Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Tiếng chuông đêm giao thừa: ‘Thần Chung’ thức tỉnh danh lợi khách, kẻ đánh người nghe đều cần một tấm lòng

Tiếng chuông đêm giao thừa: ‘Thần Chung’ thức tỉnh danh lợi khách, kẻ đánh người nghe đều cần một tấm lòng https://ift.tt/3dDYOgP

Tết có lẽ lắng đọng và giàu phong vị nhất là đêm 30. Đêm linh thiêng sẽ bớt phần linh thiêng khi thiếu tiếng chuông chùa đúng vào thời khắc giao thừa. Giữa những âm thanh và tiết tấu náo nhiệt của thời đại, tiếng chuông chùa vẫn còn đó, nhưng mấy ai còn nhớ và hiểu lời chuông kia?

Trước Tết Đinh Dậu 2017, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã đề xuất rung chuông thay pháo hoa, dành tiền chăm lo Tết cho người nghèo. Thật ra đó không phải là một ý tưởng mới mẻ, vì tiếng chuông chùa đêm giao thừa đã tồn tại từ lâu đời và mang trong đó một nội hàm sâu sắc mà chỉ cần lắng lại cảm thụ, ai ai cũng sẽ có được chút thu hoạch cho mình để bắt đầu một năm mới an yên.

Từ thời xa xưa, người ta đã có câu: “có chùa tất có chuông”. Chuông được người tu hành coi là Pháp khí thức tỉnh lòng người khỏi cơn mê, hàng yêu phục ma cõi u giới. Hầu như ngôi chùa cổ nào cũng có đôi câu đối:


Nghĩa là: Chuông sớm trống chiều, thức tỉnh khách trần đang chạy theo danh lợi. Kinh vàng kệ ngọc, kêu gọi người đời mau thoát khỏi bể khổ mênh mông.

Nào phải cái chuông chỉ là để điểm giờ nhắc người tu hành tụng niệm, người đánh chuông cũng phải tạo ra được âm thanh trầm hùng, vang vọng mà du dương. Đánh chuông cũng là thể hiện công phu, định lực của người tu luyện.

Câu chuyện về
chú tiểu đánh chuông

Trên Minh Huệ Net có câu chuyện về một chú tiểu đánh chuông, kể rằng:

Xưa có một chú tiểu có nhiệm vụ đánh chuông. Khi mới bắt đầu công việc thì chú tiểu khá nghiêm túc. Nhưng nửa năm trôi qua, chú tiểu cảm thấy công việc đánh chuông thật là đơn điệu nhàm chán. Thế là, cậu chỉ làm cốt cho xong chuyện. Một ngày, sư trụ trì ngôi chùa đột nhiên đưa chú tiểu xuống hậu viện chẻ củi gánh nước, không để cho cậu đánh chuông nữa.

Chú tiểu thấy lạ, bèn hỏi sư trụ trì: “Không biết có phải tại con đánh chuông không đúng giờ, không vang tiếng hay sao?”. Sư trụ trì bảo: “Con đánh chuông rất là vang, nhưng tiếng chuông rỗng tuếch, èo uột, bởi vì trong lòng con không hiểu được ý nghĩa của việc đánh chuông, cũng không chú tâm làm việc ấy. Tiếng chuông không những là thước đo cho thời gian làm việc nghỉ ngơi trong chùa, mà quan trọng nhất ấy chính là thức tỉnh tâm mê muội của chúng sinh. Vì vậy, tiếng chuông chẳng những cần phải vang dội, mà còn cần phải mượt mà, hùng hậu, thâm trầm, lan xa. Người mà trong tâm không có chuông, có nghĩa là không trọng Phật. Nếu không thành kính, thì làm sao đảm đương chức vụ đánh chuông được?”. Chú tiểu nghe xong, đỏ mặt xấu hổ, rồi sau đó dốc sức tu luyện, cuối cùng trở thành một cao tăng nổi tiếng.


Người mà trong tâm không có chuông thì tiếng chuông chẳng thể vang dội, hùng hậu, thâm trầm và lan xa được. (Ảnh minh họa: vnreview.vn)

Lại có câu chuyện khác, rằng một vị hòa thượng già sớm mai nghe được tràng chuông ngân, đến khi âm thanh dứt hẳn, ông không cầm lòng được bèn gọi người đến hỏi: “Sáng sớm hôm nay ai đánh chuông thế?”. Người ấy trả lời: “Đó là một hòa thượng mới xuất gia vừa đến đây”.

Hòa thượng cho gọi tiểu hòa thượng mới tới lên và hỏi: “Sớm hôm nay khi đánh chuông nội tâm con như thế nào vậy?”.

Chú tiểu trả lời: “Thưa không có tâm tình nào cả, chỉ là đánh chuông thôi”.

Lão hòa thượng hỏi: “Không phải vậy chứ? Trong lúc con đánh chuông, trong lòng nhất định có tâm tư. Bởi vì ta nghe tiếng chuông hôm nay vô cùng cao quý và vang dội. Đó là thanh âm mà người có thành tâm thành ý hướng Phật mới có thể đánh chuông xuất ra được”.

Tiểu hòa thượng suy nghĩ rồi nói:

“Kỳ thực con không có nghĩ gì khác, chỉ là khi con chưa xuất gia, cha con thường xuyên nhắc nhở rằng: trong lúc đánh chuông thì phải nghĩ rằng chuông cũng chính là Phật, phải thành kính trai giới, kính trọng chuông như kính trọng Phật, cần dùng tâm như nhập định khi thiền định cùng với tâm thành kính lễ bái mà đánh chuông”.

Lão hòa thượng nghe xong hết sức vừa ý, nhắc nhở rằng: “Sau này xử lý chuyện gì, con nhất định đừng quên bảo trì một tâm thái giống như khi gõ chuông hôm nay nhé”.

Quả thật, chẳng những là chuyện đánh chuông, làm việc gì ta cũng cần một tấm chân tình, cung kính để hoàn thành tốt việc mình cần phải làm. Có câu rằng: “Có chí khí hay không, thì cứ xem cách nhóm lửa quét sân là rõ”, chỉ có tâm niệm chân chính, thì những việc làm từ nhỏ tới lớn mới có thể chân chính được.

Đối với người tu hành thời xưa, một tiếng chày kình cũng phải dụng tâm cung kính, buông bỏ nhân tâm thì mới ra được âm thanh hay. Thế nên tiếng chuông ấy mới có đủ uy lực để thức tỉnh lòng người say mộng, nhắc nhở thế nhân không chấp trước say đắm vào những điều phù phiếm, dễ tiêu tan.

Tiếng chuông thức tỉnh

Chính vì tiếng chuông có đầy đủ định lực và uy lực, nên người nghe chuông mới thấy tâm thái an nhiên tĩnh lặng, cảnh vật xung quanh cũng trở nên trầm mặc linh thiêng. Tiếng chuông chùa xứ Việt vì thế đã từng lan tỏa từ đỉnh chùa, thả vào không gian và thơ văn những tiếng vang, cuộn trôi êm đềm những lo toan sầu muộn, thay bằng những lắng đọng khiến người ta dần tỉnh thức.

“Thỏ thẻ rừng mai, chim cúng trái,
Lững lờ Khe Yến, cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng” – (Chu Mạnh Trinh)

Nhà thơ Quách Tấn, một trong “Bàn thành tứ hữu” (bốn người bạn ở thành Đồ Bàn bao gồm Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và Quách Tấn) đã từng tâm sự: “Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa lánh hẳn cõi trần tục”… “Nếu không có tiếng chuông lay động thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây ráng, hoặc làm con cò vương hương bay lờ lững trong hồ sen yên tịnh”.

Nhưng tiếng chuông ấy không phải chỉ là đánh thức con người khỏi cảnh thoát tục mênh mang khi tâm tĩnh lại, mà chính là để đánh thức con người khỏi cõi mê mà họ đang lăn lộn trong đó không thôi.


Tiếng chuông chùa xứ Việt đã từng lan tỏa từ đỉnh chùa, thả vào không gian và thơ văn những tiếng vang, cuộn trôi êm đềm những lo toan sầu muộn.

Nào danh nào lợi chẳng vững bền, nào tình ái cuồng si, nào những dục vọng mà khi đạt được cũng sẽ tới lúc thấy vô vị, nhạt nhẽo. Đó là cõi mê mà loài người vẫn mải lặn ngụp trong đó, rồi tự chuốc lấy những bi lụy, bất bình. Giữa màn sương mờ ảo phấn hồng thơm hương đó, nghe một tiếng chuông chùa, để những vòng lan tỏa vang vọng gột rửa và đánh thức thiên tính của mình, lòng sẽ bắt đầu tự hỏi và muốn tìm câu trả lời: “Đời người cuối cùng là để làm gì đây?”.

“Mây nước nhiễm phong trần,
Nơi đâu tình cố nhân,
Những đêm buồn tỉnh giấc,
Chùa cũ tiếng chuông ngân” – (Quách Tấn)

Giờ đây, giữa nhịp sống cuồn cuộn ồn ào, vào phút giây giao thừa linh thiêng, thời khắc vạn vật đất trời giao hòa chuyển đổi, ta có còn đủ tĩnh lặng để nghe được tiếng chuông chùa. Thứ âm thanh tịch mặc như khói trầm nhưng hùng hồn vang vọng như tiếng tuyết lở trên những đỉnh núi hùng vĩ, cũng cần tâm hồn người nghe đủ thanh tịnh để thấu hiểu. Giữa những tiếng pháo hoa nổ vang trời, tiếng chúc tụng rôm rả, tiếng nhạc mừng năm mới rộn ràng, bạn có nghe thấy tiếng chuông chùa đang vang vọng?

Giờ đây, giữa những tiếng pháo hoa nổ vang trời, tiếng chúc tụng rôm rả, tiếng nhạc mừng năm mới rộn ràng, bạn có nghe thấy tiếng chuông chùa đang vang vọng? (Ảnh: thanhnien)

Cảm nghĩ hôm nay

Tiếng chuông chùa ngàn năm, vang vọng và uy lực được bởi người đánh dụng hết chân thành, lắng đọng và ngân vang được trong tâm hồn bởi người nghe cũng quý trọng và cung kính. Thế nên thời xưa, người ta hiểu rằng làm việc gì cũng nên lấy hết sức mình ra, dùng hết công phu mà làm cho tốt chứ không chỉ qua loa cho xong chuyện.

Nhưng thời nay, người ta làm việc gì cũng đều nghĩ tới lợi ích mình có được trong đó, xứng thì mới dụng tâm, còn không thì đại khái là được rồi.

Người đi làm công ăn lương vì tiền lương, tiền thưởng. Người nuôi trồng, chăn nuôi vì quay vòng vốn thật nhanh, vì siêu lợi nhuận. Người học sinh đi học vì điểm số và tấm bằng. Ngay cả người làm vợ làm chồng cũng vì hưởng thụ cá nhân mà xa rời thiên chức và trách nhiệm của mình với gia đình, với con cái… Từ việc nhỏ của bản thân đã chẳng muốn làm cho tốt và thành tâm, lại chỉ coi trọng hình thức và truy cầu kết quả tốt đẹp hơn người.

Giá như trong tâm ai cũng vẫn còn có một tiếng chuông chùa, vang vọng, gột rửa dục vọng và đánh thức chân tâm; Ai cũng cung kính, chân thành, lưu giữ thứ lễ nhạc đầy tính giáo huấn linh thiêng ấy; Ai cũng nghe ra và thấu hiểu tiếng chuông ngàn năm vang vọng…

“Trăng sáng sau khi trời tạnh mưa,
Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa.
Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng,
Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa?” – (Sư thầy Mật Thể)

“Tất niên”. (Minh hoạ: Đại Kỷ Nguyên)

Trương Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét