Phát ngôn của bà Lê Thị Thu Hằng xoay quanh việc Trung Quốc rút tàu Hải Dương 8 khỏi vùng biển Việt Nam được chốt bằng yêu cầu các bên liên quan "không tái diễn sự vi phạm".
Hôm thứ Năm (24/10), truyền thông quốc tế và trong nước đưa tin về việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 cùng hai tàu tháp tùng của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và đi về hướng Trung Quốc.
Trong ngày 25/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng trước báo chí trong và ngoài nước về vấn đề này. Bà Hằng không bộc lộ thái độ trực tiếp với động thái rút tàu lần này của Trung Quốc, vì cho rằng đã "nhiều lần lên tiếng". Thay vì xác nhận việc tàu Hải Dương 8 rời khỏi vùng biển Việt Nam, bà Hằng nhắc đến yêu cầu không để sự việc lặp lại.
"Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm”, bà Hằng nói.
Căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh leo thang khi Trung Quốc điều tàu khảo sát Địa chất đến vùng biển ngoài khơi Việt Nam vào đầu tháng 7.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần cáo buộc tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt mọi hành động trái với luật pháp quốc tế và khẩn trương rút tàu.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuần trước kêu gọi sự kiềm chế ở Biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam “không bao giờ thỏa hiệp” về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
[caption id="attachment_1259692" align="alignnone" width="707"] Đường đi của tàu Hải Dương 8 ở vùng biển của Việt Nam (ảnh: Đài Á Châu Tự Do).[/caption]
Ở một diễn biến liên quan, các hãng thông tấn quốc tế cho hay, thời điểm Trung Quốc rút tàu thăm dò Hải Dương 8 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ngay sau khi giàn khoan Hakuryu-5 hoàn thành nhiệm vụ thăm dò gần khu vực Bãi Tư Chính.
Giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật được tập đoàn Rosneft của Nga thuê thăm dò dầu khí ở Lô 06.1 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam. Theo lời TS Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS, thì Trung Quốc kéo dành khoan Hải Dương 8 nhằm "gây áp lực lên Việt Nam để ngừng khai thác và sản xuất dầu khí chung với các đối tác nước ngoài trong khu vực này.”
Trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 24/10, một thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, Trung Quốc rút tàu còn có lý do cân nhắc tam giác quan hệ an ninh Trung Quốc - Việt Nam - Mỹ, đặc biệt trong tình hình Mỹ có các điều chỉnh mạnh mẽ trên bàn cờ an ninh chiến lược quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét