Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

Ông Tập Cận Bình điều nhân vật chủ chốt tới Tân Cương và Hồng Kông trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà

Ông Tập Cận Bình điều nhân vật chủ chốt tới Tân Cương và Hồng Kông trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà https://ift.tt/2ytvkyZ

Chủ tịch Tập Cận Bình đã điều Uỷ viên thứ tư Uông Dương và Uỷ viên thứ bảy Hàn Chính của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tới Tân Cương và Hồng Kông để xử lý những bất ổn trước mắt.

Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Katsuji Nakazawa đã có bài phân tích trên trang Nikkei về động thái của ông Tập Cận Bình trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà. Đây là cuộc họp dành cho các nhà lãnh đạo đương chức và các cố vấn lão thành vào mùa hè hàng năm. Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề quan trọng cho đến giữa tháng 8 tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Bắc Đới Hà, cách thủ đô vài giờ lái xe.

Trước thềm hội nghị, ngày 16/7, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết ông Uông Dương, Ủy viên thứ tư Ban thường vụ Bộ Chính trị, đã tham dự một hội nghị 3 ngày tại quận Hòa Điền của khu tự trị Tân Cương. Ông Uông là Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Điều khiến những người quan tâm thực sự chú ý là cách ông Uông được CCTV giới thiệu, với tư cách là người đứng đầu Tổ Công tác Điều phối Tân Cương của Ủy ban Trung ương. Đây là lần đầu tiên CCTV giới thiệu ông Uông theo cách này.

Chính sách linh hoạt hơn về Tân Cương thể hiện qua cách chọn nhân sự của ông Tập?

Đã 10 năm kể từ khi Tân Cương chứng kiến ​​cuộc đụng độ lớn giữa người Hán và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Urmuqi. Theo chuyên gia Nakazawa, căng thẳng trong khu vực đang chực bùng nổ, và các nước phương Tây hiện cáo buộc Trung Quốc đang giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị.

Một nhóm gồm 22 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ và Pháp, vào đầu tháng 6 đã gửi thư cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc bày tỏ mối quan ngại về việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ.

Trong bối cảnh đó, ông Uông đã được chọn để "điều phối" về các vấn đề Tân Cương.  

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/tai-sao-nguoi-dan-ong-duy-ngo-nhi-phai-dau-kho-thot-len-toi-tha-ban-me-va-vo-minh-con-hon_bf4d573f6.html"]

Ông Uông xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, nhưng không nằm trong nhóm các thành viên ưu tú nhất của tổ chức này, như Thủ tướng Lý Khắc Cường. Cựu lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đã chú ý tới Uông khi ông còn là một lãnh đạo trẻ ở tỉnh An Huy và thăng chức cho ông.

Chính chức vụ này đã mang đến cho ông Uông một vị trí đặc biệt trong mối quan hệ với ông Tập Cận Bình. Ông Uông không được xem là một đại diện của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, một tổ chức mà Chủ tịch Tập đã coi là lực lượng đối địch. Bên cạnh đó, ông Uông cũng không phải là một thành viên trong "nhóm hạt nhân" của ông Tập.

"Để hiểu ý nghĩa của sự bổ nhiệm này, hãy nhìn vào những người tham dự hội nghị Hòa Điền, cũng như tình hình của Trung Quốc trên diễn đàn quốc tế", một nguồn tin chính trị am hiểu các vấn đề dân tộc thiểu số ở Trung Quốc cho hay.

Trong số những người tham gia hội nghị kéo dài ba ngày có Trần Toàn Quốc, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và là một trong 25 thành viên Bộ Chính trị. Ông cũng từng là quan chức hàng đầu của Khu tự trị Tây Tạng với rất nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề dân tộc thiểu số. Ông đã thu hút được nhiều sự chú ý của quốc tế như là một người rất dứt khoát, kiên quyết với lập trường của mình.

Ngày 16/7, CCTV đã phát sóng cảnh ông Uông và ông Trần tham dự hội nghị Hòa Điền, và cũng trong ngày hôm đó đài này đưa tin hội nghị cấp bộ trưởng về tự do tôn giáo đã được tiến hành ở Washington.

Người phát ngôn thuộc đảng Dân chủ của Nhà Trắng, bà Nancy Pelosi đã yêu cầu ông Trần phải chịu các biện pháp trừng phạt với tư cách là một cá nhân, chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Theo các biện pháp trừng phạt dựa trên Đạo luật Magnitsky có hiệu lực toàn cầu, ông Trần sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ, và tài sản của ông trên quốc gia này, nếu có, sẽ bị đóng băng.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng tăng cường chỉ trích về việc đàn áp tôn giáo của Trung Quốc. Trong hội nghị ở Washington, Phó Tổng thống Mike Pence đã phát biểu "Tại Tân Cương, Đảng Cộng sản đã bỏ tù hơn một triệu người Hồi giáo Trung Quốc, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ, trong các trại thực tập, nơi họ chịu đựng việc tẩy não suốt ngày đêm".

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo thậm chí tuyên bố một cách gay gắt hơn, rằng "Trung Quốc là quốc gia của một trong những cuộc khủng hoảng nhân quyền tồi tệ nhất của thời đại chúng ta. ... Đó thực sự là vết nhơ của thế kỷ".

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/chinh-quyen-trump-tham-hoa-nhan-quyen-trung-quoc-la-vet-nho-the-ky_cfb9a7275.html"]

Bắc Kinh không muốn vấn đề người Duy Ngô Nhĩ trở thành một yếu tố làm gia tăng thêm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Đây là lý do tại sao ông Uông - người mà phương Tây nhớ đến với vai trò là người đứng đầu Đối thoại Chiến lược và kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc, chứ không phải ông Trần, người đã tạo ấn tượng không mấy tích cực trong mắt phương Tây, đứng ra giải quyết các vấn đề ở Tân Cương.

Tuy nhiên, điều này không nhất thiết báo hiệu rằng Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách đối với các vấn đề Tân Cương theo hướng linh hoạt hơn. Đối phó với các dân tộc thiểu số sẽ vẫn là một vấn đề trung tâm để duy trì sự ổn định của chính quyền Trung Quốc, Nikkei cho hay.

Dập tắt "ngọn lửa Hồng Kông"?

Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung Quốc hiện còn phải đối mặt với một vấn đề quan trọng hơn: Hồng Kông.

Thuộc địa cũ của Anh đã trải qua một loạt các cuộc biểu tình lớn chống lại dự luật dẫn độ của chính quyền địa phương. Chủ nhật (21/7), một số người biểu tình trẻ tuổi đã nhắm vào văn phòng đại diện của chính phủ Trung Quốc tại Hồng Kông. Một bài báo trên trang nhất Nhật báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, ngày hôm sau đã lên án vụ tấn công là "một thách thức trắng trợn đối với chính quyền trung ương".

Một đoạn video quay cảnh những người đàn ông mặc áo trắng tấn công người biểu tình bằng dùi cui tại một nhà ga ở Hồng Kông đã được lan truyền nhanh chóng và thu hút được sự chú ý của nhiều người, khiến cả thành phố chấn động.

Chưa thể nhìn thấy điểm kết thúc của tình trạng bất ổn này, Hàn Chính, Ủy viên thứ bảy Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đã đến Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, nằm sát Hồng Kông, để chỉ huy trong khi liên lạc với các nhà lãnh đạo cấp cao của Hồng Kông. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt mà ông Hàn đã thực hiện "ít nhất hai lần" kể từ tháng 6, Nikkei dẫn một nguồn thông tin cho biết. Điều này cho thấy tình hình Hồng Kông nghiêm trọng như thế nào. Một số người gọi đó là "cuộc khủng hoảng tháng 7".

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/tai-lieu-mat-bi-ro-ri-bac-kinh-thap-thom-khong-yen-truoc-tinh-hinh-hong-kong_defdd6d55.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét