Từ xưa tới nay, việc dạy học chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Trong xã hội ngày nay, những đứa trẻ lại càng bướng bỉnh và khó bảo hơn bao giờ hết; và đôi khi các thầy cô vì giận quá mà phạm sai lầm. Nhưng mà học trò vốn cứng đầu, hiếm khi chịu khuất phục bởi hình phạt. Vậy nên, nếu thầy cô có thể dùng tấm lòng bao dung và nhẫn nại để đối đãi, chúng chắc chắn sẽ bị cảm hoá. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Hôm trước, tranh thủ Thầy dạy Anh văn cũng là thầy chủ nhiệm đang tiếp khách ngoài cửa lớp, nó và mấy đứa bạn bèn ào lên bàn coi điểm số học bạ thầy chuẩn bị phát cuối giờ. Học sinh mà, lúc nào cũng háo hức muốn biết trước điểm số. Thầy vào bất ngờ, mấy đứa chạy vội về chỗ, mặt xanh lét vì sợ. Thầy nhìn cả lớp, gọi nó lên bắt đứng quay lại, cầm thước kẻ vụt vào mông nó mấy cái.
Nó ấm ức bèn cãi lại:
- Sao thầy phạt mình em?
- Tôi phạt làm gương cho mấy em khác, em quỳ đó đến cuối giờ cho tôi.
Nó mặc kệ thầy nói, đi thẳng về chỗ ngồi, nhìn thầy giáo thách thức.
Thầy giáo mặt đỏ gay vì giận, chỉ mặt nó nói lớn:
- Tôi sẽ đuổi học em một tuần, và cho điểm xấu về hạnh kiểm. Hôm nào đi học lại, em mời phụ huynh lên gặp tôi.
Tan học, về đến nhà, nhìn mẹ nó ngồi may lọc cọc bên máy, mồ hôi lấm tấm dù quạt vẫn mở, nó chào mẹ rồi đi lên gác cất cặp, không dám kể gì chuyện ở lớp. Nó bắt đầu hối hận về sự bướng bỉnh của mình. Nếu mẹ biết chuyện chắc bà sẽ không sống nổi. Ba mất từ khi nó còn bé xíu, nó là tất cả hi vọng và cuộc sống của mẹ. Ngày mai nó sẽ đi đâu trong giờ học để mẹ không biết nó bị đuổi học.
Ngày đầu tiên bị đuổi học, nó đạp xe lang thang khắp nơi rồi tắp vào một ngôi chùa ngồi nghỉ chân cho đến giờ về, nghĩ bụng "Mai lại vào đây thôi, chẳng còn chỗ nào để đi nữa".
[caption id="attachment_1284688" align="aligncenter" width="640"] Nó không được đến trường, chẳng biết đi đâu cho hết buổi (ảnh minh hoạ: Dân Trí).[/caption]
Nó đến chùa nghỉ chân ngày thứ ba thì gặp cô, hôm đó cô đi họp buổi trưa, sáng rảnh tranh thủ ghé vào chùa làm công quả. Cô bước lại gần nó mới nhận ra cô, vì có nhiều lần đi ngang phòng giáo viên nó đã thấy cô, nó bối rối, còn cô thì ngạc nhiên:
- Sao em lại ở đây, giờ là giờ học mà? Em ở lớp nào?
Nó kể lại câu chuyện cho cô nghe. Cô sực nhớ tới trường hợp em học sinh bị đuổi học mà Ban Giám Hiệu thông báo toàn trường. Cô đang được bàn giao vị trí hiệu trưởng, quyết định hôm đó vẫn là hiệu trưởng cũ, nhưng cô thì không muốn như vậy. Cô ngồi xuống nhỏ nhẹ:
- Em không dám nói cho ba mẹ biết hả? Rồi hết thời gian bị đuổi, ai sẽ thay phụ huynh của em lên gặp thầy?
Tới đây tự nhiên nước mắt nó chảy dài:
- Cô thấy thầy H vô lý với em không? Ba em mất rồi, em không muốn mẹ em buồn nên em giấu, chứ không là em bỏ học luôn cô à. Còn việc mời phụ huynh, đến ngày đó em tính sau.
- Mai em đừng vào đây nữa. Sáng mai em vào phòng giáo viên gặp cô nhé.
- Thôi cô, em không muốn cô thầy vì em mà mất lòng.
Nó không hề không biết rằng cô chuẩn bị làm Hiệu trưởng và đây là việc đầu tiên cô muốn giải quyết sau khi nhậm chức.
***
Thầy H vừa bước vào phòng giáo viên đã thấy cô ngồi chờ, thầy chào cô và hỏi:
- Chuẩn bị lên làm Hiệu trưởng rồi, chị sẽ bận rộn lắm đó.
- Cám ơn thầy đã quan tâm, tôi mời thầy vào đây để hỏi vụ đuổi học em Dũng. Hôm đó tôi không có nhà trường và chỉ nghe báo cáo lại.
- À, thằng bé đó lì lợm lắm chị, tôi đang đánh giá nó vào hàng học sinh cá biệt đó.
- Tôi nhìn học bạ em ấy, thấy học sinh giỏi mấy năm.
- Chẳng biết sao nó học thì được nhưng hỗn láo...
Thầy tính nói tiếp, cô chặn lại bằng câu hỏi:
- Em ấy làm gì mà bị đuổi học?
- Nó làm sai. Tôi bắt nó quỳ thì nó phản đối, còn tỏ ra thách thức với tôi. Đó là coi thường thầy giáo trước mặt cả lớp.
Cô nói tiếp:
- Thầy là giáo viên chủ nhiệm mà vô tình với học sinh quá. Em ấy đang tuổi mới lớn, bướng bỉnh một chút cũng có thể thông cảm được. Thầy lẽ nào không thể đặt mình vào vị trí của học trò mà suy nghĩ cho chúng một chút. Thầy hãy về và xem lại hành động của mình đúng hay sai. Tôi lấy quyền Hiệu trưởng phê bình thầy. Hôm nào họp giáo viên chúng ta sẽ bàn về việc này cụ thể hơn. Mai tôi sẽ thông báo toàn trường hủy phạt.
***
Buổi tối hôm đó, cô có khách, người phụ nữ gọi điện xưng là mẹ em Dũng, xin được gặp cô.
Chị tới với nắm thuốc ngủ mấy chục viên, nước mắt giàn giụa, nói không kịp nghỉ:
- Cảm ơn cô nhiều lắm, tôi mang ơn cô, suýt nữa tôi mất đứa con duy nhất. Con tôi chuẩn bị sẵn thuốc ngủ để bỏ tôi, nó nói nó sẽ tự tử khi đến ngày mời phụ huynh. Nó nói nhờ gặp cô, nó mới chần chừ chưa uống thuốc...
- Sao chị phát hiện ra cháu có ý định này?
- Cô biết không, tôi bị mất mấy cái cổ áo, nghĩ mình hốt bỏ rác bị lộn, tôi bới thùng rác thì thấy đống thuốc này, tôi hoảng sợ hỏi con thì nó mới kể hết cho tôi nghe. Tôi biết ơn ông trời đã cho nó gặp cô trong ngôi chùa đó. Cảm ơn cô đã nói chuyện với nó.
[caption id="attachment_1243223" align="aligncenter" width="700"] Cậu bé đã bỏ ý định tự vẫn nhờ sự quan tâm kịp thời của cô giáo (ảnh minh hoạ).[/caption]
Nói rồi người mẹ đó nước mắt nhiều hơn, luôn miệng cảm ơn cô.
- Thôi chị đừng khóc nữa, cũng may chưa có chuyện gì xảy ra với cháu. Tôi thay mặt nhà trường xin lỗi chị và cháu. Chúng tôi sẽ quan tâm đến cháu nhiều hơn.
Tiễn người mẹ đó ra cổng, nhìn ánh trăng sáng tận mái hiên, cô thấy mình thật may mắn. Ngày mai, trong cuộc họp toàn thể giáo viên, cô sẽ kể lại câu chuyện này. Cô không muốn những câu chuyện như vậy lại tiếp diễn, đã đến lúc cô cần thay đổi cách suy nghĩ của các giáo viên trong trường về việc xử phạt học sinh. Suýt chút nữa thì một đứa trẻ phải ra đi oan ức vì sự vô tâm của người lớn...
Trăng sáng như vậy ngày mai nắng nhiều lắm đây...
Video xem thêm: Các giáo viên và học sinh rất xúc động bởi những gì tôi chia sẻ. Chuyện kể của người phụ nữ Đức chuyên ngành nghệ thuật và điêu khắc.
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/cac-giao-vien-va-hoc-sinh-rat-xuc-dong-boi-nhung-gi-toi-chia-se-chuyen-ke-cua-nguoi-phu-nu-duc-chuyen-nganh-nghe-thuat-va-dieu-khac_b0df01bc6.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét