Hãng tin AFP cho biết, trong một cuộc mít tinh vận động tranh cử cho bà Thái Anh Văn, một người Hồng Kông là Karen Leung thở dài: "Chúng tôi muốn có cuộc bầu cử như thế này".
Leung là một trong những vị khách du lịch đến Đài Loan trong tuần này để chứng kiến một điều mà chính quyền Hồng Kông từ chối - quyền bầu cử phổ quát.
Tổng thống đương nhiệm Thái Anh Văn, người ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai, liên tục nhấn mạnh rằng 7 tháng biểu tình dân chủ ở Hồng Kông là một lời cảnh báo cho những gì có thể xảy ra ở Đài Loan nếu Bắc Kinh một ngày nào đó kiểm soát hòn đảo. Đối thủ của bà, ông Hàn Quốc Du có lập trường thân thiện hơn với chính quyền Trung Quốc.
Nhiều ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Đài Loan và cơ quan lập pháp vào 11/1, người Hồng Kông xuất hiện ngày càng nhiều tại các cuộc mít tinh của bà Thái.
"Tôi cảm thấy có hy vọng ở nơi đây (Đài Loan)", kế toán viên Leung, 26 tuổi bày tỏ sau khi nhận được một chiếc túi có in khẩu hiệu phong trào dân chủ của Hồng Kông tại một gian hàng bên lề cuộc vận động cuối cùng của bà Thái vào tối thứ Sáu (10/1).
"Đài Loan có sự tự do và họ đang đối mặt với Trung Quốc", cô nói thêm.
Các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông từ lâu đã duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Đài Loan - một trong những nơi được hưởng sự tự do lớn nhất ở châu Á. Nhiều tháng biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông ngày càng thu hút sự quan tâm của hòn đảo tự trị. "Hồng Kông hôm nay, Đài Loan ngày mai" đã trở thành một khẩu hiệu phổ biến của những người ủng hộ Đảng Dân tiến (DPP) của bà Thái.
Kyle, một thanh niên Hồng Kông 26 tuổi, tham gia cuộc mít tinh tối thứ Sáu của bà Thái, cho biết anh được truyền cảm hứng từ việc Đài Loan rũ bỏ chế độ độc tài dưới thời lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch và cũng chống lại áp lực từ chính quyền Bắc Kinh.
"Người dân Đài Loan đã đổ máu và thậm chí hy sinh mạng sống của họ cho đến khi có được dân chủ", anh nói.
"Ở Hồng Kông, chúng tôi chỉ phải vật lộn trong vài năm để đấu tranh cho dân chủ, vì vậy không có lý do gì để chúng tôi từ bỏ nhanh như vậy", Kyle chia sẻ.
Chính quyền của bà Thái Anh Văn từng tuyên bố tiếp nhận người biểu tình Hồng Kông tị nạn chính trị, trong khi đó người dân Đài Loan gửi mặt nạ phòng độc và mũ bảo hiểm cho người biểu tình.
"Phong trào trong năm qua đã đưa Hồng Kông và Đài Loan đến gần hơn", Ivy, một nhân viên xã hội 36 tuổi đến từ thành phố Hương Cảng nói.
Một vài lá cờ và các khẩu hiệu biểu tình của người Hồng Kông đã xuất hiện tại các cuộc mít tinh của bà Thái. Khi bà Thái có mặt vào tối 9/1, đám đông đã hô vang: "Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta".
Một số người Đài Loan thậm chí còn mặc trang phục giống như những người biểu tình Hồng Kông.
Một thanh niên 19 tuổi họ Lu đã đội mũ bảo hiểm màu vàng - một biểu tượng của phong trào dân chủ Hồng Kông và cầm một tấm bảng kêu gọi những người trẻ tuổi đi bỏ phiếu.
"Tôi đang thể hiện sự ủng hộ đối với những người biểu tình Hồng Kông ở tuyến đầu", anh nói. "Tôi lo những gì đang xảy ra ở Hồng Kông có thể xảy ra ở Đài Loan".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét