Thầy Trần Mậu Minh là nhà giáo có nhiều đổi mới, những sáng tạo cách đây 30 năm của thầy đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đang được ứng dụng rộng rãi trong dạy học.
Những năm 1990, công nghệ thông tin ở nước ta chưa phát triển, sau chuyến tham quan học tập ở Singapore, Sở Giáo dục - Đào tạo Tp.HCM đã quyết định mở lớp tin học cho cán bộ của các phòng giáo dục. Là một trong những người được học công nghệ thông tin cũng đồng thời là Giám đốc phòng thí nghiệm thực hành Quận 1 kiêm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng giáo dục, thầy Trần Mậu Minh đã mở Trung tâm tin học Quận 1. Ban đầu, thầy Minh đi xin từng cái máy tính cũ về trang bị cơ sở vật chất cho trung tâm. Sau này, nơi đây chính là cơ sở xử lý các số liệu thi cử của sở giáo dục.
Thầy Minh cũng chính là người khai sinh ra giáo án điện tử, một công cụ dạy học được sử dụng rộng rãi ngày nay. Trường THCS Chu Văn An, nơi thầy Minh làm hiệu trưởng, là trường đầu tiên mở ra chương trình làm giáo án điện tử. Thầy đã mở lớp dạy giáo viên từ cách thiết kế tới soạn bài rồi vận động mua cơ sở vật chất. Việc làm được lan rộng, Phòng giáo dục Quận 1 yêu cầu thầy Minh mở lớp cho giáo viên của quận, còn Trường THCS Chu Văn An trở thành trường có nhiều giáo án xuất sắc nhất thành phố.
Rời Trường THCS Chu Văn An tới Trường THCS Trần Văn Ơn công tác những năm trước lúc nghỉ hưu, thầy Minh lại mang phương pháp dạy học trực tuyến E- Learning và phương pháp học qua dự án đến.
Bên cạnh đó, thầy Minh không đánh giá hạnh kiểm học sinh theo Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT mà làm theo cách riêng. Lúc thầy làm quản lý các trường, học sinh nào cũng mặc nhiên có hạnh kiểm tốt nhưng các em phải biết cách để bảo vệ điều này. Đầu học kỳ, các em sẽ được tặng 30 điểm tương đương hạnh kiểm tốt nhưng nếu vi phạm thì bị trừ và làm tốt sẽ được cộng.
Với cách đánh giá này, sau một học kỳ em nào được 27 điểm trở lên là hạnh kiểm tốt, 21-27 là khá, 15-21 là trung bình khá, dưới 15 là trung bình. Đầu học kỳ sau, học sinh lại có 30 điểm nên không bị mặc cảm, tự ti.
[caption id="attachment_1281110" align="alignnone" width="1192"] Chân dung người thầy luôn nghĩ cho học sinh của mình (ảnh: Vietnamnet).[/caption]
Có một câu chuyện hài hước thầy kể lại khi áp dụng cách đánh giá này, học trò có nhiều mẹo để kiếm điểm cộng. Có những em do vi phạm khiến bị trừ nhiều điểm và sẽ bị hạnh kiểm thấp nên tìm cách để nâng lên, bằng cách nhờ bạn đánh rơi tiền rồi nhặt trả lại. Các em báo với giám thị là cộng điểm với lý do người tốt việc tốt.
Thầy cười nói với PV Vietnamnet: "Lúc giám thị phát hiện báo cho tôi nhưng tôi bảo vẫn cộng cho chúng vì dù sao cũng đã biết việc nào nên việc nào không nên để sửa đổi. Thường thì tôi cho học sinh thời gian cố gắng sửa chữa, cuối học kỳ hủy quyết định kỷ luật cho học sinh để không ghi vào học bạ".
Nghỉ hưu đã 7 năm nay, nhìn lại những việc đã làm, người thầy giáo già cảm thấy hạnh phúc, thấy sống xứng đáng với cuộc đời. Còn với nhiều thế hệ học sinh Sài Gòn, hình ảnh thầy giáo Trần Mậu Minh nhân hậu, thân thiện là cả một miền ký ức đẹp.
Video xem thêm: Vinh danh một nửa thế giới: Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Vệ, người lo trước cái lo của người khác
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/vinh-danh-mot-nua-the-gioi-thay-thuoc-uu-tu-nguyen-thi-ve-nguoi-lo-truoc-cai-lo-cua-nguoi-khac_c5f6397e2.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét