Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

Thấy gì từ chuyện khách sạn đuổi người trú mưa và siêu thị kê ghế cho người tránh nóng?

Thấy gì từ chuyện khách sạn đuổi người trú mưa và siêu thị kê ghế cho người tránh nóng? https://ift.tt/2Ln0b6j

Trong cơn mưa giông lớn chiều tối ngày 29/8, một bảo vệ đã nhất quyết không cho người đi đường trú mưa bên sảnh khách sạn 5 sao. Cả bảo vệ và đại diện lễ tân khách sạn đều cho rằng đó là vì công việc, và họ đang làm đúng nhiệm vụ của mình.

Việc phán xét nhân viên khách sạn thật ra cũng khó khăn như việc họ phải lựa chọn giữa hoàn thành tốt công việc hay du di một chút trong những trường hợp khẩn cấp. Có thể với một số người, việc ưu tiên an toàn và lợi ích của người khác lên trên hết thảy là điều đương nhiên. Nhưng một số người ưu tiên nguyên tắc và trách nhiệm với công việc thì lại có thể có cách nghĩ khác.

Chúng ta khác nhau, đó là một thực tế. Và bởi vì chúng ta khác nhau, nên trong những trường hợp tương tự cũng có những cách xử lý rất khác nhau. Vậy nên tôi muốn đặt những câu chuyện với cách xử lý khác bên cạnh câu chuyện này để tự mình rút ra bài học cho bản thân.

Còn nhớ, trong đợt nắng nóng kéo dài và khắc nghiệt đầu hè năm nay, nhiều người dân không biết tránh nóng ở đâu đã vào nằm ngồi la liệt trong một trung tâm thương mại lớn của Nhật Bản ở Hà Nội. Trong khi cộng đồng mạng chia sẻ các bức ảnh dân ta vạ vật trong một trung tâm sang trọng với những lời bình luận như “thật phản cảm”, “mất mỹ quan”… thì trung tâm Aeon Mall Long Biên đã ngay lập tức cho kê thêm bàn ghế ở sảnh để người dân không phải nằm hay ngồi bệt xuống đất.

Aeon Mall đã cứu cho người Việt một bàn thua, cả những người nằm ngồi la liệt tranh thủ điều hòa mát rượi của trung tâm lẫn những người chê bai trên mạng. Và họ cũng đồng thời ghi thêm điểm cho mình bằng một hành động hơn vạn lần các chiêu thức quảng bá tốn kém.

[caption id="attachment_1222103" align="alignnone" width="800"] Người dân kéo vào TTTM Aeon Mall Long Biên nằm ngồi la liệt để tránh nóng. Nhiều người còn mang theo cả đồ ăn thức uống, đồng thời nằm ngủ ngon lành trên sàn[/caption]

Cũng không rõ ý của Aeon Mall là muốn hỗ trợ người tránh nóng có chỗ ngồi hay nhắc nhở rằng nằm ngồi như vậy là không nên. Nhưng dù thế nào, thì tất cả những gì họ làm đều là vì những vị khách không mời này. Nếu không phải vì sự thuận tiện cho người khác thì cũng vì ý thức công dân và nhân cách của mình.

Giáo dục không cách nào tốt bằng "hãy vì người khác trước". Và trước tiên vì người khác thì chính mình lúc nào đó cũng sẽ được lợi. Trong số những vị khách được cung cấp chỗ ngồi mát mẻ kia, chắc chắn sẽ có người là khách hàng tiềm năng trong tương lai của Aeon Mall. Điều này hoàn toàn trùng khớp với triết lý kinh doanh “lợi tha” của người Nhật: Đem lợi cho người thì cũng là lợi cho mình. Và vì người trước, nên trung tâm cũng tránh được tình cảnh hỗn loạn, ngổn ngang mất thẩm mỹ trong đại sảnh của mình. Thậm chí nhiều người đến mua hàng sẽ thấy trung tâm rất đông khách nên sảnh chật kín người.

Mới đây có câu chuyện về bác bảo vệ đối đãi nhân văn với người tâm thần vào uống bia không trả tiền trong siêu thị, cũng làm nức lòng dư luận. Giữa siêu thị hiện đại, sạch sẽ, một người tâm thần lếch thếch đi chân trần vào trong thản nhiên mở bia ra uống. Nhân viên sợ hãi và cũng vì muốn tránh phiền hà cho khách hàng nên đề nghị đuổi anh kia ra. Nhưng bác bảo vệ nhẫn nại đi theo canh chừng và nói với anh rằng: “Rồi, thôi mình mua xong rồi thì mình ra chơi ha”. Bác cũng trả tiền cho lon bia đó và cho anh ấy phần cơm hộp của mình.

[caption id="attachment_1222105" align="alignnone" width="598"] Cậu chuyện của bác bảo vệ Vinmart đăng trên mạng xã hội thời gian vừa qua cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của cộn đồng mạng. (Ảnh: Saigontanhky)[/caption]

“Mọi sự so sánh đều là khập khiễng”, nhưng những câu chuyện trên đều có chung một điểm: Những cơ sở kinh doanh sang trọng, sạch đẹp đều muốn khẳng định “đẳng cấp”, chất lượng dịch vụ và hình ảnh thương hiệu của mình. Đồng thời họ cũng muốn tránh cho khách hàng sự bất tiện khi sử dụng dịch vụ, nên họ sẽ buộc phải hành động khi thấy những điều có thể tổn hại tới những ưu tiên trên.

Tuy vậy lựa chọn hành động như thế nào lại không chỉ phụ thuộc vào kỹ năng, nghiệp vụ, nguyên tắc nghề nghiệp… mà còn phụ thuộc vào sự nhạy cảm tinh tế và nhân văn tới từ đạo đức. Sự nhạy cảm ấy không chỉ toát ra trong hành động mà còn ở phong thái, cử chỉ, ngôn từ khi chúng ta hành động. Giá như anh nhân viên khách sạn 5 sao nói trên có thể bớt vồn vã, quyết liệt, dùng thiện ý để chỉ chỗ đứng thích hợp hơn cho những người khách trú mưa thay vì lớn tiếng quát tháo, thì có lẽ giữa tiếng mưa ồn ào không nghe rõ lời anh nói, người ngoài nhìn vào đỡ phải cảm thán và suy diễn theo chiều hướng tiêu cực.

Dù sao thì chúng ta cũng khác nhau, tôi không dám phán xét khi chưa có đầy đủ thông tin. Nhưng câu chuyện trên cũng là một việc tốt để tôi nhắc nhở bản thân trong mọi lựa chọn hành động sau này của mình rằng:

"Luôn có hai loại tư tưởng khác nhau: Loại hình thành từ cái đầu và loại xuất phát từ trái tim" - Alexandre Dumas

Thuần Dương

Bạn đang đọc bài viết: "Thấy gì từ chuyện khách sạn đuổi người trú mưa và siêu thị kê ghế cho người tránh nóng?" tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

 

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/mot-cau-noi-ac-y-co-the-lam-hao-ton-phuc-bao-ca-doi-nguoi_ab2e68952.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét