Theo “Tọa hoa chí quả quả báo lục” của Uông Đạo Đỉnh thời nhà Thanh: Hàn Thúc Sơn người huyện Hoa Đình, giàu mà hiếu lễ, thấy việc nghĩa ắt làm. Mọi người trong thôn đều tôn ông là đại thiện nhân. Tương truyền gia tộc ông giàu có là nhờ một câu chuyện được người đời truyền tụng.
Hàn Thúc Sơn sinh ra trong cảnh bần hàn, cha là Hàn Ông mở hiệu bán quần áo tại phía Tây cầu Tú Dã.
Một năm nọ gần tết đêm 30, trời mưa tuyết lớn. Nửa đêm, Hàn Ông xong việc, chuẩn bị đi nghỉ, thì đột nhiên nghe tiếng vòng treo cổng kêu liên tục, dường như có người dựa vào đó, lại nghe ngoài cửa có tiếng thở dài. Hàn Ông cầm nến ra mở cửa xem thì thấy một người ôm túi, ngồi dựa vào cửa.
Hỏi han mới biết đó là nhân viên trong một cửa hàng tại Thượng Hải, đi thu nợ từ Sạ Phố, về tới đây thì đã nửa đêm, không kịp đáp thuyền hay nghỉ trọ, đành ngủ nhờ ngoài cổng, đợi trời sáng.
Hàn Ông kinh ngạc nói: “Ngài đi thu nợ, ắt không thể không có gì hành lý gì, sao có thể ngủ ngoài cổng được? Dẫu bình an vô sự, sao có thể chịu trời giá lạnh này! Tệ xá1 tuy nhỏ bé, rách nát, nhưng cũng có thể chắn gió che mưa”.
Vậy nên Hàn Ông bèn mời vị khách vào nhà, còn lấy quần áo dành cho năm mới của mình để khách thay. Hàn Ông lại bày cơm rượu khoản đãi, nói: “Đây là đồ ăn tôi làm ban ngày, dùng để khoản đãi nhân viên của khách hàng, xin quý khách dùng cho ấm bụng, chớ chê lễ lạp không chu đáo”.
Lúc đó vị khách vừa đói vừa rét, không ngờ được Hàn Ông cho ăn cho ở, lại vô cùng lịch sự. Vị khách vô cùng cảm kích, không ngớt lời cảm tạ. Vị khách ăn xong, Hàn Ông lại trải chăn giường cho khách, khách ngủ rồi ông mới an giấc.
Hôm sau trời sáng, gió tuyết càng lớn hơn, thuyền chẳng thể nhổ neo. Hàn Ông giữ khách ở lại vài ngày đợi tuyết dừng rồi hẵng đi, ông chuẩn bị rượu ngọt, cơm ngon, mặt không lộ chút khó chịu.
Tối hôm đó người khách nói “Cảm tạ nghĩa cử của ngài, tôi chẳng có gì báo đáp. Nghe nói giá gạo huyện Hoa Đình rất rẻ, chuyển tới Thượng Hải bán cũng có thể kiếm được lời lớn. Tôi thu nợ trở về, tiền không còn nhiều, tôi cho ngài mượn hai, ba trăm lạng lấy vốn làm ăn, không biết ý ngài thế nào?”.
Hàn Ông nghiêm nghị từ chối, người khách gật đầu im lặng.
Hôm sau gió đã ngừng thổi, Hàn Ông thuê thuyền cho khách, đích thân tiễn khách lên thuyền. Sau khi thuyền nhổ neo, vị khách mới nói với Hàn Ông: “Hai ba trăm lạng bạc tôi nói hôm qua ở dưới gầm giường. Ngài về nhớ cất đi nhé. Tết Nguyên Tiêu năm sau xin được đón đợi ngài ở cửa hàng của tôi.”
[caption id="attachment_1413824" align="alignnone" width="700"] Ảnh minh họa: Shutterstock.[/caption]
Hàn Ông kinh ngạc, muốn mang trả lại cho khách, nhưng thuyền đã căng buồm ra khơi. Hàn Ông bất đắc dĩ quay về tìm, quả nhiên thấy bạc ở dưới gầm giường của khách. Hàn Ông tính giữ lại, đợi tới tháng Giêng năm sau thì mang toàn bộ số bạc mua gạo vận chuyển tới Thượng Hải.
Năm sau, Hàn Ông quả thực đã mua gạo tới Thượng Hải một chuyến. Hàn Ông hỏi thăm tới cửa hàng nọ, thì gặp đúng vị khách năm ngoái.
Vị khách vỗ tay cười lớn: “Ngài quả là người giữ chữ tín!”. Sau đó vị khách cùng Hàn Ông vào gặp ông chủ, nói: “Đây chính là Hàn tiên sinh, người huyện Hoa Đình mà tôi gặp năm ngoái. Năm nay ông ấy đã chở gạo tới rồi!”.
Ông chủ cửa hàng cảm tạ: “Người của tệ nhân mang theo nhiều vàng ở nhờ ngoài cửa, nếu không nhờ nghĩa cử của túc hạ2, e sẽ gặp phải bất trắc. Nay ngài lại tới như đã hẹn, gặp lợi không nhận. Ngài quả thực là cổ nhân thời nay!”.
Hàn Ông cảm tạ không dám nhận. Ông chủ ra lệnh mở cửa sảnh chính, mời Hàn Ông vào, thiết yến tiệc thịnh soạn như khách quý. Sau khi ăn xong, ông chủ cửa hàng còn gọi nhân viên tới dẫn Hàn Ông đi du ngoạn.
Khi trở về hành lý đều đã được mang đến, ông chủ cửa hàng giữ Hàn Ông ở lại. Sáng hôm sau, Hàn Ông đưa giấy tờ mua gạo cho vị khách, dặn dò ông lấy gạo lên bờ, còn mình thì quay về huyện Hoa Đình. Vị khách cười đáp rằng: “Chuyện gạo đã giải quyết xong, ông ở thêm vài ngày, đừng về vội”. Hàng ngày vị khách đều dẫn Hàn Ông đi thăm thú đó đây, để ông không cảm thấy đơn độc.
Vài ngày sau, ông chủ cửa hàng lại thiết yến tiệc khoản đãi và nói với Hàn Ông: “Gạo ông vận chuyển tới đã bán xong, thu được lợi nhuận lớn. Nay tôi lại gửi ngài nhiều bạc hơn, mong ngài đừng ngại khổ giúp tôi mua và vận chuyển gạo tới đây. Lợi nhuận thu được tôi sẽ chia cho ngài một nửa”.
Nói rồi, ông chủ cửa hàng đặt một thỏi bạc lớn trước mặt Hàn Ông: “Đây là lợi nhuận mà ông xứng đáng được nhận”. Hàn Ông từ chối một hồi rồi mới nhận: “Dẫu sao cũng được ông chủ ủy thác, tôi xin gắng sức. Nhưng tệ nhân có chút thỉnh cầu, không biết ngài có thể đáp ứng không?”.
Ông chủ cửa hàng hỏi: “Xin được rửa tai cung kính lắng nghe.”
[caption id="attachment_1413826" align="alignnone" width="700"] Ảnh minh họa: Shutterstock.[/caption]
Hàn Ông nói: “Tôi nghe nói việc hành thiện cần được hồng dương. Tôi muốn lấy một phần từ số lợi nhuận của tôi để cứu giúp những người nghèo khó, gặp việc tốt xin được tận lực mà làm. Nhưng Hàn mỗ3 xuất thân nghèo khó, số bạc này có được nhờ ông chủ, nếu được ông đồng ý tôi mới dám làm”.
Ông chủ cửa hàng hứa sẽ làm như vậy và lập tức lấy ra hai nghìn lạng bạc đưa cho Hàn Ông. Hàn Ông từ đó lại càng dốc sức hành thiện, gạo mà ông vận chuyển tới, cũng thường kiếm được lợi lớn.
Nhà họ Hàn từ đó nhờ kinh doanh mà trở nên vô cùng giàu có. Thế là mọi người truyền tai nhau nhà họ Hàn mua nhà mới tại cầu Tú Nam, mua luôn cả đồ đạc, tình cờ đào được vàng bạc chôn dưới gốc cây. Dẫu thực hư thế nào, thì từ đó Hàn Ông lại càng chăm tích đức hành thiện.
Hàn Thúc Sơn sau khi kế thừa gia nghiệp cũng nghiêm khắc tuân thủ gia huấn, dốc sức hành thiện. Hàn Lạc Khanh, con trai của Hàn Thúc Sơn cũng đỗ đạt, con cháu đa phần đều học hành, có Nho danh (chỉ người trí thức thời xưa). Nhà họ Hàn đắc được phúc báo hưởng không hết.
Uông Đạo Đỉnh nói: “Khi đi ngang qua Tùng Giang, tôi đã được nghe kể tường tận về dấu tích chuyện nhà họ Hàn. Hàn Ông học hành không nhiều, nhưng đạo hạnh rất cao, lời nói chính trực, không lừa gạt người. Ông hiếu thiện, thích bố thí, đều xuất phát từ tấm lòng thành, không có chút gượng ép, quả thực thấy người đói khát mà như bản thân đói khát vậy. Cho nên Hàn Ông dẫu xuất thân thấp kém, nhưng lại đột nhiên trở nên giàu sang. Mọi người chỉ nhìn thấy nhà họ Hàn giàu có dễ dàng, nhưng lại không biết rằng Hàn gia giàu lên không phải điều ngẫu nhiên”.
Chú thích:
1. Tệ xá: Từ dùng để chỉ nơi ở của mình với ý khiêm tốn khi nói với người khác.
2. Túc hạ: Tiếng kính trọng để gọi người khác.
3. Mỗ: Chỉ một người hay vật có tên nhưng không nói ra. Ở đây Hàn mỗ là Hàn Ông dùng để nói về chính mình.
Theo Minh Huệ Net
Vân Nhi biên tập
Video: Người thành công luôn nhìn vào thiếu sót bản thân, kẻ thất bại luôn bình phẩm lỗi lầm người khác
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/nguoi-thanh-cong-luon-nhin-vao-thieu-sot-ban-than-ke-that-bai-luon-binh-pham-loi-lam-nguoi-khac_b340ea7fe.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét