Vùng đất Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang là mảnh đất giàu có trù phú, đặc biệt có phong thủy đắc địa. Tương truyền, Ôn Châu có thiên thời địa lợi như vậy là do đã được thiết kế theo vị trí của nhị thập bát tú, tức 28 vì tinh tú.
Nhắc đến ý nghĩa của nhị thập bát tú đối với phong thủy, trước hết cần nhắc đến quan điểm “Thiên nhân hợp nhất” và các chòm sao lớn trên bầu trời.
Lão Tử giảng: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Cổ nhân tin rằng “Thiên Nhân hợp nhất”, người và trời cùng hòa hợp, Đạo và tự nhiên cũng là khởi nguồn cho giá trị tinh thần của nhân loại.
Trong cổ thư có câu: “Người có Đạo, trên biết thiên văn, dưới tường địa lý, giữa đó là biết việc người”. Thiên - Địa - Nhân, vạn sự vạn vật trong trời đất là một chỉnh thể thống nhất không thể tách rời. Con người sống giữa tự nhiên nên cũng là một bộ phận của thế giới vật chất, hay nói cách khác, con người và tự nhiên là một thể hoàn chỉnh.
Bốn chòm sao Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ
Liên quan đến 28 vì tinh tú là bốn chòm sao lớn: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, và Huyền Vũ. Trong rất nhiều kiến trúc cổ Trung Hoa, đặc biệt trên rất nhiều mái ngói có thể dễ dàng thấy những hình hoa văn về bốn chòm sao này. Trong hoàng cung, người ta cũng dùng những danh từ như Huyền Vũ, Chu Tước... để đặt tên cho rất nhiều kiến trúc khác nhau. Ví dụ, trong thành Trường An thời nhà Đường và cung thành Biện Lương thời Bắc Tống, cửa phía nam được gọi là Chu Tước Môn. Ngũ Phượng Lầu của Tử Cấm Thành thời Minh Thanh cũng được gọi là Chu Tước Môn, trong khi cửa cung phía bắc được gọi là Huyền Vũ Môn.
Vậy, những tên gọi ấy có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?
Từ những ngôi sao trên bầu trời, người xưa phân thành bốn khu vực lớn, mỗi khu vực lại tượng trưng cho một loài động vật. Tượng phía đông là rồng, tượng phía tây là hổ, phía nam là phượng hoàng, phía bắc là rùa và rắn. Đó chính là bốn loại thần thú mà người xưa thường đề cập.
Tứ tượng, hay tứ thánh thú, là một hình tượng ‘bộ tứ’ trong thiên văn, triết học, và phong thủy của phương Đông. Bốn thánh thú trong các chòm sao cổ đại bao gồm: Thanh Long của phương Đông, Chu Tước của phương Nam, Bạch Hổ của phương Tây, và Huyền Vũ của phương Bắc.
Trong thiên văn học, tứ tượng là bốn cung Đông - Tây - Nam - Bắc của nhị thập bát tú. Mỗi chòm Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước được hợp từ bảy chòm sao.
Chòm sao Thanh Long (rồng xanh) gồm bảy chòm sao nhỏ hơn hợp thành, bao gồm: Giác (cá sấu), Cang (rồng), Đê (cu li), Phòng (thỏ), Tâm (cáo), Vĩ (cọp) và Cơ (báo). Thanh Long là linh vật thiêng liêng bậc nhất trong bốn thần thú, thời cổ đại gọi là Thương Long, có tượng là hình con rồng, màu là màu xanh tượng trưng cho hành Mộc ở phương Đông, do đó Thanh Long tương ứng với mùa xuân.
Chòm sao Bạch Hổ (cọp trắng) gồm: Khuê (sói), Lâu (chó), Vị (trĩ), Mão (gà), Tất (quạ), Chủy (khỉ) và Sâm (vượn). Đây là linh vật thiêng liêng có hình tượng là con hổ, màu là màu trắng tượng trưng cho hành Kim ở phương Tây, do đó Bạch Hổ tương ứng với mùa thu.
Chòm sao Chu Tước (phượng hoàng đỏ) gồm: Tỉnh (bò), Quỷ (dê), Liễu (hoẵng), Tinh (ngựa), Trương (nai), Dực (rắn) và Chẩn (giun), mang màu đỏ của hành Hỏa ở phương Nam, do đó tương ứng với mùa hạ.
Chòm sao Huyền Vũ (rùa và rắn đen) gồm: Đẩu (cua), Ngưu (trâu), Nữ (dơi), Hư (chuột), Nguy (én), Thất (heo) và Bích (nhím). Trong truyền thuyết của người Á Đông, Phục Hy là tổ phụ có hình rắn, Nữ Oa là tổ mẫu có hình rùa. Sự kết hợp giữa rắn và rùa tượng trưng cho sự trường tồn và sức mạnh.
Vậy, màu sắc 'thanh, bạch, chu, huyền' biểu thị điều gì?
Cổ nhân tin rằng kim, mộc, thủy, hỏa, thổ cấu thành nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Ngũ hành lại đối ứng với năm phương là đông, tây, nam, bắc, trung và năm màu sắc là xanh, đỏ, trắng, đen, vàng. Hướng đông trong ngũ hành thuộc mộc, đối ứng với màu xanh. Phía tây thuộc kim, đối ứng với màu trắng. Phía nam thuộc hỏa, đối ứng với màu đỏ. Phía bắc thuộc thủy, đối ứng với màu đen. Ở giữa thuộc mộc, đối ứng với màu vàng. Tứ tượng tương thông với màu sắc của ngũ hành, kết hợp với các phương vị tạo thành ý nghĩa Đông Thanh Long, Tây Bạch Hổ, Nam Chu Tước, Bắc Huyền Vũ.
Bốn chòm sao mỗi chòm có bảy vì sao lớn, trong mỗi vì sao lớn lại do vô số các ngôi sao nhỏ tổ hợp thành. Bốn phương cộng lại hợp thành nhị thập bát tú (28 vì tinh tú). Có thể tưởng tượng mỗi vì sao nhỏ tồn tại trên bầu trời giống như một cung điện trên thiên giới. Thập nhị bát tú cũng liên quan đến sự chuyển động của mặt trăng, mặt trăng đi qua những ngôi sao này mỗi ngày, đi qua hết thập nhị bát tú là vừa tròn một tháng.
Nguồn gốc của “nhị thập bát tú”
Vào đời thượng cổ, vua Trụ nhà Thương là kẻ hôn quân vô đạo khiến bách tính lầm than, tạo đà cho vua Vũ của nhà Chu dấy binh trừ bạo, từ đó xảy ra cuộc chiến Chu – Thương trong lịch sử. Hai giáo phái trong Đạo gia là Xiển giáo và Triệt giáo cũng tham gia vào cuộc chiến này. Xiển giáo dưới sự dẫn dắt của Nguyên Thủy Thiên Tôn đã bảo hộ cho nhà Chu, trong khi đó Triệt giáo do Linh Bảo Thiên Tôn dẫn dắt lại có nhiệm vụ bảo vệ nhà Thương.
Trước khi xảy ra chiến tranh, các vị giáo chủ thống nhất họp bàn về bảng phong Thần. Trước bối cảnh nhiều người tu hành đắc Đạo nhưng lại thiếu Thần cai quản sông núi và thừa hành mệnh lệnh của trời đất, vậy nên, những người tu Đạo nhưng đức độ còn kém sẽ bị giáng xuống làm Thần, có nhiệm vụ cai quản địa hạt của mình. Xiển giáo có quy định nghiêm ngặt, chỉ nhận người có khí chất bất phàm vào làm đệ tử, tu tiên học Đạo. Trong khi đó, Triệt giáo mở rộng cửa nhận đệ tử, rất nhiều là động vật hút linh khí vũ trụ để tu luyện, nhưng bản tính vẫn không thay đổi. Vì thế rất nhiều đệ tử trong phái Triệt giáo có tên trên bảng phong Thần.
Linh Bảo Thiên Tôn ban đầu đóng cửa ở trong phòng, viết đôi câu đối ở cửa Bích Du dặn học trò rằng không được nhúng tay vào chiến sự, để mặc vạn vật trong vũ trụ diễn ra theo quy luật tự nhiên. Thế nhưng sau đó do mâu thuẫn lớn về hệ tư tưởng, đồng thời lại nghe học trò xúi giục nên Linh Bảo Thiên Tôn quyết định tham chiến, lập trận Tru Tiên rồi lại trận Vạn Tiên, xét xem ai sẽ thành Tiên, và ai sẽ trở thành Thần làm các nhiệm vụ được giao. Trong trận Vạn Tiên, Xiển giáo đã tung bốn thanh gươm thần lên và tung hoành trong thế trận, biến trận Vạn Tiên thành nơi định đoạt số mệnh của nhiều học trò Triệt giáo, trong đó có hai 28 vị đạo sĩ được phong Thần và trở thành 28 ngôi sao trên bầu trời.
Trong các bộ phim thần thoại, những tinh tú này thường có hình dáng và diện mạo rất kỳ dị. Đó là vì sau trận Vạn Tiên, một số loài vật tu Đạo được phong Thần và cai quản 28 vì sao nói trên. Đây chính là “nhị thập bát tú” mà chúng ta đang nói đến.
Tại sao Ôn Châu là mảnh đất phong thủy bảo địa?
Vùng đất Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang là mảnh đất giàu có trù phú. Nơi đây có nhiều doanh nhân nổi tiếng, việc giao thương buôn bán cũng vô cùng thuận lợi. Tương truyền, Ôn Châu có thiên thời địa lợi như vậy là do đã được bậc kỳ tài phong thủy thời Đông Tấn là Quách Phác thiết kế.
Quách Phác (276-324 sau Công Nguyên) là một văn học gia, đồng thời cũng là một học giả chú giải các kinh điển cổ đại. Ông tên chữ là Cảnh Thuần, người ở Văn Hỷ, Hà Đông (nay thuộc Sơn Tây, Trung Quốc). Ông là chuyên gia hàng đầu về cổ học văn kỳ tự, từ phú, đồng thời cũng có nhiều nghiên cứu về âm dương ngũ hành và Dịch Kinh. Ông từng chú giải rất nhiều kinh điển quan trọng như Chu Dịch, Sơn Hải Kinh… Quách Phác được hậu thế tôn vinh là bậc tổ sư khai sơn của ngành phong thủy, luận về phong thủy học không thể không nói đến Quách Phác. Sách Tấn Thư viết về ông như sau: "Phác chuyên học Kinh Thuật, có tài cao", "Giỏi về cổ văn kỳ tự, có hiểu biết sâu sắc về thuật toán âm dương ngũ hành", "Hiểu sâu sắc về bói Kinh Dịch và ngũ hành, chuyển họa tránh tai, thông biến vô cùng".
Hiện nay trong thành vẫn còn núi Quách Công và từ đường Quách Công, vốn là nơi tưởng nhớ công lao của Quách Phú. Thành nội Ôn Châu có 28 chiếc giếng, tương truyền là do Quách Phác dựa theo vị trí của nhị thập bát tú trên trời mà thiết kế, sau đó lại lựa chọn mảnh đất thích hợp và cho người xây dựng. Lại theo triết lý và cấu trúc địa hình, ông đã thiết kế thành Ôn Châu nằm trong khuôn viên của 64 con suối. Người ta tin rằng Ôn Châu nhờ có phong thủy đắc địa, nên có thể tránh được chiến tranh.
Sau khi được Quách Phác thiết kế, thành Ôn Châu quả nhiên phong sinh thủy khởi, không những nhanh chóng phát triển thịnh vượng, thành trì kiên cố, mà còn thoát khỏi nhiều cuộc chiến binh đao. Có thể nói, nhờ có sự đối ứng giữa trật tự trên trời và mặt đất, nên những nơi được coi là phong thủy bảo đại thường có liên quan đến thiên tượng và địa lý trên bầu trời.
Theo Dương Thuật Chi, Soundofhope
Kiên Định biên dịch
Video: Phong thuỷ thay đổi, Hồng Kông rơi vào tay giặc như thế nào?
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/phong-thuy-thay-doi-hong-kong-roi-vao-tay-giac-nhu-the-nao_e12211e03.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét