cánh đồng sẽ khiến bức xạ di chuyển sâu hơn dưới lòng đất, xâm nhập vào qua rễ cây.
Liên tục có những tranh luận tương tự trong giới khoa học trước những tuyên bố của chính quyền. Thậm chí Giáo sư Harald Theml còn nói “bác sĩ chúng ta không nên bị lừa” khi nói về nỗ lực loại bỏ “rủi ro tồn dư” phóng xạ của các chính trị gia.
Khi các nhà khoa học thu hồi cảnh báo sau buổi gặp mặt Bộ trưởng Bộ Xã hội, tạp chí Der Spirgel đã đặt câu hỏi rằng liệu chính phủ có gây áp lực cho các nhà khoa học hay không. Các nhà khoa học đã nói rằng: “Hãy cứ cho rằng chúng tôi đã bị thuyết phục để hủy bỏ tuyên bố của mình”.
"Liệu có phải khoa học ngày nay cũng thiên vị và đã bị công cụ hóa?", Klaus Töpfer đã hỏi Bộ trưởng Môi trường Rhineland Palatinate như vậy.
The Spiegel đã đưa ra ví dụ dựa trên nghiên cứu thực tế rằng cư dân của đảo Rongelap ở Thái Bình Dương đã bị phơi nhiễm phóng xã khi bom nguyên tử được thử nghiệm trên quần đảo Bikini. 31 năm sau, các phép đo cho thấy dừa và các thực phẩm khác được trồng ở đó vẫn bị ô nhiễm mạnh đến mức chúng không đủ an toàn cho việc tiêu thụ.
Dù chính quyền Đức đã hơn hẳn Liên Xô trong việc cảnh báo hậu thảm họa, nhưng sau đó lại “trấn an” nhân dân quá sớm, vẫn khiến dư luận phải đặt câu hỏi về việc liệu chính quyền đã coi nhẹ sự an toàn của nhân dân vì những mục đích chính trị của mình hay không.
Và 4 thập kỷ sau, các báo cáo nghiên cứu ở Đức cho thấy: Hơn một nửa bụi phóng xạ vẫn còn trong lòng đất, và một số loại thực phẩm - đặc biệt là nấm - vẫn chứa lượng phóng xạ vượt quá giới hạn cho phép ở các vùng miền nam nước này, theo News Room. Và kết quả này không thể nói là không ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Như vậy những cảnh báo của các nhà khoa học đã đúng và tuyên bố an toàn của chính phủ đã sai. Thời gian là quan tòa công tâm nhất. Và nếu cái giá phải trả là tính mạng của người dân, thì đó chính là cái giá đắt nhất đối với việc quản trị của chính quyền, chứ không phải sự nghiệp chính trị của một thế hệ quan chức hay mục tiêu “ổn định” bất chấp nguy hiểm treo trên đầu người dân.
[caption id="attachment_1227238" align="alignnone" width="811"] Đài tưởng niệm vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl sau thảm họa. Lò phản ứng số 4 phía bên phải (ảnh: Wikipedia).[/caption]
Hơn 10 ngày sau vụ cháy ở Rạng Đông, dù đã có những nỗ lực nhất định vì an toàn của người dân, nhưng vẫn chưa có một biện pháp xử lý chuyên môn nào dành cho những người đang gặp nguy hiểm từ thảm họa. Sau tất cả, xin hãy giữ quyền lợi của người dân ở mức ưu tiên cao nhất. Có điều đó làm hồng tâm để nhắm vào, thì dù xử lý ra sao, cách thức thế nào, người dân sẽ không bao giờ oán trách và những người cần chịu trách nhiệm sẽ không bao giờ phải hối tiếc.
Bạn đang đọc bài viết: "Rạng Đông: Sự an toàn của người dân và bài học về ‘ổn định’ sau thảm họa" tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/y-nghia-cua-cuoc-song-khong-phai-o-cho-nhin-thau-ma-chinh-la-trai-nghiem_407e4b412.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét