Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đã đệ trình Bắc Kinh một báo cáo đánh giá 5 yêu cầu của người biểu tình. Bà nhận thấy, việc rút dự luật dẫn độ có thể xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị đang gia tăng nhưng Bắc Kinh ra lệnh cho bà không được phép nhượng bộ đối với người biểu tình.
Ba nguồn tin cho Reuters biết, chính phủ Trung ương Trung Quốc đã từ chối đề xuất rút dự luật dẫn độ của bà Carrie Lam.
Lời cự tuyệt của Bắc Kinh đối với đề nghị của bà Lâm nhằm dàn xếp cuộc khủng hoảng cho thấy mức độ Trung Quốc kiểm soát chính phủ Hồng Kông trong việc xử lý tình trạng ở đặc khu. Chính phủ đại lục lên án các cuộc biểu tình, cáo buộc các thế lực nước ngoài gây ra tình trạng bất ổn. Bộ Ngoại giao nhiều lần cảnh báo các quốc gia khác không can thiệp vào vấn đề Hồng Kông, nhấn mạnh rằng đây là vấn đề nội bộ.
Báo cáo của bà Lam được thực hiện trước cuộc họp ngày 7/8 tại Thẩm Quyến về khủng hoảng Hồng Kông. Cuộc họp do các quan chức cấp cao Trung Quốc chủ trì. Nguồn tin của Reuters cho biết, báo cáo đã kiểm tra kỹ lưỡng tính khả thi trong 5 yêu cầu của người biểu tình, và phân tích nhượng bộ một vài yêu cầu đó để làm dịu tình hình.
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/trung-quoc-khong-the-tham-sat-thien-an-mon-o-hong-kong_98ee87f69.html"]
Ngoài việc rút dự luật dẫn độ, báo cáo của Trưởng đặc khu phân tích các yêu cầu của người biểu tình, bao gồm: một cuộc điều tra độc lập về các cuộc biểu tình, bầu cử dân chủ, bỏ thuật ngữ "bạo loạn" khi mô tả các cuộc biểu tình, giảm bớt cáo buộc đối với những người bị bắt.
Theo một quan chức cấp cao giấu tên thuộc chính quyền Hồng Kông, hai yêu cầu gồm rút dự luật và một cuộc điều tra độc lập được coi là khả thi nhất về mặt chính trị. Nếu chính quyền Hồng Kông thực hiện hai yêu cầu này có thể khiến người biểu tình dịu đi sau khi đã nổi giận vì sự im lặng của bà Lam. Tuy nhiên, vị quan chức Hồng Kông cho biết, Bắc Kinh yêu cầu bà Lam không được rút dự luật hay mở điều tra về vụ hỗn loạn, bao gồm các cáo buộc cảnh sát đã có những hành động thái quá.
Một nguồn tin có mối quan hệ chặt chẽ với các quan chức cấp cao Hồng Kông xác nhận với Reuters rằng, chính phủ Hồng Kông đã đệ trình báo cáo với Bắc Kinh.
Nguồn tin nói: "Bắc Kinh bác bỏ tất cả 5 yêu cầu. Tình trạng phức tạp hơn nhiều so với tất cả những gì mọi người hình dung".
Một quan chức cấp cao Trung Quốc cho biết, chính phủ Hồng Kông đã đệ trình báo cáo lên Nhóm điều phối Trung ương về các vấn đề Hồng Kông và Macau. Dẫn đầu nhóm điều phối là Hải Hàn Chính (Han Zheng), thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, và Chủ tịch Tập Cận Bình biết rõ sự việc.
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/trung-quoc-so-nhat-phung-cuu-tat-loan-cuoc-chien-nhan-quyen-nam-2019-da-khai-hoa_41fd9f6bb.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét