Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

Lý do người biểu tình Hồng Kông quá khác biệt với người Trung Quốc ‘yêu nước’

Lý do người biểu tình Hồng Kông quá khác biệt với người Trung Quốc ‘yêu nước’ https://ift.tt/2HCTUSN

Thời gian gần đây, chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc hải ngoại bỗng trỗi dậy khi phong trào dân chủ Hồng Kông không có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên, đi kèm với các hoạt động ồn ào, người “yêu nước” Trung Quốc cho thấy một sự khác biệt lớn về văn hóa với người biểu tình Hương Cảng.

Trang Secret China ghi nhận rằng nhiều người Trung Quốc đã chế giễu những người hải ngoại biểu tình thể hiện sự ủng hộ chính quyền. Bởi những người đang chuyển tài sản và gia đình sang nước khác, nghĩa là đã trốn chạy khỏi chế độ độc tài chuyên chế và đi sang các nước phương Tây để hưởng tự do, thì tại sao sau đó lại quay trở lại ủng hộ chính quyền?

Vì sao chỉ người Trung Quốc ở hải ngoại biểu tình chống phong trào dân chủ Hồng Kông

Tác giả Kim Triết giải thích trên Secret China rằng, các nhà quan sát đã nhận thấy trong những năm qua, lòng yêu nước ở hải ngoại đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khuyến khích và hỗ trợ. ĐCSTQ sử dụng khẩu hiệu “tinh thần yêu nước” để kích động nhân dân. Bất cứ khi nào chính quyền này gặp phải một vấn đề quan trọng cần đến sự ủng hộ của nhân dân, họ lại sử dụng “tinh thần yêu nước” để khẩn cấp huy động nhân tâm. Trong những vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông, Pháp Luân Công, hay vụ va chạm giữa máy bay tình báo Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc, cũng như xung đột lãnh thổ với Nhật Bản... ĐCSTQ đều đưa nhân dân vào trạng thái tâm lý giống như đang ở trong thời chiến. Nhiều người Trung Quốc cho rằng, trong hệ thống diễn ngôn ngày nay ở đại lục, cái gọi là chủ nghĩa yêu nước thật ra là yêu ĐCSTQ, ông Triết cho biết.

Sau các cuộc biểu tình Phản tống Trung (chống dự luật dẫn độ về Trung Quốc) liên tục quy mô lớn ở Hồng Kông, đã có nhiều cuộc biểu tình của sinh viên và người Trung Quốc “yêu nước” ở hải ngoại để phản đối phong trào Hồng Kông. Lòng yêu nước hải ngoại của những sinh viên và người Trung Quốc đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc, các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ca ngợi, khuyến khích.

Tuy nhiên, người ta đã sớm nhận ra rằng, người Trung Quốc hải ngoại có thể tổ chức các cuộc biểu tình ở các nước khác để phản đối phong trào dân chủ Hồng Kông, nhưng người Trung Quốc ở đại lục thì tuyệt nhiên không thể biểu tình dù là để thể hiện lòng yêu nước.

[caption id="attachment_1220303" align="aligncenter" width="539"] Người biểu tình thân Bắc Kinh vứt cờ tổ quốc sau khi "xong việc" (Ảnh chụp màn hình Twitter).[/caption]

Thành Tuyết, một nhà văn và nhà hoạt động nhân quyền người Canada, người đã quan sát chính trị Trung Quốc trong nhiều năm, nói rằng tất cả những điều này có vẻ lạ, nhưng nó không đáng ngạc nhiên. Cô nói:

"Chính quyền Trung Quốc thực sự là một chế độ độc tài chuyên chế độc đoán, và theo hệ thống này, tất cả các hành vi thể hiện mong muốn cá nhân đều nguy hiểm. Chính phủ đặc biệt gây khó khăn trong lĩnh vực này. Ngay cả khi bạn muốn bày tỏ ý kiến ủng hộ chính phủ, cũng sẽ được coi là một mối đe dọa tiềm tàng. Bởi vì miễn là mọi người công khai bày tỏ ý kiến của mình, miễn là mọi người tụ tập lại với nhau, điều đó có thể tạo ra một áp lực đối với chính quyền. Họ sợ rằng nếu ai đó đột nhiên quen với điều đó. Sau khi công khai bày tỏ ý kiến, đương nhiên sau đó sẽ có nhiều người bày tỏ sự không hài lòng với chế độ..."

Luật sư nhân quyền Trung Quốc Chúc Thánh Võ chỉ ra rằng mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã khuyến khích chủ nghĩa dân tộc trong những năm qua, nhưng họ cũng biết rằng sẽ nguy hiểm khi “chơi” với nó. Vào tháng 9/2012, chính quyền Bắc Kinh khuyến khích người dân Trung Quốc thực hiện các cuộc biểu tình chống Nhật Bản. Kết quả là, không chỉ có cơn tức giận lên xe hơi Nhật Bản của người dân Trung Quốc xuất hiện, mà cả tiếng nói chống chính phủ cũng đã xuất hiện.

Năm 2017, khi chính quyền Bắc Kinh xúi giục người dân Trung Quốc phản đối thỏa thuận của Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống tên lửa chống đạn đạo của Mỹ, người ta thấy rằng chủ nghĩa dân tộc của người dân khó kiểm soát hơn. Các cuộc biểu tình của chủ nghĩa dân tộc đã nhanh chóng kết thúc. Và lần này về vấn đề Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh cấm tiến hành các cuộc biểu tình yêu nước ở đại lục ngay từ đầu rõ ràng là vì những bài học trong quá khứ, ông Chúc cho biết.

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/lich-su-che-giau-toi-ac-cua-chinh-quyen-trung-quoc-video_50949d31a.html"]

Thế nhưng phong trào yêu nước của người Trung Quốc hải ngoại lại được cho phép phát triển mạnh mẽ. Nhưng thông qua đó, sự khác biệt trong văn hóa của họ với phần còn lại của thế giới bên ngoài đại lục đã được bộc lộ. Đặc biệt, khi nó diễn ra song song với những điều người Hồng Kông đang làm vì tương lai của mình, thế giới càng thấy rõ sự khác biệt giữa những người cùng chung chữ viết này.

Một tinh thần yêu nước kỳ lạ

Trong một cuộc biểu tình ở London, Anh, một nhà yêu nước trẻ tuổi ủng hộ Bắc Kinh dường như lo lắng rằng cộng đồng quốc tế không hiểu được những người yêu nước đang ủng hộ ĐCSTQ nên đã hô khẩu hiệu tiếng bằng tiếng Anh rằng: “Quỳ xuống và liếm mông chủ nhân của các người đi” (Kneel Down And Lick Your Master’ s ass), theo Secret China.

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/thanh-nien-trung-quoc-tieu-tien-o-nha-hang-dai-loan-ung-ho-hong-kong_54ebf419b.html"]

Màn trình diễn này đã khiến các nhà quan sát trong và ngoài nước sững sờ. Tác giả Kim Triết đã phải đặt câu hỏi, tại sao những "người yêu nước" ủng hộ Bắc Kinh lại thể hiện tình cảm yêu nước bằng ngôn ngữ bất hảo đến mức người dân trong thế giới văn minh đều thấy là vô cùng thấp kém như vậy?

Ngày 18/8, tại thành phố Toronto và Vancouver của Canada, người Trung Quốc “yêu nước” đã lái những hàng dài xe siêu sang vừa đi vừa la hét, bấm còi inh ỏi ủng hộ nhà cầm quyền Trung Quốc và phản đối phong trào biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông. Thậm chí có xe đỗ vào khu vực dành cho người khuyết tật và bật loa thật to bài quốc ca Trung Quốc.

[caption id="attachment_1220305" align="aligncenter" width="700"] (Ảnh chụp màn hình)[/caption]

Ngày 29/7, một vụ ẩu đả tại cuộc biểu tình ở Đại học Auckland, New Zealand đã thu hút sự quan tâm của thế giới. Video về vụ việc được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một nhóm nam giới người Trung Quốc đại lục vây quanh nữ sinh tham gia biểu tình Serena Lee, truy hỏi cô trước khi đẩy cô xuống đất.

Đối với hành động lỗ mạng, thô bạo của công dân nước mình, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Aucland ngày 1/8 đã ra tuyên bố “đánh giá cao các sinh viên (ủng hộ Bắc Kinh) vì lòng yêu nước tự phát của họ”.

Ở phía đối lập với phong trào "yêu nước" kỳ lạ của người Trung Quốc, dân Hồng Kông đã vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác.

Người Hồng Kông trong đấu tranh đã định nghĩa mình

Bị chính quyền gắn mác “bạo loạn” và truyền thông Trung Quốc mô tả là “nhóm nhỏ ly khai”, “bạo động”, "bị kích động bởi các thế lực nước ngoài"… nhưng hàng trăm nghìn người biểu tình Hồng Kông (có lúc lên tới hàng triệu người) đã tự định nghĩa được bản thân trước sự quan sát của thế giới, khi thể hiện được nét văn hóa đặc biệt trong phong trào dân chủ của mình.

Ngay từ vạch xuất phát đầu tiên của các phong trao biểu tình “Phản tống Trung” (chống dự luật dẫn độ về đại lục), người biểu tình Hồng Kông đã sử dụng các phương pháp bất bạo động, bất tuân dân sự để thu hút sự chú ý của chính quyền. Dự luật dẫn độ được nêu ra từ tháng 2/2019, đến tháng 4 bắt đầu xuất hiện các cuộc biểu tình ôn hòa, chủ yếu là diễn thuyết trên đường phố. Các cuộc biểu tình lớn hơn xuất hiện trong tháng 6 với hơn 1 triệu người (vào ngày 9/6) và 2 triệu người (16/6), theo con số của đơn vị xin cấp phép biểu tình, chủ yếu là tuần hành ôn hòa. Ngày 21/6, hàng nghìn người biểu tình bao vây khu phức hợp của chính quyền yêu cầu gỡ bỏ dự luật và đòi quyền dân chủ. Họ ngồi xuống và hát thánh ca. Khi những nhân viên làm việc ở các văn phòng trong tòa nhà rời đi, những người biểu tình nói với họ: “Cảm ơn bạn vì đã làm việc chăm chỉ, bạn có thể đi bây giờ”.

Chỉ khi chính quyền thân Bắc Kinh ở Hương Cảng liên tục phớt lờ các yêu cầu của người biểu tình, thậm chí lực lượng cảnh sát đã có những dấu hiệu sử dụng bạo lực không cần thiết và thiên lệch đối với lực lượng áo trắng tấn công người biểu tình, nhóm biểu tình cứng rắn mới có những động thái leo thang. Như vụ việc đột nhập vào tòa nhà Lập Pháp Viện hay tọa kháng tại sân bay quốc tế Hồng Kông, và gần đây nhất là lực lượng tuyến đầu đã hỗn chiến với cảnh sát trong cuộc biểu tình ngày 25/8.

Dù thể hiện quan điểm rất cứng rắn “Vạn kiếp bất nhục”, “Thoái bất khả thoái”, “Quan bức dân phản”… nhưng phong trào “Quang phục Hương Cảng, Cách mạng Thời đại” vẫn truyền đi những lời nhắn nhủ: “Bảo hộ văn vật, bất khả phá hoại”, “bảo quản vật phẩm văn hóa”, “bảo quản sách, đừng phá hủy”, “chúng ta không phải kẻ trộm, không lấy gì trước khi hỏi”, “để lại tiền cho đồ uống”…

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/thanh-nien-hong-kong-bi-danh-8-lan-khong-dap-tra_bff322749.html"]

Người Hồng Kông thể hiện rõ quan điểm không muốn đối đầu với chính quyền Trung Quốc, không muốn gây thù hằn với người đại lục, họ chỉ cần được lắng nghe và được hưởng quyền lợi chính đáng của những công dân tự do.

Khi bị Trung Quốc đe dọa sẽ sử dụng quân đội để đàn áp, họ đáp trả rằng sẽ không đối đầu với quân đội. Một người biểu tình tự xưng Jerry Chan phản pháo lại câu nói người Hồng Kông đang đùa với lửa của đại diện chính quyền Trung Quốc rằng: “Tôi tin những người biểu tình và công dân Hồng Kông sẽ ‘giống như nước’ và biết phải làm gì”, “Chúng tôi sẽ về nhà để ngủ”. 

Khi bị vu khống bởi truyền thông Trung Quốc, họ tìm tới người dân đại lục. Ngày 7/7, 230.000 người đã diễu hành đến nhà ga đường sắt cao tốc Tây Cửu Long để đưa thông điệp của phong trào tới cho du khách từ Trung Quốc. Ventus Lau, một trong những nhà tổ chức, nói với các phóng viên rằng sự kiện này là “hòa bình, có lý trí và phong nhã”. Họ phát đi những tờ rơi với nội dung: “Hãy đăng nó lên Weibo!”, “Cảnh sát đánh đập công dân Hồng Kông!”, “Học sinh không bạo loạn!”, “Cảnh sát bắn phóng viên!”. Thậm chí người biểu tình còn dùng những thông điệp liên quan tới bột sữa trẻ em và vắc-xin độc hại ở Trung Quốc để bày tỏ sự cảm thông với người dân đại lục. Họ cũng hát quốc ca Trung Quốc và mời khách du lịch nhập đoàn biểu tình cùng mình.

Khi một vài người bị ngất vì kiệt sức trong lúc kiên trì tuần hành cùng gần 2 triệu người, dân Hồng Kông đã cho thế giới một sự ngạc nhiên đầy cảm hứng. Họ tiến thoái như nước biển rẽ sóng cho những chiếc xe cứu thương đi qua. Hành động đồng bộ, nhuần nhuyễn không hề có tập dượt trước, đó chỉ có thể là kết quả của ý thức công dân rất cao nhờ nền giáo dục nhân văn.

[caption id="attachment_1220306" align="aligncenter" width="700"] Hàng ngàn người biểu tình Hồng Kông nhanh chóng nhường đường cho xe cứu thương hôm Chủ nhật 16/6/2019 (Ảnh: AFP).[/caption]

Khi đã vắt kiệt sức lực và tinh thần trong ngày dài diễu hành vì tương lai Hương Cảng, những người trẻ vẫn tiếp tục nhặt rác do đám đông để lại vào lúc 2h sáng. Vì dù sao, tất cả mọi việc họ làm là vì thành phố quê hương họ, họ phải bảo vệ, gìn giữ những giá trị cốt lõi nhất của người Hồng Kông, mà một trong số đó là ý thức công dân và trách nhiệm với xã hội.

“Người Hồng Kông thật sự mệt mỏi vì phải biểu tình, đây là điều cuối cùng chúng tôi muốn. Nóng kinh khủng, lại còn mưa nữa. Thực lòng mà nói nó như là một sự tra tấn vậy. Nhưng chúng tôi phải ở đây, vì chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải tiếp tục cho đến khi chính quyền thể hiện sự tôn trọng mà chúng tôi đáng được nhận”, sinh viên 24 tuổi, Johnathan cho biết.

Họ đã thể hiện mình không phải những kẻ nông nổi, phá hoại. Họ hiểu mình có thể phải đối diện với những mất mát kinh khủng nào. Nhưng họ sẵn sàng đánh đổi, chịu đựng vì một tương lai mà họ cho là tốt đẹp hơn cho Hồng Kông. 

Người biểu tình Hồng Kông thể hiện phong thái hoàn toàn khác biệt so với người biểu tình ủng hộ Trung Quốc. Họ linh hoạt và kỷ luật trong hành động mà không cần lãnh tụ kêu gọi. Họ dùng các chiến thuật khác nhau, trên mọi mặt trận để phát huy sức mạnh tổng hợp. Từ giới sinh viên, giáo viên, luật sư, y sĩ... cho tới các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ... Từ tọa kháng, diễu hành, rút tiền mặt, kêu gọi người đại lục... cho tới diễn thuyết trước Liên Hợp Quốc, quảng cáo trên các tờ báo khắp thế giới, hay kêu gọi Nhà Trắng ra bộ luật riêng về Hồng Kông. Từ phát triển những ký hiệu riêng giao tiếp trên tuyến đầu, cho tới sáng tác rất nhiều áp phích, video bằng nhiều thứ tiếng để cả thế giới hiểu hơn về mình.

Họ đã thể hiện rằng mình hành động có lý trí và thuyết phục, khác với sự lớn lối quy chụp thiếu bằng chứng, hô hào, phô trương thanh thế, đe dọa bạo lực của những lực lượng thân Bắc Kinh.

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/hong-kong-khac-trung-quoc-dai-luc_2612c5f49.html"]

Với những gì người biểu tình Hồng Kông thể hiện, có lẽ không cần phải chứng minh rằng đó là kết quả của nền giáo dục văn minh và đề cao tính dân chủ. Nhưng những gì người "yêu nước" Trung Quốc thể hiện, lại khiến nhiều người trên thế giới phải kinh ngạc và thắc mắc vì sao họ lại như vậy.

Vì sao có những người Trung Quốc hoãng dã

Nhà văn Thành Tuyết nói rằng ở Úc hay Anh, những người ủng hộ chính quyền Trung Quốc tỏ ra rất hoang dã, phi lý, thiếu hiểu biết… là do họ không thể nhìn thấy sự thật sau khi bị ĐCSTQ tẩy não. Trong nhiều năm, sự giáo dục của ĐCSTQ đã chống lại văn minh, “Thế hệ thanh niên lớn lên trong môi trường này và thiếu giáo dục thực sự. Họ không phát triển một cách bình thường. Trong xã hội không có thông tin bình thường, không có học tập bình thường, không có xã hội nhân văn bình thường, họ học văn minh tinh thần ở đâu?”, Secret China dẫn lời nhà văn.

Chính là học từ những gì chính quyền của họ đã làm, học từ cách hành xử của thượng tầng xã hội Trung Quốc:

Sau những phản kháng mạnh mẽ của người dân Hồng Kông, tất cả các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc không chỉ lờ đi việc đưa thông tin, mà còn thay trắng đổi đen, nói người Hồng Kông biểu tình chống Mỹ, hay bịa đặt rằng 800.000 người Hồng Kông đã tham gia “Liên minh ủng hộ sửa đổi luật bảo vệ an ninh Hồng Kông” nói lên ý nguyện của giới chủ lưu Hồng Kông. Sự việc đã bị người dùng mạng nói là "còn sự dối trá nào vô liêm sỉ hơn thế?”

Hay khi không thể dập tắt được sự phản kháng của người dân Hương Cảng, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ vu khống người biểu tình là "phân biệt chủng tộc", trong khi không có bằng chứng cụ thể nào và 92% dân số Hồng Kông cũng là người Hán như đại lục.

Thay vì lắng nghe nguyện vọng của dân chúng, họ gây áp lực lên các doanh nghiệp, tổ chức, nghiệp đoàn để sa thải nhân viên ủng hộ biểu tình. Thay vì giải quyết các vấn đề chính trị bằng chính trị, chính quyền Bắc Kinh lại đe dọa dùng vũ lực bằng các màn phô trương sức mạnh quân sự tại biên giới Hồng Kông. Thay vì nói lý lẽ, họ vô lễ chặn lời phát biểu của đại diện Hồng Kông trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc.

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/quan-doi-trung-quoc-dang-video-canh-bao-nguoi-bieu-tinh-hong-kong_d35b2356b.html"]

Những hành xử của ĐCSTQ có thể được mô tả bằng từ "lưu manh" bởi nó vừa giả dối (Giả), độc ác (Ác) lại đầy tính đấu đá bạo lực (Đấu). Thứ văn hóa Giả - Ác - Đấu của ĐCSTQ đã bộc lộ trong suốt 70 năm tồn tại. 

  • Giả

Năm 1956, Mao Trạch Đông kêu gọi các nhà trí thức Trung Quốc “giúp đỡ Đảng tự chỉnh đốn”. Cuộc vận động này được biết đến với cái tên "trăm hoa đua nở", mục đích là để nhử ra những “phần tử chống Đảng” trong nhân dân. Trong bức thư Mao gửi các lãnh đạo Đảng cấp tỉnh năm 1957, ông ta đã nói ra ý định của mình là “dụ rắn ra khỏi hang”, và không lâu sau đó ĐCSTQ đã tuyên bố 540.000 người dám bày tỏ quan điểm của mình là “cánh hữu”.

Sau chiến dịch cánh hữu, có thể nói ĐCSTQ đã dạy cho người dân biết sợ nói ra sự thật. Sau đó, chính quyền thực hành sự giả dối một cách công khai mà chẳng sợ dân nói gì. Những ví dụ như “Sản lượng trên mỗi mẫu là hơn mười ngàn cân” trong Đại Nhảy Vọt năm 1958, “Không có một người nào bị chết trên Quảng trường Thiên An Môn” trong cuộc thảm sát ngày 4/6/1989, hay “tăng gấp đôi sản lượng thép”, và “vượt trên Anh quốc trong 10 năm và Mỹ trong 15 năm”... là những lời nói giả dối điển hình.

  • Ác

Ngược lại với Thiện - nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình và đối với người như cách mình muốn được đối xử, ĐCSTQ luôn chủ trương “đấu tranh tàn bạo và triệt hạ tàn nhẫn”. Điều này được thể hiện rõ ràng trong các phong trào Cải cách ruộng đất, Cách mạng văn hóa, Chiến dịch Tam phản, Chiến dịch Ngũ phản, đàn áp các tín ngưỡng... Người anh hùng mẫu mực Lôi Phong của ĐCSTQ đã từng nói “Chúng ta nên đối xử tàn nhẫn với kẻ thù của chúng ta và phải lạnh lùng như mùa đông khắc nghiệt”.

Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Giang Trạch Dân đã nói, “Ai đánh chết những người luyện tập Pháp Luân Công cũng không bị trừng phạt”.

  • Đấu

ĐCSTQ liên tục cấy vào đầu nhân dân ý tưởng về đấu tranh và bạo lực. Mao Trạch Đông nói, “800 triệu người, không đấu đá là không được”. Đặng Tiểu Bình nói, “Giết chết 200 nghìn người để đổi lấy 20 năm ổn định”. Giang Trạch Dân ra lệnh, “Hủy hoại thân thể (các học viên Pháp Luân Công), bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính".

ĐCSTQ giáo dục nhân dân phải coi sự tàn nhẫn đối với các kẻ thù giai cấp như là một đức hạnh. ĐCSTQ dạy rằng “Hãy gặm nhấm lòng thù hận, hãy nhai và nuốt nó. Hãy gieo lòng căm thù trong tim để nó nảy mầm” (Trích vở nhạc kịch “Huyền thoại đèn lồng đỏ”, được lấy làm vở kịch mẫu cho kịch nghệ trong thời Đại Cách mạng Văn hóa từ 1966 đến 1976).

Không chỉ kích động cho người đấu với người, ĐCSTQ còn ngạo mạn đấu cả Trời Đất. Các ca khúc quần chúng trong thời kỳ đại nhảy vọt viết: “Hãy để cho núi phải cúi đầu và sông phải dẹp sang một bên”, “Không có Ngọc Hoàng Thượng Đế trên trời và không có Long Vương dưới đất. Ta là Ngọc Hoàng Thượng Đế và ta là Long Vương. Ta ra lệnh cho tam núi ngũ đèo phải dẹp sang một bên, ta đã đến đây!”

Bằng hệ thống giáo dục và truyền thông nhà nước, nhiều câu nói phi lý của lãnh tụ được truyền bá như chân lý. Ví dụ như câu nói của Mao Trạch Đông: “Chúng ta nên ủng hộ bất cứ điều gì mà kẻ thù chống lại và chống lại bất cứ thứ gì mà kẻ thù ủng hộ”. Những điều như vậy có thể nói là đã đầu độc tâm trí của người dân, hủy hoại lòng nhân từ và những chuẩn mực đạo đức.

Năm 2004, Trung tâm Thông tin Trung Quốc phân tích kết quả điều tra do Mạng Sina thực hiện, cho thấy, 82,6% thanh niên Trung Quốc đồng ý rằng trong chiến tranh thì có thể lạm dụng phụ nữ, trẻ em và tù nhân. Đây là một kết quả đáng sợ. 

Những gì các sinh viên "yêu nước" Trung Quốc đang thể hiện khi chống lại phong trào dân chủ Hồng Kông, phản ánh chính xác thứ văn hóa Giả - Ác - Đấu mà ĐCSTQ đã nhồi nhét vào đầu họ. Nó hoàn toàn trái ngược với các giá trị Chân - Thiện - Nhẫn, vốn là giá trị phổ quát của nhân loại văn minh trên toàn thế giới. Một cuộc chiến giữa Hồng Kông nhỏ bé với Trung Quốc đại lục khổng lồ đã phơi bầy cho cả thế giới và chính người dân Trung Quốc thấy những gì chính quyền của họ đã làm với đạo đức và phong thái của mảnh đất 5000 năm văn hiến. Và điều đó chỉ càng làm tăng thêm tính thuyết phục cho "Cách mạng Thời đại" của xứ Hương Cảng trước nhân dân thế giới.

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/toi-sinh-ra-trong-bo-may-tay-nao-o-trung-quoc_b2bcf128b.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét