Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Chuyến xe đưa 39 sinh mạng tới ‘Thiên đường’: Tình thương không cần điều kiện

Chuyến xe đưa 39 sinh mạng tới ‘Thiên đường’: Tình thương không cần điều kiện https://ift.tt/2q75iAk

Sau khi sự việc 39 người trên chuyến xe vào Anh được phát hiện đã thiệt mạng làm chấn động xã hội, nhiều người đang nín thở chờ đợi kết quả xác nhận danh tính, nhiều người lại sớm buông lời cay nghiệt...

...Nhưng tình thương đâu cần điều kiện, đâu cần biết họ là ai và vượt biên để làm gì, dù thế nào, đó cũng là những mạng người khốn khổ.

Ngay sau thảm trạng kinh hoàng, đến ngày 27/10 đã có 24 gia đình ở miền Trung trình báo người nhà mất tích và nghi ngờ là nạn nhân của vụ chở người vượt biên trong thùng lạnh khiến 39 người tử vong ở Anh, theo tin tức từ VnExpress. Mặc dù chưa có kết luận cụ thể nào, nhưng đối với những gia đình này, khả năng trở về của người thân họ đang rất mong manh.

Nhiều người cho rằng những người Việt (nếu có) trên chuyến xe tử thần đó đã phạm pháp khi vượt biên, họ có thể sẽ làm việc trốn thuế và thậm chí còn có thể kiếm tiền bất chính tại những trại trồng thuốc phiện. Có người gọi họ là những kẻ "dại dột", "tham lam", thậm chí là những “ký sinh trùng” ăn bám vào những quốc gia giàu có. Rằng họ còn trẻ tuổi, khỏe mạnh, hoàn toàn có thể làm việc ở quê nhà, mà lại đua đòi, muốn việc nhẹ lương cao nên thoát ly quê hương để hưởng giàu sang. Họ đã để lại gánh nặng cho những người Việt khác khi làm giảm sức mạnh hộ chiếu của Việt Nam, họ đã làm nhục quốc thể... Họ đã tự tìm đến cái chết vì làm viêc sai trái…

Nhưng có phải người phạm pháp thì không xứng được thương xót? Lòng thương yêu con người vô điều kiện, hay sự từ bi chẳng phải chính là thương người không vì họ tử tế, tốt đẹp với ta, với đời hay sao? Không phải đứa bé ngoan ngoãn thì ta mới yêu hơn đứa trẻ ngỗ nghịch, ngang tàng, không phải vì là người xinh đẹp giỏi giang thì ta quý chuộng hơn kẻ ngốc nghếch vô tích sự... Tình thương không điều kiện còn là có thể coi người là mình mà đối đãi.

Người Mỹ có một khái niệm trong thương mại về sự “hối tiếc của khách hàng”. Nghĩa là người mua hàng được phép trả lại sản phẩm đã mua trong vòng 30 ngày dù đã dùng nhiều đi nữa, mà không cần lý do gì cụ thể, chỉ đơn giản là “tôi thấy hối tiếc khi mua nó và muốn trả lại”. Đó chính là sự từ bi không điều kiện, khi cho người khác một đường lùi, một cơ hội sửa chữa sai lầm, một lần quyết định sai. Và người bán hàng đã sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về mình, nhưng họ vẫn duy trì lợi ích đó của khách hàng, vì họ coi sai lầm cũng là một quyền của con người.

Từ bi là khi ta có thể đặt mình vào vị trí người khác để đồng cảm, hay dù không thể hiểu nổi vì sao họ lại làm sai như vậy, thì vẫn chừa cho họ một lý do, rằng nhận thức của họ chỉ có thể đến thế. Có thể thông cảm được cho cả nhận thức của kẻ thù, kẻ giết người và tha thứ, đó mới là từ bi thật sự.

[caption id="attachment_1262924" align="aligncenter" width="700"] Thủ tướng Anh Boris Johnson viết vào sổ tang cho 39 nạn nhân xấu số, trong đó có đoạn: "Cả quốc gia và thế giới bị sốc bởi thảm kịch này cũng như sự tàn khốc của số phận mà những người vô tội phải chịu đựng, những người đang hy vọng có cuộc sống tốt hơn ở đất nước này" (ảnh: The Sun).[/caption]

Chẳng vậy mà Khổng Tử nói: “Quân tử thành tựu điều tốt đẹp cho người, không thành tựu điều xấu cho người…” - (Luận Ngữ: Nhan Uyên). Ngay cả nghĩ xấu, nói xấu người mà đa số đều cho là người xấu, thì cũng không phải là hành động mà người quân tử xưa nên làm.

Và tư tưởng “yêu người như yêu mình” này là thống nhất chung cho cả nhân loại, đã được các Thánh hiền rao giảng từ Đông sang Tây.

Trong kinh Cựu Ước cũng viết: “Ngươi sẽ không báo oán, không cừu thù với con cái dân ngươi, nhưng ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình” - (Leviticus: 19, 18).

Có lẽ do lo ngại người Do Thái có thể hiểu chữ “đồng loại” một cách hẹp hòi, sách Leviticus lại bổ sung một khoản luật như sau: “Khi có khách lạ ngụ nhờ xứ các ngươi, các ngươi sẽ không bức hiếp: như một người bản hương trong các ngươi, các ngươi sẽ xử đãi người khách ngụ cư nơi các ngươi; ngươi sẽ mến yêu nó như chính mình ngươi vì ngươi cũng đã là khách ngụ cư nơi đất Ai Cập” - (Leviticus: 19, 3334).

[caption id="attachment_1262917" align="aligncenter" width="800"] Người dân Anh thắp nến tưởng niệm 39 nạn nhân trên chiếc xe vượt biên vào đất nước họ ngày 23/10/2019 (ảnh: Newsbeezer).[/caption]

Kinh Cựu Ước còn viết rõ ràng hơn về tâm thái đối với cả kẻ thù: “Khi ngươi gặp bò của kẻ thù ngươi hay lừa của nó thất lạc, ngươi sẽ dẫn về cho nó. Khi ngươi thấy lừa của kẻ ghét ngươi quỵ vì chở nặng, ngươi sẽ không bỏ mặc nó, ắt ngươi sẽ cùng nó giúp tay vào” - (Exodus: 23, 4-5).

Và để làm rõ hơn nữa về Pháp lý này, Đức Jesus bổ sung trong kinh Tân Ước rằng: “Các ngươi đã nghe bảo: hãy mến yêu thân nhân và hãy ghét bỏ địch thù. Còn ta, ta bảo các ngươi: hãy yêu mến thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi; ngõ hầu các ngươi mới xứng làm con cái Cha các ngươi ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc trên cả kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay lẫn kẻ ác” - (Matthew: 5: 43-45).

Có lẽ vì thấm nhuần nền giáo dục vị tha của tôn giáo, người dân Anh quốc đã hành xử đúng như vậy đối với những người di cư bất hợp pháp không may gặp nạn. Phát biểu về vụ việc 39 người thiệt mạng trong xe tải, Thủ tướng Anh nói: “Đây là thảm trạng không thể tưởng tượng nổi, nó làm tôi tan nát cả tâm can…”, còn Bộ trưởng Nội vụ Anh nói: “Chúng ta đang chứng kiến một tội ác chống lại nhân loại”.

Cùng với đó, nhiều người Anh đã xuống đường đặt vòng hoa tưởng niệm cho các nạn nhân xấu số, những người xa lạ bỗng nhiên mang phiền toái tới cho đất nước họ, theo một cách nghĩ nào đó.

[caption id="attachment_1262922" align="aligncenter" width="800"] Người dân Anh cầm những tấm biển ghi lời chào đón dân nhập cư và tị nạn trong buổi lễ tưởng niệm 39 người thiệt mạng trên chuyến xe chở người vượt biên (ảnh: Morungexpress)[/caption]

Những người phải tha hương để sinh nhai, để gửi tiền bạc về cho thân quyến ở nhà, dù với động cơ, cách nghĩ thế nào thì cũng là rất đáng thương. Bởi ít nhất ta có thể cố gắng hiểu được rằng, nhận thức của họ phải bế tắc đến thế nào mới sẵn sàng chấp nhận ra đi theo cách khổ sở, vất vả và tốn kém như vậy. Chúng ta đều có nhận thức khác nhau, được hưởng nền tảng giáo dục khác nhau, và có những nguyên tắc sống khác nhau. Áp đặt cho người khác cách nghĩ của mình, phán xét và chê bai họ thì dễ, có thể đặt mình vào vị trí người khác, cảm thông và thương xót được cho họ thì mới khó, mới là điều làm nên người nhân nghĩa thực sự.

Kết án người dân của mình và trách họ đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh tổ quốc, ảnh hưởng tới việc xin xuất cảnh của những công dân ưu tú hơn, không làm cho chúng ta trở nên tốt đẹp hơn họ. Họ là nạn nhân, và ta cũng là nạn nhân, nạn nhân của sự thiếu hụt tình thương yêu vô điều kiện, mà ích kỷ làm lợi cho riêng mình của một bộ phận người thiếu hụt nhân nghĩa. Thế thì ta lại càng phải bù đắp lại cho họ, vì thế giới này không thể thiếu tình thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét