Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.
Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.
Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.
Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI
***
Hà Giang những tháng cuối năm luôn là điểm đến hấp dẫn đối với những ai yêu thích cánh đồng hoa tam giác mạch. Những bông hoa phơn phớt hồng không chỉ mang đến cảnh đẹp mà còn được dùng để tạo ra một món ăn mang đặc trưng của vùng cao nguyên đá.
Vào tháng 10 hàng năm hoa tam giác mạch bắt đầu khoe sắc tô điểm cho những phiến đá tai mèo một sắc hồng phơn phớt ấm áp, như mời gọi những kẻ lữ hành tới chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp say lòng người. Không những vậy, loài hoa tam giác mạch ấy còn mang trong mình một truyền thuyết và những ý nghĩa trong đời sống của người dân Hà Giang mà không phải ai cũng biết.
[caption id="attachment_1062477" align="alignnone" width="640"] Ảnh: Đại Kỷ Nguyên [/caption]
Sự tích hoa tam giác mạch
Chuyện kể rằng nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi,và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch”.
[caption id="attachment_1062475" align="alignnone" width="640"] Ảnh: Đại Kỷ Nguyên[/caption]
Người Mông còn gọi tam giác mạch là “chez”. Sau mùa lúa nương thu hoạch, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt tam giác mạch, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch. Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Kết quả và thành hạt, khi thu hoạch có thể xay tam giác mạch thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên thứ rượu có hương vị thật đặc biệt như rượu đặc sản Bản Phố (Bắc Hà), Nậm Pung (Bát Xát), Mản Thẩn (Si Ma Cai)...
Bánh tam giác mạch
Cứ sau mỗi mùa hoa, người dân ở đây lại thu hoạch hạt tam giác mạch để phơi khô và xay nhỏ thành bột làm bánh. Loại hạt này rất nhỏ, chỉ bằng một nửa hạt đỗ đen nhưng lại chứa giá trị dinh dưỡng cao. Và vì được trồng trong môi trường tự nhiên nên tam giác mạch ở Hà Giang không bị tác động bởi hóa chất độc hại.
[caption id="attachment_1062473" align="alignnone" width="598"] Ảnh: trangtraiviet.vn[/caption]
Khi lên các chợ phiên ở Hà Giang, không khó để bạn bắt gặp rất nhiều phụ nữ dân tộc trong trang phục váy xòe hoa ngồi bên bếp than nóng hổi cùng những chồng bánh nhiều màu, trong đó màu vàng là bánh bột ngô, màu trắng là bánh ngô nếp, còn màu tím nhạt với những chấm tím sậm nổi lên chính là bánh tam giác mạch.
[caption id="attachment_1062471" align="alignnone" width="640"] Ảnh: Đại Kỷ Nguyên[/caption]
Để làm ra những chiếc bánh tam giác mạch thơm ngon, người dân nơi đây phải tốn khá nhiều công đoạn thực hiện. Đầu tiên, hạt tam giác mạch khi mới hái về phải đem phơi khô đủ độ rồi mang đi xay bằng tay. Khi xay cũng phải thật cẩn thận, tỉ mỉ cho đến khi hạt tam giác mạch mịn đều ra thì bánh nướng lên mới không bị lợn cợn. Tiếp đó là nhào bột với nước rồi đúc thành những miếng bánh tròn dẹt, có đường kính hơn một gang tay. Sau khi đem hấp chín, bánh sẽ được nướng trên than hồng cho nóng và thơm hơn.
[caption id="attachment_1062478" align="alignnone" width="640"] Ảnh: cms.gotadi.com[/caption]
Khi thưởng thức chiếc bánh, bạn xé nhỏ bánh ra sẽ thấy rõ vị hăng đặc trưng của tam giác mạch lẫn trong vị bùi béo, mềm xốp. Giá cho một chiếc bánh tam giác mạch dao động từ 10k - 15k/chiếc.
[caption id="attachment_1062474" align="alignnone" width="628"] Ảnh: phontooc.com[/caption]
Những gói bánh tam giác mạch dẻo hoặc bánh tam giác mạch giòn cũng là "đặc sản" được nhiều du khách lựa chọn để mua về làm quà cho người thân. Ngoài bánh tam giác mạch, Hà Giang còn có nhiều loại bánh nổi tiếng khác như bánh ba kích, bánh khẩu mang, bánh cốm nếp hái giòn, bánh cốm nếp hái dẻo...
Video xem thêm: Mong sao sẽ không còn ai phải gục ngã… giữa đường đời
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/lang-dong-dem-ve-so-634-mong-sao-se-khong-con-ai-phai-guc-nga-giua-duong-doi_be7ae6f5a.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét