Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Đàn ông đánh vợ: Nam nhi tự cường đầu tiên cần tự chủ

Đàn ông đánh vợ: Nam nhi tự cường đầu tiên cần tự chủ https://ift.tt/2Hvs76D

Chỉ trong vòng một tuần, hai đoạn video các ông chồng đánh vợ đang ôm con nhỏ được tung lên mạng khiến cộng đồng phẫn nộ. Khí chất đại trượng phu liệu đã xói mòn, nam nhi tự cường liệu có phải là tùy tiện dùng vũ lực lên chính người mà ta có thệ nguyện chở che cả đời?

Tối ngày 21/8, một tài khoản mạng xã hội Facebook đưa lên đoạn video ghi lại cảnh gia đình bốn người ngồi trong phòng khách. Sau đó người phụ nữ bồng con nhỏ đứng lên khỏi ghế sofa, người đàn ông chạy theo đánh tới tấp vào đầu người xem ra là vợ mình. Một em nhỏ ngồi im nhìn cảnh tượng bạo hành trên, như bất lực hoặc đã quá quen thuộc, rồi quay mặt đi.

Đến sáng ngày 27/8, dư luận lại một lần nữa bức xúc khi thấy một đoạn video về chị L. (28 tuổi) bị chồng đấm đá, tát và ném sỏi vào người dù trên tay đang bồng con nhỏ mới được 2 tháng tuổi. Theo Dân Trí, mâu thuẫn phát sinh do chị L. chuyển tivi từ phòng này sang phòng khác mà không hỏi chồng là anh V.

Gia đình nào cũng có lúc xích mích, hai tính cách hoàn toàn khác nhau khi về chung sống dưới một mái nhà thì mâu thuẫn, xung khắc là điều dễ hiểu. Có khi chỉ một hành động nhỏ, lời nói nhỏ cũng khiến đối phương cảm thấy không thể chấp nhận được. Những nguyên tắc sống, thói quen, thậm chí cả cảm xúc của mình cũng dễ dàng bị người kia gây xáo trộn. Khó chịu là thường, nhẫn nhịn được là khó, cảm thông được lại càng khó hơn.

Thế nhưng luôn có một giới hạn chịu đựng thấp nhất để ta không tự biến mình thành kẻ thất phu chân tay nhanh hơn suy nghĩ. Là người chồng cao lớn như Trời, chở che gia đình mình, lại càng chẳng thể ra tay tàn khốc với vợ con.

[caption id="attachment_1221059" align="alignnone" width="800"] Cảnh một người chồng đánh đập người vợ đang bế con nhỏ được camera ghi lại.[/caption]

Đại dũng là chỗ cùng cực của điềm đạm

Dũng khí xưa nay vốn là niềm tự hào của cánh đàn ông. Nhưng nếu chỉ hiểu cái dũng là sức mạnh, sự can đảm… hoặc thiển cận hơn là cơ bắp cuồn cuộn, ăn to nói lớn, đi dứng hiên ngang, là luôn chiến thắng, luôn ở thế thượng phong, lấn át người khác, thì đó hẳn là một thiếu sót.

Tô Đông Pha từng nói rằng:

“Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt, ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng nhân tình có chỗ không thể nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt kiếm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Kẻ đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cố bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy…”

Ranh giới phân biệt kẻ thất phu với bậc đại dũng là ở chỗ có thể bình tĩnh, bất động tâm trước những xung kích mãnh liệt tổn hại thân thể lẫn tinh thần hay không. Đột nhiên đi đường bị người tạt đầu xe, người thì ngay lập tức chửi mắng hoặc lầm bầm trong miệng, người lại thản nhiên coi như không và tiếp tục đi. Vừa về nhà, đột nhiên vợ cáu kỉnh vì vừa mới sinh xong tâm trạng nặng nề, mệt mỏi. Người thấy vô lý không chịu được mà cự nự, người lại cười xòa, hỏi han, nắn bóp tay chân cho vợ. Đó là cái chỗ khác nhau giữa sự điềm đạm của người có hàm dưỡng và sự xốc nổi, dễ bị kích động của người coi trọng cảm giác cá nhân.

Nhà văn Nguyễn Duy Cần đã từng viết trong cuốn “Cái dũng của thánh nhân” rằng:

Cái dũng của thánh nhân, tức là chỗ cùng cực của điềm đạm.

Sau đó ông giải thích, người điềm đạm là người đã làm chủ được cả tình cảm, dục vọng và ý chí của mình. Nếu vì lời nói, hành động của người khác mà nổi xung, thì hóa ra người khác làm chủ cảm xúc suy nghĩ của ta mất rồi. Điềm đạm ấy chính là đức Nhẫn. Nhẫn không phải là nhẫn nhịn, chịu đựng trong uất hận, ghim thù quyết trả, mà là sự bao dung, không thấy tổn thương khi chịu thiệt thòi.

Cái Nhẫn, cái điềm đạm ấy mới là cái dũng tối thượng, nào phải ở vũ lực trấn nhiếp kẻ yếu hơn mình.

[caption id="attachment_1221061" align="alignnone" width="480"] Nhà văn Nguyễn Duy Cần, ảnh chụp năm 1993. (Nguồn: Thethaovanhoa)[/caption]

Nam nhi tự cường đầu tiên cần tự chủ

Cũng lại có câu “Nam nhi thì phải tự cường”, tự cường ấy là làm cho mình mạnh mẽ lên, không nhờ vả ai. Nhưng cứ khăng khăng theo suy nghĩ của mình, làm việc gì hễ có điều không ưng ý liền đổ thừa cho những thứ ngoài mình, trừ mình ra, thì đâu phải là tự cường nữa.

Khi con còn nhỏ, các bà mẹ thấy con vấp vào ghế ngã, liền lao ra đỡ, nói “đánh chừa” cái ghế. Cứ với cái tâm lý “hướng ngoại” đổ cho khách quan, cho người khác, cho số phận ấy, người đàn ông trưởng thành khi không thể hòa hợp với vợ chỉ biết nhiếc móc, thậm chí đến mức đánh đập vợ cho thỏa cái đúng, cái thế bề trên của bản thân.

Không tự kìm chế, thay đổi mình trước rồi mới trách móc người khác, thì sao gọi là tự cường. Người đứng ở cao hơn, nhìn xa hơn, chẳng phải sẽ càng bao dung, ấm áp hơn.

Người luôn thấy mình đúng, nên có quyền phán xét, trừng phạt người khác thì sẽ vô tâm vì không đặt mình vào vị trí người khác. Đã gọi là vô tâm thì có nghĩa là cũng chẳng níu giữ được cái tâm mình mà để cho ngoại cảnh lôi cuốn, sai khiến. Thế chẳng phải làm nô lệ cho cảm giác của mình? Người khác đụng chút là nổi khùng, nổi xung, miếng lời khó nghe nào cũng có thể văng ra không kiểm soát, thậm chí thượng chẳng chân, hạ cẳng tay đủ cả. Người như vậy vừa không có trách nhiệm với người, cũng lại chẳng có trách nhiệm với mình. Hành động trước, suy nghĩ sau thì dễ gánh hậu quả tiêu cực mà thôi.

Nam nhi tự cường, không phải là cái gì cũng tự thân làm hết, tự mình quyết đoán hết, tự mình phán xét và hành động. Mà nó còn là tự chủ, làm chủ được bản thân, từ cảm xúc tới hành động. Người tự chủ thì mới có trách nhiệm trong những việc mà như nhà văn Nguyễn Duy Cần nói là “hưng vong tri loạn của gia đình, của quốc gia, của xã hội, của nhân loại” được.

Bạn đang đọc bài viết: "Đàn ông đánh vợ: Nam nhi tự cường đầu tiên cần tự chủ" tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/toi-ac-dan-den-diet-vong_e52317cb8.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét