Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Tin tổng hợp 2/3: Ca nghi nhiễm nCoV ở Việt Nam tăng vọt; Sơn Lôi sắp hết cách ly

Tin tổng hợp 2/3: Ca nghi nhiễm nCoV ở Việt Nam tăng vọt; Sơn Lôi sắp hết cách ly https://ift.tt/3cpfpUP

Kính chào quý vị đến với bản tin trong nước tổng hợp ngày 2/3 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay sẽ có những nội dung sau.

Ca nghi nhiễm nCoV ở Việt Nam tăng vọt

Tính đến 8h30 sáng 2/3, Việt Nam có 115 người nghi nhiễm nCoV đang được cách ly tại bệnh viện, nhiều nhất trong vòng một tháng qua. Trong một ngày, số người nghi nhiễm đã tăng thêm 34 ca. Theo VnExpress, tháng 2 ngày có nhiều người nghi nhiễm nhất là 105 ca.

Đối phó với làn sóng bùng dịch trên thế giới, Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng miễn thị thực đối với công dân Italy, bắt đầu từ 12h00 ngày 2/3/2020. Theo VOV, thông tin đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận.

Đưa gần 2 nghìn người Việt từ Hàn Quốc về nước

Chiều tối 1/3, 400 hành khách từ Hàn Quốc đã đáp xuống sân bay Vân Đồn – Quảng Ninh. Sau đó, tất cả được giám sát y tế và đưa về nơi cách ly bằng xe chuyên dụng.

Cùng ngày, sân bay Cần Thơ tiếp nhận 627 hành khách từ Hàn Quốc. Những người này được đưa về cách ly tại các khu quân sự ở Tây Nam Bộ. Theo Zing, sáng hôm nay 2/3, sân bay Cần Thơ đón thêm 550 khách từ Hàn Quốc.

Trong một giải pháp khẩn, ngày 1/3, giới chức Hàng không Việt Nam yêu cầu dừng tiếp nhận các chuyến bay từ Hàn Quốc về sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Lý do là 2 thành phố lớn có nguy cơ không đảm bảo được điều kiện cách ly y tế khi lượng người dồn về nước quá đông. Thay vào đó, các chuyến bay từ Hàn Quốc sẽ hạ cánh Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ.

Đối phó làn sóng công dân về nước tiếp tục tăng cao, Hà Nội đã chuẩn bị 5.000 giường bệnh và dự kiến bổ sung 1.200 giường; TP.HCM đang dựng khu cách ly tập trung thứ hai.

Nghe ngóng Nhật Bản chống dịch

So với Hàn Quốc, số lượng người Việt ở Nhật Bản cao hơn tới 1,5 lần. Theo công bố của Cục quản lý Xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản, đến tháng 6/2019, có hơn 371 nghìn người Việt Nam sinh sống tại nước này. Điều này khiến nhiều người Việt trong nước rất quan tâm đến việc chống dịch ở Nhật Bản.

Theo thông tin của VnEpress dẫn từ Bloomberg, Nhật Bản đang trở thành một trong những vùng bùng phát dịch Covid-19. Số bệnh nhân được báo cáo chính thức được cho chỉ là "phần nổi của tảng băng", báo hiệu dịch sẽ lây lan rộng hơn nhiều.

Điều đáng lo là phương pháp chẩn đoán của Nhật Bản. Một quan chức Y tế ở Tokyo, cho biết: "Đằng sau mỗi trường hợp dương tính được phát hiện là hàng trăm ca bệnh nhẹ bị bỏ qua". Ngành y tế nước này bị cho rằng đã bối rối trong khâu chuẩn bị, khiến nhiều bệnh viện phải từ chối xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 cho bệnh nhân.

Đến nay Nhật Bản không áp dụng lệnh cấm du lịch với công dân từ các khu vực tâm dịch như Trung Quốc, chưa hủy bỏ các sự kiện cộng đồng lớn. Nhiều người Tokyo tiếp tục đi làm trên những chuyến tàu chật cứng.

Tính đến ngày 29/2, tổng số ca nhiễm được xác nhận ở Nhật Bản đã tăng lên thành 946 người.

Xã Sơn Lôi sắp hết cách ly

Sáng 2/3, ông Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nói với VnExpress sẽ gỡ bỏ cách ly với xã Sơn Lôi từ từ 0h ngày 4/3. Khi Sơn Lôi hết cách ly, lực lượng quân đội, công an, y tế cũng sẽ rút khỏi 12 chốt chặn bao quanh xã.

Ông Nguyễn Tuấn Minh - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên nói thêm, 20 ngày qua không ghi nhận ca bệnh mới ở Sơn Lôi. Hết cách ly, cuộc sống của người dân xã này trở lại bình thường, bao gồm việc đi lại ngoài địa bàn. Tuy nhiên, vẫn có nhân viên y tế giám sát xã Sơn Lôi để phòng dịch tái phát.

Trước đó, từ ngày 13/2, hơn 10.600 người dân Sơn Lôi bị cách ly, cấm ra khỏi xã.

Đề xuất sửa giá điện

Tuần qua, Bộ Công thương đề xuất sửa biểu giá điện theo hướng rút gọn còn 5 bậc thang (hiện nay là 6). Đề xuất này gồm 2 phương án, tạo ra dư âm đa chiều.

Theo VTV, phương án 1 thì với những hộ tiêu thụ 701 KWh/tháng trở lên phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng. 

Phương án 2, các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 200-300 KWh/tháng và từ 701 KWh/tháng trở lên phải trả tăng thêm khoảng từ 6.000-14.000 đồng/hộ/tháng. Mức tăng giá giữa các bậc là không đồng đều.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói, khó có thể có một biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt nào thỏa mãn được cho tất cả các hộ tiêu dùng, mỗi phương án đều có ưu nhược điểm riêng. Phương án nhà quản lý đưa ra là giảm giá điện cho nhóm khách hàng này thì phải tăng giá điện của nhóm khác lên bù đắp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét