Ông Ngô Chiêu Tiếp, người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao Đài Loan hôm 28/3 đã gửi thư cho ba hãng truyền thông lớn của Mỹ gồm New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, mời các phóng viên bị Trung Quốc trục xuất đến hòn đảo làm việc.
"Vì New York Times, Washington Post và Wall Street Journal đối mặt với thái độ thù địch mạnh mẽ ở Trung Quốc, tôi chào đón các bạn đến làm việc ở Đài Loan - quốc gia là ngọn hải đăng của tự do và dân chủ. Đúng vậy! Các bạn sẽ thấy những con người nơi đây chào đón các bạn với vòng tay rộng mở cùng rất nhiều nụ cười chân thành”, ông Ngô viết trên Twitter.
[embed]https://twitter.com/MOFA_Taiwan/status/1243748783420141569[/embed]
Hiện chỉ có một số ít phóng viên nước ngoài thường trú tại Đài Loan, trong số đó không có phóng viên nào của ba tờ báo nêu trên.
Vào ngày 18/3, Trung Quốc tuyên bố thu hồi giấy phép hoạt động báo chí của tất cả các phóng viên Mỹ của 3 tờ báo New York Times, Washington Post và Wall Street Journal sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Chính quyền Bắc Kinh cũng thông báo, tất cả những phóng viên này sẽ không được phép tác nghiệp tại Hồng Kông hay Ma Cao.
Đây là hành động đáp trả sau khi chính quyền Washington hôm 2/3 thông báo sẽ giảm số lượng phóng viên của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ, bắt đầu từ ngày 13/3. Các quan chức Mỹ cho biết quyết định này là biện pháp đáp trả "chính sách bắt nạt, quấy rối phóng viên Mỹ từ lâu" của Trung Quốc.
Trong một bức thư ngỏ được xuất bản vào đầu tuần này, ba tờ báo Mỹ đã thúc giục Trung Quốc xem xét lại quyết định, nói rằng động thái này gây thiệt hại và liều lĩnh, khi thế giới đang chia sẻ gánh nặng trong việc chiến đấu với virus corona.
Căng thẳng truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc dâng cao khi Bắc Kinh hôm 19/2 quyết định thu hồi thẻ báo chí của ba phóng viên Wall Street Journal vì gọi Trung Quốc là "bệnh nhân thực sự của châu Á" (real sick man of Asia) trong một bài bình luận liên quan đến virus Vũ Hán. Trước đó, Mỹ siết quy định với 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, coi họ là thực thể tương tự đại sứ quán, yêu cầu phải cung cấp thông tin về nhân viên tại Mỹ.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét