Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

Dấu ấn tuần qua: Bài phát biểu nhiều thông điệp của ông Trump tại Liên Hợp Quốc

Dấu ấn tuần qua: Bài phát biểu nhiều thông điệp của ông Trump tại Liên Hợp Quốc https://ift.tt/2nGM0Ru

Bài phát biểu của Tổng thống Trump hôm thứ Ba (24/9) tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) một lần nữa cho thấy lập trường nhất quán của chính phủ Mỹ đương nhiệm đối với những lực lượng coi thường nhân quyền, dân chủ và tự do. 

Có thể thấy, những thế lực chống lại các quyền cơ bản của con người luôn là đối tượng đấu tranh của Hoa Kỳ. Dân chủ, nhân quyền là những điều được khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, và một lần nữa được Tổng thống Trump đề cập trong phần đầu bài phát biểu của ông. 

Cố nhiên, giá trị của dân chủ, nhân quyền chỉ được phát huy, nhân rộng trong nước Mỹ và trên thế giới khi các thế lực chống lại nó bị đẩy lùi. Các chính quyền Mỹ trước đây không phải lúc nào cũng làm tốt việc đấu tranh với những thế lực như vậy. Ông Trump cũng từng chỉ ra rằng, có những chính quyền đã vô tình hoặc cố ý để những lực lượng này khuếch trương thanh thế.

Trong bài phát biểu chứa đựng nhiều thông điệp hôm thứ Ba, ông Trump cũng ít nhiều đề cập trở lại những ý này, bên cạnh đó là bày tỏ quan điểm đối với những lực lượng trong “danh sách đen” của Mỹ.

Công kích Trung Quốc

“Tương lai không thuộc về những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Tương lai thuộc về những người yêu nước. Tương lai thuộc về các quốc gia có chủ quyền và độc lập, những người [lãnh đạo] bảo vệ công dân của họ, tôn trọng hàng xóm của họ và tôn vinh sự khác biệt làm cho mỗi quốc gia trở nên đặc biệt và độc đáo”, Tổng thống Trump chỉ trích chủ nghĩa toàn cầu và đề cao tinh thần dân tộc.

Có thể hiểu, ông Trump tin rằng cái lớn được tổ thành từ cái nhỏ, vì thế nếu coi mỗi quốc gia là một lạp tử của thế giới, thì thế giới sẽ chỉ trở nên tốt đẹp khi mỗi lạp tử trong nó tự biết phải vận động để trưởng thành hơn, vì thế lòng yêu nước và tinh thần dân tộc là yếu tố quan trọng đảm bảo cho điều đó.

Ở phần sau, ông Trump chỉ ra sai lầm của các chính quyền Mỹ trước kia khi đã tin vào những lời hứa hẹn của Bắc Kinh, cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và hậu quả là giúp họ hưởng lợi từ toàn cầu hóa, tạo điều kiện cho họ phát huy kiểu làm ăn ma mãnh, khiến Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới chịu thiệt hại nặng nề.

[caption id="attachment_1242363" align="aligncenter" width="523"] Nhiều chuyên gia tin rằng, dưới thời Obama, Hoa Kỳ đã để cho Trung Quốc lấn lướt trên nhiều lĩnh vực. (Ảnh: AP)[/caption]

"Trung Quốc không chỉ từ chối thực hiện các cải cách đã hứa, mà còn áp dụng mô hình kinh tế sử dụng các rào cản thị trường [để cản trở hàng hóa nước ngoài vào Trung Quốc], bảo trợ quá mức doanh nghiệp trong nước, thao túng tiền tệ, bán phá giá sản phẩm, ép chuyển giao công nghệ, trộm cắp tài sản trí tuệ và cả bí mật thương mại trên quy mô lớn", Tổng thống Trump chỉ ra “bộ mặt thật” của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO.

"Hoa Kỳ đã mất 60.000 nhà máy sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Điều này đang xảy ra với các quốc gia khác trên toàn cầu".

Sau đó ông chủ Nhà Trắng đưa ra lời khuyên với WTO, đề nghị tổ chức này cần tải tổ và mạnh tay hơn nữa với những chiêu thức của Bắc Kinh: “WTO cần sự thay đổi mạnh mẽ. Không nên cho phép nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhận mình là một 'quốc gia đang phát triển' để thủ lợi".

Tổng thống chỉ ra thực tế rằng: "Trong nhiều năm qua, những lạm dụng này đã được dung thứ, bỏ qua hoặc thậm chí được khuyến khích. Chủ nghĩa toàn cầu đã tạo ra một sức hút tôn giáo đối với các nhà lãnh đạo trong quá khứ, khiến họ bỏ qua lợi ích quốc gia của chính mình".

Nhưng “những ngày đó đã qua. Để đối đầu với những hành vi không công bằng này, tôi đã áp mức thuế cao đối với hơn 500 tỷ đô la hàng [nhập khẩu] Trung Quốc. Và việc áp thuế đã mang lại kết quả, các chuỗi cung ứng đang quay trở lại Mỹ và các quốc gia khác, và kho bạc của chúng tôi đang nhận thêm hàng tỷ đô la [tiền thuế]”, Tổng thống Trump nói.

Răn đe các 'thế lực hắc ám' còn lại

Tổng thống Trump chỉ ra một lực lượng tai tiếng khác đang gây bất ổn cho an ninh và hòa bình thế giới: “Một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với các quốc gia yêu chuộng hòa bình hiện nay là chế độ đàn áp ở Iran. Tất cả chúng ta đều biết đến những kỷ lục của chế độ giết người và hủy diệt này. Iran không chỉ là nhà tài trợ số một thế giới cho khủng bố, mà các nhà lãnh đạo Iran còn đang đổ dầu vào các cuộc chiến bi thảm ở cả Syria và Yemen”.

"Đồng thời, chế độ này đang phung phí tiềm lực và tương lai của quốc gia bằng việc điên cuồng theo đuổi vũ khí hạt nhân và các cách để lan truyền những thứ này. Chúng tôi không bao giờ cho phép điều đó xảy ra", ông Trump nói.

[caption id="attachment_1242364" align="aligncenter" width="651"] Một tên lửa Ghadr-H (C) và một tên lửa Sejjil được trưng bày tại Quảng trường Bahisanan ở Tehran, Iran, ngày 24 tháng 9 năm 2017. (Ảnh: AP)[/caption]

Tiếp đó, Tổng thống Trump nói về các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Teheran nhằm ngăn chặn chế độ cầm quyền ở Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Trump nhấn mạnh rằng “chừng nào Iran còn chưa ngừng việc đe dọa, thì khi đó các biện pháp trừng phạt còn siết chặt”.

Tuy vậy Tổng thống Trump vẫn mở ra một con đường để Iran tiến tới hoa bình và thịnh vượng. Ông nói: "Sau bốn thập kỷ thất bại, đã đến lúc các nhà lãnh đạo Iran phải hướng về phía trước và ngừng đe dọa các quốc gia khác, đồng thời tập trung vào việc xây dựng đất nước của họ. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo Iran phải đặt người dân Iran lên trên hết".

Về vấn đề Triều Tiên, ông Trump nói nước Mỹ luôn tin tưởng rằng không bao giờ có kẻ thù vĩnh viễn. Ông cho biết: “Chúng tôi muốn có đối tác, không phải đối thủ. Nước Mỹ biết rằng trong khi bất cứ ai cũng có thể gây chiến, chỉ những người can đảm nhất mới có thể chọn hòa bình”.

“Vì vậy, chúng tôi đã theo đuổi chính sách ngoại giao táo bạo trên Bán đảo Triều Tiên. Tôi đã nói với Kim Jong Un điều tôi thực sự tin tưởng, đó là: giống như Iran, đất nước của anh ấy có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác, nhưng để nhận được cam kết, Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa”, ông Trump nói.

Tổng thống Trump cũng đề cập tới lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban, ông cho biết Mỹ đã hi vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình với lực lượng này, tuy nhiên họ không cho thấy thiện chí. Ông Trump nói: “Thật không may, Taliban đã chọn tiếp tục các cuộc tấn công man rợ của họ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong vấn đề Afghanistan nhằm dập tắt khủng bố, và chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng làm việc để biến hòa bình thành hiện thực”.

Tổng thống Mỹ dành ra khá nhiều thời gian để nói về một điểm nóng khác của thế giới: Venezuela. Ông Trump thẳng thắn chỉ ra rằng Nicolas Maduro, người đang cầm quyền trên thực tế ở Venezuela, là một tội đồ của đất nước Nam Mỹ khi chỉ là một “con rối” để Cuba giật dây, đồng thời để cho quốc gia “đồng chí” khai thác tài nguyên trên đất nước của người dân Venezuela.

[caption id="attachment_1242365" align="aligncenter" width="549"] Nicolas Maduro bị gọi là Tổng thống "tiếm quyền" của Venezuela khi thắng cử trong cuộc bầu cử gian dối vào tháng 5/2018, theo đánh giá của các nước phương Tây. (Ảnh: PBS)[/caption]

Chế độ Maduro bị tố cáo là thủ phạm gây ra khủng hoảng toàn diện ở Venezuela khiến hơn 4 triệu dân nước này phải chạy tới những nước láng giềng để tìm đường sống. Ông Trump trích dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, người Venezuela "[phải] đứng xếp hàng 10 tiếng mỗi ngày để chờ nhận được đồ ăn. Hơn 15.000 người đã bị giam giữ như các tù nhân chính trị. Các nhóm tử thần thời hiện đại đang thực hiện hàng ngàn vụ giết người phi pháp [ở Venezuela]".

Phần còn lại của bài phát biểu, Tổng thống Trump nói về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ông Trump khẳng định Hoa Kỳ sẽ không bao giờ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa.

Ông Trump đánh giá: "Các sự kiện ở Venezuela nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không bảo vệ công lý, chúng không bảo vệ sự bình đẳng, chúng không phải là để nâng đỡ người nghèo, và chúng chắc chắn không phải là vì lợi ích của quốc gia. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chỉ vì một điều: quyền lực cho giai cấp thống trị".

Ông Trump cho biết: “Trong thế kỷ trước, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đã giết chết 100 triệu người. Đáng buồn thay, như chúng ta thấy ở Venezuela, số người chết vẫn tiếp tục gia tăng ở đất nước này”.

Tự do, Dân chủ và Đức tin 

Cuối bài phát biểu ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump đề cập đến những giá trị mà Hoa Kỳ luôn theo đuổi, trong đó có quyền tự do, dân chủ và đức tin vào Thượng Đế.

"Tự do và dân chủ phải liên tục được đảm bảo và bảo vệ, cả ở nước ngoài và từ bên trong", ông Trump nói. "Ngay cả trong các quốc gia tự do, chúng ta [cũng] thấy những dấu hiệu đáng báo động và những thách thức mới đối với tự do".

Tổng thống Mỹ nhắc lại cam kết của ông về việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng. Ông khẳng định: "Chúng tôi mong muốn và ủng hộ tự do tín ngưỡng cho tất cả mọi người".

Vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ nhắn nhủ tới lãnh đạo các quốc gia ngồi dưới hội trường: "Với sự giúp đỡ của Thượng Đế, chúng ta sẽ cùng nhau loại bỏ những kẻ thù của tự do và vượt qua những kẻ áp bức nhân phẩm. Chúng ta sẽ thiết lập các tiêu chuẩn sống mới và đạt đến tầm cao mới về thành tựu của con người. Chúng ta sẽ tìm lại những chân lý cũ, làm sáng tỏ những bí ẩn trước đây và tạo ra những đột phá mới ly kỳ. Và chúng ta sẽ tìm thấy tình bạn đẹp hơn và hòa hợp hơn giữa các quốc gia hơn bao giờ hết".

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/tong-thong-trump-duc-tin-co-suc-manh-hon-chinh-quyen_5c98357c7.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét