Clara Schumann, nhà soạn nhạc và là nghệ sĩ piano người Đức. Bằng vào tài năng thiên phú của mình, bà đã để lại rất nhiều di sản âm nhạc và cũng là nghệ sĩ có sức ảnh hưởng to lớn đến các nghệ sĩ piano sau này trên toàn thế giới. Câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp, giàu hi sinh của Clara với Robert Schumann, cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng, đã trở thành một trong những mối tình lãng mạn nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới.
Một cuộc đời trọn vẹn vì “âm nhạc”
Clara Schumann, tên thời con gái là Clara Josephine Wieck (1819-1896) được nhớ đến là nghĩ sĩ đàn piano xuất sắc trong suốt những năm thế kỷ 19. Ngay khi chỉ mới 11 tuổi, Clara đã có buổi concert đầu tiên cho riêng mình, biểu diễn chung với dàn hợp xướng nổi tiếng Leipzig Gewandhaus, điểm bắt đầu cho sự nghiệp âm nhạc hơn 60 năm lừng lẫy của nữ nghệ sĩ. Clara chỉ ngừng biểu diễn khi điều kiện cơ thể không cho phép cô được tiếp tục, buổi biểu diễn cuối cùng của cô vào năm 1891, khi đó Clara đã 70 tuổi.
Clara đã sống một cuộc đời trọn vẹn, cô có một gia đình hạnh phúc, lại hết mình với tình yêu nghệ thuật. Không chỉ là nghệ sĩ đàn piano, cô còn là nhà soạn nhạc, giáo viên đàn piano và nhà biên tập âm nhạc nổi tiếng. Sau này, bà gặp gỡ, yêu đương rồi kết hôn với Robert Schumann, nhà soạn nhạc vĩ đại trong lịch sử âm nhạc thế giới, sau đó trở thành người mẹ hiền của tám người con. Bận bịu với công việc gia đình nhưng Clara không bỏ bễ sự nghiệp âm nhạc của mình, cô vẫn hằng ngày biên tập, chỉnh sửa các bản nhạc, cô còn cùng biểu diễn và sáng tác với chồng mình, Robert Schumann. Sau khi qua đời, Clara đã để lại rất nhiều các tuyệt tác âm nhạc cho thế hệ sau.
[caption id="attachment_1243203" align="aligncenter" width="700"] Clara Schumann bên cây đàn piano trên báo The Garden Arbor năm 1888. Ảnh: Epoch Times[/caption]
Thế nhưng cuộc sống không phải màu hồng, suốt cuộc đời mình, Clara đã trải qua không chỉ niềm vui, còn có nỗi buồn và sự mất mát đan xen. Chồng rời đi từ sớm (Robert mất năm 1856), Clara trở thành vợ góa con thơ, làm việc cực nhọc nuôi nấng con cái. Nhưng một trong tám người con lại mắc phải căn bệnh về vấn đề tinh thần, cô bốn lần trở thành “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Không chỉ thế, trong suốt cuộc đời mình, cô đã luôn phải kiên cường đấu tranh với các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Nhưng cuộc đời dù có gặp bao nhiêu khổ nạn, vất vả, Clara vẫn luôn chưa từng từ bỏ, chính tình yêu với âm nhạc đã cứu rỗi lấy cuộc đời bi thương của người phụ nữ tài năng ấy.
Sự nghiệp âm nhạc bắt đầu từ sớm
[caption id="attachment_1243206" align="aligncenter" width="700"] Clara Schumann, tác phẩm in bản thạch của Andreas Staub năm 1838. Ảnh: reddit.com[/caption]
Clara sinh ngày 13 tháng 9 năm 1819 ở vùng Leipzig, Đức. Bố cô, ông Friedrich Wieck, là thầy giáo dạy đàn piano nổi tiếng và sở hữu cho riêng mình một cửa hàng piano. Mẹ cô, bà Marianne Tromlitz, là nghệ sĩ dương cầm và ca sĩ giọng nữ cao nổi tiếng. Cô sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, chính điều này đã nuôi dưỡng nên tâm hồn âm nhạc ngay từ khi còn rất bé của Clara.
Cho đến năm 4 tuổi, Clara chưa một lần mở miệng nói bất cứ điều gì, dù chỉ là một từ, bố mẹ cô đã nghĩ cô bé bị câm điếc. Clara dường như chìm đắm vào thế giới riêng của cô bé, và tách hẳn với mọi người ra xa. Nhưng chính lúc này, âm nhạc đã cứu lấy cô bé cũng như cứu rỗi cả gia đình cô. Năm Clara 5 tuổi, lần đầu tiên, cha cô đã mở nhạc cho cô nghe, chính lúc ấy, ông mới phát hiện, cô không phải bị điếc, cô có thể trả lời bằng âm nhạc nhưng lại vẫn không nói một lời nào.
Quá trình đào tạo âm nhạc ở Clara rất đặc biệt. Bố cô đã dạy cô đàn piano cho đến khi cô 19 tuổi, và khi ông không thể dạy được tiếp nữa, ông đã thuê rất nhiều thầy giáo dạy tốt, có danh tiếng đến dạy thêm cho con gái mình. Sau khi học đàn piano, cũng như đã có một nền tảng kiến thức âm nhạc vững chắc, Clara bắt đầu học chơi đàn violon, học sáng tác và chơi trong dàn nhạc, thậm chí cô còn được dạy quản lý công ty âm nhạc.
Để trau dồi thêm các kiến thức ngoài sách vở cho con, ông Friedrich đã dẫn con gái tham gia các buổi chiếu phim, buổi biểu diễn opera cũng như các buổi biểu diễn quan trọng khác ở Leipzig.
Với Clara, bố cô là một người bố tốt, dù có nghiêm khắc, thậm chí là có chút gia trưởng và hay mắng mỏ đi nữa. Trong một bức thư cô viết hai năm trước khi qua đời, cô chia sẻ: “Ông ấy luôn luôn mắng tôi mỗi khi tôi thành công một việc nào đó, bởi như vậy sẽ ngăn tôi trở nên kiêu ngạo trước những lời tâng bốc mà mọi người dành cho tôi.”
Năm 11 tuổi, sau khi đạt được nhiều thành công với buổi biểu diễn đầu tiên, Clara đã được bố đưa đi du lịch khắp Pháp, Đức và Áo. Sau chuyến lưu diễn ở Vienna, Áo từ tháng 12 năm 1837 đến tháng 4 năm 1838, Clara khi đó chỉ mới 18 tuổi đã vinh dự được nhận giải thưởng âm nhạc cao quý nhất Áo.
[caption id="attachment_1243213" align="aligncenter" width="700"] Chân dung Clara và Robert Schumann tạc trên huy chương năm 1846, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Nhạc cụ tại Berlin. Ảnh: Epoch Times[/caption]
Câu chuyện tình lãng mạn nhất trong lịch sử âm nhạc
Robert Schumann (1810-1856) trở thành học trò của ông Friedrich năm Clara 11 tuổi. Bởi tài năng thiên bẩm cùng những thành công Clara đạt được khi chỉ còn rất nhỏ đã thu hút chàng trai Robert, nhưng từ sự ngưỡng mộ, đã dần chuyển thành tình yêu khi Clara lên 16. Sau khi 2 người bày tỏ và đến với nhau, ông Friedrich đã phản đối rất quyết liệt, làm mọi cách để chia rẽ cũng như ngăn cản đám cưới của cả hai nhưng không thành.
Sau sinh nhật tuổi 21 của Clara, 2 người đã quyết định tổ chức đám cưới. Schumann đã tặng cho Clara một cuốn nhật ký làm quà cưới, họ ghi lại mọi thứ vào quyển số con đó, cũng trở thành thói quen theo suốt 2 vợ chồng hằng bao nhiêu năm sau.
Sau khi lấy chồng, như truyền thống, Clara đã tạm gác lại công việc, sự nghiệp để dành thời gian cho gia đình, chồng con.
Có thể nói Clara như nàng thơ của Schumann, trong hầu hết các tác phẩm của ông đều có thể cảm nhận được hình bóng của Clara. Trong các bản nhạc của mình, ông thường thêm một số câu nói âm nhạc của vợ mình vào, không chỉ thế, các bài hát của Schumann đều được Clara sắp xếp lại.
Nhưng Schumann vẫn luôn ủng hộ tài năng của vợ. Ông thường lén xuất bản một số bài hát do Clara sáng tác, và đem chúng thành những món quà cực ý nghĩa tặng cho Clara vào ngày kỷ niệm đầu tiên của cả hai.
[caption id="attachment_1243218" align="aligncenter" width="600"] Tranh vẽ Robert và Clara Schumann trong tác phẩm “Những nhà soạn nhạc nổi tiếng và các tác phẩm của họ” được xuất bản năm 1906. Ảnh: Epoch Times[/caption]
Clara cũng là người đầu tiên chơi các bản nhạc của Schumann, bởi số phận nghiệt ngã đã cướp đi khả năng dùng bản tay phải của Schumann, khiến ông không còn khả năng chơi những bản nhạc của mình nữa. Schumann đã viết điều này trong một bức thư gửi người bạn, ông bày tỏ sự thất vọng của bản thân.
Schumann thật giống với câu nói “Người tài thường bị trời ghen tức”. Bị tước đi mất bàn tay phải cũng chưa phải điểm cuối của số phận nghiệt ngã ấy. Ngay khi ông vừa mới có thể đặt xuống sự tự ti về thân thể khiếm khuyết của mình, một lần nữa đặt trọn tâm cho âm nhạc, thì một cơn ác mộng khác lại ập đến. Ông bị mắc căn bệnh giang mai, điều này cũng bắt đầu cho chuỗi những ngày mắc bệnh tinh thần của ông.
Bị căn bệnh trầm cảm làm cho suy nhược, Schumann dường như mất đi khả năng của một người chủ gia đình, điều này buộc Clara phải đứng lên quản lý gia đình và kiếm tiền nuôi gia đình. Schumann đã viết cho Clara: “Em yêu, em là bàn tay phải của anh, em phải biết chăm sóc tốt cho mình, để không có gì có thể làm em lui bước.”
Năm 1854, Schumann được gửi đến bệnh viện tâm thần, nơi hai năm sau, ông qua đời.
Góa chồng chỉ khi mới 37 tuổi, Clara từ đó phải tham gia cũng như tổ chức các buổi biểu diễn trên toàn thế giới để có thể chu cấp đủ cho các con và các cháu. Sau khi Schumann mất, bà đã không còn tiếp tục sự nghiệp sáng tác nữa, mà chỉ tiếp tục chỉnh sửa và chơi các bản nhạc của chồng.
“Nghệ thuật là một phần trong cuộc đời tôi, nó quan trọng cũng như không khí chúng ta hít thở mỗi ngày vậy!” Clara chia sẻ năm 1868.
Năm 1878, Clara quyết định trở thành giáo viên dạy piano Nhạc viện Frankfurt, tiếp tục dạy cho đến năm 1892. Clara đã quyết đinh sẽ dạy nhạc cho đến cuối đời, cuối cùng bà qua đời vào năm 1896. Trước khi mất, bà đã được cháu trai Ferdinand đàn cho nghe ca khúc Romance op.28 no 2, bản nhạc định tình mà Schumann viết tặng Clara.
[caption id="attachment_1243221" align="aligncenter" width="420"] Clara Schumann. Ảnh: fembio.org[/caption]
Clara Schumann không chỉ là một trong số ít nghệ sĩ piano có sức ảnh hưởng lớn dưới thời đại của mình, cô còn cùng tài năng của mình để đem đến hạnh phúc cho những người xung quanh mình. Trong cả cuộc đời tràn ngập những khổ đau, bất hạnh, nhưng cô chưa từng đầu hàng số phận.
Cô kính trọng và biết ơn sự nghiêm khắc dạy bảo của cha mình; cô luôn yêu thương và dành cho chồng mình sự tôn trọng lớn nhất mặc cho căn bệnh tâm thần của ông; cô yêu thương và luôn ủng hộ các con.
Với Clara, Schumann không chỉ là người chồng, mà ông còn là nguồn cảm hứng bất tận cho cô, ông luôn dành cho cô sự tôn trọng lớn nhất, sự tồn tại của ông chính là hậu phương mạnh mẽ nhất cho cô.
Có lẽ chính sự hòa hợp, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau đã khiến Clara và Robert Schumann trở thành đôi nhạc sĩ hoàn hảo nhất trong lịch sử, và mối tình ấy cũng trở thành một trong những mối tình lãng mạn nhất trong lịch sử âm nhạc.
Mời quý độc giả cùng nghe ca khúc "Romance op.28 no 2", bản nhạc định tình mà Schumann viết tặng Clara:
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/romanze-op-28-no-2-by-robert-schumann-video_22053e8b2.html"]
Theo Epochtimes.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét