Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Xe con không nhường cứu hỏa: Chứng bệnh trầm kha mang tên ‘mất niềm tin’

Xe con không nhường cứu hỏa: Chứng bệnh trầm kha mang tên ‘mất niềm tin’ https://ift.tt/2lP4YVk

Có người đi đường không nhường xe ưu tiên nhưng cũng lại có xe ưu tiên lạm dụng quyền của mình để tùy tiện cướp đường. Nếu ai cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của mình thì sẽ chẳng ai tin ai nữa. Một xã hội thiếu niềm tin thì ai cũng sẽ lo bảo vệ bản thân mà thôi.

Khi chợ Tó ở huyện Đông Anh đang cháy rừng rực, ngọn lửa đang lăm le đe dọa biết bao hộ tiểu thương quanh năm buôn bán, trông chờ vào những ki ốt ở đây, thì những chiếc xe cứu hỏa chính là hy vọng duy nhất của họ. Vậy mà theo những gì quay lại được trên chiếc xe cứu hỏa đang vội vã lao tới đám cháy, một chiếc xe Kia Morning dường như không nghe thấy còi hụ ưu tiên, vẫn đi trước chắn đường xe cứu hỏa trong khi đường không hề đông và còn rất nhiều khoảng trống.

Theo đoạn clip ngắn ghi lại, lính cứu hỏa đã phải liên tục hét vào trong loa đề nghị chiếc xe Kia Morning giảm tốc độ và đi dẹp vào phía tay phải, nhưng chiếc xe không có dấu hiệu gì là sẽ hợp tác. Tuy vậy, cũng phải nói là trong một đoạn clip chỉ dài 22 giây, không thể khẳng định rằng lái xe đang cố tình hay chây ỳ không chịu nhường đường.

Cũng có khả năng rằng người lái xe không biết đằng sau có xe cứu hỏa do đang đeo tai nghe, hoặc nói chuyện điện thoại. Hoặc cũng có thể đó là một tay lái mới cảm thấy choáng ngợp và không biết xử lý ra sao khi đang đi tốc độ cao mà cần chuyển làn gấp… Vẫn có những khả năng mà ta nên rộng lượng để đặt mình vào vị trí người khác, thử lý giải họ. Tất nhiên, họ đã phạm luật, chỉ là ta không nên chắc rằng họ có cố tình hay không mà thôi.

[caption id="attachment_1239809" align="alignnone" width="754"] Xe ô tô Kia Morning không nhường đường, mặc dù xe chữa cháy đã bật còi đèn xe ưu tiên và phát loa yêu cầu (ảnh cắt từ clip).[/caption]

Nói đi cũng phải nói lại

Từ một đoạn clip nhỏ, liên tưởng tới câu chuyện lớn hơn, ngày nay, trường hợp xe lưu thông trên đường không mặn mà với việc nhường đường cho xe ưu tiên xảy ra khá nhiều. Mới cách đây hơn chục ngày, một nữ tài xế cản trở xe ưu tiên cũng đã bị phạt 2,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng.

Bản thân tôi cũng mới có một trải nghiệm gặp xe cấp cứu hú còi trên đoạn đường cùng chiều. Nhưng thật không may cho người bệnh nằm trong chiếc xe hoặc đang chờ chiếc xe đó, những người dừng đèn đỏ phía trước xe nhất quyết tuân thủ đèn giao thông và đợi hết đèn đỏ mới di chuyển sang bên nhường đường. Một lần khác tôi cũng thấy các xe phải mất một lúc rất lâu mới dẹp sang phải để nhường đường cho xe cấp cứu đang hú còi xin đường.

Bên cạnh việc thiếu hiểu biết về luật giao thông, thiếu ý thức công dân, thì còn có một nguyên nhân kỳ lạ nữa, là người đi đường cảm thấy bị lợi dụng khi nhiều xe có lắp còi hụ xin nhường đường một cách vô tội vạ. Không phải trong hoàn cảnh được sử dụng còi xin đường, nhưng nhiều xe cấp cứu hay xe công vẫn ngang nhiên đòi hỏi người khác phải dẹp ra cho họ đi.

Trên trang mạng xã hội của mình, mới đây Phó Giáo sư Nguyễn Lân Hiếu đã chia sẻ về những chiếc xe ưu tiên. Trong đó có câu chuyện trong một lễ hội trên Mù Cang Chải, khi mọi người đều bị chặn và buộc phải đi bộ từ rất xa để vào dự hội, thì có những chiếc xe ưu tiên, rú còi lao qua đám đông “như chỗ không người”. Rồi trên đèo Khau Phạ, con đường vừa đúng hai làn xe đã bị tắc một lúc lâu vì chiếc xe công lấn sang làn bên để vượt. Có những trường hợp xe cứu thương không đi cứu người, hoặc lạm dụng quyền ưu tiên để chở thí sinh đi thi, người cần di chuyển gấp… và vẫn hú còi inh ỏi.

Giống như câu chuyện về cậu bé chăn cừu lừa dối dân làng rằng có sói đến, tới khi sói đến thật thì kêu cứu cũng chẳng ai quan tâm nữa. Từ hiện thực lạm dụng quyền của xe ưu tiên, người đi đường cũng hình thành phản ứng coi nhẹ tiếng còi hối thúc ấy. Họ không nghĩ tới một mạng người, hay một khu chợ đang bị cháy, mà sẽ nghĩ tới mấy "ông quan" cần di chuyển vì việc “công” không mấy gấp gáp nào đó.

Nhắc tới chuyện nhường đường cho xe ưu tiên, có nói đi cũng phải nói lại, có những công dân chưa trưởng thành thì cũng có những người sử dụng đặc quyền một cách tùy tiện. Khi có việc xảy ra thì người này đổ lỗi cho người kia, người kia quy kết cho người nọ, tựu trung lại là một xã hội đổ vấy và thiếu niềm tin. Người ta không tin rằng người khác đang sử dụng đặc quyền một cách chính đáng, không tin rằng người kia có thể đang không cố tình cản trở xe ưu tiên. Ai cũng thấy người khác có lỗi, người khác đang cố tình chọc tức người khác, cố tình chiếm dụng quyền lợi của mình.

[caption id="attachment_1239813" align="alignnone" width="755"] Một vụ tai nạn giữa xe cấp cứu và ô tô con (ảnh: Tinmoi).[/caption]

Xã hội mất niềm tin là một xã hội nguy hiểm

Liệu có phải bởi ai cũng chăm lo cho quyền lợi của mình mà nghĩ rằng người khác cũng "một giuộc" như thế, mà trở nên mất niềm tin vào con người. Hay bởi có những người lạm dụng quyền lực dù nhỏ bé nhất đã làm những người khác mất niềm tin vào quyền lực xã hội. Họ thấy mình yếu thế, luôn bị bắt nạt, vậy tốt nhất là hãy tự bảo vệ quyền lợi của mình, chỉ chăm lo cho mình thôi. Vậy là kiểu gì thì dù lỗi do đâu, do ai xã hội cũng sẽ hình thành một sự mất niềm tin tập thể. Mà khi đã mất niềm tin, điều gì họ cũng dám làm để bảo vệ bản thân.

Cụ Phan Chu Trinh xưa đã nói về việc "dân hư, kẻ sĩ có lỗi" như thế này: "Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích, là bởi ba bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, ham bả vinh hoa của các triều vua, mà sinh ra giả dối nịnh nọt, chỉ biết có vua chẳng biết có dân". Những người học rộng, hiểu nhiều, ra giúp đời, giúp dân, lại chẳng lo cho dân mà chỉ lo cho quyền lợi danh tiếng của mình, nên dân cũng phải tự vật lộn mà lo cho thân họ thôi. 

Xưa Khổng Tử cho rằng “chính giả chính dã”, nghĩa là việc làm chính trị là làm cho ngay thẳng, vua quan liêm chính, công bằng để giáo hóa dân chúng sống cho ngay chính, chứ chính trị chẳng phải là duy trì quyền lực, kiếm danh kiếm lợi.

Khi vua Lỗ Ai Công hỏi rằng: “Làm sao để dân tuân theo?”. Khổng Tử đáp rằng: “Cất nhắc người ngay thẳng, tách rời kẻ gian tà thì dân tuân theo. Cất nhắc kẻ gian tà, tách rời người ngay thẳng thì dân không tuân theo”. 

Ông cũng nói: “Người quân tử trở lại với lời dạy của Thánh hiền mà thôi. Lời dạy của Thánh hiền được thực hành chính đáng, thì dân thường sẽ hưng khởi. Dân thường hưng khởi, không còn những điều gian tà, giả dối nữa”.

Xin được mượn lời của Phó Giáo sư Nguyễn Lân Hiếu khi viết về xe ưu tiên trên trang mạng xã hội của ông để thay lời kết: "Người dân luôn biết đúng sai, phải trái nếu chính quyền thực sự tường minh".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét