Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Cái chết của Thương Ưởng là tự làm tự chịu, tự "đào hố chôn mình" (1). Sự hà khắc tàn bạo của ông nhất thời có thể khiến Tần quốc "nước giàu binh mạnh" nhưng vì ông lạm sát vô cớ, hành sự trái đạo nên cuối cùng gặp đại họa.
Vì pháp luật Thương Ưởng chế định quá hà khắc nên khi tháo chạy, ông không tìm được chỗ trú chân. Vì Thương Ưởng lừa mưu đoạt Tây Hà nên đắc tội với nước Ngụy, nên không được dung nạp ở nơi đó. Vì Thương Ưởng tính mưu phản nên bị diệt cả gia tộc. Thương Ưởng liên tục nhận phải những báo ứng do tội lỗi mà mình đã gây ra.
Bốn sai lầm của Thương Ưởng
Một người sống trên đời, điều quan trọng không phải là làm việc mà là làm người. Thương Ưởng làm người rất sai lầm, điều này thể hiện ở bốn phương diện sau.
Điểm đầu tiên, Thương Ưởng rất ngang bướng cố chấp, tự cho mình là đúng. Ông không nghe những lời khuyên ngăn từ người khác, kể cả những lời nói từ tận đáy lòng của Triệu Lương. Tần Hiếu công bệnh mất nên Thái tử là người kế vị, mà trước đây ông đã đắc tội với Thái tử, đáng ra ông nên lo lắng về điều đó. Nhưng ông lại bình chân như vại, không biết tai họa sắp giáng xuống, lại còn tham luyến phú quý ở đất Thương - Ư. Ông ngang bướng, không nghe bất cứ lời khuyên nào. Đây là chỗ thất bại thứ nhất của ông.
Thứ hai, Thương Ưởng làm việc không để lại đường lui. Bạn đã biết Thái tử sẽ nối ngôi, tại sao lại đắc tội với người với đẳng cấp như thế, bắt hai người thầy của Thái tử thụ nhận hình phạt, một người bị cắt mũi còn người kia bị thích chữ lên mặt? Thương Ưởng không suy nghĩ đến bất cứ hậu quả nào, làm việc không để lại đường lui. Đây là điểm thứ hai.
Thứ ba, chúng ta phát hiện rằng Thương Ưởng không có bạn bè. Lúc ông bị xử tử, không có ai nói điều tốt về ông. Bách tính nước Tần hễ nghe lệnh bắt Thương Ưởng đều hăng hái lùng sục để bắt ông. Trong "Chiến Quốc Sách" có ghi rằng: "Thương quân bị bắt về, Huệ công dùng xe cho ngũ mã phanh thây, mà dân Tần không ai thương tiếc". Bách tính nước Tần không có ai thương tiếc ông, bởi vì ông đã biến mỗi người dân thành kẻ ngốc để bóc lột, nô dịch họ.
Thứ tư, trong mắt Thương Ưởng chỉ có công danh chứ không có đạo đức. Ông không hiểu giữa công danh và đạo đức là có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ông chiếm được Tây Hà, Bách Lý Hề cũng chiếm được Tây Hà, nhưng cách thức hai người dùng là khác nhau. Thương Ưởng dùng mưu lừa còn Bách Lý Hề dùng vương đạo. Vậy thì vương đạo và bá đạo (độc tài, chuyên chế) có gì khác nhau?
"Nội Thánh ngoại vương"
Chúng ta biết rằng Nho gia giảng vương đạo. Lý tưởng xã hội của Nho gia là "nội Thánh ngoại vương", bề ngoài một vị quân vương còn nội tâm là một vị Thánh hiền. Ví như vua Nghiêu, Thuấn, Thành Thang, Chu Văn Vương, Chu Võ Vương... là những vị "nội Thánh ngoại vương" điển hình. Quyền lực chính trị và trình độ đạo đức của họ là thống nhất. Đây là tư tưởng xã hội của Nho gia. Điều này rất giống với "quân vương cũng là hiền triết" (triết nhân vương) được giảng bởi triết gia Socrates thời Hy Lạp cổ.
[caption id="attachment_1399013" align="alignnone" width="577"] Tranh vẽ Socrates (ảnh: Wikimedia Commons).[/caption]
Trong tác "Lý tưởng quốc" (Cộng hòa) của Plato có một đoạn đối thoại giữa Socrates và Glaucon. Socrates có nói: "Triết học gia trở thành quốc vương, hoặc là những nhân vật nghiêm túc truy cầu trí tuệ mà tôi gọi là quốc vương hay người thống trị; quyền lực chính trị và trí tuệ của họ là hợp nhất. Đồng thời những người đó có thể tạo phúc cho dân chúng". Cũng chính là nói Socrates đề xướng thống nhất giữa quyền lực chính trị và trí tuệ. "Triết nhân vương" mà Socrates nói, không có ý nói triết gia trở thành quân vương, mà trong mắt Socrates, thì triết gia là người có trí tuệ lớn, có thể thấu tỏ quy luật vũ trụ, là người giải thích sâu sắc về những bí mật của thế giới.
Trong mắt của Socrates, những người bình thường trên thế giới chính là "người trong hang động", chỉ có thể thấy được những điều bên trong hang động. Ví như có một cây đèn ở phía sau, thì những người này chỉ thấy được bóng ảnh nhảy động trên bức tường chứ không biết được nguồn sáng để tạo ra bóng ảnh là từ nơi đâu. Họ cũng không biết thế giới bên ngoài hang động là như thế nào. Còn những triết gia là người vừa có thể thấy những gì trong hang, vừa có thể vượt ra khỏi giới hạn đó để thấy thế giới tự do bên ngoài, đem những điều bên ngoài đó nói cho những người trong hang.
Điều này rất giống với Nho giáo. Quân vương đồng thời cũng là Thánh nhân, lại dùng vương đạo để giáo hóa bách tính, đem một bộ quan niệm đạo đức truyền dạy cho những người bình thường, để những người phổ thông đó có cơ hội trở thành Thánh nhân.
Trước thời Xuân Thu, Tam Hoàng - Ngũ Đế (2) đều là người "nội Thánh ngoại vương", do đó phương thức trị quốc bằng đạo đức, lễ nghĩa của những vị đó rất được lòng người dân. Đến thời Xuân Thu, lễ băng nhạc hoại, đại đạo mờ dần, Trung Quốc tiến vào thời kỳ tận lực chinh phạt thiên hạ. Đến thời Chiến Quốc, giữa các quốc gia là thôn tính lẫn nhau và bỏ đạo đức sang một bên. Mỗi chư hầu đều "nước giàu binh mạnh" để chiếm đoạt lân bang, cho nên lúc này tư tưởng của Pháp gia mới có đất dụng võ.
Thương Ưởng vì không hiểu sự khác nhau giữa vương đạo và bá đạo nên mới so sánh mình với Bách Lý Hề. Hôm nay bàn về vương đạo và bá đạo (vương bá thù đồ - 王霸殊途), nên thuận tiện kể bốn câu chuyện liên quan đến Bách Lý Hề.
[caption id="attachment_1399023" align="alignnone" width="442"] Tranh vẽ Bách Lý Hề (ảnh chụp màn hình Youtube).[/caption]
Bách Lý Hề và câu chuyện "mượn đường diệt Quắc"
Câu chuyện thứ nhất là "mượn đường diệt Quắc". Bách Lý Hề là người đất Uyển của nước Sở, nay thuộc thành phố Nam Dương tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Thời trẻ Bách Lý Hề rất nghèo, đến 30 tuổi mới kết hôn. Thê tử của ông là Đỗ thị. Sau này vì gia đình thực sự quá nghèo, thê tử ông mới nói với ông rằng: "Dứt khoát ông phải ra ngoài xem xem có cơ hội để thi triển tài năng của mình". Lúc đó trong nhà không có đồ ăn, vợ ông lấy con gà mái duy nhất giết thịt, bổ cửa làm củi, hầm gà để cho Bách Lý Hề ăn một bữa no, sau đó tiễn ông lên đường.
Đầu tiên Bách Lý Hề đến nước Tống, sau đó đến nước Tề. Bởi vì ông không có người tiến cử nên thất vọng buồn bã vô cùng. Vì hoàn cảnh quá khó khăn nên ông đã xin ăn ở nước Tề. Khi đó ông gặp một người là Kiển Thúc. Kiển Thúc nói chuyện với Bách Lý Hề mới phát hiện Bách Lý Hề là một người có tài, thế là Kiển Thúc mới giúp Bách Lý Hề. Nhưng Kiển Thúc cũng rất nghèo, Bách Lý Hề tuy ở nhà Kiển Thúc nhưng nuôi trâu bò cho người ta. Ông chăm nuôi rất tốt nên trâu bò dê cừu đều rất béo tốt. Ông làm một thời gian rồi suy nghĩ, đại trượng phu chẳng lẽ như vậy mãi hay sao, nên đi ra ngoài làm quan. Thế là ông đến nước Ngu. Tài năng của ông được nước Ngu công nhận, do đó ông làm đến chức Trung Đại phu.
Nước Ngu là một quốc gia rất nhỏ, tiếp giáp với nước Tấn. Nước Tấn lại tiếp giáp với nước Quắc. Thời đó Tấn Hiến công của nước Tấn muốn diệt hai nước nhỏ là nước Ngu và nước Quắc nhưng hai nước đó lại chi viện lẫn nhau. Ông đánh nước Quắc thì nước Ngu cứu trợ, nếu ông đánh Ngu thì nước Quắc cứu trợ. Vậy làm thế nào đây? Tấn Hiến công đã nghĩ ra một kế.
Tấn Hiến công đã chuẩn bị vài con ngựa tốt và ngọc quý rất đẹp để tặng cho quân vương nước Ngu. Ông nói với quân vương nước Ngu rằng: "Hiện tại tôi muốn mượn đường của nước Ngu để chinh phạt nước Quắc, tôi đem ngựa quý và bảo ngọc đưa cho ngài, coi như phí mượn đường". Vua nước Ngu rất tham lam, thấy ngựa và ngọc thì vô cùng yêu thích, bèn chuẩn bị đáp ứng. Nhưng khi đó Đại phu Cung Chi Kỳ ngăn không cho quân vương nước Ngu làm chuyện đó.
Cung Chi Kỳ nói: "Mối quan hệ giữa hai nước Ngu - Quắc như môi với răng vậy. Môi hở thì răng lạnh. Nếu quân vương bán rẻ nước Quắc cho nước Tấn mượn đường, thì hễ nước Tấn diệt xong Quắc, e rằng Ngu quốc chúng ta cũng khó bảo toàn, nước Tấn cũng sẽ diệt nước Ngu ta mà thôi".
Kết quả quân vương nước Ngu không nghe Cung Chi Kỳ, vẫn đồng ý cho nước Tấn mượn đường. Nước Tấn sau khi diệt Quắc, quay lại diệt luôn cả nước Ngu. Câu chuyện này được lấy làm một kế trong "36 kế", gọi là "mượn đường diệt Quắc". Sự kiện này xảy ra năm 655 TCN.
Kẻ sĩ nên chọn quân chủ hiền minh
Bách Lý Hề khi đến nước Ngu làm Đại phu, Kiển Thúc đã khuyên ngăn ông rằng: "Hiện nay là thời loạn thế, có rất nhiều nước, do đó ông nhất định phải chọn quân chủ minh hiền mà thờ. Vì sao? Bởi vì thời loạn như vậy, nếu một quân chủ hồ đồ thì ắt có tai họa giáng xuống. Nếu ông đến nương nhờ người hồ đồ thì khi tai họa ập đến quốc gia, chẳng phải là ông cũng gặp đại nạn sao? Ông bị liên lụy vì ông biết quân chủ hồ đồ nhưng lại nương nhờ vị ấy, đây là bất trí (không lý trí). Nếu ông bỏ đi mà không chịu nạn với quốc vương, đây gọi là bất trung. Cho nên nếu ông chọn quân chủ hồ đồ thì chỉ có hai lựa chọn là bất trí và bất trung mà thôi".
Bách Lý Hề nói: "Vì tôi quá nghèo, tôi đã có cơ hội ở nước Ngu thì nên nắm lấy cơ hội đó". Ông đã đến nước Ngu làm Trung Đại phu. Ông cũng từng khuyên vua nước Ngu đừng cho nước Tấn mượn đường, nhưng quốc vương lại không nghe. Cuối cùng nước Ngu bị diệt, Bách Lý Hề cũng bị bắt giam trong ngục.
Quốc vương nước Tấn nghe nói Bách Lý Hề là người có thực tài mới thả ông ra khỏi ngục rồi thương lượng rằng: "Ông có muốn đến nước Tấn làm quan không?". Bách Lý Hề nói: "Tôi đã theo quân vương nước Ngu đã là bất tri rồi, nếu tôi đến nước Tấn làm quan tức là bỏ nước Ngu thì chẳng phải tôi thêm tội bất trung nữa hy sao". Vì vậy Bách Lý Hề cự tuyệt việc đến làm quan ở nước Tấn.
Vua Tấn nghe vậy biết rằng Bách Lý Hề không muốn đến nước Tấn làm quan. Làm thế nào đây? Khi đó nước Tấn có liên hôn (3) với nước Tần. Tấn Hiến công muốn gả con gái cho Tần Mục công, thế là ông lấy Bách Lý Hề làm một trong những... của hồi môn để đưa đến nước Tần. Bách Lý Hề thầm nghĩ: "Ta sắp 70 tuổi rồi, đến đó phải làm nô bộc là điều ta hoàn toàn không muốn". Thế là Bách Lý Hề đào thoát. Sau khi đào thoát, ông nhớ quê nên về nước Sở, thế là ông bị bắt tại đó.
Tần Mục công sau khi lấy con gái của Tấn Hiến công, phát hiện trong lễ vật mang đến thiếu mất cái tên... Bách Lý Hề. Tần Mục công biết Bách Lý Hề là người hiền tài nên không muốn mất đi một người như thế. Do đó Tần Mục công quyết tâm tìm bằng được Bách Lý Hề. Vậy Tần Mục công đã thương lượng bao nhiêu tiền để chuộc lại Bách Lý Hề? Mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch
Ghi chú:
(1) Nguyên gốc là: tác kiển tự phược - 作繭自縛: Tự làm tổ kén trói mình.
(2) Tam Hoàng - Ngũ Đế: Thời viễn cổ, vua Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế gọi là Tam Hoàng. Các vua Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn gọi là Ngũ Đế. Các văn hiến cổ ghi chép, Hoàng Đế là một trong Tam Hoàng, cũng đứng đầu Ngũ Đế.
(3) Liên hôn - 聯姻: liên minh với nhau thông qua hôn nhân.
Video: Dự ngôn bí ẩn: Con chim lông trắng báo hiệu vận mệnh Trung Quốc và Tập Cận Bình
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/du-ngon-bi-an-con-chim-long-trang-bao-hieu-van-menh-trung-quoc-va-tap-can-binh_410003a16.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét