Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Kon Tum: Thủy điện chặn dòng, hơn 100 ha cây trồng thiếu nước

Kon Tum: Thủy điện chặn dòng, hơn 100 ha cây trồng thiếu nước https://ift.tt/2y8zz67

Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng ở thượng nguồn sông Đăk Snghé, khiến hàng trăm héc ta cây trồng đứng trước nguy cơ chết héo.

Nhiều ngày qua, hàng chục hộ dân tại thôn 3, xã Tân Lập, H.Kon Rẫy (Kon Tum) lo lắng khi hàng trăm héc ta cây trồng đứng trước nguy cơ chết héo. 

Bà Doãn Thị Nhâm (thôn 3, xã Tân Lập) nói trên báo VnExpress, gia đình bà canh tác 1,3 ha lúa. Đã hơn 20 năm nay, tất cả diện tích lúa của gia đình bà đều dựa vào nguồn nước từ sông Đăk Snghé. Thế nhưng hơn 20 ngày qua, dòng nước đổ về kênh dẫn ra ruộng bỗng cạn kiệt. Hơn 1 ha lúa của gia đình bà chết héo, còn lại 3 sào thì đang có dấu hiệu vàng úa.

“Theo tìm hiểu của chúng tôi, kể từ khi Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng thì kênh nước dẫn ra đồng cũng bắt đầu cạn nước”, bà Nhâm nói.

Không chỉ có diện tích lúa bị ảnh hưởng, hàng trăm héc ta cà phê, hoa màu của người dân thôn 3 cũng đang héo rũ vì thiếu nước tưới.

Ông Đặng Văn Thương cho biết gia đình ông có 6 ha cà phê, trong đó 1 ha cà phê mới trồng năm ngoái vừa bén rễ, nhưng do thiếu nước đã chết khô. 5 ha cà phê đang vào độ thu hoạch cũng đang héo rũ.

“Gia đình tôi vay hơn 700 triệu đồng để đầu tư vào vườn cà phê này. Với tình cảnh ruộng rẫy chết khô kiểu này, bà con đối mặt nguy cơ sạt nghiệp vì không biết lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng”, ông Thương lo lắng.

[caption id="attachment_1412973" align="alignnone" width="700"] Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.[/caption]

Cũng trong tình cảnh tương tự, vườn cà phê rộng 2,5 ha của ông Trần Văn Trường, 60 tuổi, đang héo rũ, nhiều cây thiếu nước đã chết khô. Vườn cà phê của ông Trường nằm cách xa kênh thủy lợi, nếu muốn tưới phải chuẩn bị từ sớm. Ông dự tính ngày mai sẽ đưa máy ra bơm nước tưới cây. 

Ông Trường kể, 14 năm trồng cà phê, chưa có mùa vụ nào thiếu nước trầm trọng như năm nay. Tuần trước, ông cùng dân làng dùng bao cát chặn dòng suối, nhưng bơm được vài sào đã trơ đáy. "Nếu tình trạng này còn kéo dài, cây trồng sẽ chết, thậm chí giếng nước sinh hoạt cũng không có", ông Trường lo lắng.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thanh - Phó ban Quản lý dự án Công ty thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (đơn vị chủ quản Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum), cho hay thủy điện Đăk Ne là đơn vị chịu trách nhiệm về việc cây trồng của người dân thiếu nước tưới.

Theo ông Thanh, ngày 26/2 thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu chặn dòng, tích nước. Trong vòng 2 tháng nước mới lên đến mực nước chết, sau đó mới chảy xuống ống xả môi trường và trả ra dòng sông theo quy trình. “Trong thời điểm thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, Đăk Ne phải thường xuyên xả 1,29 m3/giây ra môi trường. Tuy nhiên, đơn vị này không thực hiện xả. Lỗi tại Đăk Ne chứ không phải tại thủy điện Thượng Kon Tum”, ông Thanh nói.

Riêng diện tích cây trồng của người dân bị ảnh hưởng do thiếu nước, ông Thanh thừa nhận phía thủy điện Thượng Kon Tum cũng có một phần trách nhiệm.

Còn ông Hồ Thanh Tiến - Trưởng phòng Kỹ thuật - Công ty CP đầu tư năng lượng Trường Thịnh (đơn vị chủ quản Nhà máy thủy điện Đăk Ne), lại cho rằng cây trồng của người dân không đủ nước tưới là do tác động của thủy điện Thượng Kon Tum. Theo ông Tiến, khi thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước thì dòng sông chính hầu như khô hạn. Trước đây lưu lượng nước chảy về thủy điện Đăk Ne từ 10-12 m3/giây nhưng hiện lưu lượng nước đổ về chưa tới 1 m3/giây, và nguồn nước này chủ yếu từ các con suối, khe ở trên núi chảy về.

Báo VnExpress dẫn thống kê của xã Tân Lập, hiện thôn 3 có hơn 100 ha cây trồng gồm 92 ha cà phê, hơn 9 ha cây ăn trái, 5 ha hồ tiêu, 2 ha lúa bị héo úa do thiếu nước tưới.

Tây Nguyên đang trong mùa khô hạn, nhiều hồ đập cạn khô, ở mực nước chết. Hàng chục nghìn ha cây trồng thiếu nước tưới. Ở Kon Tum, những cánh đồng thiếu nước bắt đầu nứt toác, cây trồng cháy khô.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên năm nay còn kéo dài đến tháng 5, mực nước trên các sông xuống dần và ở mức thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt 25-75 % so với cùng kỳ, một số sông thiếu hụt trên 90%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét