Trong một bài viết được đăng trên tờ Washington Examiner (WE) vào ngày 30/9, nhà báo Jason Orestes cho hay, các biện pháp được chính quyền Trump sử dụng để "khóa chặt" Bắc Kinh bao gồm thuế quan, ngăn chặn các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, và loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, là một đòn giáng mạnh vào mô hình kinh tế "ăn sổi" lỗi thời của Trung Quốc.
Theo cây viết của WE, đáng lẽ ra cuộc tấn công này phải được thực hiện từ lâu cho dù có hay không có thương chiến. Có thể thấy, ý kiến của nhà báo Orestes tương đồng với ý của Tổng thống Trump rằng, các chính quyền trước đây của Mỹ đã để cho Trung Quốc hưởng lợi quá nhiều từ mối quan hệ thương mại không công bằng mà Mỹ là bên chịu thiệt. Theo đó, Mỹ đã mở cửa tối đa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở Hoa Kỳ, trong khi Bắc Kinh tìm cách đóng cửa thị trường trong nước, bảo trợ thái quá doanh nghiệp nội địa và đánh cắp cũng như ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ.
Sau khi Nhà Trắng áp dụng các biện pháp mới nhất để đẩy lùi Trung Quốc trong cuộc thương chiến, cổ phiếu niêm yết tại Hoa Kỳ của Alibaba và Baidu (được xem như Amazon và Google của Trung Quốc) đã lao dốc, đồng thời đồng nhân dân tệ cũng đã suy yếu rõ rệt so với đô la Mỹ.
Các công ty Trung Quốc đã kiếm được một lượng tiền không nhỏ từ các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, với số tiền khoảng 1,2 nghìn tỷ đô la trong tổng số 43 nghìn tỷ đô la vốn của thị trường này. Rõ ràng, việc xâm nhập thị trường chứng khoán Mỹ là một kế hoạch đã có từ lâu đối với chính quyền của một quốc gia từ chối minh bạch và công bằng, và không ngạc nhiên khi các công ty của Trung Quốc cũng thừa kế "tính cách" của nhà nước Trung Quốc làm hành trang để "tung hoành" thu lợi ở thị trường Mỹ, theo ý nhà báo Orestes.
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã điều tra và cáo buộc các công ty Trung Quốc làm ăn gian lận trong hàng chục năm qua. Lừa đảo sáp nhập, giao dịch tài chính mờ ám, hồ sơ kế toán sai lệch với thực tế là những điều thường thấy ở các công ty Trung Quốc, trong đó gã khổng lồ Alibaba, "niềm tự hào" của Trung Quốc, là một ví dụ điển hình.
Theo nhà báo từng là chuyên gia phân tích của phố Wall, sự lừa dối của các công ty Trung Quốc đã tác động tới cả các nhà đầu tư quỹ phòng hộ và bán lẻ. Ngay cả các công ty lớn của Hoa Kỳ cũng trở thành nạn nhân bởi các chiêu trò tài chính gian dối của họ.
Bắc Kinh đã lặp đi lặp lại hành động từ chối thực thi các tiêu chuẩn quy định đối với hồ sơ tài chính và không chấp thuận để cho các kiểm soát viên quốc tế thanh tra công việc kế toán của các công ty Trung Quốc mà họ bảo trợ.
Không yêu cầu quyền truy cập mở đối ứng giữa hai thị trường Mỹ-Trung, bao gồm quyền truy cập thông tin là một sai lầm. Ông Orestes nhìn nhận, điều này cũng tương tự như việc phê phán chính sách thuế đối với Trung Quốc của chính quyền Trump bằng một ngụy biện rằng, dùng thương mại tự do làm "mồi nhử" đối với Bắc Kinh sẽ buộc chính quyền Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán.
Bắc Kinh cho thấy họ coi nhẹ những lời đe dọa suông, vì thế Hoa Kỳ đã thực hiện các bước đi đủ mạnh để buộc nước này phải hành xử đúng với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai trong thế kỷ 21. Dự luật do các nghị viên lưỡng đảng giới thiệu nhằm mục đích ngăn cản các công ty Trung Quốc, không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán cơ bản tham gia thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, là một bước đi đúng hướng, ông Orestes nêu quan điểm.
Tổng thống Trump có quyền thực hiện các bước để từ chối đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc như là một chiến lược nhằm giành lợi thế trong cuộc thương chiến và tạo ra tấm lá chắn để bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ. Thời Trung Quốc dùng mô hình kinh tế "ăn sổi" để thủ lợi đã qua rồi, nhà báo Orestes kết luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét