Có người mượn câu hát trong một ca khúc của Hồ Tiến Đạt để ví với hôn nhân của ông chủ tập đoàn Cà phê Trung Nguyên: “Có tình yêu vượt qua mùa đông, gục chết sau đêm mùa xuân”. Cũng là có ý nói, cuộc tình ấy đã từng đẹp như mơ trong gian khó, cuối cùng lại lung lay trước sức mạnh của đồng tiền.
Nhưng tôi lại cho rằng không hoàn toàn là như vậy.
Những ai quan tâm và theo dõi nội tình xung quanh vụ ly hôn dai dẳng kéo dài nhiều năm trời của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ là Lê Hoàng Diệp Thảo, có lẽ, cũng đồng ý với quan điểm này: Vụ ly hôn ấy, có đệ đơn ly hôn nhưng lại không phải vì ly hôn, có tranh chấp tài sản nhưng lại không phải vì tài sản.
Vậy vì sao một người vợ luôn nhắc đến chồng bằng những lời yêu thương, lại là bên chủ động đưa đơn ra tòa? Và vì sao người vợ tình nguyện lui về phía sau, âm thầm sát cánh để chồng tỏa sáng, lại dứt khoát đòi chia từng phần trăm cổ phần? Để rồi cuối cùng, mọi nỗ lực không mang lại gì ngoài những lời chỉ trích và chê cười của dư luận?
Nhưng đằng sau đó là một nỗi đau - giọt nước mắt của người trong cuộc - mà khi hiểu ra, có lẽ mỗi chúng ta sẽ không ngả theo tiếng nói của số đông, mà có chính giải và chính kiến của riêng mình.
Từ mối tình hai bàn tay trắng
Câu chuyện tình Trung Nguyên khiến nhiều người nuối tiếc, bởi đó từng là thứ tình yêu đẹp như trong cổ tích: Vũ, chàng trai nghèo ở huyện M’drăk, Buôn Mê Thuột, không có gì trong tay ngoài ý chí và khát vọng làm giàu đến cháy bỏng. Còn Thảo, cô tiểu thư vàng ngọc của một gia đình giàu có ở thành phố Pleiku, vừa xinh đẹp lại duyên dáng nên có biết bao người theo đuổi. Nhưng sau tất cả, cô lựa chọn tình yêu. Vì tình yêu, cô không ngần ngại trở về sống trong căn nhà chật hẹp, bề ngang chỉ vỏn vẹn 2,8m, để sát cánh cùng chồng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Và cũng vì tình yêu, cô rũ bỏ mọi hào quang để đặt mình phía sau lưng một người đàn ông thành đạt.
Cô kể: “Buổi học hôm đó, thầy giáo người Nhật hỏi cả lớp: ‘Trong các anh chị, ai muốn được nổi tiếng?’ Cả lớp giơ tay, trừ tôi. Thầy hỏi tại sao? Tôi đáp: ‘Vì em có người chồng quá tài giỏi và thành công, nên em không cần nổi tiếng nữa’. Tôi luôn tự hào về anh Vũ, nên từ xưa tới nay tôi luôn chọn cách lùi lại. Bởi theo tôi, ngôi sao sáng nhất là ngôi sao mà xung quanh không có ngôi sao nào bên cạnh…”.
Tình yêu là duyên phận. Chính Lê Hoàng Diệp Thảo cũng thừa nhận: “Tôi và anh Vũ là duyên phận từ kiếp trước của nhau”. Có nhà báo đã rất tinh ý khi nhận ra mối nhân duyên kỳ lạ ấy qua tên gọi của hai người: “Diệp Thảo” và “Nguyên Vũ”, một bên là Cỏ Lá, một bên là Mưa Đầu Mùa. Mưa xuống đất trời ảm đạm, chỉ có cỏ cây là reo vui. Nhờ có mưa mà cỏ sinh sôi bừng bừng sức sống, nhờ có cỏ mà mưa mới làm nên một cánh đồng bát ngát xanh ri. Và tên gọi “Trung Nguyên” lại giống như thảo nguyên xanh ngút ngàn, cũng chính là kết tinh của tình yêu giữa mưa và cỏ.
Nhưng cuộc tình Trung Nguyên lại mang vị đắng của những hạt cà phê, cho nên mới để lại quá nhiều tiếc nuối, quá nhiều xót xa đến thế.
[caption id="attachment_1108194" align="alignnone" width="689"] Câu chuyện tình Trung Nguyên khiến rất nhiều người nuối tiếc... (Ảnh minh họa: evavn.net)[/caption]
Cho đến giọt đắng của tình yêu
Câu chuyện tình đã từng đẹp như mơ trong nghèo khó ấy, vì cớ gì lại không thể trụ vững khi ở trên đỉnh cao của vinh quang, danh vọng? Là vì tiền chăng? Vì quyền chăng? Hay còn vì lý do nào khác nữa? Chúng ta hãy lắng nghe tâm tư của chính người trong cuộc...
Anh bỗng trở thành ‘người Trời’, không còn là anh của chính anh:
“Cuối năm 2013, anh nghe lời một nhóm người đi thiền tại M’drăk. Khi trở về, anh đưa tôi 1 tấm hình ghép, trong đó anh đứng ở vị trí trung tâm, xung quanh là Đức Chúa, Đức Phật và các vĩ nhân khác. Anh bảo đó là điều anh nhìn thấy sau 49 ngày thiền định. Tôi gắng giải thích rằng đó chỉ là ảo giác do nhịn ăn quá lâu, đồng thời tìm cách đưa anh đi chữa bệnh. Nhưng anh rất giận dữ vì nghĩ rằng tôi là vật cản trên con đường thống ngự thế giới của anh.”
“Ít lâu sau, anh bỏ lên núi, không cho gia đình gặp gỡ, nhưng thỉnh thoảng gửi tin nhắn yêu cầu tôi phải sám hối và sống sao cho xứng đáng là vợ của người duy nhất được Thượng đế lựa chọn để cứu nhân loại.”
"Trong ngày hoà giải 3/8, tôi đã gặp lại anh. Bằng linh cảm của người vợ, tôi chắc chắn đó không phải là anh Vũ. Anh không hề nhớ gì đến tôi của 4 năm yêu nhau và 20 năm vợ chồng. Anh chỉ ngồi như cái xác không hồn, với những văn bản đã được chuẩn bị và đánh máy sẵn sàng."
"Đến bây giờ, tôi vẫn lo lắng về tình trạng sức khỏe của anh. Nếu không, cớ gì gần 6 năm qua anh nhất định không giao tiếp với gia đình, tuyên bố anh đã “đạt thông linh”, “để đón nhận Mặc Khải từ Đức Tối Cao Thượng Đế, giúp Người sắp đặt lại thế gian lầm lạc theo đúng trật tự và mong muốn của Người”."
Trong hoang mang tột độ tôi đưa anh đi chữa bệnh, những mong tìm lại anh của ngày xưa:
"Ban đầu, tôi khẩn thiết tìm cầu sự giúp đỡ xung quanh. Nhưng lạ lùng thay, rất nhiều người, trong đó có cả người nhà và người có uy tín trong xã hội, bắt đầu tung hô rằng anh đã đạt thông linh, rồi chấp nhận quỳ lạy anh, viết cho anh những điều kỳ dị, “giam giữ” anh trong mớ ảo giác kinh khủng này. Sau đó, họ đổ tội tôi muốn đưa anh vào bệnh viện tâm thần nhằm chiếm đoạt công ty do chính 2 vợ chồng tôi gây dựng. Các kịch bản bôi nhọ, kiện cáo, vu khống… tôi bắt đầu từ đó."
"Suốt 5 năm qua, tôi tìm nhiều cách cứu anh mà bất lực - vì bị cô lập, bị sự cản trở và cả sự thờ ơ của nhiều người, trong đó có những định kiến "đạo lý nào mà người vợ muốn chồng vào viện tâm thần". Với tôi, đạo lý duy nhất để tôi phải tìm cầu bác sĩ, phải chịu đựng chống đỡ và kiên trì suốt những năm qua chỉ đơn giản là tình nghĩa vợ chồng. Gia đình chúng tôi tuyệt đối không thể bỏ rơi nhau."
Ông chủ không minh mẫn, bà chủ bị truất quyền, sản nghiệp gia đình bị thao túng:
“Sự thẳng thắn của tôi là cái cớ để những người tung hô dối trá bắt đầu ly gián vợ chồng tôi. Rất nhanh sau đó, tôi bị truất quyền điều hành tại Trung Nguyên vô cớ. Tất cả tài liệu quản trị điều hành của tôi, bao gồm hệ thống đối tác, nhà phân phối, khách hàng quốc tế... cũng bị cướp sạch.”
"Ngày 29/1/2015, lá thư “Tin mừng tối thượng” gửi đi trong nội bộ, thông báo anh đã được Thượng Đế trao truyền mọi khả năng tiên tri. Tháng 4/2015, tôi bị bãi nhiệm không lý do. Dữ liệu quản trị của tôi bị mất trắng."
"Hãy nhìn dàn siêu xe thường xuyên được thay mới, mua đi bán lại hàng trăm tỉ đồng. Hãy nhìn hệ thống quán bị rút ruột, nhiều nơi phải đóng cửa trong Nam ngoài Bắc. (...) Hãy nhìn dàn siêu xe đi tặng sách với một con mắt khác, nếu bạn biết chi phí để tặng sách khổng lồ như thế nào. Mỗi người chỉ nhận được vài cuốn thôi, nhưng nhóm tổ chức việc tặng sách sẽ rút được số tiền đủ để xây dựng những ngôi nhà to như thư viện."
"Nhưng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng, dẫu cho phải nuốt nước mắt hoặc bị xúc phạm ghê gớm, khi buộc lòng viết những điều đau đớn về anh và Trung Nguyên. Tất cả với 1 mục tiêu duy nhất: cứu anh ra khỏi những người đó! Bởi cứu được anh cũng chính là cứu được Trung Nguyên!"
Đệ đơn ly hôn không phải vì tuyệt tình tuyệt nghĩa, tranh chấp tài sản không phải vì ham của hám tài:
"Hơn 3 năm qua, tôi không được nói chuyện thực sự với chồng mình, dù đã làm nhiều cách. Những lần hiếm hoi anh Vũ về Sài Gòn, tôi quay trở lại căn nhà cũ mà gia đình tôi đã ở ngày trước để tìm anh ấy. Tôi đã từng đứng hàng giờ trước cửa phòng anh ấy, tha thiết mong anh Vũ mở cửa. Nhưng cánh cửa ấy không bao giờ mở ra."
"Tôi viết những lá thư và nhét qua khe cửa, với hy vọng anh ấy sẽ đọc, nhưng không có hồi âm. Tôi gửi rất nhiều email, dù hiểu rằng có lẽ anh ấy sẽ không mở ra… Tôi không hiểu tại sao chúng tôi lại không thể ngồi nói chuyện với nhau? Không có cách nào để tôi có thể gặp chồng mình, không có cách nào để tôi có thể gặp cha của 4 đứa con của mình."
"Khi tôi không thể đối thoại được với anh, khi tôi bị tước quyền điều hành tại Trung Nguyên, khi anh không còn xuất hiện để điều hành công việc, đó là cách duy nhất để tôi còn có thể giữ lại một nửa những gì mà chúng tôi, cùng tình yêu và khát vọng, đã tạo dựng thành Trung Nguyên."
Để rồi sau cùng, tất cả chỉ còn lại nỗi đau:
"Những ngày qua, anh Vũ liên tục mạt sát tôi tại toà. Tôi rất đau lòng. Nhưng tôi không trách anh, vì khởi nguồn những điều anh nói đều giống như loạt tin nhắn anh từng gửi cho tôi khi kết thúc 49 ngày thiền. Anh muốn tôi “sám hối” vì đã chống lại “thiên mệnh” của anh, trong khi những nỗ lực tôi làm nhằm cứu anh đã bị bơm thổi đến mức lệch lạc."
"Ước gì anh giải đáp giúp tôi câu hỏi của chính mình: Tiền nhiều để làm gì? (...) chẳng lẽ tiền còn có thể làm đảo lộn những giá trị đơn giản nhất của cuộc sống, đến mức một người bỏ gia đình đi suốt 5 năm giờ bỗng được tung hô thành người cha có trách nhiệm biết dạy con 3 điều tuyệt vời, một người buông lời xúc phạm vợ hàng chục lần trước toà lại được khen nói những lời sâu sắc, mấy phút lộng ngôn “Trời đã trao cho Qua mọi kiến thức để giúp nhân loại”, “Qua có mọi câu trả lời cho thế gian” bỗng trở thành lời uyên bác lỗi lạc…?"
[caption id="attachment_1108197" align="alignnone" width="775"] Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. (Ảnh minh họa: soha)[/caption]
Ở đây chúng ta không bàn luận chuyện thị phi, cũng không cần phải phân bua ai sai ai đúng… Bởi dẫu sao đó cũng là “chuyện nhà người ta”, kẻ ngoài cuộc như chúng ta sao có thể hiểu cho thấu đáo? Vậy nên chỉ có thể lắng nghe, để biết đồng cảm cho nỗi đau của người trong cuộc.
Nếu bạn hiểu nỗi hoang mang tột độ của một người vợ khi thấy chồng thay đổi, có lẽ bạn sẽ lý giải được vì sao cô phải rong ruổi khắp nơi chữa bệnh cho chồng. Nếu bạn hiểu nỗi xót xa của một người vợ không cách nào đối thoại với chồng, có lẽ bạn sẽ thông cảm cho cô khi buộc phải đưa đơn ra tòa. Và nếu bạn hiểu được sự bất lực của một người vợ, người mẹ khi chứng kiến sản nghiệp gia đình rơi vào tay kẻ khác, thì có lẽ bạn sẽ không còn cho rằng tranh chấp tài sản là bởi vì lòng tham…
Trong Luật Hồng Đức - bộ luận được đánh giá là nhân văn và tiến bộ dưới thời vua Lê Thánh Tông - điều 308 quy định rằng: ‘Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại thì phải chịu mất vợ’. Ấy vậy mà người vợ ấy đã vò võ chờ chồng suốt 5 năm bặt vô âm tín, một mình gồng gánh cả gia đình, vừa chăm sóc các con, vừa khởi nghiệp từ đầu, lại vừa chật vật chống đỡ sự công kích và quấy phá từ bên ngoài. Nhưng thay vì ngã gục, cô đã lựa chọn đứng lên:
“Khi gia đình gặp đại nạn và nỗi đau đã đến tận cùng thì cách duy nhất để bảo vệ gia đình là kiên cường đứng dậy và vượt qua sóng gió. (...) Tôi đau, nhưng sẽ không bao giờ bỏ cuộc”.
Không muốn làm “ngọc vỡ”, cũng chẳng cam “ngói lành”
Có câu chuyện kể rằng, xưa có người thiếu phụ đằng đẵng chờ chồng suốt bao năm. Khi biết được lòng chàng thay đổi, người thiếu phụ ấy đã ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Tâm chàng tựa trời, tâm thiếp như ngọc. Trời sáng tối dễ đổi, ngọc thanh khiết trường tồn. Thiếp thà làm ngọc vỡ còn hơn ngói lành”. Nói rồi cô bình thản ra đi, kiêu hãnh vì trái tim mình không tì vết.
Đối diện với biến cố hôn nhân, rất nhiều người đã lựa chọn giống như thiếu phụ ấy: Thà làm hòn ngọc vỡ còn hơn làm viên ngói lành, cho dù phải cô đơn một mình cũng không chấp nhận một cuộc hôn nhân hữu danh vô thực.
Nhưng Lê Hoàng Diệp Thảo thì khác. Giá như cô buông bỏ tất cả, cứ thế nhẹ nhàng mà ra đi, thì cô đã có thể trút bỏ gánh nặng, bước ra khỏi những lùm xùm và tai tiếng, thoát được mọi búa rìu dư luận. Nhưng cô không làm thế, bởi không nỡ nhìn chồng và Trung Nguyên rơi vào vực thẳm. Với cô, 20 năm tình nghĩa phu thê quá thiêng liêng và trọn vẹn, khiến cô phải gồng gánh hết mình để bảo vệ, và bảo vệ đến mức trọn vẹn tất cả những gì mà cô yêu quý. Dẫu rằng, con đường ấy đầy chông gai và thử thách, đầy rẫy những hiểu lầm, thị phi, và thóa mạ.
Thiết nghĩ, người lựa chọn “ngói lành” hẳn là an phận, người chấp nhận “ngọc vỡ” hẳn là cao quý, nhưng những người “không muốn làm ngọc vỡ cũng chẳng cam ngói lành” ấy thì không chỉ cao quý mà còn phải rất kiên cường. Bởi chỉ có kiên cường, họ mới dám hy sinh tất cả để gìn giữ cho viên ngọc ấy được vẹn nguyên như thuở ban đầu...
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/man-doi-dap-ve-tien-con-cai-giua-ong-dang-le-nguyen-vu-va-vo_15588a576.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét